Chương 5
ĐẬU CHIÊM LONG XÀO ĐỒ ĂN
1.
Trong làm ăn buôn bán, Can Tử Bang luôn chú ý “Quý trọng sự hoà hợp, uy tín làm nền tảng, khéo léo thu lợi nhuận, tuân thủ luật kinh doanh”, từ xưa đã định ra hai quy tắc lớn: Một là không nói hai lời, hai là nguồn gốc hàng hoá. Vậy cái gì gọi là không nói hai lời? Theo cách làm ăn của bọn họ, không có việc nói thách đẩy giá lên trời, thời điểm trao đổi hàng hoá, tuyệt đối là tiền trao cháo múc, vô cùng sòng phẳng, ví như ngươi đưa đến một tấm da thú, giá trị khoảng năm mươi lượng bạc, ngươi mở miệng muốn một trăm lượng, ta cũng không kỳ kèo mặc cả, trả đủ số tiền, ngươi xuống tay tàn nhẫn, ta vẫn nhịn được đau, nhưng chỉ có lần này mà thôi, lần sau hàng của ngươi tốt thế nào, bán rẻ bao nhiêu, ta đều không mua, đôi bên mua bán chú ý thành tín, kiếm tiền một cách quang minh chính đại. Thứ hai: buôn bán phải nói rõ “nguồn gốc” - nơi sản xuất/con đường nhập hàng, chỉ khi hội đủ hai điều này, mới có cơ sở đảm bảo chất lượng hàng hoá. Trụ sở chính của Can Tử Bang tại quan ngoại nằm ở La Quyển Tử (tỉnh Liêu Ninh), thời tiết ấm áp liền mở cửa đường sông, thuyền bè qua lại tấp nập, vào Nam ra Bắc, dòng người dùng xe đẩy/gồng gánh hàng hoá nối liền không dứt. Đám tiểu nhị phân công nhau dùng la ngựa chở rau củ ngâm Bảo Định, vải bông Cao Dương, lưới cá An Bình, dược liệu An Quốc, dầu mè Lão Gù, kim chỉ linh tinh…, thuê thợ săn dẫn đường, vừa lắc trống bỏi, vừa hét lớn “Hây hây hô hô”, vượt núi băng đèo đến nơi giao dịch mua bán. Bên kia bờ sông còn có khu chợ Cao Ly, không chịu sự quản lý của triều đình Đại Thanh, có thể đổi được thổ sản vùng núi thượng đẳng, đôi khi Can Tử Bang cũng lên thuyền vượt sông, qua bên kia giao dịch. Mùa đông tuyết phủ dày, lạnh buốt băng giá, các hộ chăn nuôi trồng trọt, săn bắn, đào sâm, mò trai lấy ngọc đều nghỉ ngơi, người Can Tử Bang đi khắp nơi buôn bán lại lục tục kéo về hội hợp tại La Quyển Tử. Địa phương có rải rác nhiều vũng nước, mùa đông, người dân sống quanh đây vẫn bắt cá dưới lớp băng, tập trung hình thành mười mấy Ngư Bang lớn nhỏ. Trong số các cống phẩm Tịch Nguyệt Môn đưa về kinh thành, không thể thiếu cá tầm, quan ngoại gọi là “Đại hoài đầu”, thân cá có thể dài đến bảy tám thước, miệng rộng hơn một thước, mỗi con nặng trên trăm cân, toàn thân không có vảy, chất lượng thịt có thể so với tổ yến, đặc biệt sau khi mặt sông đóng băng, là lúc bọn chúng béo mập nhất. Thời điểm tuyết rơi chạm nước, trên mặt sông mênh mông phủ lên một tầng sương mù màu xám, cũng là lúc bắt cá dưới băng. Những người buôn bán liền cắm cọc bên bờ sông, bày ra đủ loại hàng hóa phong phú nhiều màu sắc, bắt đầu ba mươi ngày “Chợ Can Tử”, cho đến khi đoàn xe chở cống phẩm thu gom hết cá tầm, mới cùng nhau nhập quan. Chợ Can Tử vô cùng náo nhiệt, các hộ đào sâm, săn bắn, mò ngọc trai đều mang theo chày gỗ*, da thú, sừng hươu, pín hươu được lưu trữ cả năm đến họp chợ. Ngư Bang cũng mở sạp bán cá, đủ loại Tam Hoa Ngũ La, Thập Bát Tử, Thất Thập Nhị*… đông lạnh cứng rắn, xếp trên mặt băng thành từng đống cao như núi.
