Chương 2
ĐẬU CHIÊM LONG XUẤT THẾ
1.
Câu chuyện bắt đầu từ đâu? Chúng ta phải kể từ khi quân Bát Kỳ nhà Thanh nhập quan, những người thợ săn đả quan vi* ở Bạch Sơn - Hắc Thủy (Đông Bắc TQ), đều chịu sự quản chế của Nha môn tổng quản Đả Sinh Ô Lạp*, sách cổ có nói “Phổ thiên chi hạ, mạc phi vương thổ; suất thổ chi tân, mạc phi vương thần” (ý nói trong thiên hạ, đất nào chẳng là đất của vua, người nào chẳng là con dân của vua), huống chi quan ngoại lại là quê hương của Hoàng Đế, đương nhiên mọi thứ tốt đẹp đều thuộc về bọn họ, một năm bốn mùa ngoại trừ cung phụng sản vật, còn phải giao nộp “Tịch Nguyệt Môn” đến kinh thành (Tịch Nguyệt có nghĩa là Tháng Chạp, ở đây muốn nói đến việc dâng lễ cuối năm). Cống phẩm hoàng gia không chỉ có mấy thứ quý giá như mật gấu, tay gấu, hổ tiên (pín hổ), hổ cốt, da hổ, lộc nhung, lộc tiên (pín hươu), xạ hương, sâm núi, chồn tía, cá tầm, bạch hồ, đông châu… còn có phô-mai, bánh sữa, Lạt Ma dược, rượu sữa ngựa cùng với những vật cần dùng trong hiến tế như hạt thông, kỳ hương… hết thảy đều dùng lụa vàng gói lại, chất lên chín chín tám mươi mốt chiếc xe hoa, một đoàn mênh mông cuồn cuộn, ròng rã đi hơn một tháng mới đến thành Bắc Kinh.
*Thợ săn Đả quan vi: thợ săn chuyên nghiệp, chuyên săn thú cho triều đình.
*Nha môn Đả Sinh Ô Lạp: có nhiệm vụ thu mua đặc sản địa phương cho hoàng thất nhà Thanh, ví như: Các loại đông châu thiên nhiên, lục tùng thạch, nhân sâm dược liệu, các loại sơn hào hải vị trân quý, chim ưng săn mồi thượng đẳng.v.v...
Người từ ngàn dặm xa xôi đến dâng lễ Tết, Hoàng Đế đương nhiên sẽ ban thưởng hậu hĩnh: gan xào bánh bao hấp, bánh vòng nước đậu xanh, đậu phụ chưng mỡ dê, bánh cuộn nhân đậu đỏ, phổi xào ngồng tỏi, phá lấu bò viên.v.v… dù sao tất cả đều là những món Hoàng Đế thích ăn, hơn nữa bọn họ mua đủ loại đồ ăn thức uống trong kinh thành, lúc về chất đầy xe ngựa. Mấy thứ thông thường ở quan nội như dầu muối tương dấm, vải vóc giày vớ, kim chỉ, bánh trà/đường đỏ, nồi bát thìa đũa… đã trở thành hàng hiếm ở quan ngoại, mang về bao nhiêu cũng không đủ.
Huyện Nhạc Đình cách thành Bắc Kinh không xa, xưa nay có rất nhiều người làm buôn bán nhỏ, nhắm trúng cơ hội, đẩy xe con/khiêng đòn gánh, mang hàng hóa đi theo đội buôn, đến quan ngoại làm ăn. Nghe có vẻ kiếm được nhiều tiền, nhưng thực sự cũng không dễ dàng, Quan Đông chính là nơi Đại Thanh thịnh trị, bá tánh quan nội không được phép xuất quan, nếu bị bắt nhất định sẽ mất đầu, huống chi Quan Đông núi nhiều người ít, trong rừng khắp nơi là đều hổ báo sài lang, phỉ tặc hoành hành, đi một chuyến băng núi vượt sông, không biết có bao nhiêu khó khăn nguy hiểm. Bát kỳ Đại Thanh giành được thiên hạ, vương công hậu duệ quý tộc đua nhau khoanh đất, trong phạm vi mấy trăm dặm quanh khu vực phủ Thuận Thiên, Bảo Định, Thừa Đức, Vĩnh Bình đều trở thành đất của quan, dân chúng không có nơi trồng trọt, không thu hoạch được hoa màu, chỉ có thể làm buôn bán nhỏ.
