Chương 2
ĐẬU CHIÊM LONG XUẤT THẾ
3.
Không bị Tái Đát Kỷ bám theo làm phiền, tâm tư Bạch Kiểm Lang đều đặt hết vào kế hoạch cướp bóc Đại viện nhà họ Đậu, mai phục trên núi chờ đợi thời cơ. Mùa đông năm ấy, Bạch Kiểm Lang lệnh cho mấy tên thổ phỉ hành sự cẩn thận, đi theo Can Tử Bang đến Nhạc Đình, có kẻ giả dạng làm người bán rong, có kẻ giả thành ăn mày xin cơm, lại có kẻ giả tên say rượu nằm lăn lề đường… chẳng phân biệt sớm tối ngày đêm, nhìn chằm chằm Đại viện nhà họ Đậu, còn có kẻ chuyên môn ra bờ biển thăm dò, tìm hiểu nơi nào nước sâu, nơi nào nước cạn, chỗ nào trên mặt băng có thể đứng vững, chỗ nào băng dễ vỡ. Người do hắn phái đi, tên nào tên nấy đều là tặc phỉ, quanh năm lăn lộn nơi rừng núi, dẫm gai đạp sỏi mà không hề hấn gì. Tin tức khắp nơi truyền về quan ngoại, Bạch Kiểm Lang lại lập ra một kế hoạch khác: ra vào làm sao, đi đứng thế nào, từ cách bịt mặt, đến nhảy tường cũng được bàn bạc chi tiết… chuyện lớn chuyện nhỏ đều bố trí thỏa đáng. Chờ đến cuối năm, hôm nay 23 tháng Chạp, khí lạnh ngoài biển buốt đến kinh người, gió cuốn bông tuyết bay tán loạn, khiến người không mở được mắt. Bạch Kiểm Lang tập trung hết huynh đệ/thủ hạ, trèo lên hơn chục chiếc thuyền buồm vớt hải sâm, tất cả đều được sửa lại từ thuyền “Khoái mã tử” cỡ lớn, cánh buồm đón gió căng phồng, từ cửa khẩu Lữ Thuận nối đuôi ra biển. Đám thổ phỉ ăn uống no đủ, thay phiên nhau chèo thuyền, trước canh đầu ngày hôm sau đã đến nơi, dẫm lên mặt băng bò vào bờ, căn cứ vị trí đống lửa do đám thổ phỉ tiếp ứng để lại, tập trung tại một ngôi miếu hoang rách nát bên bờ biển.
*Thuyền Khoái Mã Tử: được làm từ ván gỗ, thân thuyền có hình dạng tương tự thuyền độc mộc.
Bạch Kiểm Lang đã sớm sai thuộc hạ chuẩn bị rượu trong ngôi miếu hoang bên bờ biển, trên bàn để mấy chồng bát bằng đất nung sứt mẻ, lại thắp vài ngọn đèn dầu chiếu sáng. Một đám ô hợp, đa số đội mũ da sói/da mèo rừng, đầu tóc rũ rượi, mặt mũi bẩn thỉu đến nỗi không trát nhọ nồi cũng không nhận ra bộ dáng, thân khoác áo lông thú, eo buộc dây da trâu, chân xỏ ủng dạ, gót giày đóng đinh, dẫm băng đạp tuyết không sợ trượt ngã. Đám Đao phỉ cầm vũ khí sắc bén, mặt mày hung tợn, trong miếu chứa không hết, liền tụ tập bên ngoài, mỗi tên uống một bát rượu trắng cho ấm người. Bạch Kiểm Lang rút chủy thủ dắt dưới ủng, trước mặt mọi người cắt ngón tay, nhỏ máu vào bát rượu, thắp hương lập thề: “Thần linh tại thượng, Bạch Kiểm Lang cùng chúng huynh đệ, tối nay muốn làm một vụ lớn, đột nhập Đại viện nhà Đậu Kính Sơn - Can Tử Bang, đào ra sáu lu vàng móng ngựa! Huynh đệ ta có phúc cùng hưởng, có họa cùng chia, ai dám hai lòng, một súng bắn toi mạng, một đao chém chết tươi, uống nước sặc chết, ăn cơm nghẹn chết!” Cho đến lúc này, đám Đao phỉ mới biết, thủ lĩnh muốn dẫn bọn hắn đi cướp nhà ông chủ Can Tử