Chương 10
THÔI LÃO ĐẠO KỂ CHUYỆN
1.
Những năm Dân Quốc, Thiên Tân Vệ có bao nhiêu Thư tràng lớn nhỏ? Đầu truyện có nói, khu vực Ngoài Địa Đạo - Hà Đông, có không dưới ba bốn mươi nhà. Thư tràng Thái Ký coi như dẫn đầu trong số đó, là tiệm khai trương sớm nhất, quy mô cũng lớn nhất, tên đề chính thức trên biển là “Thịnh Phương Trà Xã”, lấy đây làm trung tâm, khu vực xung quanh lần lượt mở Hạnh Phúc Trà Xã, Khanh Hòa Trà Xã, Lập Thông Trà Xã, Nhạc Viên Trà Xã, Song Đài Trà Xã.v.v… Đây đều là nơi có thể ngồi một hai trăm, thậm chí hai ba trăm người. Thư tràng nhỏ chứa sáu bảy mươi người, quán lề đường kể dã thư cũng không ít. Đứng ở ngã tư Ngoài Địa Đạo, nhìn ra bốn phía, cờ hiệu, tranh quảng cáo, bảng thông báo… nhiều như sao trên trời, cho thấy nghề Kể chuyện tại địa phương đang trong thời kỳ phồn thịnh. Có nguồn tài nguyên, đương nhiên không thể thiếu người có năng lực, tùy tiện đi dạo một vòng, đều có thể chạm mặt vài người kể chuyện. Không chỉ tiên sinh tại Thiên Tân Vệ, nghệ nhân Bình Thư từ ngũ hồ tứ hải cũng sôi nổi đổ về đây, người có năng lực nắm bắt cơ hội, trở nên nổi tiếng, người không năng lực, hoặc là đổi nghề mưu sinh, hoặc bị vây khốn trong sự nghèo túng, hoặc ôm đầu chạy khỏi Thiên Tân Vệ.
Vì có thể đứng vững gót chân, các nghệ nhân kể chuyện đương nhiên trổ hết bản lĩnh, thi triển đủ loại thủ đoạn: Miệng lưỡi sắc bén, giọng điệu hài hước, diễn tả sinh động, đạo cụ phong phú, thi từ tán phú nói đến nước chảy mây trôi, liền mạch lưu loát, giống như rót từng câu từng chữ vào tai, khiến người nghe thích thú vỗ đùi khen hay; có người từng rèn luyện công phu, giá để đao thương bày lên thật đẹp mắt, kể đến đoạn cao trào còn đánh quyền, đứng tấn, phi thân, vung tay múa chân, trông cũng ra hình ra dạng; lại có người chất giọng đặc sắc, có thể hát đủ loại dân ca từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây… muốn văn có văn, muốn võ có võ, văn thì uyển chuyển mềm mại, võ thì hào sảng khí thế, cất giọng liền khiến Thư tràng chật cứng, người nghe có thể không hâm mộ sao? Cũng có vị sáng tạo khác người, tìm lối đi riêng, bày quán bên lề đường, sáng sớm mua mấy tờ báo lá cải, chọn ra một hai mẩu tin tức, trước tiên ghi nhớ thật kỹ, sau giờ cơm trưa liền ngồi xuống phía sau chiếc bàn nhỏ, gõ thước “bộp” một cái, bắt đầu mổ xẻ câu chuyện, thêm thắt nhào nặn, thao thao bất tuyệt, người dân gọi cái này là “Đọc báo”, nói càng thần bí mơ hồ, người nghe càng nhiều, trông thì như có căn cứ, nhưng thật ra chẳng đáng tin cậy chút nào!
