Chương 1
THÔI LÃO ĐẠO NGHE KỂ CHUYỆN
2.
Trên bàn tiệc, Ông chủ Thái nói rõ với ba người: theo quy củ trong Thư tràng, cứ ba tháng sẽ “chuyển đổi” một lần, sau khi tiên sinh kể hết một bộ truyện, có thể tiếp tục sang những Thư tràng khác, Thư tràng Thái Ký danh tiếng đứng đầu trong ngành, kể chuyện tại đây hết một kỳ “chuyển đổi”, tương đương với việc mở ra cánh cửa, đi đến đâu cũng được săn đón, bảng giá đương nhiên cũng tăng theo, thực đúng là lợi cả đôi đường. Mấy người bàn luận sôi nổi, Thôi Lão Đạo vừa vểnh một tai nghe bọn họ nói, vừa cúi đầu chăm chỉ lấp đầy dạ dày, chân giò hầm xì dầu, khâu nhục ăn đến mồm miệng bóng nhẫy, cá om rượu, tôm chiên xù chỉ còn trơ đĩa không, lúc này mới quay sang món mỳ, tỳ tỳ chén thêm ba bát trộn thịt xào mỡ hành, ba bát trộn tương cùng rau củ, lại tự rót mấy ly rượu uống cho ấm bụng, ngẩng đầu lên thấy Ông chủ Thái vẫn chưa nói xong, ông ta liền tìm cơ hội chen vào một câu: “Ngài cứ yên tâm, ta là người kể chuyện duy nhất ở cổng thành phía Nam, nhiều năm không viết truyện mới vẫn kiếm đủ miếng ăn, người khác có bản lĩnh lớn vậy sao? Có “Tứ Thần Đấu Tam Yêu” ở đây giúp ngài áp trận, ai dám so sánh nào? Bộ truyện này chính là độc nhất vô nhị, thử hỏi tại vùng đất cuối Cửu Hà, ngoại trừ bần đạo, còn có người thứ hai biết kể sao? Chưa nói đến chính văn, chỉ cần mấy trích đoạn như “Ban đêm xông vào mộ Đổng Phi” - “Đại náo thành Thái Nguyên” - “Hỏa thiêu người giấy” - “Hành hình Thiếu gia ngốc” - “Kim Đao Lý Tứ Hải”, sau đó là “Vương Bảo Nhi phát tài” - “Đấu pháp định Càn Khôn” - “Tham quan bất tài vô dụng” - “Ba lần thăm Động Không Đáy” - “Nhặt xác Bạch Cốt Tháp” - “Đi lạc Âm Dương Lộ” - “Đại hội Kim Tị Tử” - “Vi Đà đấu Cương Thi” - “Ban đêm thẩm vấn Lý Tử Long” - “Tam Yêu hóa Thiên Ma”… Nói thật với ngài, chỉ cần ta ra sức một chút, bảy tám năm cũng không kể hết!”
Ông chủ Thái liên tục gật đầu, lại rót đầy ly rượu cho Thôi Lão Đạo: “Không dám gạt Thôi đạo gia, tôi thực sự rất thích bộ truyện này của ngài, bảy điểm cốt yếu ‘trí, đả, đa, hiểm, kỳ, đột, văn’ đều có đủ, hơn nữa còn do chính ngài biên soạn, lại kể về kỳ nhân dị sĩ vùng đất cuối Cửu Hà của chúng ta, công phu lớn như vậy, quả tình rất hiếm có. Để ngài kể chuyện suất Đăng Vãn Nhi không phải chê ngài không có năng lực, mà vì bộ truyện thần tiên ma quái thích hợp kể vào buổi tối, dọa người nghe ban đêm không dám đi nhà xí, càng sợ càng muốn nghe, ngày mai chắc chắn sẽ tới nữa. Chưa hết, Thư tràng của chúng tôi, trên giời dưới biển sách gì cũng có, ngài không cần trích dẫn điển tích/điển cố, cũng không cần xuất khẩu thành thơ, yêu cầu duy nhất chính là mới mẻ, mấy đoạn ngài kể không biết đã xào đi xào lại bao nhiêu lần, nếu dùng lại chỉ sợ không ai muốn nghe. Vì vậy tôi cần nói rõ một lần cho xong, tránh được lòng trước mất lòng sau, tôi thật sự coi ngài là