Bang, đồng loạt khua chiêng gõ trống, reo hò ầm ĩ, Đậu Kính Sơn nhà giàu lắm tiền, thanh danh hiển hách nơi quan ngoại, trong nhà cất chứa không ít thứ tốt! Bọn hắn hận nhất cũng là Can Tử Bang, bởi hầu hết lau sậy chặt được đều bán cho hiệu buôn Can Tử Bang. Sau khi làm thành rổ rá, gùi sọt, hoặc buộc lại bán theo xe, dùng để đan vách tường, lợp nóc nhà, Can Tử Bang thu lợi không chỉ gấp mười lần. Người nghèo dầm mưa dãi nắng trên cánh đồng lau sậy, đổ mồ hôi sôi nước mắt trồng trọt chăn nuôi, bỏ sức trâu ngựa, ăn cơm heo chó, để ông chủ Can Tử Bang kiếm lợi kếch xù, còn mình toàn uống gió Tây Bắc, hắn bất nhân đừng trách chúng ta bất nghĩa, hắn hút cạn ép khô đừng trách chúng ta giết giàu giúp nghèo! Hơn trăm tên tặc phỉ hùng hãn, ai nấy bưng một bát Thiêu Đao Tử*, cắt ngón tay uống máu ăn thề, lại đồng loạt đập vỡ bát rượu, cùng nhau hò hét, khiến bốn vách ngôi miếu đổ nát rung lên bần bật, bừng bừng huyết khí xông ra ngoài, dẫn đường là mấy tên thổ phỉ Đạp Đĩa (do thám), một đám như sói dữ thấy sơn dương, nhân lúc gió lạnh trăng mờ, thảm sát Đậu Gia Trang!
*Thiêu Đao Tử: Rượu trắng nồng độ cao, chủ yếu làm từ cao lương, sản phẩm vùng Đông Bắc.
23 tháng Chạp Âm lịch, chính là thời điểm Đại viện nhà họ Đậu ít người nhất. Đám tiểu nhị ở Quan Đông đều đã theo đoàn xe vận chuyển Tịch Nguyệt Môn. Các chưởng quầy, trướng phòng tiên sinh, cùng những tiểu nhị chạy việc bên ngoài, sau một năm buôn bán bận rộn, đều quay về giao nộp sổ sách tiền nong, mang theo số tiền vất vả kiếm được, từ biệt chủ nhân về quê ăn Tết. Hôm nay, nhà họ Đậu ăn cơm muộn hơn bình thường, vì là ngày cúng Ông Táo, từ sáng sớm đã bày từng đĩa Kẹo Quan Đông* cao như bảo tháp trước bài vị Táo vương gia trong phòng bếp, bôi kẹo đường lên miệng lão nhân gia, hy vọng ngài lên trời nói lời ngon tiếng ngọt. Ban đêm tiễn ông Táo, bóc bức họa “Cửu Thiên Đông Trù Tư Mệnh Táo Quân” đã treo cả năm, đốt cùng vàng mã, cúng xong còn phải bái tế tổ tiên, sau đó mới ăn cơm. Theo quy tắc do tổ tiên nhà họ Đậu đặt ra, chủ gia đình sẽ ăn trước, tiếp theo là người làm công, cuối cùng mới đến người nhà. Trước khi ăn cơm, Đậu Kính Sơn còn phải đọc một đoạn lời dạy của thánh hiền: “(Kinh) Dịch nói, người quân tử nói năng cẩn thận/ăn uống điều độ, nói năng cẩn thận để tu đức, ăn uống điều độ để dưỡng thân…” Lúc ở bên ngoài, ông ta có thể ra tay hào phóng, nhưng ở nhà luôn lấy mình làm gương, thói quen tiết kiệm của người buôn bán không thay đổi, đồ ăn cũng vô cùng đơn giản, chẳng có gì khác ngoài bánh bột xào mắm tôm, cải trắng, đậu hũ, khoai tây sợi xào chua, miến nấu củ cải hầm, thêm một vài đĩa nhỏ dưa muối, dùng đầu đũa chấm chút dầu mè, một rổ bánh bột ngô nướng, mỗi người một bát lớn cháo khoai lang, chỉ có đêm giao thừa mới được ăn thịt kho, cá om, bánh chẻo, bánh tổ.
