Chương 7
ĐẬU CHIÊM LONG MUA LỪA
3.
Đậu Chiêm Long cùng Chu Nhị Diện Tử, mỗi người cưỡi một con lừa, đi suốt đêm tới Tô Châu, chờ đến khi hừng đông, quan binh mới cho phép người ra vào thành từ Bàn Môn phía Tây Nam. Trong thành, đường sông ngang dọc, thuyền bè tấp nập, dòng người như nước. Sáng sớm trời đã đổ mưa, nam tử đầu đội nón lá*, nữ tử tay cầm dù hoa bằng lụa. Từng cây cầu bắc ngang, cái thì hình vòm điêu khắc chạm trổ tinh tế, cái thì đơn giản được ghép bằng những phiến đá, phóng mắt nhìn ra xa chỉ thấy rặng liễu, nóc nhà, cây cối, hoa cỏ… khắp nơi đều long lanh ướt đẫm, nước mưa đọng thành một lớp mỏng trên những con đường trải đá xanh.
*Nón lá: nguyên văn là Đấu Lạp - 斗笠
Áo tơi + đấu lạp
Hai người dừng chân tại một nhà trọ trong ngõ nhỏ ven sông, sân viện hoa cỏ mơn mởn, bàn cờ đá trắng, trúc xanh bao phủ, chính giữa là lầu các. Tiểu nhị dắt lừa đến chuồng gia súc ở hậu viện, lại dẫn hai người lên phòng thứ nhất chữ Thiên trên lầu, trong ngoài được thu dọn sạch sẽ gọn gàng. Tay nghề thợ thủ công Tô Châu độc đáo điêu luyện, bàn ghế kệ đôn, giường tủ giá gương, dụng cụ hút thuốc… vật nào cũng tinh xảo trang nhã, màu sắc thanh tao. Mở cửa sổ nhìn xuống dưới lầu, chỉ thấy bóng nước phản chiếu những gian nhà hành lang uốn lượn, mái ngói cong cong, càng tăng thêm nét đẹp quyến rũ độc đáo của vùng sông nước Giang Nam.
Rượu Tam Bách Tửu - đặc sản Ô Trấn (Chiết Giang TQ), được làm chủ yếu từ gạo nếp, có vị thơm ngọt.
Đậu Chiêm Long buông hành lý, thu xếp xong xuôi, dẫn Chu Nhị Diện Tử xuyên qua ngõ phố, nhìn ngắm khắp nơi. Trong thành Tô Châu nhiều món ăn ngon, cũng không thiếu nơi vui chơi giải trí, trên đường có rất nhiều trà lâu tửu quán, văng vẳng bên tai tiếng đàn từ bình thoại*, hát chính là “Tam Tiếu Nhân Duyên”, “Trân Châu Tháp”, “Bạch Xà Truyện”. Hai người đi một hồi thấy mệt, ghé vào Tùng Hạc Lâu ăn cơm, thưởng thức đồ ăn Tô Châu chính tông: rau nhút phù dung, cua viên tuyết hoa, ngồng cải xào tỏi, tôm nõn bàn đào.v.v… Chu Nhị Diện Tử gọi mỗi món một đĩa, lại bảo tiểu nhị mang lên một bình Tam Bách Tửu-Giang Nam. Món ăn trong các nhà hàng ở phương Bắc thường đầy đặn, giá rẻ lại ngon miệng, ẩm thực Tô Châu lựa chọn nguyên liệu cầu kỳ, kỹ thuật nấu ăn tinh tế, độ lửa vừa vặn, chú ý “lượng ít vị nhiều”, đồ uống không phải để giải khát, thức ăn không phải để no bụng, vật trang trí còn nhiều hơn thức ăn, khiến thực khách có ấn tượng sâu sắc, lần sau còn muốn quay lại. Đậu Chiêm Long không động đũa, Chu Nhị Diện Tử chỉ lo vùi đầu ăn uống, thoáng chốc bát đĩa sạch trơn, vẫn chưa đã thèm, rượu uống cũng không hợp khẩu vị. Thanh toán xong ra ngoài, lại ghé một quán ăn ven đường bán hoành thánh/đậu hũ, chủ quán lấy một cái muỗng đồng, múc hai thìa đậu hũ non, cho vào bát canh nóng hổi, rải lên trên chút tôm khô, chà bông, rong biển, nhỏ thêm vài giọt sa tế rồi đưa cho khách. Hoành thánh được đựng trong chiếc bát nông, đổ nước canh nóng, vỏ hoành thánh mỏng hơn tờ giấy, gần như trong suốt, mơ hồ có thể thấy màu hồng của nhân bên trong. Chu Nhị Diện Tử ăn một lèo bảy tám bát, toàn thân đổ mồ hôi, miệng vẫn thòm thèm, lại tìm một quán khác, mua một con gà ăn mày, hai ba miếng nhét hết vào bụng, lúc này mới thấy thỏa mãn, coi như xong một bữa .
