Chương 6
ĐẬU CHIÊM LONG ĐI CHỢ
1.
Theo quy củ phóng sơn*, Hải Đại Đao là “Đầu Côn Nhi”, đi trước dẫn đầu, tay cầm Tác Bát Côn gạt cỏ dò đường. Cây Tác Bát Côn này của Hải Đại Đao đã được truyền đến ba đời, dài hơn năm thước, thân to bằng cổ tay, vân gỗ uốn lượn, được mài đến trơn nhẵn bóng loáng, từng kéo vô số cây sâm quý. Theo sau là Lão Tác Luân/Tiểu Đinh Tử, Đậu Chiêm Long mới đến, tương đương “Sơ Bả Nhi”, “Biên Côn Nhi” cũng không đến lượt hắn, chỉ có thể đi cuối cùng, vác theo nồi niêu xoong chảo, chịu trách nhiệm nấu cơm phục vụ các huynh đệ. Bọn họ leo hết núi này sang núi khác tìm bổng chùy, liên tiếp hơn hai tháng, bận tối mắt tối mũi, mới đào được chút đảng sâm/hoàng kỳ. Hải Đại Đao dùng hết toàn bộ thủ đoạn, ví như “ngắm cảnh trong mộng” : buổi sáng vừa mở mắt, nói mình mơ thấy Tây cương có chày gỗ, vui mừng dẫn huynh đệ chạy qua đó, lá chày gỗ cũng không thấy một cái; hoặc là “đảo lật”: một lần nữa tìm kiếm tại nơi mình từng đi qua, xem có bỏ sót “món hàng lớn” hay không, thế nhưng trước sau hoàn toàn không có thu hoạch. Mặt Hải Đại Đao nhăn thành một đống, bản thân cũng cảm thấy tà môn, hồi trước phóng sơn đào chày gỗ, chưa bao giờ gặp phải trường hợp như vậy, lại sợ đắc tội Sơn Thần, không dám than vãn, cũng may trời ấm băng tan, thú vật trong núi bắt đầu ra ngoài, xem ra không phải lo cái ăn cái uống. Trải qua một mùa đông, mỡ béo trên thân gà rừng thỏ hoang đã hao hết, tất cả đều là thịt nạc, tùy tay bắt hai con cũng đủ lót dạ dày.
*Phóng Sơn: cách nói của người Đông Bắc khi vào núi đào nhân sâm hoang dã.
Quá trình tìm kiếm nhân sâm gọi là Áp Sơn. Các thành viên trong Sâm Bang sẽ dàn hàng ngang theo thứ tự: dẫn đầu đương nhiên là Đầu Côn Nhi, đứng ở mép ngoài cùng chính là Biên Côn Nhi. Người thiếu kinh nghiệm hay lần đầu phóng sơn - Sơ Bả Nhi - sẽ theo phía sau.
Tác Bát Côn
Đậu Chiêm Long không biết đào chày gỗ, không thể giúp mấy tên sơn phỉ, với hắn mà nói, nhóm bếp nấu cơm tính ra vẫn nhàn, làm tới thuần thục, đường núi càng đi càng quen, ỷ vào tay khoẻ leo cây thoăn thoắt, lá gan lại lớn, liền dám đi xa hơn. Mấy người ngày nào cũng ăn thịt, dễ bị nóng trong người, hắn thường hái một ít nấm mật ong, mộc nhĩ, rau dại, quả dại, cho đám người Hải Đại Đao thay đổi khẩu vị, cũng là để bản thân bớt buồn chán.