Kẹo Quan Đông: còn gọi Kẹo Ông Táo, là đồ cúng truyền thống của người Hoa, chỉ bán vào dịp cuối năm, được làm chủ yếu từ mạch nha và vừng.
Nhà giàu đồ ăn có thể đơn giản, quy củ tuyệt đối không thể bỏ qua, đến bữa già trẻ một nhà lại quây quần trong phòng ăn, chủ gia đình không tránh khỏi hắng giọng, răn dạy mỗi người vài câu. Con trưởng cùng con thứ hai của Đậu Kính Sơn văn không được võ cũng không xong, khiến ông ta tức đến nghẹn họng: “Hai đứa tụi bay đều là kẻ bất tài vô dụng, chuyện làm ăn không hiểu biết gì, còn không bằng một tên tiểu nhị Can Tử Bang! Đã nói với các ngươi bao lần, tận tâm tận lực theo dõi việc kinh doanh, nhưng các ngươi đã làm gì nào, vào tai này ra tai kia, chẳng đọng lại thứ gì trong đầu! Đi Quan Đông ngại lạnh, cửa hàng ở quê không chịu nhúng tay, đến sổ sách cũng không biết xem, mua bán không hiểu giá thị trường, xuống nước không biết sâu cạn, giao hữu chẳng phân biệt tốt xấu, cứ tiếp tục như vậy, nhà chúng ta sớm muộn cũng lụn bại trong tay các ngươi…” Cả nhà cúi đầu nghe Đậu Kính Sơn dạy bảo, ai cũng không dám động đũa, cháo cũng nguội lạnh. Đậu Kính Sơn vẫn chưa nói đủ, mắng xong con trai lại quở trách một bà vợ nhỏ: “Hôm nay ta xem sổ sách trong nhà, cô tiêu tiền cũng quá hoang rồi đó, ngày thường ta nói thế nào? Kiếm tiền như lấy kim khều đất, tiêu tiền như nước xói cát lở! Cần dùng thì ngàn vàng không tiếc, không cần thiết thì nửa xu cũng không chi, mua nhiều son phấn như vậy làm cái gì? Ta tất bật ngược xuôi bên ngoài, cô ở nhà trang điểm lộng lẫy cho ai coi?” Vừa nói vừa liếc mắt nhìn quản gia đang hầu hạ bên cạnh, khiến hắn sợ đến run rẩy, mau mồm khuyên giải lão gia: “Ngài bớt nóng, ngài bớt nóng, ăn cơm trước đã!” Lúc này Đậu Kính Sơn mới cầm đũa, tuy đồ ăn không ra gì, nhưng quy tắc lấy đồ ăn lại không ít: Trưởng bối gắp một lần, vãn bối mới được gắp một lần; phải gắp từ cạnh đĩa, không được phép đảo qua đảo lại; lấy bánh nướng không lấy cái trên cùng, phải chậm rãi rút ra từ giữa, còn không thể để bánh nướng phía trên trượt xuống; không được há mồm cắn miếng to/nhai nhồm nhoàm, húp cháo không được phép phát ra tiếng động; không được nói, không được cười, xì hơi cũng phải nhịn… Mới ăn chưa được vài miếng, chợt nghe tiếng chó sủa như điên bên ngoài, liên tục không dứt, toàn bộ Đậu Gia Trang trở nên hỗn loạn. Mọi người đưa mắt nhìn nhau, đều cảm giác đại họa sắp giáng xuống đầu, nhưng không biết họa đến từ đâu!
