Chương 4
ĐẬU CHIÊM LONG VÀO THÀNH
4.
Rốt cuộc, Đậu Chiêm Long cũng tìm được chỗ dừng chân, biết cơ hội đến không dễ, một lòng một dạ học buôn bán, hy vọng tương lai kiếm thật nhiều tiền, bởi vậy vô cùng dụng tâm. Sáng sớm gà vừa gáy đầu canh đã thức dậy, trước tiên đi đổ bô cho chưởng quầy, lấy nước rửa mặt, hầu hạ xong liền đi gánh nước, quét sân viện, giúp nhóm lửa nấu cơm, xếp ván gỗ mở cửa hàng, chạy tới chạy lui, bận rộn không ngừng nghỉ. Ban ngày làm việc mệt mỏi, tối đến còn phải nhanh chóng thu dọn từ trong ra ngoài, đóng cửa cài then, xếp hàng hóa ngăn nắp chỉnh tề, giúp chưởng quầy dọn giường vén chăn, bưng nước hầu rửa chân. Hiệu buôn cũng có rất nhiều kiêng kỵ, ví như quét sân thì chổi phải hướng vào bên trong, nếu hướng ra ngoài, sẽ bị coi là “Quét tài”; thấy con nhện, con rết hay du diên cũng không thể đánh chết, vì đây toàn là vật dẫn tài; từ học đồ đến chưởng quầy, ai cũng không được phép nói mấy từ không may mắn như bại, lật, bít, đóng, đền.v.v... Đậu Chiêm Long tay chân nhanh nhẹn, trong mắt có việc, dọn dọn khiêng khiêng không hề qua loa, trong hiệu buôn rất được người ưa thích. Từ nhỏ, Đậu Chiêm Long đã thuộc lòng quy tắc kinh doanh, biết tính sổ sách, hắn không phải đồ ngốc, thế nhưng làm sao nhập hàng, làm sao bán hàng, cũng như giao tiếp với khách, ở Đậu gia trang không ai dạy hắn, việc không nói không biết, gỗ không khoan không thủng, chẳng nghề nào chỉ dựa vào bản thân mà hiểu rõ, kiểu gì cũng cần người chỉ dẫn, khai thông đầu óc, truyền đạt kinh nghiệm. Chưởng quầy coi trọng hắn, dạy được cái gì liền dạy, cũng không giấu nghề, có thể nói là dốc lòng đào tạo. Không quá hai năm, Đậu Chiêm Long đã biết hết toàn bộ công việc trong hiệu buôn, tiểu nhị làm tám/mười năm cũng không rành như hắn, hơn nữa còn cẩn thận, không có lấy nửa điểm sai sót. Hắn sinh ra là một đứa trẻ thông minh, suy nghĩ sâu sắc hơn người khác, trải qua rèn luyện mấy năm, quả thực đã thành nhân tinh, chào đón/tiễn đưa trên mặt luôn mang theo nụ cười, luyện thành miệng lưỡi khéo léo, tràn đầy lời ngon tiếng ngọt, gặp ai cũng bắt chuyện, đặc biệt biết cách lôi kéo làm quen, khách đến xem hàng, chỉ cần để hắn giới thiệu, chẳng ai tay không mà về, cho dù không bỏ tiền mua cái gì, bản thân cũng không cảm thấy mất mặt. Có khi gặp phải ông chủ ngang ngược vô lý, tâm tình bực bội, vừa vào cửa đã mắng người té tát, tiểu nhị chẳng ai dám ra mặt, Đậu Chiêm Long qua đó nói dăm ba câu, ấy vậy mà có thể khiến vị này cam tâm tình nguyện rút hầu bao, về đến nhà có thể ăn thêm hai bát cơm đầy, cái này gọi là thủ pháp kinh doanh, mánh khoé buôn bán.