Ngày kia theo đám người Hải Đại Đao leo lên đỉnh một ngọn núi, tìm túp lều cỏ cũ nát nghỉ chân. Sáng sớm hôm sau, ba người Hải Đại Đao vẫn phóng sơn kiếm chày gỗ. Đậu Chiêm Long không có việc gì làm, ra ngoài hái nấm/quả dại, lấy mật ong rừng, lang thang khắp nơi du sơn ngoạn cảnh, vô tình đến một khe suối, nhìn xung quanh toàn cây đại thụ cao vút, hai bên sườn núi treo leo hiểm trở, vách núi dựng thẳng đứng, chẳng khác gì dùng đao chém rìu bổ. Đậu Chiêm Long đang lúi húi tìm dưới tàng cây, chợt nghe trong bụi cỏ bên suối phát ra tiếng kêu kỳ quái, không biết là thứ gì, khiến đám cỏ lay động ngả nghiêng. Đậu Chiêm Long sợ gặp phải dã thú, không dám lại gần, vểnh tai nghe ngóng, động tĩnh cũng không lớn lắm, xem ra không phải mãnh thú. Hắn là kẻ tinh ranh ma mãnh, tùy tay nhặt cục đá, ném về phía bụi cỏ, chẳng biết có trúng hay không, nhưng tiếng động lập tức im bặt. Hắn còn tưởng gà rừng thỏ hoang hoảng sợ bỏ chạy, đúng lúc này, đột nhiên có con lợn rừng lao vọt ra, cũng may miệng không có răng nanh, chắc hẳn là một con lợn cái, liếc mắt trông thấy Đậu Chiêm Long liền xoay người bỏ chạy. Đậu Chiêm Long bị nó hù cho không nhẹ, vươn tay gạt mồ hôi lạnh trên trán, thở phào một hơi, lúc trước từng nghe đám người Hải Đại Đao nói, cỏ tháp bút vị ngọt, hơi đắng, có thể tiêu sưng giảm đau, lời đồn lợn rừng quen ăn thứ này, xem ra không sai. Hắn vừa lấy lại bình tĩnh, lại thấy thứ gì đó như ngọn núi nhô lên khỏi bụi cỏ, kèm theo tiếng kêu “ec ec” vang dội, chớp mắt xông thẳng về phía hắn. Đậu Chiêm Long đã kịp nhìn rõ, thì là một con lợn rừng đực khổng lồ, bộ lông trên người có màu nâu vàng, dưới ánh mặt trời trông giống than lửa đỏ sẫm, bờm trên cổ cứng như sắt, dựng cao đến một thước, hai chiếc răng nanh sắc nhọn tựa hai thanh loan đao, khóe miệng sùi nước bọt, đôi mắt đỏ ngầu trợn trừng trừng, bốn móng guốc nện xuống nền đất, lao như bay về hướng này.
Cỏ tháp bút
Đậu Chiêm Long có điều không biết, bụi cỏ um tùm trước mặt chính là nơi lợn rừng cào ổ. Nghe nói đến mùa sinh sản, lợn đực sẽ đi khắp nơi tìm lợn cái, nhân tiện đào mấy tổ kiến lửa để ăn, một khi tìm được lợn cái, sẽ dùng mùi nước tiểu để đánh dấu địa bàn, lúc này bất luận gặp phải dã thú nào, lợn đực cũng sẵn sàng nghênh chiến, liều chết bảo vệ thành quả. Đôi lợn rừng đang sung sướng lăn lộn trong bụi cỏ, Đậu Chiêm Long ném hòn đá qua đó, chẳng khác gì đổ chậu nước đá vào nồi nước sôi, khiến lợn cái hoảng sợ bỏ chạy, lợn đực há có thể tha cho hắn?
Lợn rừng đực có một chiêu vô cùng tàn nhẫn, chính là húc thẳng vào hông đối phương, đồng thời dùng hai chiếc răng nanh sắc nhọn đâm thủng đũng quần, cánh thợ săn gọi chiêu này là “Thiêu thiên đăng”, cho dù may mắn không chết, cũng rơi vào cảnh “Gà bay trứng vỡ, tuyệt đường con cháu”. Thời điểm Đậu Chiêm Long buôn bán ở Quan Đông, từng chứng kiến cảnh người đào sâm bị lợn rừng thiêu thiên đăng, tuy hắn to gan lớn mật, nhưng cũng không khỏi cảm thấy căng thẳng, mắt nhìn lợn đực lao tới kèm theo mùi tanh hôi, muốn chạy đã không kịp, vội vàng ôm đầu lăn sang một bên, con lợn theo đà đâm mạnh vào vách đá phía sau. Một tiếng động lớn rung trời chuyển đất vang lên, chim chóc hoảng sợ bay tán loạn, thú vật bỏ chạy tứ tán, cây cối rung lắc, mây cuốn sương tan, tiếp theo là bụi đất mù mịt, đá sỏi rào rào lăn xuống không ngừng. Lợn rừng đầu óc quay cuồng, không để ý Đậu Chiêm Long đang nằm bò trên mặt đất, lúc lắc đầu thở phì phì, lảo đảo lao vào trong rừng, khiến cây cối ven đường đổ rạp, chẳng biết chạy đi đâu.
Tim Đậu Chiêm Long nhảy lên tận cổ họng, đợi khi bình tĩnh trở lại, hắn mới dám ngẩng đầu nhìn, chỉ thấy vách núi cách đó không xa bị sụp lở, từ giữa nứt ra một cái khe, vừa đủ một người đi lọt, sâu bên trong toát ra một luồng khí mờ ảo, lúc ẩn lúc hiện! Đậu Chiêm Long thầm cảm thấy kỳ quái, có lòng tìm hiểu đến cùng, đứng dậy phủi bụi đất trên người, dẫm lên đá vụn tiến vào khe nứt, xuyên qua lòng núi, cuối cùng dừng chân trước một rừng thông màu đỏ, hoàn toàn khác biệt với khu rừng bên ngoài, thân cây đều to bằng cối xay, tán lá xum xuê như mái nhà.