*Đàn từ bình thoại: còn gọi là Tô Châu Đàn Từ - một hình thức biểu diễn khúc nghệ truyền thống như thuyết thư/hí kịch, đặc điểm: tiết tấu chậm rãi, ngôn từ uyển chuyển, là Di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia tại TQ.
Đậu Chiêm Long không để ý Chu Nhị Diện Tử, trừng đôi mắt cú nhìn ra bốn phía. Cuối cùng trong con ngõ yên tĩnh giữa phố phường náo nhiệt, tìm được một tòa nhà lớn, cửa trước hướng ra đường, sau lưng áp sát con sông, tường trắng ngói đen, mái cong mềm mại, điêu khắc tinh xảo, dưới hiên khắc bốn chữ lớn “Hồng Cốc Lăng Vân”, hai cánh cửa gỗ sơn đen khép chặt. Đậu Chiêm Long ngồi xổm ven đường hút một gói thuốc, hỏi thăm xung quanh mới biết chủ nhân tòa nhà này họ Thẩm, là một trong những người buôn bán trà hàng đầu Tô Châu, kinh doanh trải rộng khắp các tỉnh, đặc biệt là khu vực Giang Bắc.
Người phương Bắc quen uống trà hoa, lá trà được ướp hương, mùi yêu thích thường là hoa nhài/hoa ngọc lan, không hứng thú với trà thường, cảm thấy nó không có mùi thơm, màu nhạt, vị cũng không đủ đậm. Hoa nhài, hoa bưởi, hoa ngọc lan phổ biến tại Tô Châu thích hợp nhất dùng để ướp trà. Người hái trà khu vực đông Chiết Giang, nam An Huy thu gom lá trà, hong khô, chế biến thành trà thô, sau đó chuyển đến Tô Châu, hun sấy/sao tẩm làm trà hoa. Trong số trà hoa của nhà họ Thẩm, loại cao cấp nhất chính là “Lục Nhất”, nụ hoa được ngâm trong nước, cho vào trà bôi*, đun nhỏ lửa khoảng hai ba canh giờ, chờ mùi hoa thấm đẫm lá trà, mới lấy hoa ra ngoài, dùng lửa than hong khô, cái này kêu Nhất ấm, cứ thế lặp lại sáu lần, số lượng hoa giảm dần, cho đến lần cuối cùng, bỏ thêm chút hoa nhài tươi để tăng hương vị, sau khi hoàn thành trà sẽ có mùi thơm êm dịu thanh thuần.
*Trà bôi: thuật ngữ dùng trong chế biến trà hoa, chỉ loại trà được dùng để ướp hương, thường là trà xanh.
