Chương 2
ĐẬU CHIÊM LONG XUẤT THẾ
4.
Quân binh trấn giữ tại huyện thành đã lâu không đánh trận, chỉ biết tiêu phí lương hưởng, làm giàu bản thân, trông thấy Đậu Gia Trang lửa cháy hừng hực, ánh đỏ ngợp trời, trong lòng đều sợ hãi, chẳng ai dám ra ngoài bắt cướp. Bạch Kiểm Lang dẫn theo thủ hạ huyết tẩy Đại viện nhà họ Đậu, nghênh ngang đi lại như vào chốn không người!
Trải qua kiếp nạn này, nhà họ Đậu chỉ còn ba người may mắn sống sót, thứ nhất là Đậu Kính Sơn, dù sao cũng là ông chủ lớn, hàng năm ra ngoài làm ăn, trải nghiệm nhiều cho nên nhìn xa trông rộng, gặp chuyện liền nhanh chóng ra quyết định. Thời điểm Đao phỉ tiến sát Đại viện, ông ta nghe tiếng chó sủa không bình thường, liền biết có chuyện chẳng lành, áo cũng không kịp mặc, lập tức đến hậu viện, chui vào đường hầm bí mật, chạy một lèo tới ngôi miếu Quan Âm ngoài thôn, trốn dưới gầm bệ thờ Bồ Tát, lo lắng sợ hãi suốt một đêm, lạnh đến mặt mày tím tái, hai chân tê buốt. Đến khi mặt trời ló rạng, Đậu Kính Sơn mới cẩn thận bò ra ngoài, chúng kiến Đại viện nhà họ Đậu đã hóa thành một mảnh tro tàn, mấy chục người trong nhà đều mất mạng, thật sự khóc không ra nước mắt, miệng liên tục kêu khổ, cố gắng tìm vị trí nhà xí khu phía Tây trong đống phế tích, phát hiện căn hầm trống rỗng, sáu lu vàng hoàn toàn biến mất, cảm giác như búa bổ vào đầu, rớt từ trên chín tầng mây xuống vực sâu không đáy, sắc mặt lập tức trắng bệch, thân thể loạng choạng, phun ra một ngụm máu đen, gục ngã trong hầm tối, cứ thế về chầu ông bà tổ tiên.
Hai người nữa chạy thoát chính là mẹ Đậu Kính Sơn đã hơn 60 tuổi cùng cậu con trai 10 tuổi tên Đậu Tông Khuê. Vị thái phu nhân này một lòng hướng Phật, lúc trước từng phát nguyện, mùng 1 tháng Giêng năm mới, sẽ thắp nén nhang đầu tiên ở Chùa Tịnh Giác - Ngũ Đài Sơn. Ngũ Đài Sơn là thánh địa Phật giáo, chùa miếu nhiều, đâu đâu cũng tràn ngập hương khói, Chùa Tịnh Giác lại là nơi thịnh vượng nhất trong số đó, lấy được nén nhang đầu tuyệt đối không dễ dàng. Lão Thái Thái dẫn theo cháu trai cùng mấy người hầu, rời nhà từ hơn nửa tháng trước, như vậy mới may mắn tránh thoát kiếp nạn, coi như giữ lại cho Đậu Kính Sơn một đứa con nối dõi. Lẽ ra “Thuyền rách còn đáy, đáy thủng còn mạn (thuyền)”, sản nghiệp nhà họ Đậu tích cóp mấy thế hệ, không chỉ có mấy lu vàng trong Đại viện, đáng tiếc đương gia Đậu Kính Sơn vừa chết, toàn bộ đội xe/hiệu buôn ở quan ngoại lẫn ở quê nhà liền trở nên rối loạn, người không đầu không đi, chim không đầu không bay, chưởng quầy thông đồng với tiên sinh phòng thu chi, ngấm ngầm ăn chặn số tiền lớn, sổ sách/khế đất trong nhà, tất cả đều bị lửa lớn thiêu rụi, người còn sống chỉ biết ăn không biết làm, có lý không chỗ nói, có oan không chỗ kêu, cuộc sống trải qua còn không bằng hộ nông dân bình thường.
