TRUYỆN ĐƯỢC DỊCH HOÀN TOÀN MIỄN PHÍ, NHẰM THỎA MÃN NHU CÂU ĐỌC TRUYỆN CÁ NHÂN.


XIN VUI LÒNG KHÔNG MANG BẢN DỊCH ĐI NƠI KHÁC HAY SỬ DỤNG CHO MỤC ĐÍCH THƯƠNG MẠI KHI CHƯA CÓ SỰ ĐỒNG Ý CỦA CHỦ TRANG.



CÁM ƠN!!!

10.2 Đậu Chiêm Long

 Chương 10

THÔI LÃO ĐẠO KỂ CHUYỆN


2.

Qua ngày hôm sau, cổng thành phía Nam vô cùng náo nhiệt, không ít người nghe truyện đã chờ ở đây từ sáng sớm, tiên sinh mặt đỏ đi rồi, ngoại trừ Thôi Lão Đạo, Thiên Tân Vệ làm gì còn ai biết kể câu chuyện này, nghe truyện/xem kịch sợ nhất là có mở đầu mà không có kết thúc, mọi người bị “Đậu Chiêm Long Tầm Bảo” hấp dẫn đến bách trảo nạo tâm - ruột gan cồn cào, không thể kiềm chế, không ăn được cỏ linh chi, đành hái cẩu niệu đài*, nếu ông ta vẫn lấy “Nhạc Phi Truyện” gạt người, cùng lắm lại đánh cho một trận, một đám xoa tay hầm hè, chờ xem hôm nay Thôi Lão Đạo kể cái gì. 

 


Cẩu Niệu Đài - một loại nấm độc chuyên mọc ở những nơi ô uế, còn có tên là Quỷ Tán (dù ma)


Thôi Lão Đạo biết rõ, hôm nay không nghiêm túc kể chuyện, xem chừng rời nhà đứng thẳng về nhà nằm ngang. Hôm trước bận rộn đến nửa đêm, trời vừa sáng liền thức dậy, vội vàng chuẩn bị, có tiền cũng không rảnh ăn đồ ngon, bánh nguội cùng trà nóng, lại thêm nửa củ dưa chuột muối, qua loa cho xong bữa sáng, lục hòm tìm bộ đạo bào sạch sẽ lành lặn nhất, đầu đội Cửu lương quan, chân xỏ giày Như ý, dắt phất trần đuôi ngựa sau lưng, lấy một tờ giấy trắng, mài khối mực vỡ, liếm đầu bút lông, gạch gạch chấm chấm, múa tay ngoáy bút, bên phải viết một hàng chữ nhỏ “Kể chuyện dài kỳ - Tứ Thần Đấu Tam Yêu”, bên trái đề một hàng chữ to “Đậu Chiêm Long Tầm Bảo: Cửu Tử Thập Tam Tai”. Lại cạo cạo lu bột cả buổi, được chút bột mỳ trắng quấy thành hồ nhão, dán tờ giấy lên xe, coi như bảng thông báo. Thôi Lão Đạo hành nghề đúng là không dễ dàng, mình ông ta kiêm đủ mọi vị trí, từ ông chủ/tiểu nhị đến tiên sinh kể chuyện. Đẩy chiếc xe cót ca cót két ra khỏi nhà, lắc lư đến cổng thành phía Nam. Mới vừa dừng bước, xe còn chưa cố định, đã có một hai trăm người đổ xô đến. Thôi Lão Đạo thấy đông khách như vậy, lòng thầm đắc ý: “Hừ, tiểu tử họ Thái thực không phúc hậu, lúc trước ta bị người đánh đuổi, ngươi đứng sau cánh gà nhìn nửa ngày mới chịu ra, mẹ nó… tưởng ta không biết chắc?! Quân tử báo thù mười năm chưa muộn, giờ trả bao nhiêu tiền ta cũng không đến chỗ ngươi, phải giành lại những gì đã mất, bằng không ngươi cũng không biết nồi làm bằng sắt!”