Đậu Chiêm Long trèo lên ngọn cây, phóng tầm mắt nhìn ra xung quanh, phát hiện bốn phía xung quanh rừng thông có chín ngọn núi cao cheo leo hiểm trở, mây trôi bồng bềnh, sương mù vờn quanh, nước suối trong vắt chảy róc rách, thác đổ tung bọt trắng xóa, hươu nai nhởn nhơ ăn cỏ… Hắn ngắm nhìn hồi lâu, có cảm giác vô cùng quen thuộc, thầm nghĩ: “Thật đúng là cảnh đẹp như tranh vẽ, đáng tiếc không có hoạ sư ở đây, vẽ thêm mình vào đó!” Chợt nhớ năm xưa đi Hoan Tử Thành lấy bảo vật, từng nhìn thấy cảnh này trên bức bích họa trong phủ Hồ Tam Thái Gia, chính là chín ngọn núi sừng sững trước mắt!
Tục ngữ nói: “Núi cao tất có quái, rừng sâu dễ thành tinh”, Đậu Chiêm Long vừa nghĩ đến việc này, lập tức tụt xuống, cúi đầu tìm kiếm trong rừng, phát hiện trong bụi cỏ nhô lên rất nhiều hoa chày gỗ căng mọng kiều diễm, còn gọi là “Hồng lang đầu”, màu sắc đỏ tươi, trông giống một vốc trân châu, gió núi thổi qua, lay động đung đưa. Hắn lăn lộn buôn bán cả năm bên ngoài, từng thấy khách hàng cầm trong tay chày gỗ có cả hoa lẫn lá, nhưng chưa bao giờ tự mình đào, chỉ biết thứ này cực kỳ trân quý, rễ bị tổn hại chút thôi, giá sẽ giảm đi rất nhiều. Nghe người ta nói, chày gỗ vô cùng tinh ranh, gặp người không biết đào sâm, nó sẽ tự mình chui xuống đất bỏ chạy, cho nên không dám tùy tiện hành động, lưu lại ký hiệu ven đường, quay về nói với đám Hải Đại Đao. Ba người nửa tin nửa ngờ, nếu Đậu Chiêm Long nói không sai, chỗ kia quả thực không tầm thường.
Hồng Lang Đầu - hoa nhân sâm
Sáng sớm hôm sau, Đậu Chiêm Long đi trước dẫn đường, dẫn ba tên sơn phỉ đến rừng thông đỏ cuối khe nứt. Hải Đại Đao liếc mắt liền minh bạch, núi Quan Đông có loài sóc chuột, chuyên chôn hạt sâm vào mùa đông, tuy nhiên bọn chúng mắc bệnh không nhớ dai, chôn mười hạt chỉ ăn hai, còn lại đều quên mất, sau thời gian dài mọc lên um tùm, phương ngữ Quan Đông gọi là “Ao Nhân Sâm” hay “Hầm Chày Gỗ”, ai gặp phải chính là đại đại may mắn!