bằng hữu, cũng đánh giá cao năng lực của ngài, ngài không thể phụ lòng tôi a. Theo tôi được biết, “Tứ Thần Đấu Tam Yêu” còn có những nhân vật lớn khác, vẫn nói “Nghe chuyện nghe trích đoạn, ăn bánh bao có nhân”, ngài đến Thư tràng của tôi kể chuyện, nhất định phải dùng “Đậu Chiêm Long Tầm Bảo”! Dứt lời, ông ta lại quay sang nói với ba người ngồi ở đây: “Trước mắt đã là tháng Chạp, năm mới đang đến gần, năm trước thế nào tôi không nói, nhưng từ năm sau trở đi, Thư tràng Thái Ký sẽ mở một ngày ba suất, tiểu đồ đệ của Chu Thành Thụy tiên sinh diễn suất Thuyết Tảo Nhi, kể mấy đoạn Bình thư náo nhiệt ngắn gọn, ví như Lục Lâm Đạo, Hiệp Nghĩa Doanh, Tứ Bá Thiên Thành Bắc Kinh; Bạch Cẩu Phần, Họa Thạch Lĩnh, Khang Hi Vi Hành Thâu Ngũ Long, trong đó xen kẽ thâu luận, diêu luận, cùng luận, phú luận, thiên thời luận, địa lý luận, anh hùng luận, hỗn hỗn nhi luận… thêm một số thủ pháp chọc cười, ngạn ngữ trong nghề có câu ‘lý bất oai, tiếu bất lai’ *, học đồ còn ít tuổi, không ngại mất mặt, nếu mắc sai lầm cũng dễ tha thứ, cái chính là có cơ hội rèn luyện; Chu Thành Thụy tiên sinh diễn suất chính, chuyên kể mấy bộ sách lớn hoành tráng oai hùng, dùng bản lĩnh thuyết phục người nghe, cái này tuyệt đối không sai; còn Thôi đạo gia lấy “Tứ Thần Đấu Tam Yêu” kể suất Đăng Vãn Nhi, chia thưởng theo doanh thu của Thư tràng, còn trả tiền thù lao hàng tháng, tuy nhiên không được dùng những truyện đã kể trước đây, nhất định phải là ‘Đậu Chiêm Long Tầm Bảo’ !” Ông chủ Thái không chỉ mở Thư tràng, bản thân cũng là người sành nghe kể chuyện, ông ta thường đến cổng thành phía Nam, vẫn nghe Thôi Lão Đạo nói: “Đậu Chiêm Long là một trong Tứ Đại Kỳ Nhân - Thiên Tân Vệ, cưỡi lừa đen rong ruổi khắp nơi tầm bảo phát tài, một đời phải trải qua Cửu Tử Thập Tam Tai (chín lần chết, mười ba lần gặp tai ương). Mặc dù người này đã xuất hiện nhiều lần trong “Tứ Thần Đấu Tam Yêu”, nhưng Thôi Lão Đạo từng khoe với mọi người: bộ sách này ít nhất có hai phần, phần trên là “Thất Can Bát Kim Cương”, phần dưới là “Cửu Tử Thập Tam Tai”, thực sự không nên bỏ lỡ.” Ông chủ Thái cũng đã nói rõ, Thôi Lão Đạo muốn đến Thư tràng kiếm tiền, nhất định phải kể “Đậu Chiêm Long Tầm Bảo”, chỉ cần thu hút được người nghe, mọi chuyện đều dễ thương lượng!
*Lý bất oai, tiếu bất lai: Oai Giảng (còn gọi Oai Phê) là thủ pháp chọc cười trong biểu diễn Tướng Thanh, trong đó Oai có ý là bẻ cong, Giảng có ý là phê bình, thông qua lý lẽ, sử dụng từ đồng âm để chứng minh luận điểm, khen/chê theo lối hài hước.
Thôi Lão Đạo không nỡ đào hết vốn liếng trong bụng, càng tiếc rẻ miếng thịt mỡ đã dâng lên tận miệng, trong men say liền gật đầu đồng ý. Ông chủ Thái hài lòng, quyết định mùng 6 Tết sẽ mở cửa Thư tràng, 28 tháng Chạp dán thông báo giới thiệu chương trình, năm chữ “Đậu Chiêm Long Tầm Bảo” to đùng viết ngay chính giữa.”