Thì ra hơn trăm tên Đao phỉ, nương bóng đêm mò đến bên cạnh Đậu Gia Trang, mùa đông khắc nghiệt, kênh nước bảo vệ xung quanh trang viên rộng hơn hai trượng đã bị đóng băng, thực dễ dàng dẫm lên, đám Đao phỉ huýt sáo ra hiệu, đốt đuốc xông tới. Đêm giao thừa, hai mươi mấy Hương dũng cầm đèn tuần tra ban đêm đã có phân nửa uống quá chén, bất ngờ gặp phải một đám Đao phỉ đến từ quan ngoại, tên nào tên nấy râu ria xồm xoàm, thân khoác da thú, giống như hổ báo sài lang trong núi sâu rừng già, ai cũng sợ đến mức ngây người. Bạch Kiểm Lang xung phong dẫn đầu, xoẹt một cái rút trường đao sau lưng, thanh khoái đao này của hắn sắc bén vô cùng, xé gió phạt cỏ, lông bay đứt đoạn, ánh đao loang loáng bao quanh thân mình, nhún bước vặn eo đâm chém đám người trong viện, chẳng khác gì mãnh hổ xông vào giữa bầy dê, hạ gục từng người, nơi hắn đi qua máu tươi bắn tung toé, đầu người lăn lông lốc. Những tên Đao phỉ còn lại cũng theo hắn lao lên, giống như chặt lau sậy/phạt cỏ dại, gặp người là chém, chớp mắt đã giết sạch đội Hương dũng tuần tra. Bọn chúng cầm đuốc xông vào thôn trang, hùng hổ đi loạn khắp nơi, chó nhà ai dám sủa một tiếng, liền bị đá văng ra hàng rào tre, một đao chém đứt đầu, lại lớn tiếng hù dọa người trong nhà: “Muốn sống, không được thắp đèn, không được phép rời khỏi phòng, kẻ nào cả gan ra ngoài, bằm thây kẻ đó!” Các thôn dân trong Đậu Gia Trang vội thổi tắt đèn dầu, trốn trong phòng không dám ho he một tiếng, chó cũng sợ đến mức im bặt.
Sau khi trời tối, Đại viện nhà họ Đậu liền cửa đóng then cài, hộ vệ trong viện nghe tiếng chém giết nổi lên ầm ầm bên ngoài, vội vàng trèo lên bờ tường gõ phèng la. Đám Đao phỉ đã chuẩn bị sẵn sàng, lúc trước phái “Đạp đĩa” do thám, nắm rõ chi tiết Đại viện nhà họ Đậu từ trong ra ngoài. Bạch Kiểm Lang dẫn theo bảy tám tên hãn phỉ thân thủ nhanh nhẹn, leo thang con rết lên đầu tường. Mấy võ sư nhà họ Đậu năng lực kém cỏi, một đám hữu danh vô thực, biệt hiệu không phải “Đoạn hồn thương” thì chính là “Tuyệt mệnh đao”, bình thường không làm gì hết, một ngày ba bữa cơm, ăn lương bổng hàng tháng, nếu thật sự động thủ, chưa chắc đã đánh nổi một người nông dân tay cày tay cuốc. Thật ra, trong lòng Đậu Kính Sơn cũng biết, của rẻ là của ôi, hàng tốt không có giá rẻ, bảo vệ người đi quan ngoại buôn bán càng không thể qua loa, vì thế thuê tiêu sư từ tiêu cục, có danh có tiếng, năng lực lớn, công phu thật, thậm chí còn cất giấu súng hoả, trả tiền thù lao cũng nhiều, hộ vệ giữ nhà không nhất thiết phải như vậy, chỉ cần cao to lực lưỡng, biết dăm ba thế võ mèo cào, hơn người thường một chút là được, ai ngờ thổ phỉ từ quan ngoại giết đến tận cửa! Mấy tên hộ vệ toàn phường giá áo túi cơm, sao có thể chống lại sơn tặc hung ác tàn nhẫn, chưa kịp báo tên hiệu đã phơi thây dưới đất. Hai tên Đao phỉ nhảy vào viện, tháo then gỗ mở rộng đại môn, cả đám người chen nhau ùa vào, vây kín trước sau, lật tung từng phòng, bắt người đẩy ra giữa sân viện. Bạch Kiểm Lang cầm đao quan sát, bộ dáng thờ ơ lạnh nhạt, thấy trong đám người này không có Đậu Kính Sơn, liền sai thủ hạ tiếp tục lục soát. Mấy tên Đao phỉ tìm được Phật đường ở hậu viện, gọi là Phật đường nhưng không có tượng Phật, trên bệ thờ chỉ bày một chiếc hộp bằng đá, trên dán niêm phong. Đao phỉ giết người cướp của không bái Phật, lập tức đá lư hương, lật bàn thờ, đập hộp đá, tìm kiếm một hồi vẫn không thấy vật gì đáng giá, phát hiện dưới bàn thờ Phật có đường hầm, thông ra ngoài thôn, đoán chừng Đậu Kính Sơn đã theo lối này chạy mất, đất hoang tối om một mảng, xòe tay không thấy năm ngón, bọn chúng không dám đuổi quá xa, đành quay về bẩm báo thủ lĩnh.
Chỉ là hòa thượng chạy được miếu đứng yên, toàn bộ già trẻ lớn bé mấy chục mạng người nhà Đậu Kính Sơn, bị dồn thành một đống, đứng chơ vơ trong gió lạnh. Bạch Kiểm Lang tay xách trường đao, chĩa vào bọn họ, lạnh giọng quát: “Đậu Kính Sơn chôn vàng ở đâu?” Hỏi ba lần không ai hé răng, vì thế tiến lên túm lấy một phụ nhân, giáng bôm bốp mấy cái tát, khiến cô ta đau đến kêu cha gọi mẹ, khóe miệng rỉ máu. Hỏi cô ta là ai, phụ nhân khóc lóc nói mình là vợ bé của lão gia. Thời xưa tam thê tứ thiếp, vợ bé tuy địa vị không bằng vợ cả, nhưng cũng được coi là Nhị nãi nãi. Bạch Kiểm Lang nghiến răng nghiến lợi hỏi: “Mau nói đi, vàng chôn ở đâu?” Nhị nãi nãi sợ chết khiếp, từ nhỏ đến lớn nào đã gặp qua thổ phỉ cầm đao? Trong lúc kinh hoảng hàm răng va vào nhau cồm cộp, run rẩy không nói nên lời, chỉ biết khóc nức nở. Bạch Kiểm Lang nóng lòng sốt ruột, vung đao đâm xuyên người Nhị nãi nãi, máu tươi bắn tung toé đầy đất. Người nhà họ Đậu nam khóc nữ gào, hoảng hốt kinh hãi, giống như vằn thắn nấu quá lửa - một đống nát bét (không ra bộ dáng). Bạch Kiểm Lang trừng đôi mắt đỏ au, quét một vòng nhìn mọi người, sau đó lôi cổ quản gia. Quản gia hai chân mềm nhũn, quỳ sụp dưới đất, dập đầu xin tha mạng. Bạch Kiểm Lang lạnh lùng hỏi: “Đậu Kính Sơn là gì của ngươi?” Quản gia lắc đầu lia lịa: “Đại gia… đại gia, tôi… tôi với nhà họ Đậu không thân không thích, tôi chỉ là hạ nhân.”