Tổ tiên nhà họ Thẩm phát tài nhờ buôn bán trà hoa, con cháu đời sau coi đây là nghề tổ truyền, lại mở thêm mấy tiền trang, tiệm vải, hiện giờ Lão thái gia nhà họ Thẩm tuổi tác đã cao, hết thảy buôn bán đều giao cho con trai xử lý, còn mình lui về ẩn cư, không màng thế sự.
Đậu Chiêm Long chuẩn bị mứt hoa quả, bánh bột nếp, bánh khảo tứ sắc, rượu hoa quế, dẫn theo Chu Nhị Diện Tử đến bái phỏng, tự xưng là thương nhân ở Tây Bắc, đi một chuyến từ xa tới đây, chỉ vì cầu kiến Thẩm lão thái gia. Gác cửa vào trong bẩm báo, Thẩm lão thái gia tưởng là bạn buôn bán với mình năm xưa, phân phó quản sự, mời khách đến thư phòng ở tiền viện dùng trà.
Đậu Chiêm Long cùng Chu Nhị Diện Tử buộc lừa vào cọc đá trước cửa, theo quản sự đi vào bên trong. Nhà ở Giang Nam hoàn toàn khác với phương Bắc, mặt đất trải gạch xanh chế tác từ Ngự diêu (lò nung hoàng gia), vào tiền sảnh/qua giếng trời, đi tiếp chính là kiệu thính, nếu có khách quý tới phủ, sẽ dừng kiệu tại đây. Tiến vào đại đường, hành lang nối liền gấp khúc, cửa sổ chạm khắc tinh tế, thường dùng để mở tiệc chiêu đãi khách cùng bạn bè. Vào sâu bên trong còn có nữ thính, hạ phòng, các tiểu viện đều có lối đi riêng, tường rào ngăn cách, thỉnh thoảng lại gặp hành lang/đình hóng mát, nhà thuỷ tạ, bồn hoa cây cảnh, đá Thái Hồ.v.v… khắp nơi khắp chốn được chăm sóc tỉ mỉ cẩn thận. Trái phải còn có thiên viện, gia đình giàu có từ trên xuống dưới chừng trăm người, ra vào không đi cổng chính, giữa các viện đều liên thông. Quản sự dẫn hai người tới thư phòng, trên bức tường màu trắng treo một bức tranh sơn thuỷ Ngô phái (trường phái tranh sơn thuỷ do Ngô Đạo Tử khai sáng), chính giữa đặt chiếc bàn dài trượng tám, trước mặt là bàn bát tiên bằng gỗ trắc, mỗi bên để một chiếc ghế thái sư gỗ hoa lê, đường cong tinh tế mềm mại, trơn nhẵn bóng loáng. Trước cửa sổ là án thư, mặt trên bày giấy Tuyên Thành/bút lông Hồ Châu, mực Huy Châu/nghiên mực Đoan Khê, mùi mực thoang thoảng toả ra khắp phòng. Từ nhỏ, Thẩm lão thái gia đã học trường tư thục, từng đọc “Tam Bách thiên”, thuộc lòng “Tứ thư ngũ kinh”, bất quá làm cả đời làm ăn buôn bán, chỉ xem sổ sách không đọc sách, trên giá trên kệ để đầy sách cổ quý hiếm, đơn giản là để trưng bày. Quản sự mời hai người ngồi xuống, pha hai chén Bích Loa Xuân, sau đó xoay người đi mời Lão thái gia.