Người dân Thiên Tân Vệ coi trọng nhất là ăn Tết, từ đầu tháng 12 Âm Lịch, trên phố lớn Cung Nam - Cung Bắc trước Miếu Nương Nương, phố chợ Nam Quan trong thành, sạp hàng Tết mọc lên san sát, chữ Phúc viết trên giấy đỏ, chậu hoa/cây cảnh, đèn lồng ghi lời chúc tụng, pháo hoa Đại Hoa Đồng-Tiểu Nam Tiên, hạt bí/hạt dưa, đậu phộng, hạt thông, kẹo đường, mứt hồng ngâm, bánh nhân táo đỏ, bánh bao nhân đậu đỏ… muốn mua cái gì có cái đó. Thôi Lão Đạo dùng tiền ông chủ Thái đưa, mua bọc lớn bọc nhỏ thức ăn, lại chọn thêm hai tấm tranh Tết - Dương Liễu Thanh, một là “Kỳ Lân Tống Tử”, một là “Phúc Thọ Tam Đa”, mang về trang trí cho thêm phần vui vẻ. Hôm nay Mùng 1 đầu năm, Thôi Lão Đạo thẳng lưng cao đầu, luôn miệng nói “Năm mới phát tài”, đi khắp nơi chúc tết hàng xóm, mùng 5 Tết đốt bánh pháo, băm thịt làm bánh chẻo, sống đến từng này tuổi, đây là lần đầu tiên có được một cái Tết no đủ.
Đến mùng 6 tháng Giêng, là ngày Thượng Địa (bắt đầu làm việc), Thôi Lão Đạo đến Thư tràng Thái Ký lúc trời đã chạng vạng, ra hậu trường thu xếp một chút, vén rèm sân khấu nhìn xuống dưới, trong lòng cảm thấy rất vui, dưới đài chen chúc ba bốn trăm người, tất cả đều vì ba chữ “Đậu Chiêm Long” mà tới. Cũng khó trách, “Tứ Thần Đấu Tam Yêu” kể về kỳ nhân dị sĩ, xen lẫn thần tiên yêu ma/quỷ quái hồ ly, mấy đề tài này là thu hút nhất, huống chi người dân vùng đất cuối Cửu Hà ít nhiều cũng từng nghe qua, ai chẳng biết Đậu Chiêm Long cưỡi lừa đen lang thang khắp nơi tìm báu vật, có một đôi mắt cú tinh tường, bên người có rất nhiều kỳ trân dị bảo, cho dù chưa thấy Hoà Bích - Tùy Châu *, nghe thôi cũng cảm thấy vô cùng thú vị. Vui mừng nhất phải nói là Ông chủ Thái, mỗi người khách chính là một phần tiền, mắt thấy sắp sửa mở màn, tự mình rót cho Thôi Lão Đạo một chén trà Tước Thiệt, bảo ông ta uống cho thấm giọng, chuẩn bị trên đài, dốc sức thể hiện bản lĩnh.
*Hoà Bích - Tùy Châu : Hoà Bích ở đây là Hoà Thị Bích. Còn Tùy Châu chính là một viên trân châu. Theo Sưu Thần Ký, một lần Tùy Hầu ra ngoài, gặp con rắn bị thương nên ra tay cứu giúp, sau này con rắn nhả ra một viên minh châu để báo ơn. Viên trân châu này được gọi là Tùy Châu hay Tùy Hầu Châu.
Hòa Bích - Tùy Châu là cụm từ thường dùng để chỉ vật báu hiếm có nhất thế gian.
Trà Tước Thiệt hay còn gọi là mầm Mi Đàm Thúy
là đặc sản Quý Châu (TQ)
Thôi Lão Đạo ung dung vén rèm, miệng nhai lá trà, nghênh ngang đi ra phía sau án thư, vừa ngồi xuống là ra vẻ khí định thần nhàn. Không đợi Thôi Lão Đạo mở miệng, đã có người trầm trồ khen ngợi, vì sao lại như vậy? Dưới đài có hơn phân nửa là mọt sách, nhiều năm nghe kể chuyện, vẫn biết tiên sinh nghèo ai cũng mặc áo dài, trong nghề gọi là “Thiêu”, thế nhưng nhìn bộ trang phục trên người Thôi đạo gia này xem: Càn Tam Liên, Khôn Lục Đoạn, Ly Trung Hư, Khảm Trung Mãn, nguyên bộ Bát Quái Tiên Y, búi tóc cài trâm Huyền Thiên, hai chân xỏ giày Như Ý, bộ dáng tiên phong đạo cốt, xuất trần thoát tục, không biết còn tưởng mời vị Thiên Sư nào về biểu diễn tiết mục vẽ bùa niệm chú, chỉ riêng vẻ ngoài không giống người thường này, cũng đáng để nghe thử một phen!