*Chày gỗ: biệt danh của nhân sâm, do người dân trồng sâm/đào sâm/bán sâm thuộc ba tỉnh Đông Bắc thường gọi.
*Tam Hoa Ngũ La, Thập Bát Tử, Thất Thập Nhị: tên gọi chung cho các loại cá ở Hắc Long Giang. “Tam hoa” chính là Ngao hoa, Biên hoa, Tức hoa; “Ngũ la” chỉ Triết la, Pháp la, Nhã la, Hồ la, Đồng la; “Thập Bát Tử” “Thất Thập Nhị” chỉ là tên gọi đại khái, không thể liệt kê cụ thể .
Đậu Chiêm Long biết cách làm ăn, hàng hoá bọn họ mang đến đã sớm bán hết, thổ sản địa phương cũng chuẩn bị xong, tất cả xếp ngay ngắn trên xe hàng, bao bọc cẩn thận, chằng buộc chắc chắn, trước khi khởi hành nhàn nhã ngồi bên bờ sông, có tiểu nhị đi uống rượu dạo nhà thổ, đánh bạc, ghé Lạp Bang Sáo, cũng có người kéo Đậu Chiêm Long cùng đi. Kể từ khi Đậu Chiêm Long có nhận thức, đã nghe các trưởng bối nói về việc ăn nhậu, bài bạc nơi quan ngoại, một khi dính vào mấy thứ này, cả nhà từ già đến trẻ đều xui xẻo, hắn không dám chọc phiền phức, cũng không tính về quê, thầm nghĩ: “Học nghề xong sẽ bắt đầu đi làm kiếm tiền, tới tới lui lui, chi tiêu thực sự không nhỏ, không bằng lưu lại quan ngoại tìm việc làm, để dành chút tiền gửi tỷ tỷ cùng anh rể.” Mặt sông đóng băng, tuyết rơi thật dày, mắt nhìn không thấy đáy, gió Tây Bắc thổi vù vù, bông tuyết bay tán loạn đầy trời, mùa đông cá ít hoạt động, thịt trên người cũng dày hơn. Đám người phá băng bắt cá mặc áo da thật dày, chân xỏ ủng đóng đinh, trên người trên mặt dính đầy vảy cá, vai khiêng dụng cụ đục băng, tay cầm sào khua, giữ chặt rọ lưới, tốp năm tốp ba bận rộn, đói gặm miếng bánh kiều mạch nguội lạnh, khát nhặt khối băng vụn bỏ vào miệng, áo da bị nước bắn lên, chớp mắt đóng thành băng, không chỉ lạnh đến thấu xương, mà còn rất nặng. Người có khả năng làm công việc này, thể trạng phải mạnh mẽ như trâu bò, cho nên toàn là đàn ông trưởng thành. Đậu Chiêm Long không có sức lực lớn như vậy, nhiều nhất chạy lăng xăng trong bếp của Ngư bang, giống như người giúp việc vặt. Bờ sông có căn nhà gạch thô thấp bé, bên trong là giường lò được đốt nóng hổi, người trong Ngư bang xong việc trở về, đều ăn cơm nghỉ ngơi tại đây. Có sáu bếp lớn chuyên nấu ăn cho các hộ đánh bắt cá, bánh cuộn kiều mạch, bánh bao nhân đậu kê… chưng hết nồi này đến nồi khác, cá kho/thịt nướng, rượu Thiêu Đao Tử cũng không thiếu. Ngoài ra còn có mấy gian nhà lớn, bên cạnh xây bếp riêng, dùng để đón tiếp Tổng quản nha môn Đả Sinh Ô Lạp, người đứng đầu Thương hội hoàng gia, khách quý như Tát Mãn (pháp sư) tế bái thần sông, bất cứ lúc nào cũng thể dọn lên Tứ Tứ Tịch, bao gồm bốn món nguội, bốn món nóng, nếu như có ông chủ lớn đến, đương nhiên sẽ bày Lục Bát Tịch gồm sáu món nguội, tám món nóng. Mời đầu bếp bậc thầy đến nấu ăn, người này đã gần 70 tuổi, nhưng trông không già lắm, eo lớn bụng tròn, tinh thần minh mẫn, mặt đen như đít nồi, biệt danh “Lỗ Nhất Thược”, chẳng cần biết là đồ ăn gì, cứ cho hết vào nồi, thêm nước tương, mỡ hành, dùng cái xẻng to, đảo qua đảo lại, liền mạch lưu loát, không rơi không vãi không biến dạng, hết thảy đều là công phu thật sự. Sở trường nhất chính là món cá, chiên hấp kho hầm, đủ loại hương vị. Bên người có một đồ đệ, hỗ trợ lúc bận rộn, ngoài ra còn thêm một tạp dịch, phụ trách lột hành lột tỏi, làm sạch ruột cá, hàng năm bọn họ đều nấu ăn trong bếp của Ngư bang. Năm nay đồ đệ Lỗ Nhất Thược về quê cưới vợ, không theo tới đây, thủ lĩnh Ngư bang thấy Đậu Chiêm Long chăm chỉ chịu khó, tay chân lanh lẹ, sắp xếp hắn đến bếp riêng hỗ trợ Lỗ Nhất Thược. Đậu Chiêm Long biết cách làm người, mở miệng ra là kêu một tiếng “Lỗ sư phụ”, bưng trà rót nước, nhặt rau thái rau, lau đĩa rửa chén, gom đồ ăn thừa… việc gì cũng tranh làm, không hề giở trò gian dối, quan hệ với Lỗ Nhất Thược thực không tồi. Ngày thường hắn đi đến đâu, chó vàng liền theo đến đó, giúp hắn ngậm cái xẻng, tha cái chổi… còn cần mẫn hơn cả con người.
*Tứ Tứ Tịch/Lục Bát Tịch: Tập tục ẩm thực truyền thống khu vực Bác Sơn-tỉnh Sơn Đông.
Mùa đông nơi quan ngoại lạnh giá rét buốt, trong Chợ Can Tử hầu như không bán thức ăn nóng, rất nhiều tiểu thương cùng người bán rong kiếm không đủ tiền tự nấu ăn riêng, bếp ăn chung thì không có phần bọn họ, trên người chỉ mang theo mấy cái bánh nguội ngắt, đừng nói ăn một bữa cơm nóng hổi, nước nóng cũng không có mà uống. Đậu Chiêm Long tâm sáng mắt tinh (nhạy bén), nhìn ra cơ hội kiếm lời, mấy năm hắn làm học đồ ở phủ Bảo Định, từng thấy qua không ít quán ăn nhỏ, đơn giản chỉ có một cái nồi/một cái bếp, ghép mấy tấm ván gỗ đóng thành bàn cùng ghế băng, chuẩn bị mấy loại gia vị/tương dấm dầu muối, còn lại đều không cần. Người nghèo độc thân bán sức lao động, trong nhà không ai nấu cơm, ra hàng ăn lại sợ quá đắt, thường chỉ mua chút tôm thối cá ươn, nội tạng rẻ tiền, xách đến quán nhỏ, nhờ người ta giúp mình xào chín, nghề này gọi là Xào đồ ăn. Đậu Chiêm Long không chịu ngồi yên, mượn Ngư bang một cái lò không dùng tới, lúc rảnh rỗi xào bánh bột, bán cho người họp chợ. Hồi nhỏ, tỷ tỷ từng làm cho hắn ăn, nói đây là món ăn do tổ tiên dưới quê truyền lại, ông nội ăn ngán sơn hào hải vị, tâm đắc nhất vẫn là món này, ba ngày không ăn không chịu được. Thật ra xào bánh bột rất đơn giản, phi hành cùng ớt khô làm thơm chảo, cắt nhỏ bánh bột thả vào bên trong, cho thêm chút mắm tôm, đảo qua đảo lại mấy lần, ai thích cứng có thể ăn ngay, thích mềm thì đổ chút nước, đun nhỏ lửa thêm một hồi là được. Loại mắm tôm Đậu Chiêm Long sử dụng màu sắc tươi sáng, là sản phẩm Can Tử Bang mang đến từ Nhạc Đình, ngư dân địa phương giăng lưới vớt tôm biển, có con bị đứt đầu, thân có thể lột vỏ làm nhân, đầu tôm vứt đi cũng tiếc, cho nên bỏ thêm muối biển làm thành mắm, so với mắm tôm nơi quan ngoại, mùi vị thơm nồng, đậm đà hơn rất nhiều. Người dân đi chợ mua một phần bánh bột xào của Đậu Chiêm Long, trước tiên dùng đầu đũa chấm mắm tôm dưới đáy bát nếm thử, thấy ngon mới cho bánh bột vào miệng, vừa là món ăn vặt vừa có thể lấp đầy dạ dày, giá cả lại rẻ, cho nên việc làm ăn của Đậu Chiêm Long rất phát đạt, nhân tiện còn bán thêm thuốc lá, tóm lại bao nhiêu tiền cũng không đủ cho hắn kiếm, một thời gian sau, tính cả số tiền tích cóp được ở Can Tử Bang, tổng cộng hắn đã có hơn hai trăm lượng bạc. Giữ lại chút bạc vụn cho tiện sử dụng, còn đâu mang đến ngân hiệu, đổi thành ngân phiếu cất trong người, nghĩ sang năm làm ăn xong sẽ tranh thủ về quê, tự mình đưa cho tỷ tỷ cùng anh rể. Còn nhớ năm đó lúc rời đi, hắn từng mạnh miệng nói với người trong nhà: không kiếm ngàn vàng, quyết không về quê, một năm nay hắn lăn lộn ở Quan Đông, tích cóp tiền bạc, tuy còn cách ngàn vàng rất xa, nhưng nhắm chừng có thể kiếm được.
