Chương 3
ĐẬU CHIÊM LONG BẮN CHIM
1.
Mặc dù thời điểm Đậu Tông Khuê còn sống, chưa từng mang tiền về nhà, nhưng tốt xấu gì cũng là chủ gia đình, không có hắn làm chỗ dựa, cuộc sống càng trở nên khó khăn. Quả phụ mang theo ba khuê nữ: đứa lớn bị liệt, đứa thứ hai và thứ ba trẻ người non dạ, con trai út ngón tay dính liền, suốt ngày làm lụng vất vả, trong lòng còn u uất, chẳng bao lâu sau, Đậu Hàn Thị sức cùng lực kiệt, không quá nửa năm liền qua đời. Sinh hoạt toàn nhờ vào chị cả Xuân Hoa nằm liệt giường thu xếp, bất kể ngày đêm cắt giấy dán cửa sổ, khâu đế giày, may vá thuê, còn cùng hai muội muội đan rổ, bật bông, nhặt lông lợn, chọn đuôi ngựa… việc gì có thể đều làm hết, lúc này mới miễn cưỡng sống qua ngày.
Đại tỷ Xuân Hoa tính tình ôn nhu, hy vọng sau này em trai có chút tiền đồ, có điều vẫn chưa đặt tên, mọi người chỉ kêu hắn “Xá Ca Nhi”, ý nói đứa trẻ mồ côi số khổ, vì thế nhờ Lão gia tử - một vị trưởng bối trong tộc, đặt tên cho Xá Ca Nhi. Người trong dòng tộc sống cùng địa phương, hàng năm bái tế cùng một vị tổ tiên, quan hệ họ hàng không cần tặng lễ, nói với người ta một hai câu dễ nghe là được. Lão gia tử đức cao vọng trọng, nói Xá Ca Nhi bối phận không thấp, bối tự nên mang chữ “Chiêm”, có câu: Củ cải không lớn, lại ở trên cao*, rất nhiều thanh niên trai tráng trong gia tộc họ Đậu, đều phải gọi hắn một tiếng “thúc”. Thời xưa đặt tên, chủ yếu kiêng kỵ phạm quan húy, nhưng lại không cần tránh dùng chữ “Long - Phụng”. Lão gia tử rất có kiến thức, nói trong từ đường gia tộc họ Đậu có treo bức hoạ liệt tổ liệt tông, tiếng địa phương kêu “ảnh tổ tiên”, trong đó có một vị lão tổ cũng mang đôi mắt cú, thời xưa cưỡi lừa đen tầm bảo phát tài, sáng lập Can Tử Bang, đứa trẻ này tuy ngón tay liền nhau, không tiện làm việc, nhưng lại giống như móng vuốt loài rồng quắp bảo vật, đôi mắt sáng quắc, giống hệt vị lão tổ tông kia, tuyệt đối không phải vật trong ao, vì thế chọn một chữ “Long”. Từ đây Xá Ca Nhi có tên - Đậu Chiêm Long!
*Củ cải không lớn, lại ở trên cao:
Đây là cách nói của người dân nông thôn (TQ). Muốn củ cải có thân lớn/chất lượng cao, người nông dân dựa vào đặc tính hướng nước cùng dinh dưỡng trong đất của nó, sẽ đắp luống trồng củ cải cao hơn khoảng 10cm, mục đích của việc này là để chừa không gian cho củ cải phát triển, đồng thời tránh úng nước mưa. Sau này, người dân nông thôn dùng củ cải để mô tả tình trạng một số người trẻ tuổi nhưng có vai vế (bối phận) cao hơn một số người lớn tuổi trong tộc. Nếu bạn không phải nông dân hay biết cách trồng củ cải, sẽ không hiểu được cách nói này.
Thời gian qua mau, chớp mắt Đậu Chiêm Long đã 11-12 tuổi, thân thể vừa gầy vừa nhỏ, ngón tay liền nhau, đũa cũng không thể cầm. Có điều cậu bé rất thông minh, trường học trong thôn vừa mở cửa, hắn liền ngồi xổm bên ngoài, tư thục ở Đậu Gia Trang không dạy “Tam Bách Thiên” “Tiểu Cương Giám”, học vỡ lòng chính là buôn bán. Đậu Chiêm Long trừng đôi mắt cú, thấy những đứa trẻ khác đọc sách/gảy bàn tính, cũng tự mình bắt chước điệu bộ vạch xuống đất, tiên sinh dạy khẩu quyết/quy tắc kinh doanh, hắn nghe một lần liền không quên.