Trải qua nhiều thế hệ, đọc báo thật sự có thể thu hút người nghe, đáng tiếc già trẻ nam nữ ở Thiên Tân Vệ lỗ tai rất kén, chỉ thích nghe mấy chuyện đặc sắc, đặc biệt là kỳ văn dị sự tại vùng đất cuối Cửu Hà, biên soạn thành Bình thư, xảy ra ở đâu, nhà nào phố nào, sông nào bến nào, đều có phương vị cụ thể, giống như đã từng nghe qua, thật thật giả giả, nửa nọ nửa kia, thế mới có thể ăn khách. Chỉ cần người nghe trả tiền, đó chính là cơm áo cha mẹ, người ta thích nghe cái gì, mình phải kể cho người ta cái đó. Các nghệ nhân vì kiếm nhiều tiền, ai cũng dồn hết sức lực, con mắt mở to, lỗ tai nghe ngóng, cái gì mà gian tình hại mạng người, kỳ án khó giải quyết, cái gì mà phong tục địa phương, chuyện lạ dân gian, bao nhiêu cũng không chê ít, chẳng cần biết là 800 năm quá khứ, hay 500 năm tương lai, có thể nhào nặn liền gộp chung lại với nhau, không ngừng sửa sang, biến cũ thành mới!
Mỗi vị tướng một mệnh lệnh, mỗi thần tiên một thuật pháp, xét đến phương diện này, Thôi Lão Đạo kể chuyện ở cổng thành phía nam Thiên Tân là xuất sắc nhất, ông ta không môn không hộ, chưa từng học kể chuyện bài bản, dựa vào những việc ly kỳ do mình trải qua nửa đời người, cùng với một bụng chứa toàn thứ tạp nham, lại còn to gan lớn mật, nghĩ những việc người khác không dám nghĩ, kể những chuyện người khác không dám kể, bố cục rõ ràng, liên quan chặt chẽ, trước sau đều là bốc phét vô căn cứ, nhưng người nghe vẫn tin là thật, ví như bộ “Tứ Thần Đấu Tam Yêu”, có đầu có đuôi, logic kín kẽ đến giọt nước cũng chẳng lọt, còn thêm thắt không ít chuyện trên giời dưới bể, độ dài có thể so với mấy bộ tiểu thuyết dài kỳ, khiến người nghe truyện phải giật mình kinh ngạc!
Người ta nói, đây chính là tổ sư gia thưởng cơm ăn, giống như bậc thầy kinh kịch nổi tiếng “Kỳ Lân Đồng” - Chu Tân Phương tiên sinh, mười lăm tuổi bị vỡ giọng, đối với người hát kịch, đây chính là điều khủng khiếp nhất, không chừng sự nghiệp cả đời sẽ bị huỷ hoại, thế nhưng Chu tiên sinh không chịu bỏ cuộc, lợi dụng điểm đặc biệt của giọng nói, phối hợp làn điệu phù hợp, tự mình tạo ra trường phái hát kinh kịch mới, làm mê đảo biết bao người xem diễn. Thế này không phải tổ sư gia ban ân, truyền thụ bản lĩnh sao?
“Tứ Thần Đấu Tam Yêu” của Thôi Lão Đạo cũng là như vậy, tùy ý truyền lại cho đệ tử bất kỳ môn hộ nào, dựa vào bộ truyện này, có thể đủ ăn đủ uống một đời, thậm chí lên Bắc Kinh, xuống Tế Nam, chỗ nào cũng có cơm ăn, bất quá Thôi Lão Đạo là ai? Ông ta được người dân vùng đất cuối Cửu Hà gọi là “Thần”, từ lúc sinh ra đến nay, tay trái viết “Đáng đời”, tay phải khắc “Xui xẻo”, chuyện gì tốt xảy ra trên người ông ta cũng thành hỏng bét!
Cách đây không lâu, Thôi Lão Đạo nhận được lời mời từ Thái Cửu Gia, đến Thư tràng Thái Ký kể suất “Đăng Vãn Nhi”, gió không thổi tới mặt, mưa không xối ướt đầu, còn cho tiền đặt cọc, theo doanh thu chia hoa hồng, đối với người kể chuyện lề đường như ông ta, không khác gì phần mộ tổ tiên bốc khói, nằm mơ cũng bị cười tỉnh. Trước mắt có lý do đúng đắn, ngài có thể nói không với người ta sao? Không được! Nói gì thì Thôi đạo gia cũng từng xem qua hai hàng rưỡi Thiên Thư trong Ngũ Lôi Điện - Long Hổ Sơn, lại là người đứng đầu Tứ Đại Kỳ Nhân - Thiên Tân Vệ, có thể giống hạng phàm phu tục tử sao? Vì kiếm miếng ăn thêm mấy ngày, hận không thể đổi một bát súp bột thành hai chậu mỳ sợi, trên bảng ghi chú viết “Đậu Chiêm Long Tầm Bảo”, ông ta há có thể lấy “Nhạc Phi Truyện” qua loa cho xong việc. Thật ra trước khi vào truyện chính, kể cái gì cũng không sao, ngôn ngữ trong nghề gọi là “Phô cương” (lời giới thiệu, dạo đầu…), nhưng từ khi Tổ sư gia sáng lập nghề Kể chuyện đến nay, chưa thấy ai dám lấy cả bộ truyện ra làm Lời Giới Thiệu, huống hồ ông ta cũng không thuộc hết nội dung câu chuyện về Nhạc Phi, tuỳ ý thêm thắt lung tung, chẳng khác gì đổ nước lã vào canh sâm, muốn bao nhiêu có bấy nhiêu, càng nói càng không coi ai ra gì, mở miệng chỉ toàn ba hoa bốc phét, thấy cái gì nói cái ấy, nhớ lúc nào nói lúc đấy, tuỳ tiện bịa đặt tại chỗ. Người nghe kể chuyện không thể chịu đựng thêm được nữa, hò nhau vùng lên phản kháng, đánh Thôi Lão Đạo lăn lê bò toài, ôm đầu bỏ chạy khỏi Thư tràng Thái Ký.
Cho dù Thôi đạo gia mặt dày, cũng không thể tiếp tục đến khu vực Ngoài Địa Đạo gạt ăn gạt uống, bất đắc dĩ lê chân què, quay lại cổng thành phía Nam bấm quẻ kể chuyện. Giữa chừng nghe nói Thư tràng Thái Ký lại mời một vị tiên sinh, đêm nào cũng lên đài, kể chính là câu chuyện “Đậu Chiêm Long Tầm Bảo”. Thôi Lão Đạo không khỏi tức giận, cảm thấy có người đoạt miếng cơm từ trong miệng mình, lập tức cải trang, nén nhịn uất ức, ý định đến nơi phá bĩnh. Nào biết lần đầu đi nghe liền choáng váng, tiên sinh kể chuyện mặt đỏ trên đài thực quá lợi hại, không biết tên họ là gì, cũng không biết thuộc môn hộ nào, ăn nói lưu loát, kết cấu chặt chẽ ko khe hở, thao thao bất tuyệt hơn một canh giờ, nước cũng không uống một ngụm, hết thảy đều là nội dung câu chuyện “Đậu Chiêm Long Tầm Bảo” trong bụng Thôi Lão Đạo, hơn nữa người ta phong thái đoan chính, thanh âm sang sảng, bất kể ngồi góc nào trong Thư tràng, thính giả cũng nghe rõ ràng rành mạch, chưa kể còn am hiểu vận dụng kỹ năng, thể hiện nhân vật sống động, ngữ điệu trầm bổng, trong truyện có truyện, hợp tình hợp lý, bình luận chi tiết, giảng giải cặn kẽ, đổi lại là Thôi Lão Đạo, chưa chắc có thể so với người ta. Thôi đạo gia càng nghe, sống lưng càng lạnh: “Nếu tên mặt đỏ trên đài kể bộ truyện “Đậu Chiêm Long Tầm Bảo” do chính hắn sáng tác, vậy cũng chẳng có gì lạ, kỳ quái ở chỗ những gì hắn nói, từ đầu đến đuôi giống hệt mình biên soạn, mình không kể cho ai nghe, hắn học được từ đâu?”
Hay đến câu hồn đoạt phách, lại không thu tiền vào cửa, đương nhiên đám người nghe truyện đua nhau đến ủng hộ. Trước giờ, mồm miệng Thôi đạo gia đâu chịu tha ai, lòng dạ lại hẹp hòi, bỗng dưng bị vị kia hớt tay trên, ban ngày ông ta phải đến cổng thành phía Nam bày quán xem quẻ, kiếm ít tiền đến Thư tràng nghe chuyện, không kiếm được tiền cũng tìm cách trà trộn vào bên trong, ấm không có trà thì uống ké người khác... Tuy ông ta không mặc đạo bào, vành mũ che khuất nửa khuôn mặt, nhưng do đến quá nhiều lần, không tránh khỏi lộ tung tích. Người nghe truyện ở đây, ai chẳng nhận ra ông ta? Bĩu môi nói móc vài câu: “Thôi đạo gia, ngài đến học lỏm đấy à? Ghé thăm người cùng nghề… hình như không hợp quy củ cho lắm!” Thôi Lão Đạo bình thản ung dung nói: “Trên đài là đồ đệ của ta, ta nhường hắn cơ hội rèn luyện bản lĩnh.” Ai cũng biết ông ta đang đánh rắm kéo ngăn kéo - che đậy xấu hổ (chữa thẹn), mọi người đến đây chính là để nghe truyện, cũng lười bóc mẽ/tranh luận với ông ta.
Thư tràng có quy định bất thành văn, vào ngày cuối cùng tiên sinh kể chuyện, sau khi trừ phí trà nước, tiền thu được đều thuộc về tiên sinh. Chớp mắt đã qua ba tháng, câu chuyện “Đậu Chiêm Long Tầm Bảo: Thất Can Bát Kim Cương” đã đến hồi kết thúc, tiên sinh mặt đỏ kể xong đoạn cuối, lại bật mí mấy câu của bộ tiếp theo: “Cửu Tử Thập Tam Tai”, chẳng khác gì buộc một nút thắt lớn, thước gõ xuống thư án “bộp” một cái, dưới đài tiếng vỗ tay vang lên như sấm, kéo dài mãi không thôi. Tiểu nhị hai tay bưng khay, chật vật chen vào đám đông thu tiền, có khán giả vì thể hiện lòng hâm mộ, tiền mua thức ăn ba bữa ngày mai cũng móc ra. Thời điểm qua chỗ Thôi Lão Đạo, không biết vị đạo gia nổi tiếng vắt cổ chày ra nước này nghĩ thế nào, vậy mà cũng lôi ra mấy xu, cắn răng ném vào khay. Do quá ồn ào, người cho tiền lại nhiều, không ai chú ý Thôi Lão Đạo ném tiền gì.
Tiên sinh mặt đỏ đứng trên đài, khom lưng nói lời cảm ơn: “Chư vị tốn kém rồi, ta học nghệ không tinh, lại là kẻ mới đến, được già trẻ lớn bé ủng hộ như vậy, tại hạ xin được bái tạ!” Nói xong ôm quyền chắp tay, cúi mình thật sâu. Đúng lúc này, tiểu nhị vừa vặn đi hết một vòng, khay trên tay đã đầy ắp, vô cùng hào hứng đặt trên án thư. Tiên sinh mặt đỏ liếc mắt nhìn chiếc khay, bỗng nhiên giống như bị kinh hoảng, thân thể co rụt, vội vàng lui về phía sau, cùng lúc đó, trong Thư tràng nổi lên một trận âm phong, ánh đèn vụt tắt, trên dưới đài tối đen như mực, không nhìn thấy gì hết. Người nghe kể chuyện lập tức nổ tung, tranh nhau chạy ra ngoài, đáng tiếc số người quá đông, chen chúc xô đẩy, căn bản chạy không thoát, người dẫm chân, kẻ vặn eo, kêu la thất thanh, toàn bộ Thư tràng loạn thành một đám!