Gần đến ngày đánh bắt cá tầm, đội xe đưa cống phẩm vào kinh cũng vừa đến, những chiếc xe gỗ bánh hoa cắm long kỳ đỗ dọc bờ sông, mấy vị thủ lĩnh xuống ngựa/xuống xe, thủ hạ tiền hô hậu ủng, một đám diễu võ dương oai, bộ dáng nghênh ngang, trước tiên tiến vào phòng ở đã được quét dọn sạch sẽ, quan binh thủ vệ cùng đám phu xe dựng lều cắm trại gần đó. Các nhóm thương nhân Can Tử Bang hầu như đã bán hết hàng hoá, cũng thu mua xong da thú/thổ sản vùng núi, chỉ chờ đi theo đoàn xe đưa cống phẩm nhập quan. Ngư bang đánh bắt cá tầm chịu sự quản lý trực tiếp từ Nội Vụ Phủ, chẳn phân biệt dùng lưới đánh cá, hay dùng xiên chọc cá, đều được hưởng ân huệ từ triều đình, đời sau của ngư hộ không cần tòng quân, trồng trọt không cần nộp lương, tuy nhiên nếu không giao đủ cá tầm, nhẹ thì bị đánh, nặng thì rơi đầu. Cá tầm không những hiếm mà còn rất khó đánh bắt, trước tiên đào một cái hố tại khúc quặt dưới lòng sông để thay đổi dòng chảy, sau đó dùng lưới chặn lối vào, tạo thành “Hoàng Ngư Quyển” (còn gọi là Vòng Cá Tầm), mùa xuân phá băng bắt cá, trước tiên bái tế cá thần, giết một con lợn đen, rải máu cùng nội tạng xuống lòng sông, dựa vào mùi tanh thu hút cá đến đây, ngư dân cầm xiên giữ lưới, một khi phát hiện cá tầm liền cho thuyền bám theo, ngày đêm không ngừng nghỉ. Đầu mũi cá tầm có một miếng xương sụn, va chạm một chút cá sẽ chết, thế nên không thể làm mạnh tay, kiểu gì cũng phải chờ đến khi nó bơi mệt, nhô đầu khỏi mặt nước để thở, ngư dân dày dặn kinh nghiệm quăng thòng lọng bện bằng vỏ cây, không nghiêng không lệch, chính xác tròng vào miệng cá tầm, dẫn nó bơi từ từ theo con thuyền, chậm rãi tiến vào Vòng Cá Tầm. Mùa hè nóng bức không thể chuyển cá tầm đến kinh thành, thứ nhất chưa kịp đưa đến nơi, cá đã bị ươn; thứ hai không đủ béo mập, phải chờ đến mùa đông giá lạnh, cá dưới sông nặng cân nhất, vừa ra khỏi nước đã bị đóng băng thành cá đông lạnh, nhân lúc còn tươi dùng lụa vàng bọc lại, bên ngoài cuốn thêm một lớp rơm rạ, cùng đội xe lớn đưa tới kinh thành. Thật ra mùa xuân/mùa thu cũng có thể dâng tặng, chẳng qua phí tổn quá lớn, phải chặt cây liễu dọc bờ sông làm thành máng gỗ, đổ đầy nước dùng để nhốt cá sống, mỗi máng chỉ chứa tối đa một con, dây cỏ xỏ mũi, buộc vòng quanh đuôi, cứ để trong đó, không thể động vào. Lại dùng nắp đậy kín, chuyển thẳng tới kinh thành, ba ngày thay nước một lần, phải có người chuyên đánh trống doạ cá, không cho nó ngủ mà chết, lăn lộn như vậy suốt dọc đường, đưa đến Bắc Kinh mười con cá, cùng lắm sống được ba con, cho nên cuối năm mới là thời điểm cống nạp cá tầm lớn nhất.