Thực ra không cần làm gì hết, bởi từ khi ông ta diệt trừ tà ma trong ngọn đèn dầu, việc làm ăn của Thư tràng Thái Ký ngày càng ảm đạm, các Thư tràng khác đều chật kín người, trước cửa nhà hắn có thể giăng lưới bắt chim, bất luận mời vị tiên sinh nào, chỗ ngồi đều không thể lấp đầy. Sau này thật sự không thể chống đỡ, ông chủ Thái lâm vào đường cùng, bất đắc dĩ phải tự mình lên đài kể chuyện, bộ truyện sở trường có tên “Chôn sống Thôi Lão Đạo”, còn được gọi là Những câu chuyện có thật ở Thiên Tân!


Không bàn chuyện xảy ra sau này, lại nói đám đông vây quanh Thôi Lão Đạo càng nhiều, ông ta càng bình tĩnh, khom lưng nhặt hai cục gạch cố định bánh xe, tháo phất trần sau lưng, hướng về phía mọi người vái chào, miệng niệm đạo hiệu: “Vô lượng Thiên Tôn!” Rõ ràng trên xe dán hàng chữ “Đậu Chiêm Long Tầm Bảo: Cửu Tử Thập Tam Tai”, nhưng trong lòng người nghe lại không dám chắc chắn, lão đạo lỗ mũi trâu này miệng lưỡi trơn tuột, kể dăm ba câu nội dung chính, xem chừng lại bẻ lái, đưa bạn đến nơi nào không biết. Có người ồn ào hỏi: “Thôi đạo gia, tôi đã chờ không dưới ba bốn năm, hôm nay ngài chịu kể bộ truyện này sao?” Bên cạnh lại có người nhao nhao: “Thôi đạo gia, vì muốn nghe tiếp bộ Đậu Chiêm Long, suốt đêm qua tôi không thể ngủ ngon, trời chưa sáng đã ra cửa, từ Hà Đông đến cổng thành phía Nam cũng không gần, đi đến bắp chân tôi bị chuột rút, ngài cũng không thể để tôi về tay không một chuyến chứ!” Thôi Lão Đạo ra vẻ cao thâm, khẽ mỉm cười: “Bần đạo cố ý để dành bộ “Đậu Chiêm Long Tầm Bảo”… là vì sao? Là để các vị nghe xem, đồ đệ mặt đỏ của ta kể thế nào, sau đó lại nghe ta kể, đánh giá năng lực, biết cái gì gọi là ‘người so người tức chết, hàng so hàng muốn bỏ’. Không phải ta cậy thế bắt nạt người, chỉ riêng điểm này của hắn, thực uổng công bần đạo truyền thụ! Nếu ta kể tiếp, theo mạch truyện thì quyển thứ hai sẽ là “Cửu Tử Thập Tam Tai”, đáng tiếc quyển ‘Thất Can Bát Kim Cương’ hắn kể thiếu đầu cụt đuôi, rất nhiều đoạn không giải thích rõ ràng, ta không nói minh bạch, coi như các vị chưa từng nghe bộ truyện này…!”