Một người đạp không nát cỏ trên mặt đất, nhiều người dẫm lâu thành đường mòn. Tiểu thương tại huyện Nhạc Đình phủ Vĩnh Bình kết làm “Can Tử Bang”, dồn tiền mua chuộc người đứng đầu Mã đội (đoàn người ngựa chuyên vận chuyển hàng hoá), một đường đi đến Mãn Hồn Hà (tức Hắc Long Giang), đóng cọc gỗ dài ngắn khác nhau ven bờ sông, tạo thành hàng rào, khoanh lại một mảnh đất, cho người dựng sạp, bày bán hàng hóa mang đến từ quan nội, sau khi kiếm lời liền trao đổi/thu mua da thú từ thợ săn trong núi, hoan du (mỡ lửng lợn còn gọi là Suyền cao, có tác dụng chữa bỏng, trị nứt da/chốc lở), thuốc lá Quan Đông… chờ đến thời điểm giao nộp Nguyệt Tịch Môn, lại theo Mã đội quay về, không ít tiểu thương nhờ cách này mà kiếm được bộn tiền. Làm ăn buôn bán tại Nhạc Đình chính là hàng thật giá thật, coi trọng nhất hai chữ “Thành Tín”, cần đầu tư thì đầu tư, cần nắm bắt cơ hội thì nắm bắt cơ hội, quyết không cân thiếu bán điêu, lấy hàng kém chất lượng thay thế hàng tốt, ngoài ra còn khuếch trương công việc kinh doanh. Bọn họ chạy vạy ngược xuôi, câu thông quan hệ, xin được giấy phép kinh doanh tại quan ngoại, danh chính ngôn thuận trở thành Hoàng thương (chuyên cung cấp hàng hoá cho triều đình). Bùn nhiều thì tượng Phật lớn, nước lên thì thuyền lên, trải qua một hồi khổ tâm kinh doanh, Can Tử Bang trước kia vận chuyển hàng hóa bằng gồng gánh, xe đẩy nhỏ, nay đều đổi thành xe lớn có khung có mái, mở chi nhánh khắp nơi, buôn bán trải dài đến tận Mông Cổ. Tại địa phương buôn bán náo nhiệt như Nhạc Đình, trẻ con nói chưa sõi đã biết tính toán, ba tuổi gảy bàn tính, hết thảy những gì học được đều là quy tắc kinh doanh. Thời xưa, trong sĩ-nông-công-thương, thương (buôn bán) xếp hạng thấp kém nhất, thế nhưng trong mắt người dân tại Nhạc Đình, thương nhân lại được coi trọng.
Những năm Càn Long, thủ lĩnh Can Tử Bang họ Đậu, tên Kính Sơn, sống tại Đậu Gia Trang - phía Đông huyện Nhạc Đình, tổ tiên nhiều đời chuyển đến Quan Đông, sáng lập Can Tử Bang, truyền tới thế hệ ông ta, trong tay đã có hơn hai trăm chiếc xe chở hàng thiết ngõa đại xa. Chắc bạn sẽ hỏi, thiết ngõa đại xa là gì? Đó chính là gắn một vòng sắt lá vào bánh xe gỗ cùng trục xe, lại tra thêm dầu, xe lớn như vậy sẽ có thể trở được ngàn cân, mỗi ngày đi bảy tám mươi dặm. Đậu Kính Sơn còn nuôi không ít đại gia súc, ngựa, la, trâu, lạc đà… đi thành bầy, xếp thành hàng, kết thành đoàn, không những vận chuyển hàng hóa của mình, mà còn có thể cung cấp dịch vụ cho các hiệu buôn khác, kiếm thêm một phần thu nhập.