Chỉ trong chốc lát, đèn điện trên trần nhà sáng trở lại, nhìn lên đài, thư sinh kể chuyện đã biến mất không rõ tung tích, khay tiền vẫn đặt ngay ngắn trên án thư, ngọn đèn bằng đồng để bên cạnh cũng tắt lịm. Người nghe kể chuyện vẻ mặt nghi ngờ, xôn xao nghị luận: “Thế này là sao? Sân khấu diễn kịch có cơ quan, người sống sờ sờ biến mất cũng không có gì lạ, nhưng trên đài kể chuyện thì không có, tiên sinh đã sử dụng phương pháp gì? Thế nào chớp mắt liền không thấy đâu? Chẳng lẽ kể chuyện xong lại chuyển qua biểu diễn ảo thuật?” Đang lúc tranh luận sôi nổi, chợt nghe trên đài có người cao giọng niệm: “Vô Lượng Thiên Tôn!” Mọi người tập trung nhìn lên, đây chẳng phải ai xa lạ, mà chính là “Thiết Chủy Bá Vương - Khương Tử Nha Tái Thế”, chẳng qua hôm nay Thôi Lão Đạo không mặc đạo bào, không chú ý sẽ không nhận ra.
Thôi đạo gia bày quán ven đường đã lâu, giọng nói vừa cao lại vừa vang, tình hình khi ấy nhất điểu nhập lâm, bách điểu áp âm (ý nói: người gây chú ý vừa xuất hiện, xung quanh lập tức trở nên yên tĩnh), ho khan một tiếng, nói: “Chư vị, thực không dám giấu giếm, tiên sinh mặt đỏ kia chính là đồng đạo giang hồ, đến bến tàu Thiên Tân Vệ kiếm miếng cơm ăn, từ lâu đã nghe danh hiệu Thiết Chủy Bá Vương - Khương Tử Nha Tái Thế của ta, cho nên không tìm người khác, mà đến đây nhờ ta giúp. Tuy nghề kể chuyện không tuỳ tiện truyền cho kẻ khác, nhưng ta là người nhân hậu, niệm tình ăn chung nồi cơm, bái cùng Tổ sư gia, một bút không viết ra hai từ ‘Kể Chuyện’, có thể nhìn người ta chết đói sao? Bần đạo liền chỉ điểm một phen, truyền cho hắn một quyển “Đậu Chiêm Long Tầm Bảo: Thất Can Bát Kim Cương”! Đương nhiên, “Tứ Thần Đấu Tam Yêu” là then cài cửa của bần đạo, sao có thể truyền toàn bộ cho hắn, đủ cho hắn kể ba tháng, kiếm đủ lộ phí cùng tiền ăn uống là tốt lắm rồi. Có vị hỏi, hắn còn chưa kể hết “Đậu Chiêm Long Tầm Bảo”, thế nào lại đột nhiên bỏ chạy? Chẳng phải còn một quyển “Cửu Tử Thập Tam Tai” sao? Hắn không biết kể, không bỏ chạy còn đợi các người ném ấm trà chắc? Có vị lại hỏi: ‘Nếu muốn nghe phần sau, thì phải làm thế nào?” Ngày mai đến cổng thành phía Nam, bần đạo sẽ hầu hạ các vị bộ ‘Đậu Chiêm Long Tầm Bảo: Cửu Tử Thập Tam Tai’!” Nói xong liền túm vạt áo trước, ung dung cầm khay tiền trên thư án, không hề khách khí mà trút hết vào đó, một xu cũng không chừa. Tiểu nhị không cam lòng, trước mắt bao người, lão đạo sĩ lỗ mũi trâu này lại dám giựt tiền? Vội vàng chạy tới ngăn cản: “Ấy ấy ấy… Đây là tiền của Thư tràng chúng tôi, sao ông lại lấy đi?” Thôi Lão Đạo lý thẳng khí hùng đáp: “Chớ có nói bậy, ai chẳng biết tiền thu buổi cuối đều thuộc về tiên sinh? Câu chuyện hắn kể đều do ta truyền thụ, cố ý lưu lại chút tiền hiếu kính ta, liên quan gì đến Thư tràng các người?” Tiểu nhị phản bác: “Ông nói do ông truyền thụ, có gì làm bằng chứng?” Thôi Lão Đạo lắc đầu xua tay: “Người ở Thiên Tân Vệ, ai chẳng biết “Đậu Chiêm Long Tầm Bảo” là của Thôi Lão Đạo ta đây? Ta không dạy hắn, hắn có thể biết sao? Không tin ngươi tìm tên mặt đỏ kia về đây, bảo hắn đối chất với ta xem sao, mau đi đi!” Tiểu nhị mồm miệng vụng về, làm sao đấu lại Thôi Lão Đạo? Đành nhìn ông ta cầm tiền, nghênh ngang rời đi.