Cũng may mẹ Đậu Kính Sơn là người có tâm nhãn (biết nhìn xa trông rộng), không dám xưng nữ trung hào kiệt, nhưng cũng là co được giãn được, ngày lành đã hưởng, ngày xấu đã trải, chỉ cần hương khói nhà họ Đậu không bị chặt đứt, sớm muộn sẽ có lúc Đông Sơn tái khởi. Lão Thái Thái thắt lưng buộc bụng, cắn chặt hàm răng, ngậm đắng nuốt cay, một tay nuôi nấng Đậu Tông Khuê, đưa hắn đi học buôn bán, làm tiểu nhị đứng quầy thu tiền, ra ngoài theo Can Tử Bang đến Quan Đông, lại cưới vợ cho hắn, mong hắn có thể kiếm tiền nuôi gia đình, chấn chỉnh lại sản nghiệp tổ tiên, nào ngờ hắn đi một năm rồi lại một năm, liên tiếp mười mấy năm, lần nào quay về cũng gục đầu ủ rũ, giống như chim cút bại trận. Vợ hắn có hỏi, liền viện ra một đống lý do: không phải bị thổ phỉ cướp đoạt, thì chính là hiệu buôn bị cháy, ông chủ trắng tay, mọi người không được chia tiền.
Có điều sự thật không phải như vậy, đám tiểu nhị theo Can Tử Bang đến Quan Đông kiếm tiền, ít nhất phải vượt qua ba cửa ải: Đầu tiên là nữ sắc, đàn ông cho dù già hay trẻ, rời nhà ra quan ngoại làm ăn, có vợ cũng là nước xa không cứu được lửa gần, huống hồ trong ngành này còn chú ý “truyền kinh nghiệm”, người lớn ra ngoài giải trí, sẽ dẫn theo tiểu nhị mười mấy hai mươi tuổi, kêu bọn họ ngồi ở mép giường quan sát, thực đúng là cái tốt học ba năm, cái xấu học ba ngày, thường xuyên qua lại đương nhiên lọt hố. Cho dù không dạo nhà thổ thì cũng gặp Lạp Bang Sáo, hầu hết đều không thể rời chân. Lạp Bang Sáo còn gọi Thiếp Song Hoa, là phụ nữ gia cảnh bần hàn bị chồng đẩy ra ngoài kiếm sống, tự mình trang điểm đứng dựa cửa, thấy đám người Can Tử Bang đi qua liền lôi vào nhà mình, miệng không ngừng chào mời: “Đại huynh đệ, mau vào nhà ta, cha tụi nhỏ không ở nhà, trời mỗi ngày một lạnh, con ta vẫn chưa có quần bông mặc đấy!” Ở lại dăm bữa nửa tháng, còn không cho người ta được mấy lượng bạc sao? Tiếp theo là uống rượu, quán rượu có lớn có nhỏ, rượu mạnh ở lò nấu địa phương cũng rẻ, uống một ngụm nóng bỏng từ cổ họng tới dạ dày, tiểu nhị Can Tử Bang bận rộn cả ngày từ sáng đến tối, uống hai hớp rượu xua tan mệt mỏi, ngủ cũng ngon hơn, cái này chẳng có gì sai, chỉ sợ uống nhiều thành nghiện, không muốn uống suông mà phải kèm đồ nhắm, gặm cái bánh ngô cũng mất hai lượng, say đến mơ màng, nói năng lộn xộn, làm gì còn tâm trí làm ăn? Cuối cùng là tiêu tiền, cá độ/đặt cược, mười lần đánh bạc chín lần thua, dính lên thứ này còn không tàn đời sao? Thua hết còn đỡ, không chừng còn gánh một đống nợ. Nợ cũ chưa trả, nợ mới lại tới, giống như cỗ xe sa lầy, càng lún càng sâu. Dân cờ bạc nơi quan ngoại tính tình thô bạo dã man, nếu dám to gan quỵt nợ, chúng sẽ có muôn vàn biện pháp tra tấn bạn, cuối cùng phải về quê cầm cố tài sản, bán vợ bán con, không thì chết tha hương, thành cô hồn dã quỷ. Thời điểm Đậu Tông Khuê theo Can Tử Bang ra ngoài buôn bán, luôn coi mình là thiếu gia con nhà giàu, hiện giờ biến thành tiểu nhị, đám người hèn mọn kia đều có thể la hét mắng mỏ hắn, trong lòng đương nhiên không thoải mái, ngày nào cũng uống đến say khướt. Có câu “Tửu sắc tài khí không tách rời”, Đậu Tông Khuê trong lòng bất mãn, uống rượu như nước, còn chơi cờ bạc, lại thêm Lạp Bang Sáo, số tiền cực khổ kiếm được, toàn bộ ném vào hố sâu không đáy.