Già trẻ nhà bọn họ có mấy chục người, sống trong một đại viện, chọn phương vị theo Ngũ Hành Bát Quái, xây cổng lớn vừa cao vừa rộng, ở giữa là một con đường lát bằng gạch xanh, mỗi bên có năm đình viện, hơn trăm gian nhà ngói, hết thảy đều là xà cột chạm trổ, sơn son thếp vàng, tầng tầng lớp lớp. Bên ngoài tường viện bao quanh, dày bảy thước (1 thước tương đương 30cm), cao hai trượng (1 trượng=10 thước), dưới chân xếp đá viên, khe hở trát vữa, bên trong xây bằng gạch, bề mặt quét vôi trắng, mái tường* bằng đá trơn nhẵn, người thường không thể trèo qua, tác dụng phòng trộm rất tốt. Bốn góc viện còn xây chòi canh, nóc nhà các viện có đường đi thông nhau, không dưới mười vị võ sư cầm súng vác gậy, ngày đêm canh gác.
Mái tường
Có câu “Trăm thuyền xuất cảng, một thuyền dẫn đầu”, Đậu Kính Sơn là ông chủ lớn, thuê “Tây gia” (ý nói người bên ngoài) khôn khéo có năng lực quản lý công việc kinh doanh của mình, hiệu buôn, đội xe, sắp xếp đâu ra đấy, gọn gàng hiệu quả. Tuy ông chủ không cần tự tay làm, nhưng vẫn phải tuân theo tổ huấn, hàng năm đi một chuyến đến quan ngoại, thứ nhất kiểm kê sổ sách, thứ hai xã giao khách hàng. Theo thông lệ, trong vòng một năm, Can Tử Bang nhất định phải mời khách hàng lớn ăn một bữa. Thủ lĩnh các bang các phái, liệp hộ (săn bắn), ngư hộ (đánh bắt thuỷ hải sản), quân hộ (binh lính), châu hộ (đánh bắt/mò trai lấy ngọc), tất cả đều được mấy vị chưởng quầy cấp ba từ các chi nhánh ra mặt, đặt bàn tiệc tại tửu lầu hạng hai, gà vịt thịt cá gọi đầy bàn; chiêu đãi mấy nhân vật có tiếng hàng đầu tại địa phương, quan lại lớn nhỏ trong nha môn… do chưởng quầy cấp hai ra mặt, đặt bàn tiệc hạng hai tại tửu lầu hạng nhất, món ăn là đặc sản động vật hoang dã, rượu ngon uống thoả thích; riêng mấy vị có quyền có thế/quan to hiển quý như tướng quân, đô thống, hầu gia, kỳ chủ.v.v…, đương nhiên do Đậu Kính Sơn đích thân tiếp đãi, đặt yến tiệc tại tửu lầu hạng nhất: nào là tay gấu hầm vây cá, súp gạch cua bong bóng cá, nào là ếch om gà mái tơ, chim trĩ tần nhân sâm… toàn những món trân quý, lại đưa thêm một phần “Hiếu kính”, lo lót xong cho đám người này, việc làm ăn của Can Tử Bang ở quan ngoại mới có thể thuận buồm xuôi gió.