Vậy những lời Thôi Lão Đạo nói, chẳng lẽ là sự thật? Làm gì có, miệng chó có thể mọc ngà voi sao? Huống chi ông ta cũng không dám tiết lộ sự thật, theo lời ông ta, từ ngày đầu tiên đến nghe kể chuyện, trong lòng liền cảm thấy buồn bực, chính mình biên soạn “Đậu Chiêm Long Tầm Bảo”, lại chưa từng nói với người khác, làm sao tên mặt đỏ biết kể bộ truyện này? Huống chi diễn biến tình tiết, ý chìm ý nổi, cho đến nút thắt cũng không sai lệch, chỉ sợ con giun trong bụng cũng không biết được chi tiết như vậy. Ông ta càng nghĩ càng cảm thấy kỳ quái, nhịn không được mở đạo nhãn ra xem, phát hiện ngọn lửa đèn dầu trên án thư ẩn hiện một luồng hắc khí, hóa thành hình người kể chuyện trên đài!
Ngọn đèn của Thư tràng Thái Ký có vỏ bằng đồng, chụp đèn bằng lưu ly, thủ công không quá tinh xảo lại khá cũ kỹ. Có người nói là do cha ông chủ Thái mua về từ xưởng lưu ly ở thành Bắc Kinh, cũng có người nói ngọn đèn xuất hiện sớm hơn, là do ông nội ông chủ Thái xách về từ Hỏa Thần Miếu. Thực ra hết thảy đều không chính xác, nguyên quán nhà họ Thái ở thôn Thái Gia - Đăng Phong/Hà Nam, trong thôn bọn họ có một lò nung cổ, đồ sứ làm ra sáng bóng như gương, thanh âm vang như khánh. Lửa nung ngàn năm bất diệt, nhà ai bị thứ không sạch sẽ náo loạn, hoặc có tà ám tác quái, dùng đèn dầu tiếp một ngọn lửa, để trong phòng mấy ngày, gia trạch sẽ trở nên an ổn. Sau chiến loạn, các thôn dân buộc phải phân tán khắp nơi tìm đường sống. Trước khi rời đi, mỗi nhà đều tiếp lửa từ lò nung đốt đèn. Tổ tiên ông chủ Thái là một trong số đó, đèn dầu nhà bọn họ có thân làm bằng đồng, luôn thắp sáng bất kể ngày đêm, chưa bao giờ tắt. Năm tháng trôi qua, truyền tới đời ông nội ông chủ Thái, mang theo cây đèn đến Thiên Tân Vệ, mở một hiệu sách. Ban đầu, đèn được bày trên án thư, sau này xuất hiện đèn điện, đèn dầu vẫn được thắp hàng ngày, bảo dưỡng đúng hạn, dần dần trở thành vật quen thuộc của Thư tràng Thái Ký. Ngọn lửa bất diệt chiếu sáng cho vô số vị tiên sinh lên đài hiến nghệ, lâu năm tích tụ được tinh - khí - thần mà thông linh. Thôi Lão Đạo kể chuyện liên tiếp hai ngày tại Thư tràng Thái Ký, năng lực trên người ông ta cũng bị ánh đèn hấp thu. Chỗ ngồi trong Thư tràng có hạn, với những bộ truyện ăn khách, nhiều người sẽ trả tiền trước cả tháng để giữ chỗ, nếu giữa chừng không kể nữa, hoặc vì lý do nào đó không thể tiếp tục hoạt động, phải đền người ta gấp 3 lần. Mất tiền là chuyện nhỏ, đập chiêu bài là chuyện lớn, ông chủ Thái buồn bã chẳng thiết gì ăn uống, cả ngày lắc đầu thở dài. Ngọn lửa trong cây đèn hóa hình người, biến thành tiên sinh kể chuyện mặt đỏ, ra giúp ông chủ Thái vượt qua khó khăn.