4 trong 8 quẻ Bát Quái
Thôi Lão Đạo nghe được lời khen dưới đài, tư thế càng thêm đoan chính, chẳng nói chẳng rằng đã phô bày đồ nghề, tháo xuống phất trần sau lưng, rút Pháp Xích từ trong tay áo, cởi Kính Bát Quái đeo bên hông, xếp từng cái lên trên án thư, để mọi người bên dưới chiêm ngưỡng, người khác kể chuyện luôn mang theo quạt gấp, khăn tay, thước gõ, nào thấy ai mang pháp bảo ra kể chuyện? Nhân lúc mọi người còn đang trố mắt kinh ngạc, Thôi Lão Đạo đột ngột gõ Pháp Xích bộp một tiếng, miệng lầm rầm niệm: “Khổng Dung nhường lê khi lên 4, Lưu Yến thần đồng mới 7 tuổi, Hoàng Hương 9 tuổi biết hiếu đạo, Cam La 12 (tuổi) bái Thượng Khanh, Chu Du 13 (tuổi) thống lĩnh ngàn quân, Trạng Nguyên 15 (tuổi) tên La Thành, anh hùng nhỏ tuổi không hiếm lạ, kỳ nhân phải kể Đậu Chiêm Long!”
Pháp Xích - loại thước bằng gỗ dùng khi làm phép
Sau khi xổ ra mấy câu thơ con cóc làm màu, đám người chen chúc dưới đài ai cũng giơ hai ngón tay cái lên khen - quá hay, Thôi đạo gia quả nhiên biết kể chuyện, chỉ bằng mấy câu thơ đã dẫn dắt mọi người chú ý Đậu Chiêm Long, tiếp tục nghe chắc chắn sẽ rất tuyệt! Đến nghe chuyện hôm nay, hơn một nửa là khách quen của Thư tràng Thái Ký, trong đó không thiếu mấy kẻ lưu manh học đòi làm văn nhân, bất luận mùa nào tay trái cũng nâng ấm trà Tử Sa, tay phải cầm quạt xếp Tô Châu, tay đeo đầy trang sức bằng vàng, ngón cái xỏ nhẫn ban chỉ bằng phỉ thuý, nghe chuyện chưa bao giờ xem bảng giới thiệu, ai chẳng biết Thái Cửu Gia toàn mời tiên sinh có năng lực, bất luận kể cái gì, đến giờ chắc chắn tới ủng hộ, ba dãy bàn đầu được bọn họ bao quanh năm. Ngoài ra còn có rất nhiều kẻ nhàn rỗi, thường xuyên la cà ở cổng thành phía Nam, bị “Tứ Thần Đấu Tam Yêu” của Thôi Lão Đạo hấp dẫn, cho rằng lão đạo sĩ lỗ mũi trâu bày quán bên ngoài nên làm ăn lung tung, nay đến Thư tràng biểu diễn, đương nhiên sẽ dốc lòng kể hết bộ truyện, thực muốn nghe xem Đậu Chiêm Long tầm bảo như thế nào. Có điều, kể chuyện ngoài đường, thích thì đứng nghe, có tiền tuỳ tiện ném cho một hai xu, không có tiền sẽ khoanh tay làm ngơ, ai cũng không thể cưỡng ép, Thư tràng thì khác, đặt mông ngồi xuống là phải trả tiền trà nước. Đám người này phần lớn đều là kẻ nghèo hèn không xu dính túi, chẳng qua quá nghiện, chẳng sợ buổi tối không có cơm ăn, bấm bụng tiết kiệm tiền mua hai cái bánh ngô, cũng chạy tới đây nghe kể chuyện, vì thế ai nấy đều tập trung cao độ, tinh thần hăng hái, hai mắt nhìn chằm chằm Thôi Lão Đạo ngồi phía sau ánh thư, sợ bỏ lỡ một chữ, thực chẳng khác gì ăn thiếu nửa cái bánh!