Bánh cuộn Như ý
Vào ngày phá băng bắt cá, không những dùng vật sống tế bái thần linh, mà còn phải bày tiệc cá tầm trên bờ sông. Cùng ngày, một đội nhân mã khác cũng tới, người dẫn đầu khoảng 50 tuổi, đầu đội mũ da hải long, thân mặc áo lông chồn viền chỉ vàng, tinh xảo đến cực điểm, hông đeo một thanh trường đao, lưng rộng vai bằng, sống lưng thẳng tắp, đi đến bên bờ sông, xoay người xuống ngựa, thu lại roi da, thân hình nhanh nhẹn, bước đi trầm ổn. Đi theo phía sau là rất nhiều tùy tùng cùng nô bộc, chẳng ai tướng mạo hiền lành, toàn như hung thần ác sát, còn mang theo sáu con chó săn, con đầu đàn lưng rộng chân dài, lông màu xanh xám, thấy người một không nhe răng hai không sủa, thế nhưng mắt lộ hung quang, ai nhìn cũng sợ, năm con còn lại cũng đều hung dữ. Vương gia Mông Cổ ra ngoài săn thú, cùng lắm phô trương mức này mà thôi. Thủ lĩnh Ngư bang có uy vọng lớn nhất tại địa phương, trước giờ nói một không hai, bình thường gặp người mắt hướng lên trời, lúc này không ngại gió lạnh thấu xương, tự mình ra nghênh đón từ xa, cúi đầu khom lưng hành lễ vấn an, cung kính đưa khách đến phòng lớn. Có người kêu Đậu Chiêm Long qua đó hầu hạ trà nước, theo sự sắp xếp của Thủ lĩnh Ngư bang, Đậu Chiêm Long phục vụ các vị khách quý trà ngân châm hoa nhài được chuyển đến từ kinh thành, một khi lá trà thấm nước, bên kia sông cũng có thể ngửi thấy mùi thơm, tiếp theo bày lên mặt bàn trên giường đất bốn loại điểm tâm: bánh mứt táo, bánh hạnh nhân, bánh cuộn như ý, dưa lê mật sừng dê, lại bưng tới một khay nhỏ để đầy thuốc lá thượng đẳng. Hắn len lén nhìn trộm, thấy vị khách quý kia cởi áo khoác ngoài, tháo mũ da, ngồi khoanh chân ở đầu giường đất nóng bỏng, trường đao đặt ngang đầu gối, nghênh ngang tự đắc, cặp mắt lim dim, hai ngón tay nhẹ nhàng vuốt ve chiếc nhẫn ban chỉ bằng ngọc phỉ thuý trên ngón cái tay phải. Mọi người trong phòng không ai lên giường đất, tất cả đều đứng bên cạnh hầu hạ. Đậu Chiêm Long không dám ở lâu, nhanh chóng làm cho xong việc, xách ấm nước cúi đầu lui ra ngoài, trong lòng hâm mộ không thôi, thật đúng là “Người trọng vẻ ngoài, chó cắn áo rách”, trông bộ dáng vị này, xem ra còn lớn hơn quan lại, sống như vậy cả đời, mới không uổng một kiếp làm người!