Thời xưa học đồ không được trả tiền công, thỉnh thoảng mới có chút tiền tiêu vặt, nhân dịp lễ tết thưởng bao lì xì. Đậu Chiêm Long chăm chỉ chịu khó, chưởng quầy sẽ cho thêm hắn mấy đồng. Các tiểu nhị khác cầm tiền, hoặc là đi nghe kể chuyện/xem diễn kịch, ăn chút gì đó cho đỡ thèm, hoặc là mua thêm đôi giày/bộ quần áo, Đậu Chiêm Long không nỡ tiêu cho bản thân, có tiền thưởng toàn tích cóp, thời điểm viết thư báo bình an cho gia đình, sẽ nhờ người mang về nhà. Làm học đồ tuy gian khổ, nhưng rốt cuộc cũng làm được thứ mình muốn.
Lại nói, Đậu Chiêm Long cũng là con người, ăn ngũ cốc tạp lương, đương nhiên có thứ mình yêu thích, trong túi rủng rỉnh một hai đồng tiền lẻ, đều sẽ tìm chỗ tiêu khiển. Tại con đường cách hiệu buôn không xa có cái cổng chào, đi thêm về phía trước là khu đất trống, tụ tập không ít người bán tạp hoá/đồ ăn vặt, còn có người giang hồ mãi nghệ kiếm tiền. Phủ Bảo Định là cửa ngõ vào kinh đô, thủ phủ của tỉnh Trực Lệ, nơi này phồn hoa náo nhiệt, có thể so với thành Bắc Kinh, không gian rộng mở thông tới các phương, tập trung nhiều cửa hàng kinh doanh, kẻ đến người đi, nườm nượp không dứt, theo cách nói trên giang hồ, đây chính là một vùng “Hảo địa”. Vẫn có câu: “Năng nại bất tế, bạch chiêm hảo địa” - không có tài năng, chiếm chỗ cũng vô dụng, nghệ nhân có thể dừng chân tại nơi này, ít nhiều gì cũng có một vài kỹ năng đặc biệt/ bản lĩnh hơn người: đánh nhịp hát vè, điều khiển rối bóng, ngoắc chân đấu vật, ngoài ra còn bán đồ ăn vặt, thịt lừa nướng, bánh bột thịt bò, bánh bao thịt dê… toàn những món bạn không thể tìm thấy ở nơi khác. Đậu Chiêm Long vừa có thời gian rảnh, liền đến phía sau sân khấu gần cổng chào, không phải để xem người ta luyện tập tiết mục, cũng không mua đồ ăn thức uống, mà chỉ vì nhìn một tiểu cô nương ca hát, nghệ danh gọi là A Điệp, mày liễu mắt hạnh, dung mạo hơn người. Lần đầu tiên Đậu Chiêm Long đầu thấy cô bé, đôi mắt cú liền mở trừng trừng. Trong số những người mãi nghệ ven đường, A Điệp tuyệt đối được coi là tài năng xuất chúng, cho dù lưu lạc giang hồ, nhưng lại không nhiễm vẻ phong trần, chỉ tiếc một điều - nàng là người câm không thể nói chuyện.
Kể ra cũng lạ, người câm làm sao hát tiểu khúc? Bạn có điều không biết, dẫn A Điệp đi mãi nghệ chính là một mụ đàn bà xấu xí bẩn thỉu, hơn 40 tuổi, bộ dáng vô cùng kỳ quái, khuôn mặt gồ ghề, lông mày trụi lủi, đôi mắt chó cái (ích kỷ/hẹp hòi), mũi củ tỏi miệng con cóc, mái tóc thưa thớt được búi cao, trên trán đeo một cái đai bịt đầu bằng vải thô, thân mặc áo vạt chéo màu xanh thêu hoa, bên dưới là chiếc quần màu đỏ tươi, chân xỏ giày lụa trơn thêu hình bươm bướm sặc sỡ, khiến người xem đứng hình tắt tiếng trong vài giây. Lưng gù chân khoèo, tay cầm tẩu thuốc, hàm răng vàng khè, trên giang hồ mệnh danh “Đại Yêu Quái”. Nói mụ ta với A Điệp là hai mẹ con, chẳng ai chịu tin, trông diện mạo này sao có thể là mẹ ruột của cô bé xinh xắn kia chứ? Không chừng A Điệp là trẻ mồ côi do mụ ta nhặt được, thậm chí là bị ăn mày bắt cóc bán đi. Tuy Đại Yêu Quái bộ dáng xấu xí, nhưng lại có một giọng nói ngọt ngào, hát tiểu khúc uyển chuyển mềm mại, mê đắm lòng người, nhắm mắt nghe giống như thiếu nữ 15-16 tuổi. Mỗi lần hai mẹ con biểu diễn, thực chẳng khác gì diễn Song Hoàng, A Điệp phía trước làm bộ mấp máy môi, mặt mũi biểu cảm, động tác thuần thục, chỉ là không phát ra tiếng. Đại Yêu Quái tránh phía sau mà hát. Hai người phối hợp vô cùng ăn ý, không chút sơ hở.