Chợt có người chen ngang: “Thôi đạo gia, ngài không cần phùng má giả làm người mập? Vị tiên sinh kia kể có đầu có đuôi, còn buộc một nút thắt thật lớn cho phần tiếp theo, thế nào lại kêu là không đầy đủ?” Thôi Lão Đạo dõng dạc nói: “Truyện ta kể trong khen chê còn giảng thiện ác, kiểu gì cũng là ở hiền gặp lành, ở ác gặp dữ, thế mới có tính khuyên răn dạy bảo, khiến người nghe rút ra bài học! Cái khác không nói, đơn cử như ân oán giữa Bạch Kiểm Lang và nhà họ Đậu. Đậu Kính Sơn thân là chủ nhân Can Tử Bang, chẳng qua nuôi vợ bé bên ngoài, thời xưa kẻ có tiền tam thê tứ thiếp là chuyện bình thường, trong ngoài thành Thiên Tân chỗ nào chẳng có, hắn chưa từng làm việc ác, không giết người phóng hỏa, càng không ném con cái nhà ai xuống giếng, kết cục lại rơi vào cảnh dẫn sói vào nhà, tai họa bất ngờ, thế có phải chết oan chết uổng hay không? Để bần đạo nói các vị nghe, thực sự không oan chút nào! Không kể việc người này cậy thế bắt nạt kẻ yếu trong làm ăn, cấu kết tham quan, hãy nhìn những việc hắn làm với gia đình thì biết, bỏ mặc vợ con một mình chạy trốn, thấy cả nhà chết oan chết uổng cũng không thương tâm, đến khi biết sáu lu vàng không còn mới hộc máu mà chết, đủ thấy người này tham tài phụ nghĩa, đương nhiên ông trời không dung thứ! Lại nói, trên đời này thiếu gì kẻ giàu có, vì sao Bạch Kiểm Lang không đi cướp của Trương Tam/Lý Tứ/Vương Ngũ/Triệu Lục, mà nhất định phải là nhà Đậu Kính Sơn - ông chủ Can Tử Bang? Trước sau hai lần huyết tẩy Đậu Gia Trang, thù này lớn đến mức nào? Bạch Kiểm Lang giết người như ma, lại cướp sáu lu vàng, làm đại tài chủ mấy chục năm ở quan ngoại, mặc dù sau cùng bị cắt đầu phanh thây, nhưng báo ứng này chẳng phải đến quá muộn sao? Thiết Ban Cưu đến từ đâu? Vì sao lạc vào Đậu Gia Trang? Miếu Thất Gia ở Đậu Gia Trang vì sao lại có? Còn nữa, trong từ đường nhà họ Đậu có bức ảnh tổ tông, chính là vị đã lưu lại cho con cháu đời sau sáu lu vành móng ngựa, cũng có một đôi mắt cú sáng quắc giống Đậu Chiêm Long, rốt cuộc ông ta có phải Lão Sàm Lao cưỡi lừa đen đi thu tro đốt vàng mã hay không? Nếu là cùng một người, vì sao Lão Sàm Lao lại được mô tả có đôi mắt chuột ti hí không thể mở to? Thế chẳng phải không phù hợp sao? Không dối gạt các vị, thật ra trong này còn có một đoạn nhân quả! Vẫn nói: ‘Kể chuyện không mở đầu, cả bộ không thông suốt’, cho nên bần đạo sẽ đem đoạn truyện này trở thành khúc dạo đầu, dẫn ra bộ “Cửu Tử Thập Tam Tai” tiếp theo, mau đến đây, để ta kể các vị nghe…”


Quả cân tuy nhỏ nặng ngàn cân, cối lớn hay nhỏ đều khó chuyển; gạch xanh rẻ đốt hoài không cháy, vàng đắt bao nhiêu cũng nóng chảy; trăn dài tám thước xuyên sơn động, rồng sinh bảy tấc bay lên không; anh hùng xuất xứ như cỏ dại, hào kiệt thời trẻ nhiều trắng tay! Mấy câu dạo đầu, chúng ta lại tiếp tục bộ truyện “Đậu Chiêm Long Tầm Bảo”: Những năm đầu triều Thanh, quân Bát Kỳ nhập quan, vương công quý tộc cưỡi ngựa khoanh đất, rất nhiều nông dân phải bỏ ruộng đồng, theo nghề buôn bán. Huyện Nhạc Đình cách thành Bắc Kinh không xa cũng vậy, địa chủ giàu có không vội giữ nhà giữ đất, tiền lưu trữ cũng đủ cho bọn họ ăn uống, không cần tha hương, thế nhưng dân nghèo sống nhờ đồng ruộng thì lại khác, nhiều người lưu lạc đầu đường xó chợ, xin ăn qua ngày, khá hơn một chút thì cầm cố gia súc nông cụ, chuyển qua bán hàng rong, gồng gánh khắp các hang cùng ngõ hẻm, không thì làm buôn bán nhỏ ở chợ. Chỉ tiếc “người xa quê thì rẻ, hàng xa quê thì đắt”, bán thổ sản tại địa phương lời lãi không nhiều, cùng lắm chỉ đủ ăn đủ mặc. Trong đó có người đầu óc linh hoạt, mua chuộc đội xe đưa cống phẩm dâng triều đình, chọn hàng hóa theo bọn họ đến quan ngoại buôn bán, dọc đường đi vượt núi băng rừng, sông sâu nước thẳm, đói ăn khát uống, ngày đi đêm nghỉ, nhiều lần gặp phải hổ báo sài lang, nguy hiểm tính mạng, bất quá đi một chuyến thu hoạch không nhỏ, đủ để nuôi sống già trẻ trong nhà, còn dựa vào hàng hoá chất lượng, giá cả phải chăng, lấy được danh tiếng ngàn vàng khó đổi. Người dân gọi khẩu âm khu vực Nhạc Đình là “Đài Nhi Khang”, kêu những người bán rong ở Nhạc Đình là “Lão Đài Nhi”, bất kể có họ là gì, tất cả đều cho cho rằng: người bán hàng nói giọng Đài Nhi Khang, đồ của họ chắc chắn là hàng thật!