Dưa lê mật sừng dê
Chạng vạng, gió lạnh gào thét, thổi vù vù khiến mọi thứ ngã trái ngã phải. Phía trên lớp băng có Vòng Cá Tầm đã dựng một chiếc lều da thật lớn, bên trong bày bàn ghế, thắp sáng đèn lồng, bốn góc để bốn chậu than bùn đen, dùng bàn ủi sắt úp lên, lửa than trong chậu cháy một ngày một đêm cũng không tắt. Tổng quản nha môn Đả Sinh Ô Lạp, thủ lĩnh các phương, hoàng thương đưa cống phẩm, những người có uy tín danh dự lần lượt đều có mặt. Vị khách quý kia đến sau cùng, vào lều liền ngồi chính giữa, trường đao chạm đất, tay trái nắm vỏ đao. Bốn tùy tùng đứng hầu đằng sau, kẻ nào cũng thẳng lưng ưỡn ngực. Đám người Ngư bang lên tiếng chào hỏi, mười mấy ngư dân cao lớn thô kệch chui vào lều lớn, quỳ lạy mọi người, lập tức cởi áo, bím tóc quấn quanh cổ, lấy dụng cụ đục một lỗ trên lớp băng, lại dùng xẻng cào mỏng lớp băng xung quanh, cá tầm bên dưới thấy ánh lửa liền sôi nổi kéo đến. Nương ánh sáng đèn lồng có thể mơ hồ nhìn thấy cá tầm chen chúc dưới lớp băng, tạo thành cảnh tượng vô cùng thú vị. Mọi người ngắm nghía hồi lâu, thủ lĩnh Ngư bang lại vẫy tay một cái, hai ngư dân lập tức tiến lên, đào mấy cái hố trên mặt băng, cá tầm bên dưới tranh nhau vọt lên, có con nhảy lưng chừng thì bị rơi xuống, có con bị những con khác chèn ép bắn ra ngoài. Con cá đầu tiên bắt được nặng không dưới hai trăm cân, khiến mọi người có mặt ở đây vui sướng reo hò, cũng không quên hướng vị khách quý ngồi ở giữa vuốt mông ngựa, thi nhau nói lời hay ý đẹp. Trong lều ấm áp, cá nhảy lên không bị đóng băng, vặn mình quẫy đuôi, ra sức uốn éo, mười mấy ngư dân đồng loạt động thủ, lúc này mới giữ được nó, lại có người dùng xẻng cẩn thận đập vào đầu cá, chờ đến khi bất động, mổ bụng ngay tại chỗ, moi ra ổ trứng, cắt thịt thành từng miếng, bày ngay ngắn trong bát sứ, chấm sốt ớt chua cay, kèm với rượu Ngọc Tuyền (đặc sản Cáp Nhĩ Tân) hâm nóng, dâng các vị quan to hiển quý thưởng thức. Ăn hết một nửa thân cá, miệng cá còn khép mở, mang phập phồng để thở. Thịt cá tầm sống hương vị vô cùng tươi ngon, không những có thể trừ bỏ nội hỏa (nóng trong người), tiêu khí ô uế, mà còn bổ khí tráng dương. Trứng cá tầm còn quý hơn trân châu, Hoàng thượng/Thái Hậu cũng không được ăn trứng tươi như vậy. Cá ở quan ngoại có rất nhiều loại: cá mè hoa, cá ngao, cá trích, cá chó, cá đuôi bò, ca vảy xanh, cá tráp, cá đù, cá đục… thế nhưng tất cả đều không thể so với cá tầm, cho dù chưa ăn nhưng xem ra gan rồng tủy phượng cũng chỉ đến mức này mà thôi. Đậu Chiêm Long hầu hạ trong lều, nhìn thấy phát thèm, đáng tiếc một mảnh vụn cá hắn cũng không có phần, chỉ có thể nuốt nước bọt, đứng bên cạnh cẩn thận hâm nóng rượu, thêm than vào lò, thở cũng không dám thở mạnh.