Thôi Lão Đạo nhìn thấu ngọn lửa yêu tà đang kể chuyện trên đài, trong lòng phẫn hận không thôi: “Ta đường đường một người sống đủ tay đủ chân, từng xem qua hai hàng rưỡi Thiên Thư trên Long Hổ Sơn, mang Ngũ Hành Đạo Pháp trong người, dời non lấp biển chẳng nói chơi, há có thể để nó đoạt miếng cơm?” Lúc trước ông ta không dám hành động liều lĩnh, đơn giản là vì sợ gặp báo ứng, nhưng nếu còn không ra tay, quyển sách tiếp theo sẽ bị đối phương kể mất!
Tuy không dám tuỳ tiện dùng thuật pháp, nhưng Thiết Chủy Bá Vương - Khương Tử Nha Tái Thế đầy một bụng mánh khoé, lại có rất nhiều chiêu trò tổn hại. Nhà ông ta có chín đồng tiền cổ, nghèo đến độ coi quai hàm thành thịt mà nhai, cũng không dám tiêu, bởi chúng chính là tiền lót lưng người chết, muốn tiêu cũng không được. Mấy đồng tiền này có lai có lịch, năm đó Tôn Tiểu Xú - một trong Thất Tuyệt Bát Quái - Thiên Tân Vệ dính phải kiện tụng, trốn đến khu vực Sơn Đông, trộm 9 đồng Yểm Thắng Tiền (Âm Phủ) từ trong quan tài. Hỗn Nguyên Lão Tổ - Ma Cổ Đạo náo loạn Hội Thuyền Đồng ở cửa sông Tam Xóa, Phi Mao Thối - Lưu Hoành Thuận của sở cảnh sát Hỏa Thần Miếu, dùng chín đồng Yểm Thắng Tiền, phá tà pháp, diệt trừ Hỗn Nguyên Lão Tổ. Sau này có người đánh cá vớt được mấy đồng tiền dưới đáy sông, cho là điềm xấu, thuận tay ném xuống đất. Người khác trông thấy chạy không kịp, Thôi Lão Đạo lại không để ý, ông ta là Hoả Cư Đạo phê Ương Bảng, nhặt về nhà biết đâu có ích? Nói thì nói vậy, nhưng ông ta kiếm cơm bằng mồm mép nhiều năm, trước giờ chưa từng dùng, lần này vừa lúc phát huy tác dụng, nhân lúc tiểu nhị của Thư tràng đi thu tiền, ném vào trong khay. Chín đồng Yểm Thắng Tiền có thể biến thành hình thế Quỷ Đầu Vương, Hồ Ly ngàn năm còn tránh không kịp, một ngọn đèn thì tính là cái gì? Lập tức hóa thành làn khói, tan biến trong hư không!
Còn tiếp…