Bạch Kiểm Lang sắc mặt trầm xuống: “Giao ra Đậu Kính Sơn, ta tha ngươi một mạng!” Quản gia run như cầy sấy, đáp: “Đại gia, tôi không biết gì hết, vừa rồi lão gia còn ở trong phòng ăn cơm, nghe bên ngoài náo loạn, lập tức quay đầu đi đến Phật đường. Chẳng phải các ngài đã tìm thấy lối ra trong Phật đường rồi sao, tôi chỉ là hạ nhân, không biết ông ta chạy đi đâu…” Bạch Kiểm Lang không đợi quản gia nói xong, vung tay giáng mấy cái bạt tai, khiến miệng quản gia toàn là máu, sau đó ép hắn xác nhận người nhà Đậu Kính Sơn. Hai vị thiếu gia sợ đến vãi tè, không chờ quản gia mở miệng, tự mình quỳ gối van lạy: “Đại vương tha mạng, chỗ chôn vàng chỉ có cha tôi biết, bọn tôi tìm mãi vẫn không thấy, ngài hỏi cũng vô dụng!” Bạch Kiểm Lang giận đến đỏ mắt, vung đao chém chết hai vị thiếu gia, sau đó liên tiếp giết bảy tám người, vẫn không hỏi được nơi chôn vàng. Đám Đao phỉ cũng uy hiếp, thế nhưng kẻ trên người dưới nhà họ Đậu đều không biết, đáng tiếc Đậu Kính Sơn chạy quá nhanh, bằng không kề đao lên cổ hắn, không tin hắn không mở miệng! Với chút của cải hiện có trong nhà, vàng bạc trang sức, quần áo, lương thực… làm sao đủ chia cho từng đấy Đao phỉ? Nếu đào hết toàn bộ đại viện, ít nhất cũng mất ba ngày ba đêm, bọn chúng không thể trì hoãn, bởi đến khi trời sáng, quan binh sẽ tới đây!
Đám tặc phỉ không nén nổi cơn giận, thi nhau la ó ầm ĩ, muốn giết hết người sống trong Đậu Gia Trang, thấy cái gì cướp cái đó, có bao nhiêu đoạt bấy nhiêu, cho bõ công từ xa đến đây một chuyến. Bạch Kiểm Lang bảo thủ hạ đừng sốt ruột, hắn có một chiêu tà pháp, sai người đi bắt “Mao tử”, chính là gà trống, càng to càng tốt, có bao nhiêu bắt bấy nhiêu. Nhà họ Đậu nuôi không ít gà vịt ngan ngỗng, thổ phỉ bảo đầu bếp dẫn đường, bắt mười mấy con gà trống trong hậu viện, đều nặng sáu bảy cân, vừa to vừa mập, lông đuôi vểnh cong, đua nhau kêu ầm ĩ. Bạch Kiểm Lang tay trái xách một con gà sống, tay phải cầm đao nhẹ nhàng cứa cổ gà. Gà trống giãy vài cái, sau đó im dần. Bạch Kiểm Lang thu đao, kêu thủ hạ mang đến một cây đuốc chưa châm lửa, dùng máu gà xối lên, lại lệnh cho đám Đao phỉ còn lại làm theo, cắt cổ mười mấy con gà, lần lượt đổ lên thân đuốc, đốt cháy rồi dí sát mặt đất, cẩn thận tìm từng viên gạch, xó xỉnh cũng không bỏ qua. Có Đao phỉ không rõ nguyên do, cũng có tên từng thấy qua chiêu này, thời xưa vào núi sâu đào vàng, vì thăm dò kim mạch, thường dùng đuốc xối máu gà, dí sát mặt đất mà tìm, nếu dưới lòng đất thật sự có vàng, ngọn lửa bùng lên sẽ có màu xanh lam, nghe đồn trăm lần thử trăm lần linh nghiệm. Bạch Kiểm Lang lòng nóng như lửa đốt, tự mình cầm đuốc tìm khắp nơi, tiền đường hậu viện, cửa trước cửa sau, phòng trên phòng dưới, kho củi, chuồng gia súc, ổ gà ổ vịt, đáy lu đáy vại.v.v… lục soát một lượt, đừng nói vàng móng ngựa, một hạt bụi vàng cũng chẳng thấy. Đám Đao phỉ không khỏi nghĩ thầm, rốt cuộc nhà họ Đậu có giấu vàng hay không?