Nhà họ Đậu ngày càng nghèo túng, sống dựa vào mấy đồng tiền vợ hắn giặt giũ may vá cho người ta. Vợ hắn họ Hàn, sau khi lấy chồng kêu Đậu Hàn Thị, trước sau đã sinh cho Đậu Tông Khuê mấy đứa con trai. Nhà nghèo thời xưa sinh dễ nuôi khó, không ít trẻ con sinh dăm bảy ngày liền chết yểu, tục ngữ nói: “Trừu tứ lục phong” (mắc bệnh uốn ván), sau mấy năm chỉ giữ được ba khuê nữ. Năm đó Đậu Tông Khuê vì trốn nợ, không dám đi quan ngoại, lấy cớ mùa đông giá lạnh/khớp chân đau nhức, nằm trên giường đất hơn nửa năm, con người cũng không nhàn rỗi, lại làm vợ hắn mang thai. Đậu Tông Khuê không tính giữ đứa trẻ này, nhà đã nghèo không có gì ăn, làm sao nuôi nổi? Vì thế muốn mua “Nương nương dược” phá thai, vợ hắn không dám nói gì, Lão Thái Thái lại không đồng ý: “Có thêm đứa con cũng không tồi, vạn nhất là một bé trai, chẳng phải nhà họ Đậu sẽ có người nối dõi sao? Ta cũng già rồi, cả ngày ăn không ngồi rồi, chẳng giúp được gì, chẳng bằng...” Lão Thái Thái năm nay hơn 80 tuổi, răng đã rụng hết, chân nhỏ không tiện đi lại, ngày thường vẫn ngồi trước cửa nhà, vợ chồng Đậu Tông Khuê cũng không quá để ý. Ngày hôm sau không thấy Lão Thái Thái, cả nhà gia vội vã đi tìm, trước cửa sau hè, vẫn không tìm thấy. Lão Thái Thái xuất thân từ gia đình giàu có, một đôi chân nhỏ gót sen ba tấc, lúc đi phải chống gậy, run rẩy khó giữ thăng bằng, có thể đi đến đâu? Ngoài sân nhà Đậu Tông Khuê có vại nước to bằng đất nung, hắn phát hiện nắp vại đặt sang một bên, trong lòng cảm thấy bất an, thò đầu vào vại, vừa nhìn lập tức kinh hoảng: Lão Thái Thái ngồi thu lu trong vại nước, tự mình chết đuối! Mặc dù Đậu Tông Khuê chẳng quan tâm gia đình, nhưng lại rất hiếu thuận tổ mẫu, lúc này tim như bị dao cắt, nghiến răng mà mắng: “Bà nội nuôi ta từ nhỏ đến lớn, nhiều năm như vậy, vẫn chưa hưởng phúc ngày nào, kết quả chết trong tay một con tiểu quỷ còn chưa ra đời! Cái đồ chết bầm, không thể để ngươi tồn tại!” Dứt lời liền muốn đá vào bụng vợ, Đậu Hàn Thị vừa khóc vừa che bụng, mấy đứa con bên cạnh cũng khóc theo. Đậu Tông Khuê mềm lòng, thở dài một hơi, ôm đầu ngồi bệt dưới đất.
Chẳng bao lâu sau, đứa con của Đậu Hàn Thị chào đời, tuy là con trai, nhưng sinh không đủ tháng, hai mắt mở trừng trừng từ trong bụng mẹ, da dẻ toàn thân nhăn nhúm, giữa các ngón tay có lớp màng như chân vịt, trông thế nào cũng giống yêu quái. Đậu Tông Khuê vừa sợ vừa tức, trong lúc nhất thời lửa giận công tâm, phun ra mấy ngụm máu, ngã lăn xuống đất, đứt hơi bỏ mạng! Đậu Hàn Thị hối hận không thôi, nhận định đứa trẻ này chính là Tang Môn Tinh hạ phàm, đến nhà họ Đậu đòi nợ, sớm biết như vậy, thật sự không nên sinh nó ra! Trông tướng mạo quái dị của thằng bé, tương lai không tránh khỏi bị mấy bà cô bà thím hàng xóm chê cười, làm sao đứng thẳng sống lưng làm người. Vì thế hạ quyết tâm, gọi con gái thứ hai cùng thứ ba, bảo các nàng dùng vải thô bọc lại đứa trẻ, nhân lúc trời tối ném ra bãi đất hoang cho chó ăn!