*Diễn Song Hoàng: một loại hình nghệ thuật dân gian, do hai người kết hợp biểu diễn, một người làm động tác, một người đứng phía sau nói hoặc hát.
Đậu Chiêm Long thầm động tâm tư, mơ một ngày cưới A Điệp về làm vợ, cái này cũng không thể trách hắn, thời xưa lập gia đình sớm, đầy người 15-16 tuổi đã làm cha. Hắn là học đồ trong hiệu buôn, những lúc túi không có nhiều tiền, chỉ đành đứng bên ngoài đám đông nghe một hai đoạn, hễ rủng rỉnh vài đồng là dùng sức chen vào xem. A Điệp cứ hát một đoạn, lại cầm giỏ tre xuống thu tiền, Đậu Chiêm Long có bao nhiêu đưa bấy nhiêu, chưa từng từ chối. A Điệp với Đậu Chiêm Long tuổi tác tương đương, thấy thiếu niên này ăn mặc chỉnh tề, đôi mắt cú lộ vẻ khôn khéo, hoàn toàn khác với đám người tạp nham chuyên chiếm tiện nghi trên đường phố, trong lòng cũng có ấn tượng tốt, một lần nhân lúc Đại Yêu Quái không chú ý, còn vụng trộm đưa cho hắn một miếng bánh ngọt. Một hôm cửa hàng không đông khách, Đậu Chiêm Long nghe mấy tiểu nhị buôn chuyện, nói Đại Yêu Quái không muốn mang theo khuê nữ lăn lộn giang hồ, nếu có thể tìm được người đàn ông hay chủ nhân thích hợp, sẽ gả A Điệp ra ngoài, còn mình cầm tiền lễ về quê, không phải chịu khổ cực như bây giờ, hiện đang nhờ người mai mối, tuy đứa con gái này xinh như hoa như ngọc, nhưng nói cho cùng vẫn là người câm, người ta cưới vợ là để “thắp đèn tâm sự, tắt đèn bầu bạn”, A Điệp không thể nói, cho nên không dám thách cưới nhiều tiền. Đậu Chiêm Long nghe xong liền động tâm, không nỡ nhìn A Điệp lấy người khác, chẳng biết Đại Yêu Quái muốn thu bao nhiêu tiền lễ hỏi, nếu không nhiều lắm, hắn sẽ mượn tạm đám tiểu nhị trong tiệm, không thì lại làm không công cho hiệu buôn thêm mấy năm…. Có điều tiếp tục nghe, hắn giống như bị dội xô nước đá lên đầu, tiền tiêu vặt của hắn tích cóp cả năm cũng không đủ hai lượng, vậy mà nghe đám tiểu nhị nói, Đại Yêu Quái công phu sư tử ngoạm, há mồm đòi mười lễ! Thời xưa, một lễ hỏi cưới tiêu chuẩn là 64 lượng bạc trắng, mười lễ chính là 640 lượng, đừng nói tiểu học đồ như Đậu Chiêm Long, cho dù là chưởng quầy cũng khó lòng đáp ứng. Hắn vốn định chôn vùi bảo bối của Đậu Lão Đài, mang thiên linh địa bảo đi bán, đổi lấy một đời giàu sang phú quý, nhưng lại không dám coi nhẹ di huấn tổ tiên, kết cục của Đậu Lão Đài hắn cũng đã thấy rõ, nếu như tầm bảo thật sự có thể phát tài lớn, vì sao Đậu Lão Đài đến chết vẫn là kẻ khố rách áo ôm, sống trong căn nhà lụp xụp, nằm quan tài, ăn uống cũng chẳng ra gì? Hắn không hiểu rõ nguyên nhân, nào dám hành động thiếu suy nghĩ, đành chặt đứt ý nghĩ này, từ nay về sau sẽ không đến cổng chào nghe tiểu khúc. Cho đến một ngày, nghe nói A Điệp thắt cổ chết!