Ngư bang mở tiệc cá tầm, ngoài cá là món chính, những đồ ăn khác cũng đều mang lên, thông thường có sáu món nguội, tám món nóng, riêng tiệc cá tầm ít nhất phải có 36 món nguội, 42 món nóng, đám tôi tớ chạy ngược chạy xuôi, bê canh/tiếp đồ ăn như đèn kéo quân, bàn nào cũng đầy ắp, xem ra chỉ kém bàn tiệc Mãn Hán Toàn Tịch (gồm 108 món) mà thôi. Tại khu bếp bên ngoài, Lỗ Nhất Thược bận rộn cả buổi trưa, thắt lưng buộc chặt, tay áo xắn cao, khăn lau mồ hôi vắt trên vai, vận dụng toàn bộ kỹ xảo, chiên xào hầm nướng, ngọn lửa trên bệ bếp bập bùng nhảy múa, nắp nồi lên xuống phập phồng kêu leng ka leng keng. Bằng tay nghề của ông ta, 42 món nóng vốn không hề khó, đáng tiếc tuổi tác không tha người, đang lúc nước sôi lửa bỏng bỗng cảm thấy đầu gối mềm nhũn, bàn chân tê mỏi, lo sợ mình sẽ làm hỏng việc, liền kêu tạp dịch đi gọi Đậu Chiêm Long. Đậu Chiêm Long rời khỏi lều da, vội vã chạy đến khu bếp nấu ăn, kêu một tiếng “Lỗ sư phụ”. Lỗ Nhất Thược không ngẩng đầu, miệng phân phó: “Ta lo không xuể, ngươi giúp ta xào mấy món này.” Đậu Chiêm Long lập tức xua tay: “Ngài tha cho tôi, dự tiệc cá tầm toàn người giàu sang phú quý, mấy chiêu của tôi thực sự không lên được mặt bàn!” Lỗ Nhất Thược cầm xẻng, dùng sức gõ vào mép chảo, nói với Đậu Chiêm Long: “Ta nấu ngon đến mấy người ta cũng không để mắt, bất quá món ăn vẫn phải lên đủ, ngươi cứ yên tâm mà làm!” Đậu Chiêm Long không cách nào thoái thác, cầm dụng cụ sang bệ bếp bên cạnh. Mỗi người một chảo, bận rộn hồi lâu, cuối cùng còn thiếu một món xào nóng. Lỗ Nhất Thược gần như kiệt sức, mồ hôi trên trán chảy ròng ròng, tay cầm chảo run rẩy không ngừng, đang lúc bí bách, chợt nảy ra ý tưởng: “Ta nghe nói món bánh bột xào của ngươi mùi vị rất thơm, thử làm món đó xem sao!” Đậu Chiêm Long vừa xào xong một đĩa đồ ăn, đang lúc cao hứng, lập tức làm ngay một phần bánh bột, giao cho phục vụ bê lên bàn tiệc. 42 món nóng đã gom đủ, hai người mới thở phào nhẹ nhõm, ngồi xuống nghỉ ngơi. Lỗ Nhất Thược đứng lâu nấu bếp, chân đã sưng tấy, ngồi trên ghế băng lưng dựa vào tường, lại dùng một cái ghế khác kê hai chân, xắn ống quần lên thì thấy, hai bắp chân căng mọng, ấn ngón tay liền lõm xuống một hố, ông ta lắc đầu, tay cầm tẩu thuốc, nhét đầy thuốc lá sợi, châm lửa rít soàn soạt mấy hơi. Đậu Chiêm Long cũng bận việc nửa ngày, sớm đã bụng đói lưỡi khô, cắt một đĩa cá hun khói ngũ vị, rang thêm chút lạc, hâm nóng bầu rượu, vừa rót cho Lỗ sư phụ vừa hỏi: “Vị khách quý ngồi giữa bàn tiệc cá tầm là Vương gia nào thế? Đến từ kinh thành? Hay là từ Mông Cổ?” Lỗ Nhất Thược cười lạnh một tiếng: “Hừ, Vương gia? Vương gia còn tự mình cầm đao sao?” Ông ta buông ống quần, chậm rãi đứng dậy, một tay chống lưng đi tới cửa, nhìn quanh thấy ngoài phòng không có ai, lúc này mới quay lại ngồi xuống ghế, nói nhỏ cùng Đậu Chiêm Long: “Đó là tên thổ phỉ giết người không gớm tay, trông chưa đến 50, nhưng thật ra đã hơn 60 tuổi, biệt danh Bạch Kiểm Lang, dựa vào một thanh khoái đao, một nhát chém xuống, chẻ người thành hai nửa, người chết dưới đao của hắn, không một ngàn cũng có tám trăm, nhắc đến hắn, quan binh/dân thường nơi quan ngoại không ai không sợ, người lớn đều dùng tên hắn để hù dọa trẻ con! 40 năm trước, tên này từng đến quan nội, làm một vụ lớn, thu được sáu lu vàng, từ đây phát đại tài!”
Kẻ nói vô tâm, người nghe cố ý. Từ nhỏ Đậu Chiêm Long đã nghe tỷ tỷ kể về chuyện xảy ra với gia đình mình, lỗ tai cơ hồ đã mọc kén, tổ phụ Đậu Kính Sơn, thân là ông chủ Can Tử Bang, trong nhà chôn giấu sáu lu vàng móng ngựa. 23 tháng Chạp năm đó, đột nhiên có đám thổ phỉ quan ngoại đột nhập, kẻ cầm đầu sử dụng một thanh bảo đao chém sắt như chém bùn, tắm máu đại viện nhà họ Đậu, cướp đi sáu lu vàng, trước khi đi còn châm lửa thiêu rụi toàn bộ, từ đây nhà họ Đậu không thể gượng dậy nổi, đến giờ vẫn không biết lai lịch đám thổ phỉ kia. Lúc này, nghe lời Lỗ Nhất Thược nói, trong lòng không khỏi cảm thấy căng thẳng.