Đậu Kính Sơn một năm ra ngoài một chuyến, vào thu liền xuất phát, lưu tại quan ngoại từ một đến ba tháng, mới cùng đội xe giao nộp “Tịch Nguyệt Môn” quay về, đi lại mất gần nửa năm. Ông chủ Can Tử Bang ra ngoài, thực có thể nói là tiền hô hậu ủng, hưng sư động chúng. Đến trụ sở ở quan ngoại, được Tây gia cung phụng như Thái Thượng Hoàng, nghênh đón từ xa, xum xoe nịnh nọt, thu xếp hắn ở nơi tốt nhất, ăn uống cũng tốt nhất, lại chọn phụ nữ tốt nhất đến hầu hạ. Đậu Kính Sơn ở nhà tam thê tứ thiếp, đến quan ngoại cách vài bữa liền dạo nhà thổ. Thường xuyên qua lại, mê mẩn một kỹ nữ hoa danh “Tái Đát Kỷ” (Đát Kỷ tái sinh), nghe tên là biết trông thế nào, nếu như kêu “Tái Lôi Chấn Tử”, vậy thì xong rồi, khẳng định là tóc đỏ mặt xanh, bộ dáng như yêu quái, dám kêu “Tái Đát Kỷ”, đương nhiên xinh đẹp lại quyến rũ, nổi bật giữa đám đông: chân dài mông cong, ngực nở eo thon, sắc xuân phơi phới, da thịt trắng nõn, ánh mắt lúng liếng… nhìn ai là có thể hớp hồn người đó, lại biết ca đủ loại tiểu khúc, có thể nói là sắc nghệ song tuyệt. Đậu Kính Sơn bị Tái Đát Kỷ làm cho thần hồn điên đảo, không tiếc bỏ số tiền lớn chuộc cô ta ra khỏi nhà thổ, còn mua một tiểu viện, lén đưa người vào cửa, coi như nuôi ngoại trạch (vợ bé) tại Quan Đông.
Vốn tưởng rằng kim ốc tàng kiều (nhà vàng giấu người đẹp), từ đây trong ấm ngoài êm, lại quên câu “Tiểu nhân hại nước, gian dâm hại nhà”. Đậu Kính Sơn bận rộn quản lý việc kinh doanh, xã giao khách hàng, một năm chỉ sống tại ngoại trạch mười mấy hai mươi ngày, Tái Đát Kỷ tính tình lẳng lơ, không chịu nổi cô đơn, khó tránh mấy chuyện ong bướm. Cô ta có gã tình nhân làm nghề trộm cướp. Tên này mới ngoài hai mươi, dáng người mảnh khảnh, mày thanh mắt tú, trắng trẻo sạch sẽ, phong thái nho nhã, ánh mắt điềm tĩnh, thoạt nhìn giống mấy tiểu sinh trên sân khấu kịch, nhưng thực chất lại là kẻ tàn nhẫn độc ác, giết người không gớm tay, đích thị là một tên “Bạch Kiểm Lang” (bạc bẽo, vong ân phụ nghĩa), dựa vào thanh đao sắc bén trong tay mà hoành hoành nơi rừng núi. Đao của hắn thực không bình thường, thân đao hẹp dài, chém sắt như chém bùn, giết người không thấy máu, chặt đầu như chém dưa, tương truyền là bảo đao quân Đường chinh phục Cao Câu Ly năm đó để lại. Bởi vì thân đao quá dài, buộc ở hông kéo đến chạm đất, cho nên chỉ có thể đeo sau lưng, hắn luôn giữ kè kè bên người, lúc ngồi tay đặt lên đao, khi ngủ đè dưới thân mình, cho dù vui vẻ với Tái Đát Kỷ, một tay vẫn nắm chặt vỏ đao. Bạch Kiểm Lang vào rừng làm đạo tặc, dẫn theo mấy chục tên thủ hạ, chuyên môn giở trò lưu manh cướp đoạt, bắt cóc tống tiền, ăn mao cương - đuổi tiểu cước*, lớn thì giết người phóng hỏa, nhỏ thì trộm cắp lừa đảo, không việc ác nào không làm, tuyên bố cả đời này, ít nhất phải giết đủ một ngàn đàn ông, chơi đủ một vạn phụ nữ. Tên ác quỷ háo sắc này, chỉ cần Đậu Kính Sơn về quê, liền trèo lên giường Tái Đát Kỷ. Có câu “Danh đại chiêu họa, tài đa chiêu tặc” (giỏi giang thì nhiều kẻ ganh ghét hãm hại, nhiều tiền thì trộm cướp để ý), thổ phỉ quan ngoại đều biết Can Tử Bang kiếm được nhiều tiền, tên nào cũng thèm rỏ rãi. Bạch Kiểm Lang cũng từng chặn cướp Can Tử Bang, nhưng toàn mấy vụ lẻ tẻ không đáng giá, còn có ý đồ bắt Đậu Kính Sơn đòi tiền chuộc, nhưng ngại thủ lĩnh Can Tử Bang tài đại khí thô, mánh khoé thông thiên, bên này kết giao quan phủ, bên kia tới lui cùng giới lục lâm, tùy tùng bên người lại nhiều, ra ngoài đều dắt súng vác gươm, vây chặt xung quanh, cho nên hắn vẫn chưa tìm được cơ hội ra tay, giống như trước mắt đặt miếng thịt béo, nhưng lại không thể đút vào miệng, trong lòng cảm thấy uất nghẹn, lúc đầu gối tay ấp với Tái Đát Kỷ, luôn tìm cách thăm dò xem gia đình Đậu Kính Sơn ở quê có mấy người, bao nhiêu nhà cửa, trong nhà có gì quý giá...