Tìm hiểu khắp nơi mới biết, thì ra A Điệp gả cho một lão già giàu tại địa phương, vị này chẳng có thú vui gì khác, chỉ thích xem biểu diễn: cái gì mà hát kinh kịch (Đao Mã Đán), ca Đại Cổ Nữu (vừa hát vừa gõ trống), cái gì mà đi trên dây, đạp lu nước… hễ thấy nữ nghệ sĩ nào có chút nhan sắc, tốn bao nhiêu tiền cũng muốn thu nạp. Đại Yêu Quái là kẻ tham tài, tìm lão nhà giàu đòi mười hai phần sính lễ, còn thêm tiền đính hôn, tiền trao canh thiếp, tiền tiễn đưa, tiền nghênh đón… lúc này mới vui vẻ gả khuê nữ, hầu bao đút đầy ngân phiếu liền rời đi.
Lúc ấy lão già kia đã hơn sáu mươi tuổi, A Điệp chưa trải việc đời, không hiểu nũng nịu chiều chuộng, cũng không rành ve vãn tán tỉnh, cho dù có dung mạo tuyệt sắc, sẽ có lúc khiến người chán ghét. Qua cửa chưa đầy ba tháng, cảm giác mới mẻ qua đi, lão già đã chơi chán, tốn tiền mua con hát lại là người câm, chẳng lẽ muốn cung phụng cả đời? Xin thưa, lão chẳng quan tâm. Nhà có bảy tám phòng thê thiếp, đa số xuất thân mãi nghệ, tàn nhẫn độc ác, chẳng phải loại thiện lượng, vốn không thể chấp nhận lão gia cưới vợ mới, thấy A Điệp thất sủng, lão già đến cửa phòng nàng cũng không thèm vào, cho nên cả đám hùa nhau bắt nạt, soi mói chèn ép, hễ mắc chút sai lầm liền đánh mắng thậm tệ. Lúc ăn cơm thê thiếp con cái ngồi quanh bàn, cho dù còn chỗ cũng đẩy A Điệp ra ngoài, lão già biết cũng vờ như không thấy. Đám hạ nhân lại càng xem ý chủ mà xử sự, chúng đều gọi nàng là “con câm”. A Điệp không bị điếc, có thể nghe nhưng không thể nói, toàn tự mình ngậm đắng nuốt cay, so với tồn tại mà chịu nhục, không bằng chết đi cho xong chuyện, chạy đến nơi mãi nghệ dưới cổng chào lúc trước, treo cổ tự vẫn, cái này gọi là “Đến từ đâu, đi từ đó” ! Địa phương phái người hạ thi thể xuống, dùng chiếu che lại, chờ quan sai tới khám nghiệm. Đang lúc mùa hè nóng nực, tử thi bốc mùi thu hút ruồi bọ, người dân xem náo nhiệt vươn tay chỉ trỏ, bàn tán sôi nổi, nhưng chẳng ai quản được việc này. Lão nhà giàu lại càng không quan tâm, bởi lão càng nghĩ càng cảm thấy thua thiệt, mất nhiều tiền cưới vợ bé về nhà, qua cửa vài tháng đã lăn ra chết, giờ phải tốn tiền thuê dân phu mang đi chôn, ngoài ra còn thêm một cỗ quan tài/một bộ áo liệm, thế chẳng phải mất cả chì lẫn chài sao? Quên đi, cứ đơn giản vứt xác ra đường, không thì tùy ý quẳng ra bãi tha ma cho chó ăn chim rỉa.
Đậu Chiêm Long biết được việc này, trong lòng phiền não không thôi, mượn chưởng quầy ít tiền, mua một cỗ quan tài ván mỏng, thuê người ở cửa hàng mai táng chôn cất A Điệp. Chờ đến khi hiệu buôn đóng cửa, lại tự mình ra mộ đứng một lúc lâu, không thể xoa dịu nỗi đau trong lòng.