Con gái lớn nhà Đậu Tông Khuê nhũ danh Xuân Hoa, cô nương mười bảy, mắt phượng mày liễu, bộ dáng vô cùng xinh đẹp, là mỹ nhân nổi tiếng tại địa phương, đáng tiếc không thể đi đứng. Bởi khi nàng còn nhỏ, Đậu Hàn Thị ở nhà vừa bận nhuộm vải/giặt đồ, vừa phải chăm con, sợ nàng chạy loạn, liền đặt cả ngày trong chậu gỗ giặt quần áo, lưng/chân thường xuyên lạnh cóng, lâu ngày thành ra bại liệt, hai chân còn gầy hơn que củi, có thể ngồi nhưng không thể di chuyển. Tuy nhiên Xuân Hoa từ nhỏ đã mạnh mẽ kiên cường, lại đặc biệt thông minh khéo léo, chẳng những giỏi thêu thùa, mà còn biết cắt giấy, dán lên cửa sổ trông vô cùng sinh động. Cha nàng lúc còn sống làm chưởng quầy bù nhìn, mẹ nàng lại không có chủ kiến, cả gia đình sống qua ngày thế nào, toàn dựa vào Xuân Hoa, nàng đích thực cũng có chút bản lĩnh, một văn tiền có thể bẻ thành ba. Nàng nghe nói mẹ mình bỏ rơi em trai nhỏ, mắng hai muội muội một hồi, sau đó sai các nàng đi nhặt em về, Đậu Hàn Thị không lay chuyển được con gái lớn, giận dỗi không cho đứa trẻ bú sữa, Xuân Hoa đành phải dùng nước cơm/cháo loãng để nuôi.
Đứa trẻ vốn sinh không đủ tháng, nhỏ hơn cả búp cải trắng, lại không được bú sữa mẹ, thân hình càng thêm nhỏ gầy, vậy mà họa vô đơn chí, chưa đầy tháng đã mắc phải bệnh lạ, hai mắt sưng đỏ, thấy ánh sáng là chảy nước, bên trong hoà lẫn máu tươi, theo khóe mắt chảy xuống thành dòng, làm thế nào cũng ngăn không được, xem chừng không sống quá mấy ngày. Đáng tiếc gia cảnh quá bần hàn, không mời nổi thầy lang chữa trị, xin được phương thuốc cũng không có tiền bốc thuốc, Xuân Hoa buồn khổ, dùng nước mắt rửa mặt. Khi ấy, có người chuyên thu mua tro đốt vàng mã tên Đậu Lão Đài, tuy cũng mang họ Đậu, nhưng không có tên trong gia phả Đậu gia, lại không sống trong thôn trang, hàng năm cưỡi một con lừa đen đi loanh quanh, kiếm sống bằng việc thu mua tro đốt vàng mã, ngày hè nóng bức mặc chiếc áo da cũ sờn, giọng nói khò khè như bị hen suyễn, lưng không thể đứng thẳng, cho nên mọi người mới đặt cho lão biệt danh “Lão Sàm Lao”. Thời xưa, thu mua tro đốt vàng mã cũng là một nghề, bởi vì trong tro vàng mã có thiếc, gom lại rồi dùng sàng mắt nhỏ đãi ra, tích tiểu thành đại, có thể bán lấy tiền. Ngày đó Đậu Lão Đài cưỡi lừa đen tìm đến tận cửa, lôi từ trong túi ra một quả trứng chim màu xám nhạt, tuyên bố đây là trứng quý, có thể dùng để rửa mắt trẻ con. Lão Sàm Lao hàng năm đều làm như vậy, nhà ai sinh tiểu hài tử, lão liền đưa trứng cho đứa trẻ rửa mắt, lão không thu tiền, nhưng bản địa không có phong tục này, phần lớn mọi người không tin lão. Xuân Hoa quá lo lắng, cho rằng Đậu Lão Đài thực sự có phương thuốc cổ truyền gì đó, vội vàng làm theo lời lão nói, đập quả trứng chim vào cái bát sành, dùng đầu ngón tay chấm chấm lòng trứng, bôi từng chút lên mắt đứa trẻ. Qua ngày hôm sau, quả nhiên vết sưng tiêu hết, hai mắt sáng đến dọa người, giống như một con cú!
Hết chương 2