Hải Đại Đao đào chày gỗ nửa đời người, kinh nghiệm phong phú nhất, nhấc chày gỗ đương nhiên do hắn động thủ, vì thế cắm Tác Bát Côn trong tay xuống đất, lôi ra sợi dây đỏ buộc đồng tiền cổ, tròng lên chày gỗ, cẩn thận cầm kiếm gỗ đào gạt cỏ dại, lại dùng một nhánh của sừng hươu nhấc lên từng chút một, tránh làm rách vỏ sâm/đứt bộ rễ, vừa kéo miệng vừa lẩm bẩm, không biết đang nói cái gì. Lão Tác Luân cùng Tiểu Đinh Tử làm Biên Côn Nhi, đứng hai bên hỗ trợ, Đậu Chiêm Long giúp bọn hắn lấy nước, đuổi côn trùng. Hầm Chày Gỗ trong rừng tùng đỏ không có mấy loại sâm nhỏ linh tinh như Nhất ba chưởng, Nhị giáp tử, Tam hoa tử.v.v… mà ít nhất cũng nặng năm sáu lượng một cây, hết thảy đều là sâm quý. Ba tên sơn phỉ hì hục nửa ngày, lấy được 50-60 cân chày gỗ lớn. Gói chày gỗ phải dùng vỏ cây, bọn họ cầm dao tách lớp vỏ ngoài của cây bạch dương, lấy hòn đá cạo rêu xanh trên bề mặt, đắp thêm một lớp đất mỏng, cẩn thận đặt chày gỗ ở giữa, sau đó dùng vỏ cây bạch dương cuộn lại thật kỹ, cái này kêu “Đả sâm bao tử” hay “Gói nhân sâm”, tác dụng giữ cho chày gỗ luôn tươi, không bị héo làm giảm trọng lượng. Đậu Chiêm Long không biết làm mấy việc này, đi dạo loanh quanh trong rừng, phát hiện luồng khí mờ ảo kia vẫn ở đó, nhớ lần mình vào phủ Hồ Tam Thái Gia ở Hoan Tử Thành, từng trông thấy một bức bích họa, trên ngọn núi phía Tây Nam có một đứa trẻ mặc đồ đỏ đang ngồi, đầu đội đầu lâu, không biết bị ai dùng bút đỏ khoanh lại. Bây giờ nghĩ lại, chẳng lẽ thằng nhóc kia chính là chày gỗ thành tinh? Trong lòng không khỏi lo lắng bất an, lúc này ba tên sơn phỉ mệt đến rã rời, ngồi xuống nghỉ ngơi. Đậu Chiêm Long hỏi Hải Đại Đao: “Đại Bả Đầu, tôi thấy nơi đây vẫn còn không ít chày gỗ, có đào tiếp nữa hay không?” Hải Đại Đao gãi đầu suy nghĩ: “Lần này thu được không ít chày gỗ, không nên tham lam làm rắn nuốt voi, lấy nhiều cũng không thể mang xuống núi. Chi bằng đầu xuân sang năm lại đến, mỗi năm đào một lần, năm nào cũng có thu hoạch, dù sao núi sâu rừng già, nếu không có người dẫn đường, sẽ chẳng ai tìm được nơi này!” Đậu Chiêm Long cùng hai tên sơn phỉ còn lại gật đầu tán thành, nhanh chóng lấp đất, lấy ba tảng đá xếp thành miếu chày gỗ, còn được gọi là “Lão gia phủ”, cắt một nắm cỏ, cắm trước miếu làm hương, lại bày rượu cúng bái, dập đầu lạy tổ tông chày gỗ, sau đó mới cõng bao vỏ cây gói nhân sâm rời đi. Trên đường xuống núi, Đậu Chiêm Long không kìm nổi lòng nghi ngờ, liền kể lại chuyện xảy ra với đám người Hải Đại Đao, nhưng trước sau không hề đề cập tới việc Đậu Lão Đài tầm bảo, cũng không nhắc đến phủ Hồ Tam Thái Gia ở Hoan Tử Thành, chỉ nói vô tình nhìn thấy một bức họa, cảnh vẽ trong tranh chính là nơi này, trên ngọn núi phía Tây Nam có một thằng bé tướng mạo kỳ lạ, đầu đội đầu lâu, còn bị người dùng bút chu sa khoanh lại. Ba tên sơn phỉ nghe xong giật mình chấn kinh, nói rằng thứ Đậu Chiêm Long nhìn thấy trên bức họa chính là Sơn Hài Tử! Nghe các vị cao tuổi trong Sâm bang kể lại, núi Quan Đông có một thiên linh địa bảo, là Lão Sơn Bảo (nhân sâm lâu năm) đã thành hình, lẩn trốn trong núi sâu rừng già, đáng tiếc chẳng ai tìm được nơi đó, ngươi nhìn bốn phía quanh rừng tùng mà xem, nơi đâu cũng là núi non cheo leo hiểm trở, không ở trên đó thì có thể là nơi nào? Trời xui đất khiến, để ngươi gặp lợn rừng đâm vào vách núi, xuyên qua khe nứt tìm được nơi này. Người sống trăm tuổi không dễ, sâm mọc ngàn năm không khó, sâm quý ngàn năm tuổi cùng lắm nặng bảy tám lượng, riêng Lão Sơn Bảo thì phải mười lăm lượng! Cái này kêu “Bảy lượng là sâm, tám lượng là bảo vật”, theo cách nói của người phóng sơn, sâm là gậy gỗ (can tử), bảo là kim cương, Sơn Hài Tử (bé Nhân Sâm) nặng mười lăm lượng, còn có tên là “Thất Can Bát Kim Cương”, là bảo vật giá trị nhất núi Quan Đông của chúng ta, nếu thứ ngươi thấy là một đứa trẻ, xem ra nó đã cải lão hoàn đồng!
Sâm nhổ lên được đặt trong một lớp rêu + đất tại chỗ đào, sau đó dùng vỏ cây bao lại (ảnh minh hoạ)
Còn tiếp…