*Ăn mao cương - đuổi tiểu cước: tiếng lóng vùng Đông Bắc (xã hội cũ). Trong đó:
Ăn mao cương: Trộm gia súc lớn.
Đuổi tiểu cước: Trộm heo.
Tái Đát Kỷ trên giường dưới giường đều bị Bạch Kiểm Lang thu phục, Bạch Kiểm Lang bảo cô ta đi hướng Đông, cô ta tuyệt đối không qua hướng Tây, bảo đánh chó, nhất định không đuổi gà, mặc dù người bao nuôi cô ta là Đậu Kính Sơn, thế nhưng cũng có câu: “Nhân bỉ nhân đắc tử, hóa bỉ hóa đắc nhưng” (ý nói đứng núi này trông núi nọ). Bạch Kiểm Lang đang tuổi sung mãn, bộ dáng tiêu sái, khuôn mặt anh tuấn, lại có thủ đoạn chiều chuộng nữ nhân; nhìn qua Đậu Kính Sơn, mặc dù có tiền có tiếng, nhưng tuổi đã lớn, nếp nhăn trên mặt ngày càng nhiều, bụng thì phình ra, tinh khí lại không đủ, nhìn kiểu gì cũng không thuận mắt, trong lòng cô ả, mười Đậu Kính Sơn cũng không đấu lại một tên Bạch Kiểm Lang. Có điều khi nhắc đến việc cướp bóc đại viện nhà họ Đậu, Tái Đát Kỷ lại dội cho Bạch Kiểm Lang một gáo nước lạnh, bởi đồ đạc trong trang viện, thổ phỉ cũng khiêng không nổi, vác không được, tiền bạc phần lớn để tại tiền trang, trong nhà không mấy vật đáng giá, người ngoài không biết ký hiệu bí mật, lấy được ngân phiếu cũng vô dụng. Thời đó, địa chủ nhà giàu ai mà chẳng thế. Từ quan ngoại xa xôi ngàn dặm lặn lội đến quan nội, cướp được chút của nổi, còn không đủ nhét đầy kẽ răng, một khi kinh động quan quân, làm sao còn mạng để hưởng? Theo luật pháp Đại Thanh, giết ba người sẽ bị lăng trì. Bạch Kiểm Lang sát hại không dưới trăm mạng, bằm thây vạn đoạn cũng không đủ. Phía bắc Liêu Đông dân cư thưa thớt, ẩn núp trong núi sâu rừng già, ai cũng không làm gì được hắn. Quan nội thì lại khác, từ con người đến nơi chốn đều không quen thuộc, lỡ có gì sơ xảy, mọc cánh cũng không thoát. Đang lúc Bạch Kiểm Lang hết hy vọng, Đậu Kính Sơn lại tự mình nói hớ, thật đúng là thiên hỏa thiêu băng diêu (lửa trời đốt lò băng) - mệnh trời khó cãi!
Còn tiếp…