Trong số rất nhiều người bán rong chạy đến Quan Đông, có một Đậu Lão Đài khôn khéo tháo vát, vóc dáng trung bình, khuôn mặt tròn, đôi mắt vừa đen vừa sáng, nhìn người sâu sắc hơn bình thường, bẩm sinh có khiếu làm kinh doanh. Năm ấy, khi Đậu Lão Đài hai mươi tuổi, phải ra ngoài buôn bán trong vòng một năm, vợ con ở nhà không ai chăm sóc, liền nhờ một người bạn thay mình trông nom gia đình. Người này họ Bạch, nhỏ hơn Đậu Lão Đài vài tuổi, mày rậm mắt hẹp, hàm râu quai nón, dáng người cao to, thân mình rắn chắc, tính tình trung hậu thật thà, từ nhỏ đã chơi với Đậu Lão Đài, hai người vào ra như hình với bóng, một cái màn thầu bẻ đôi, một bát cháo chia nhau húp, thậm chí còn mặc chung một cái quần, cho nên hắn mới yên tâm gửi vợ con cho người này.


Đậu Lão Đài lăn lộn bên ngoài mấy năm, quen đường quen lối, mua bán ngày càng thuận lợi, cuộc sống ổn định, tuy chưa đến mức giàu có, nhưng cũng không thiếu ăn mặc. Một lần hắn trở về từ quan ngoại, mời người họ Bạch này ra quán ăn uống. Đậu Lão Đài nói: “Nay ca ca ăn nên làm ra, cháu trai của chú cũng lớn rồi, trong nhà không cần người chiếu cố, chú lại độc thân không vướng bận, hay là theo ta ra ngoài buôn bán, kiếm ít bạc phòng thân, sau này cưới vợ sinh con, kéo dài hương khói.” Họ Bạch dựa vào đôi bàn tay to khoẻ, làm việc vặt cho người ta, không đến nỗi ăn bữa hôm lo bữa mai, nhưng mười ngày nửa tháng cũng không có được miếng thịt nào vào bụng, biết Đậu Lão Đài muốn dẫn mình ra ngoài buôn bán, đương nhiên vô cùng cảm kích, nâng chén rượu uống một hơi cạn sạch: “Được ca ca đề điểm, cho dù tan xương nát thịt cũng không đủ báo đáp!” Đậu Lão Đài cũng rất cao hứng: “Chú gọi tôi một tiếng ca ca, từ nhỏ tới lớn, chúng ta vẫn luôn coi nhau là anh em, vậy mà chưa từng kết bái, chẳng bằng nhân cơ hội này… kết nghĩa kim lan!” Hai người đều uống đến say mèm, sau khi trả tiền, khật khưỡng đi vào Miếu Thổ Địa gần đó, cắm ba cây nhang vào lư hương, quỳ xuống giơ tay lập thệ: “Dập đầu bái lạy mộ tổ tông, như cùng bào thai một mẫu thân, không mong sinh cùng ngày tháng, nhưng cầu chết cùng tháng cùng ngày!” Sau đó dập đầu ba cái, chia sẻ những lời xuất phát từ nội tâm. Ra khỏi Miếu Thổ Địa, Đậu Lão Đài nói với họ Bạch: “Ở quan ngoại, ta được người khác gọi Lão Đài, đến đó chú cũng sẽ kêu là Bạch Lão Đài, kể từ hôm nay, anh em chúng ta cùng nhau buôn bán, một lòng kiếm tiền, không bao giờ nghèo đói!”