Lỗ Nhất Thược không biết tâm tư Đậu Chiêm Long, nhả hết khói thuốc trong miệng, nhấp một ngụm rượu nóng, gắp miếng cá hun khói, nhai mấy cái, nói tiếp: “Bạch Kiểm Lang làm xong một vụ lớn, từ đây đường đường chính chính chuyển sang kinh doanh. Toàn bộ núi Quan Đông, buôn bán có lời nhất chính là đào sâm. Vừa mang xuống núi liền có người thu mua. Đội quân Bát Kỳ cùng Tổng quản nha môn Đả Sinh Ô Lạp ở quan ngoại chia núi hái sâm, hàng năm triều đình đều hạ lệnh thu gom chày gỗ, giao không đủ sẽ bị đánh ít nhất 80 gậy, nếu đào được nhiều, nộp lên đủ số lượng, có thể tự mình lưu lại một chút, bán cho khách mua sâm. Cho nên không chỉ lưu dân tạo thành Sâm bang, mà cả thợ săn, người đào sâm, cũng lén bán nhân sâm với lông chồn. Bạch Kiểm Lang dùng số tiền lớn mua chuộc quan phủ, chiêu mộ được một đám đàn em liều mạng, kiểm soát Sâm bang lớn nhỏ nơi quan ngoại, nộp cho triều đình một phần chày gỗ, còn lại đều rơi vào tay hắn. Những người đào sâm chịu đủ mọi ức hiếp, giận mà không dám nói gì. Bạch Kiểm Lang lòng tham không đáy, có một muốn mười, có mười đòi trăm, ăn ngũ cốc tưởng lục cốc, làm hoàng đế muốn thành tiên, thậm chí còn mua lò vàng lò bạc, đúc riêng kim ngân bảo (vàng/bạc thỏi), dùng để lo lót trên dưới, nâng Kỳ* cho chính mình, tiền tài quyền thế ngày càng lớn, Ngư bang cũng bị hắn lũng đoạn, con cá đầu tiên bắt được phải dâng hắn ăn trước. Một số tham quan ô lại, nhận đủ thứ tốt từ hắn, ỷ vào trời cao hoàng đế xa, tự ý mở tiệc cá tầm bên bờ sông, chẳng quan tâm đây chính là tội khi quân!”
*Nâng Kỳ: ý chỉ chế độ kỳ tịch người Bát Kỳ Mãn Thanh, sử dụng để nâng cao giá trị bản thân.
Kỳ tịch tương đương với hộ khẩu. Bát Kỳ chia ra làm Thượng Tam Kỳ cùng Hạ Ngũ Kỳ.
Triều đình Mãn Thanh dựa theo hộ tịch chia mọi người ra làm: người Bát Kỳ và dân thường. Trong đó người Bát Kỳ được hưởng rất nhiều quyền lợi như không cần làm việc, không cần buôn bán, hàng tháng chỉ việc lãnh tiền trợ cấp theo chế độ. Đối tượng được nâng Kỳ thường là người có công lớn, gia tộc Hoàng hậu cùng phi tần.
Trong lòng Đậu Chiêm Long đang như sóng cuộn biển gào, chợt có người phục vụ từ lều lớn chạy vào, mặt mày hớn hở nói với Đậu Chiêm Long: “Bạch đại gia cho gọi người xào bánh bột, nhất định muốn thưởng ngươi, nhóc con phát tài rồi, còn không mau đi thôi!” Lỗ Nhất Thược không tin, nghi hoặc hỏi: “Vị kia chính là đại nhân vật, sơn trân hải vị nào mà chưa từng ăn qua? Bánh bột xào còn muốn cho tiền thưởng sao? Chẳng lẽ không vừa miệng, muốn lấy đầu thằng bé?” Đậu Chiêm Long âm thầm kinh hãi, nhất thời không biết làm sao. Phục vụ kéo tay hắn, luôn mồm thúc giục: “Bộ dáng này của ngươi là sao? Thế nào như chuột ăn phải thuốc vậy? Mau đi thôi, đừng để Bạch đại gia chờ lâu sốt ruột!”
Còn tiếp…