Lăn lộn cả buổi, đám Đao phỉ đói đến da bụng dính lưng, xông vào nhà bếp lục lọi, miệng không ngừng mắng chửi: “Con mẹ nó, thế này mà cũng kêu gia đình giàu có, thức ăn toàn đồ bỏ đi, khô cứng nhạt nhẽo, chẳng món nào ra hồn!” Trong đó có tên thổ phỉ lớn tuổi, húp xong hai bát cháo nguội, bụng kêu òng ọc, đau không chịu nổi, chỉ là trong viện kẻ tới người lui, muốn tìm nơi yên tĩnh giải quyết, cầm đuốc dò đường, tìm đến nhà xí Tây Khóa Viện, vừa tụt quần ngồi xuống, liền thấy ngọn lửa trên cây đuốc biến thành màu xanh lam! Tên thổ phỉ mừng đến phát điên, quên cả chùi đít, ôm quần chạy vội ra tiền viện, ghé tai Bạch Kiểm Lang nói thầm: “Bên dưới hầm cầu có vàng!” Bạch Kiểm Lang hai mắt sáng ngời, lập tức dẫn đám thuộc hạ đến nhà xí, dí đuốc tìm xung quanh hố phân, mắt thấy ngọn lửa chuyển sang màu lam, nổ lách ta lách tách. Bạch Kiểm Lang cười gằn một tiếng, lệnh cho mấy đứa ở nhà họ Đậu, mau chóng dọn sạch hố phân, dưới đáy lộ ra mấy tảng đá lớn, dính đầy phân tích tụ lâu năm, hôi thối không ngửi nổi. Mười mấy tên Đao phỉ cắn răng chịu đựng, cạy lên đá tảng, bên dưới quả nhiên có một căn hầm, trong đó để sáu cái lu lớn, miệng lu được phong kín, mở nắp ra thì thấy đựng đầy thỏi vàng hình móng ngựa, dưới ánh sáng của cây đuốc, lung linh rực rỡ, khiến người loá mắt!
Bạch Kiểm Lang cười đến điên cuồng: “Đậu Kính Sơn à Đậu Kính Sơn, ngươi có kế Trương Lương, ta có thang vượt tường! Sáu lu vàng nhà họ Đậu, từ đây thuộc về họ Bạch!” Vàng đã đến tay, há có thể lưu lại người sống? Hắn hạ lệnh một tiếng, đám Đao phỉ liền thảm sát Đại viện nhà họ Đậu, chém người như bổ dưa, sạch sẽ không chừa một ai, xong việc dắt hết gia súc lừa ngựa trong chuồng, vàng thỏi cùng vật đáng giá chất đầy mười xe lớn, dùng dây thừng to bằng cổ tay buộc lại cho chắc, nhân lúc trời chưa sáng, chạy khỏi Đậu Gia Trang, thẳng đến bờ biển, chèo thuyền suốt đêm quay về nơi xuất phát. Từ xưa đến nay, giết người luôn đi kèm phóng hỏa, chẳng quan tâm là thổ phỉ nơi nào, giết người xong đương nhiên phải hủy thi diệt tích, trước khi đi Bạch Kiểm Lang cũng châm một mồi lửa. 23 tháng chạp gió Tây Bắc thổi mạnh, khiến lửa càng bùng lên mãnh liệt, Đại viện nhà họ Đậu chớp mắt biến thành Hỏa Diệm Sơn!
Còn tiếp…