Từ đây hai huynh đệ hợp sức làm ăn, mỗi người gánh một gánh hàng rong chất đầy kim chỉ, khăn tay xà phòng, xanh xanh đỏ đỏ, mắm tôm đường thỏi.v.v… chẳng khác gì tiệm tạp hóa thu nhỏ, rong ruổi khắp các nẻo đường nơi quan ngoại, ăn chung nồi, ngủ chung giường, thực có thể nói là cốt nhục tình thâm, tuy hai mà một, giống như hồi còn nhỏ. Đậu Lão Đài biết cách ăn nói, sự khôn khéo đã ngấm vào xương tuỷ, giỏi việc tìm kiếm cơ hội làm ăn; Bạch Lão Đài là người chăm chỉ cần mẫn, làm việc không tiếc dốc hết sức lực, khuân khuân vác vác, núi chặn thì mở đường, sông ngăn thì bắc cầu, gặp phải lưu manh quấy rối, cướp địa bàn, hắn đều đứng phía trước chống đỡ. Hai người kết hợp, một văn một võ, cùng nhau bàn bạc, cho dù mệt nhọc nhưng tiền kiếm được ngày càng nhiều. Tuy nhiên người có thể buôn bán so với người biết buôn bán là khác nhau, Bạch Lão Đài có thể buôn bán, kiên trì chăm chỉ, chịu thương chịu khó, không sợ thức khuya dậy sớm, làm lụng vất vả. Đậu Lão Đài thì không như vậy, hắn thuộc loại người biết buôn bán, giỏi tính toán, giống như chơi cờ, đi một bước nhìn ba bước. Có lần hắn nói với Bạch Lão Đài: “Người xưa nói: Dốc sức ăn no, không lo về già, thế nhưng chờ đến khi ta lớn tuổi, chân tay không còn linh hoạt, làm sao tiếp tục xông pha? Ta nghĩ nếu muốn kiếm nhiều tiền, chúng ta nên tách nhau ra!” Bạch Lão Đài vừa nghe, hai mắt lập tức trợn tròn: “Ca ca nói vậy là ý gì? Ta đã làm gì khiến huynh phiền lòng sao?” Đậu Lão Đài cười nói: “Nghe ta nói trước đã, chú thấy đó, chú độc thân một mình, trong nhà không có ai, chẳng bằng lấy một nửa tiền vốn, mở cửa hàng ở quan ngoại, không chỉ bán hàng đơn thuần, chú cũng nên thu mua da lông thú với mấy thổ sản địa phương. Ta sẽ chuẩn bị đầy đủ hàng ở bên kia, chuyển qua cho chú, lại mang đồ ở đây về bán, chẳng phải chúng ta sẽ kiếm được tiền cả hai đầu sao?”


Ý tưởng đúng là không tồi, nhưng Bạch Lão Đài có chút không đành lòng, hắn không để tâm một mình vất vả nơi quan ngoại, nhưng nếu vậy thì cả năm, hai huynh đệ khó có cơ hội gặp mặt. Đậu Lão Đài nhìn ra tâm tư của hắn, khuyên nhủ: “Trước mắt chịu khó vất vả vài năm, chờ đến khi tích lũy đủ vốn, chúng ta có thể rảnh tay làm chưởng quầy, không cần lăn lộn bôn ba như bây giờ.” Hai người cùng bàn bạc, đưa ra quyết định, kêu môi giới tìm cửa hàng, cuối cùng chọn một gian tại khu chợ ở cửa Đông, mặt tiền không lớn lắm, phía trước bán hàng, phía sau người ở. Người buôn bán nhỏ luôn tiết kiệm khi có thể, hai anh em tự mình động thủ, sơn lại vách tường, dán giấy trần nhà, tủ quầy, kệ để hàng, sổ sách, bàn tính, giường nệm, chăn gối, bàn ghế… có thể dùng thì tận dụng, không thể thì mua mới, hàng hoá sắp xếp ngay ngắn, lại mời người tính ngày tính giờ, treo biển đốt pháo, khai trương cửa hàng. Sau khi tiễn đám đông đến chúc mừng, hai anh em liền ra chợ mua hai cân thịt dê, hai cân bột mỳ trắng, bốn cây hành lá, một vò Thiêu Đao Tử, cùng nhau gói sủi cảo trong cửa hàng, nước chấm cho đủ sa tế, còn thêm một nồi lẩu, nấu một bữa đủ mười người ăn, cái này kêu “Ăn nóng ấm bụng, ăn cay đã thèm”!