Cha mẹ trong thiên hạ yêu thích cái gì, tiên sinh dạy học cũng vậy, nhìn ra Đậu Chiêm Long là một tài năng có thể đào tạo, biết hắn nghe lén ngoài cửa, chưa bao giờ bắt bẻ xua đuổi. Tuy nhiên, những đứa trẻ trong trường coi hắn như quái vật, thường xuyên hùa nhau bắt nạt, không phải tay đấm thì chính là chân đá, còn mắng hắn là “quỷ đoản mệnh hại chết cha mẹ, mỏ ưng chân vịt - chỉ biết ăn không biết làm”, tỷ tỷ trông thấy còn có thể ngăn cản, nhưng nhiều lúc tỷ tỷ không ở đó, Đậu Chiêm Long sẽ bị đánh đến bầm dập mặt mũi, về nhà bị ba tỷ tỷ truy hỏi, hắn chỉ cúi đầu không hé răng. Xuân Hoa thương xót em trai, trong nhà có chút đồ ăn ngon, ví như trứng gà, táo đỏ, đậu phộng, sơn tra.v.v… đều để dành cho hắn.
Sau khi Xuân Hoa thu xếp gả hai em gái qua thôn bên cạnh, bản thân nàng cũng đã qua tuổi lấy chồng, quanh năm nằm liệt trên giường đất, chẳng ai nguyện ý cưới, huống chi nàng cũng không thể gả ra ngoài, bởi nàng vừa ra cửa, em trai sẽ không ai chăm sóc. Sau này thông qua mai mối, tìm ở huyện gần đó một người đồng ý ở rể. Kẻ này ham ăn biếng làm, không có tên gọi, biệt hiệu kêu “Chu Nhị Diện Tử”, da đen không dễ nhìn, trán hẹp cổ ngắn, vốn là một tên chơi bời lêu lổng, gây sự đánh nhau, bị người chọc mù một mắt, may ra còn biết chút nghề mộc.
Thời xưa, làm mộc đúng là một nghề kiếm ra tiền, đặc biệt ở nông thôn, đồ dùng gia đình/công cụ trồng trọt, thậm chí quan tài… đều cần thợ mộc, quan trọng nhất chính là xây nhà, xà ngang, khung mái, cột trụ, cửa sổ… đều là việc của thợ mộc. Địa phương có câu tục ngữ: “Đảo lộn kèo cột/khoan xà ngang, cùng lắm không quá hai ba năm”. Nếu trong lúc xây nhà, thợ mộc cố ý động tay động chân, chủ nhà nhất định không được an ổn, thế mới nói “Thà đắc tội cha vợ, không trêu chọc thợ mộc”. Mời thợ mộc về làm việc, không chỉ trả tiền công cao, còn phải cho bọn họ ăn no uống đủ. Lúc Chu Nhị Diện Tử còn nhỏ, từng theo một lão thợ mộc học nghề, nào biết ngắm hoa dễ thêu hoa khó, nghề mộc chú trọng “3 năm học đồ, 5 năm khổ luyện, 7 năm xuất sư”, chỉ riêng bốn kỹ năng cơ bản: bổ, đẽo, đục, xẻ cũng phải mất dăm ba năm mới thành thạo. Chu Nhị Diện Tử cà lơ phất phơ, không chú tâm học nghề, chỉ biết giành ăn, lại không có mắt nhìn, giống như khúc gỗ đứng lù lù ở đó, chẳng ai hoan nghênh, sư phụ cũng không thèm quản hắn. Trước khi bái sư, hắn chỉ chăm chăm việc làm thợ mộc được ăn thịt, không thấy được sự vất vả của nghề mộc, thành học đồ mới hiểu, làm thợ mộc không hề dễ, cả ngày từ sáng đến tối không thể rời chỗ, kéo cưa xẻ gỗ đau bả vai, cúi đầu bào gỗ đau cổ, khoét rãnh/đục mộng đau cổ tay, chưa kể bị dằm đâm, đứt tay chảy máu… tóm lại chỗ nào cũng đau, càng làm càng cảm thấy bực bội, tay nghề không tốt còn lười biếng, việc đòi hỏi sự tinh tế kiếm nhiều tiền thì không làm được, việc đơn giản nặng nhọc thì ngại mệt, cuối cùng bỏ phí tay nghề.