Đậu Chiêm Long hiểu rõ trong lòng, trà trên bàn chỉ để bài trí, không dùng đãi khách, không thể tùy tiện uống. Chu Nhị Diện Tử không hiểu điều này, khịt mũi hít lấy hít để hương trà, tay bê tách trà, dùng nắp gạt vụn trà, nhấp một ngụm mới đặt xuống bàn, điệu bộ nhập gia tùy tục, từ khi tới Giang Nam, hắn cũng trở nên kén chọn, chê trà ở đây quá nhạt nhẽo. Đúng lúc này, có tiếng bước chân vang lên, quản sự dẫn Thẩm lão thái gia ra ngoài tiếp khách. Thẩm lão thái gia khoảng 60 tuổi, thân hình không cao, ăn mặc xa hoa, khuôn mặt phúc hậu, da trắng như ngọc. Đậu Chiêm Long vội kéo góc áo Chu Nhị Diện Tử, hai người cùng đứng dậy hành lễ. Hàn huyên vài câu, Thẩm lão thái gia thấy bọn họ không phải người quen, nhíu mày hỏi: “Chúng ta vốn không quen biết, không biết hai vị đến có việc gì?” Đậu Chiêm Long không hề vòng vo, nói thẳng mục đích: “Tôi muốn mua một vật trong phủ của ngài.” Thẩm lão thái gia thắc mắc: “Chỗ của ta là nhà ở, không phải hiệu buôn, các người đến nhầm chỗ rồi.” Đậu Chiêm Long nói: “Thiên hạ tuy rộng lớn, nhưng vật tôi cần chỉ chỗ ngài mới có.” Thẩm lão thái gia càng thêm khó hiểu: “Xin cứ nói thẳng!” Đậu Chiêm Long đáp: “Tôi muốn mua chiếc hộp ô kim trong phủ của ngài!”
Thẩm lão thái gia lập tức cau mày, trong nhà ông ta đích thực có chiếc hộp ô kim, là bảo bối trấn trạch, ngày thường đều thắp hương cung phụng, há có thể bị người ngoài mua mất? Vì thế cười lạnh một tiếng: “Nếu ngươi là kẻ làm ăn, sao lại không nhìn ra cuộc mua bán này không thể thực hiện? Hộp sắt là bảo bối gia truyền nhà họ Thẩm, không thể bán cho người ngoài. Cho dù ta chịu bán, ngươi có thể ra bao nhiêu tiền? Không biết ngượng mồm sao?” Nói xong mấy câu dằn mặt, không đợi Đậu Chiêm Long có cơ hội mở miệng, liền đứng dậy phất tay áo rời đi.
Đậu Chiêm Long bị người dùng bánh bao bịt mồm, trực tiếp bước ra ngoài, chân mày nhăn thành một đống. Chu Nhị Diện Tử miệng không buông tha người: “Lão già chết tiệt, khẩu khí còn thúi hơn chân của ta, mẹ kiếp… khinh người quá đáng!” Đậu Chiêm Long ngắt lời: “Chúng ta đã quá nóng vội, Thẩm gia tài đại khí thô, trên tay chúng ta chỉ vẻn vẹn có vạn lượng bạc, chẳng đủ người ta ăn cơm một bữa, nhưng muốn đi Khẩu Bắc báo thù, không thể thiếu hộp sắt trấn trạch trong tay lão!” Chu Nhị Diện Tử hừ lạnh một tiếng: “Xá Ca Nhi đừng sốt ruột, có ta ở đây, chuyện nào làm không được? Nếu lão không cần mặt mũi, đừng trách Chu Nhị Gia không phúc hậu, ta dùng 200 lượng bạc, thuê mấy tên đạo tặc, ban đêm vào phủ trộm hộp sắt, tiết kiệm cả vạn lượng bạc, chẳng phải tốt hơn sao?” Đậu Chiêm Long liên tục lắc đầu: “Tranh giành cướp đoạt, há có thể là hành vi của đại trượng phu? Kẻ tầm bảo biết dò đất vọng khí, muốn khai quật mấy hầm vàng hầm bạc trong thành Tô Châu, thực sự không tốn nhiều sức lực, bất quá dùng tài thế ép người, hoặc sai sử đạo tặc trộm cắp, không phải thủ đoạn của Đậu Chiêm Long ta, huynh cứ chờ coi, nhất định ta sẽ khiến Thẩm lão thái gia cam tâm tình nguyện mà dâng lên!”
Còn nữa…