Trong sách vắn tắt, chỉ nói ô phi thố tẩu (thời gian tựa thoi đưa), từ khi Đậu Chiêm Long làm học đồ, bất giác đã qua sáu năm, thân hình cao hơn, cánh tay to hơn, cơm ăn nhiều hơn, đôi mắt cú đêm cũng ngày càng sáng. Hắn làm học đồ ba năm, lại làm công ba năm báo ơn sư phụ, sau đó có thể ở lại trong tiệm làm tiểu nhị bán hàng, bao ăn bao ở, trả lương hàng năm, nếu cứ như vậy, không mất tám mười năm, không thể thăng lên làm quản lý. Hắn đang lúc thanh niên nhiệt huyết, lòng mang tham vọng, làm sao chịu dừng chân ở đây? Năm đó rời nhà, từng khoe khoang không kiếm ngàn vàng, quyết không quay về, nhưng nếu tiếp tục làm công việc trước mắt, chỉ sợ mười đời cũng tích cóp không đủ. Mà việc kinh doanh của Can Tử Bang đã vượt quá Sơn Hải Quan, đến tận ranh giới phía bắc Liêu Đông lạnh lẽo, làm tiểu nhị không chỉ có tiền công gấp bội, Can Tử Bang còn căn cứ vào lợi nhuận thu được, thưởng thêm một phần. Nhà Đậu Chiêm Long kinh doanh Can Tử Bang nhiều đời, bản thân hắn cũng muốn thử sức ở nơi tổ tiên mình từng buôn bán, vì thế thương lượng với chưởng quầy, xin ông ta làm người bảo lãnh, theo Can Tử Bang chạy đến Quan Đông. Chưởng quầy đã sớm nhìn ra, Đậu Chiêm Long khéo léo giỏi giang, can đảm thận trọng, cửa hàng nhỏ của mình không thể giữ chân hắn, vừa biết hắn muốn đến nương nhờ Can Tử Bang, tuy trong lòng không nỡ, nhưng vẫn viết cho hắn giấy đảm bảo, đóng dấu đầy đủ, rốt cuộc vẫn không yên tâm tiểu đồ đệ, luôn mồm dặn dò: “Đến Quan Đông buôn bán, băng núi vượt sông, gặp không ít nguy hiểm. Theo lời thợ săn nơi quan ngoại, vào núi sâu rừng già nên mang theo chó săn. Hai năm trước, hiệu buôn chúng ta có người đến Quan Đông, nhận nuôi một con chó vàng, cậu mang nó đi cùng, nó có thể trông coi hàng hóa, lại có thể kéo xe trượt tuyết, có nó ở đó, cậu cũng không sợ bị lạc đường khi vào núi, gặp phải dã thú còn có thể cứu cậu một mạng.” Đậu Chiêm Long dập đầu bái lạy, từ biệt lão chưởng quầy, mang theo con chó gia nhập Can Tử Bang.
Mắt thấy thời tiết chuyển lạnh, nhóm thương lái sớm đã chuẩn bị đầy đủ hàng hoá, chờ đến tháng Chạp, mang theo lương khô, mặc áo da thật dày, đầu đội mũ lông, toàn thân bao bọc kín mít, theo dòng người mênh mông cuồn cuộn lên đường. Cha mẹ/vợ con, già trẻ lớn bé đứng bên đường tiễn đưa, tiếng khóc tiếng la không ngừng vang lên. Bởi đối với người nghèo khổ mà nói, chạy đến Quan Đông là đường sống, cũng là đường chết, hàng năm đều có người bỏ mạng nơi quan ngoại, đi một chuyến có lẽ chính là sinh ly tử biệt, đời này kiếp này sẽ không còn gặp lại. Đại đội nhân mã vượt qua chốt canh phòng, quay đầu lại nhìn, trong gió tuyết thấy cổng thành đã khép kín, các thương nhân của Can Tử Bang nước mắt rưng rưng, móc ra hai ba đồng xu, ném về hướng công thành, cầu xin ông trời phù hộ, một ngày kia kiếm đủ tiền sẽ quay về cố hương!
Hết chương 4