Vậy một kẻ độc thân vừa nghèo vừa lười như hắn, lấy gì sống qua ngày? Hắn bất chấp tất cả, ỷ vào gan lớn miệng quạ, chuyên đi giải quyết “phiền phức” nhà người khác: ai phạm tà ám, chọc phải thứ không sạch sẽ, hoặc bị chồn tinh quấy phá, Chu Nhị Diện Tử sẽ nghênh ngang qua đó, dựng lông mày/trừng con mắt, vươn cổ ngoác miệng chửi ầm lên, muốn khó nghe bao nhiêu có bấy nhiêu, da mặt mỏng một chút sẽ không chịu nổi. Cái này gọi là quỷ thần sợ ác nhân, hắn mắng chửi một hồi, nhiều khi còn tác dụng hơn ông đồng bà cốt giả thần giả quỷ hay lão đạo lỗ mũi trâu làm phép, lâu ngày nghiễm nhiên tạo nên tên tuổi ở địa phương. Ai đến nhờ hỗ trợ, ít nhất phải cho hắn ăn no, nhà giàu còn có thể đưa chút rượu thịt, cho hắn mấy đồng tiền thưởng.
Chu Nhị Diện Tử càng ăn càng tham, càng làm càng lười, đáng tiếc không phải ngày nào cũng có quỷ ám, vì kiếm miếng ăn, sau này hắn không chỉ “đuổi tà”, mà còn “phá tang lễ”! Nhà ai có người qua đời, hắn liền lén lút thả hai con chuột vào trong quan tài, lại dùng máu vẽ hình tiểu quỷ. Người túc trực bên linh cữu nửa đêm nghe tiếng động trong quan tài, có thể không sợ sao? Nhất định sẽ tìm hắn ra mặt giải quyết, Chu Nhị Diện Tử làm bộ khua chân múa tay, sau đó nhân lúc mọi người không để ý bắt lại con chuột, lau sạch máu bẩn, mượn cớ này kiếm bữa ăn miễn phí, ngoài ra còn làm không ít chuyện thiếu đạo đức, cho nên hơn hai mươi tuổi vẫn chưa lấy được vợ. Người dân địa phương đều nói “Dìm chết kẻ biết bơi, dọa chết kẻ gan lớn, hắn tự mình gây họa, sớm muộn sẽ gặp báo ứng”!
Từ khi đến nhà họ Đậu ở rể, Chu Nhị Diện Tử vẫn không hề thay đổi, ngày nào cũng nằm khoèo trên giường đất, có cơm thì ăn, không có thì nhịn, cái này gọi là “No thực vây, đói phát ngốc”, một khi có người tìm hắn làm việc, kiếm được chút rượu thịt tiền thưởng, liền uống đến trời đất quay cuồng, hưởng thụ mấy ngày sung sướng. Xuân Hoa khuyên hắn tìm việc làm ổn định, khổ một chút mệt một chút cũng không sao, ngàn vạn lần đừng trêu chọc mấy thứ không sạch sẽ, bằng không sớm muộn cũng rước hoạ vào thân. Chu Nhị Diện Tử quen thói ham ăn biếng làm, sợ nhất chịu khổ, mặc kệ Xuân Hoa khuyên bảo thế nào, hắn đều dầu muối không ăn, khăng khăng làm theo ý mình, vì bàn tay Đậu Chiêm Long có màng, mắt sáng như cú, trông rất dọa người, mỗi lần Chu Nhị Diện Tử ra ngoài kiếm chuyện, đương nhiên sẽ kêu hắn hỗ trợ: “Xá Ca Nhi, cùng ta đi kiếm tiền, lát về mua quà vặt cho ngươi ăn!” Đậu Chiêm Long nguyện ý đi cùng, ngày thường chẳng có món gì ngon, từ khi theo anh rể ra ngoài, ít nhất được chia nửa miếng bánh ngọt, tiện thể còn được xem náo nhiệt.
Có một thời gian, Chu Nhị Diện Tử liên tục không kiếm được mối nào, lương thực còn lại trong nhà sắp cạn, chỉ đủ một ngày hai bữa, ba người chia nhau một bát cháo loãng. Chu Nhị Diện Tử lười biếng tham ăn, trong bụng trống rỗng, uống mấy hớp cháo ngô làm sao đủ no, chân tay vô lực, nheo mắt nhìn con chuột đen sì trong góc nhà, ba hai canh giờ không hề nhúc nhích, hận không thể bắt nó làm thịt. Đậu Chiêm Long cũng không hứng thú ra ngoài chạy loạn, co đầu rụt cổ ngồi trước thềm, thật sự đói chịu không nổi, đành uống mấy ngụm nước lã cầm hơi. Trưa hôm đó, chợt nghe bên ngoài gà bay chó sủa, còn có rất nhiều người hô to gọi nhỏ. Chu Nhị Diện Tử giống như tỉnh mộng, lập tức nhảy xuống giường đất, kêu Đậu Chiêm Long: “Mau lên, theo ta làm việc!”
Còn tiếp…