Kể từ đó, Đậu Lão Đài chạy hai đầu quan ngoại - quan nội, Bạch Lão Đài ở quan ngoại trông coi cửa hàng. Qua mấy năm, Bạch Lão Đài đã thành thạo tính toán sổ sách, việc gì cũng tự mình làm, không lúc nào thấy hắn nhàn rỗi. Hắn cũng học được không ít đạo lý kinh doanh, ví như có người đến mua giày, muốn đi thử xem sao, phải nhìn chân mà lấy hàng, không ngại chiều lòng khách, tư vấn giúp họ chọn đôi ưng ý/phù hợp nhất. Còn nữa, hàng hóa cần được phân loại, hàng nhập trước thì để bên ngoài, đẩy mạnh tiêu thụ, tránh tồn đọng quá lâu. Việc kinh doanh của hai người ngày càng phát đạt, ban đầu chỉ bán chút cá khô mắm tôm, kim chỉ, mũ nón, giày vớ, sau này vận chuyển cả vải vóc, bánh trà, thuốc lá… dần dần thu thêm đồ da, đặc sản địa phương, hàng hóa phong phú bán càng chạy, bạc trắng như nước đổ vào túi.


Tiền càng nhiều, dã tâm của Đậu Lão Đài cũng càng lớn, có câu “Tiền đẻ ra tiền”, giờ có nhiều vốn trong tay, không tiếp tục mở rộng kinh doanh, chẳng lẽ chê tiền tanh hôi? Lá gan của hắn to hơn người khác, dám nghĩ dám làm, không ngại xông pha mạo hiểm. Năm đó, thấy hàng hoá trong cửa hàng sắp hết, hắn bảo Bạch Lão Đài kết sổ, gom góp gần như toàn bộ tiền bạc, theo hắn vào núi mua hàng. Bạch Lão Đài luôn nghe lời huynh trưởng, đóng cửa hàng, lấy ra toàn bộ ngân phiếu, tiền đồng, bạc vụn, đến ngân hàng đổi hết thành Kim Nguyên Bảo, bởi cánh thợ săn trong núi sâu rừng già không nhận ngân phiếu, chỉ nhận vàng thỏi. Hai anh em vẫn ăn mặc như người bán rong, gánh hàng trên vai nặng trĩu, thuê một lão binh dẫn đường, mang theo chó săn vào núi.


Đậu Lão Đài vừa công khai vừa bí mật, thu mua không ít da thú/ lông chồn thượng đẳng, còn có linh chi, chày gỗ.v.v.. Hai anh em vui mừng phấn chấn, thắng lợi trở về, lòng thầm tính toán xem chuyến này có thể kiếm bao nhiêu bạc. Không ngờ vừa quay lại thị trấn, đúng lúc gặp phải cường đạo cướp bóc khắp nơi. Đám người này tàn ác nhẫn tâm, cướp tài không lưu mạng sống, hung hăng giết người phóng hỏa, cũng may Đậu Lão Đài cùng Bạch Lão Đài nhanh chân chạy, trốn vào trong núi, tránh thoát một kiếp, chỉ là hàng hóa mất sạch, tâm huyết bao năm coi như ném xuống sông xuống biển. Núi Quan Đông liên miên trùng điệp, như hình rồng kéo dài từ Đông Bắc đến Tây Nam, rừng sâu núi thẳm, bên ngoài có quân binh canh giữ long mạch Bát Kỳ, các hộ dân đánh cá, mò trai ngọc, săn thú, đào sâm… Người từ quan nội đến đây buôn bán, nếu không có dân bản xứ đi theo, bị bắt gặp sẽ lập tức mất mạng, không thì buộc làm nô lệ khai hoang, cày xới trồng trọt trên mảnh đất của quý tộc Bát Kỳ, cả đời không thể trở mình, đến khi sức tàn lực kiệt mà chết. Núi sâu rừng hoang không dấu chân người, hung hiểm khó lường, chui đầu vào đó, quỷ mới biết gặp phải thứ gì!


Còn tiếp…


Total Pageviews

This Blog is protected by DMCA.com