Quay lại chuyện chính, chỉ nghe Thôi Lão Đạo hắng giọng bắt đầu: “Cuối Cửu Hà có vị kỳ nhân tầm bảo tên Đậu Chiêm Long, cưỡi một con lừa đen, Lạc Bảo Kim Tiền treo lủng lẳng bên hông, trên trời dưới đất, biển rộng bao la, bất kỳ thiên linh địa bảo gì cũng không thoát khỏi đôi mắt cú tinh tường của hắn, đó chính là vị Thần Tài nổi tiếng Thiên Tân Vệ. Có người nói hắn ta tư chất thông minh, nhìn qua là nhớ, trước giờ làm ăn chưa từng thua lỗ, theo bần đạo thấy, đó chẳng qua là mánh khóe của kẻ tiểu nhân, so với Huyền Môn chính tông, ngũ hành đại đạo của ta, thực đúng là một trời một vực. Để hiểu rõ hơn về Đậu Chiêm Long, sắp tới bần đạo sẽ kể hết chi tiết ngóc ngách cho các vị nghe. Chẳng hạn như Đậu Chiêm Long từng thấy vô số báu vật, không phải thiên linh địa bảo không lọt vào pháp nhãn của hắn, làm người cũng cao ngạo, năng lực hắn lớn, hơn nữa còn tài đại khí thô (ý nói nhiều tiền nên ăn to nói lớn), một mình chu du khắp thiên hạ, không để ai trong mắt, câu cửa miệng chính là: “Anh hùng trọng hảo hán, hảo hán trọng anh hùng.” Vậy ngoại trừ bần đạo, thiên hạ này còn ai có thể khiến hắn bội phục nữa đây? Có người nói, chắc là mấy đại tài chủ nổi tiếng trong sách cổ như Đặng Thông, Thạch Sùng, Thẩm Vạn Tam... Nhưng nói cho các vị biết, ba người này chẳng ai đuổi kịp Đậu Chiêm Long, nhà giàu có thể so với Thần Tài sao? Nhân vật mà Đậu gia bội phục nhất … phải nói đến vị hảo hán chính khí ngút trời Nhạc Phi - Nhạc nguyên soái. Đậu gia không chỉ bội phục Nhạc Võ Mục tinh trung báo quốc, mà bên trong còn ẩn chứa một vòng nhân quả tuần hoàn! Các vị nghĩ mà xem, Đậu Chiêm Long cưỡi lừa đen tầm bảo, băng rừng vượt núi, thám hiểm biển sâu dễ như trở bàn tay, năng lực lớn như vậy, hết thảy đều nhờ vào Kim Thiềm Ba Chân trên người hắn, vậy Kim Thiềm Ba Chân ở đâu ra nào? Cây có cội nước có nguồn, việc này phải bắt đầu kể từ: lần đó, con dơi đang treo ngược mình trên xà ngang trong Đại Hùng Bảo Điện của Phật Như Lai, nghe lén Phật Tổ giảng kinh, mỗi lần nghe đến đoạn khoái trí, lại lơ đãng thả ra một tràng rắm, Phật Tổ không để trong lòng, nhưng Minh Vương-Kim Sí Đại Bàng bên trên lại không như vậy, bị mùi thối làm cho suýt ngất, trong lòng giận dữ, phi thân lao xuống mổ con dơi chết tươi. Phật Tổ trách Kim Sí Đại Bàng lỗ mãng, phạt nó chuyển thế thành Nhạc Phi - Nhạc Bằng Cử. Con dơi không cam lòng, phụng Phật chỉ đầu thai thành vợ của Tần Cối là Vương thị, để báo thù kiếp trước, trên đường gặp phải người quen, cũng là một linh vật tu luyện - chính là Kim Thiềm ba chân. Tính theo bối phận, Kim Thiềm còn phải gọi con dơi kia là dì Hai, nó liền hỏi: ‘Dì Hai đã ăn cơm chưa? Đi đâu mà vội thế?’ Con dơi mặt đầy oán giận, tuyên bố hạ giới tìm Kim Sí Đại Bàng báo thù. Kim Thiềm ba chân hâm mộ phồn hoa nơi trần thế, xin con dơi mang nó hạ giới mở rộng tầm mắt. Con dơi nể tình, ngậm Kim Thiềm rời khỏi Linh Sơn. Cổ nhân có hai câu thơ ‘Chim theo loan phượng bay xa vút, con dơi ngậm cóc chạy thật nhanh’, chính là nói về việc này. Kim Thiềm dừng chân tại Ngũ Lôi Điện - Long Hổ Sơn, sau này lại mượn hình dáng Đậu Chiêm Long xuống núi. Tiếp theo thế nào, tạm thời không đề cập đến, lại nói Minh Vương Kim Sí Đại Bàng…” Thôi đạo gia kể chuyện đúng là chó đeo hàm thiếc - nói nhảm *, huyên thuyên mấy câu quen thuộc, thỉnh thoảng lại chen vào một đoạn “Nhạc Phi Truyện”, kể đến khúc Kim Sí Đại Bàng hạ giới đầu thai, trong lúc ác chiến cùng Thiết Bối Cù Long, đã mổ chết vô số binh tôm tướng cua, lúc này bỗng gõ Pháp Xích “cộp” một cái, hô: “Muốn biết về sau thế nào, hãy đón nghe vào lần tới!”
*Chó đeo hàm thiếc - nói nhảm: tục ngữ Thiên Tân, dùng để hình dung kẻ nói hươu nói vượn, ba hoa bốc phét.
Nguyên văn là: 狗戴嚼子 — 胡勒 Cẩu đái tước tử - hồ lặc!
Toàn bộ người ở đây nghe đến choáng váng, trong lúc nhất thời lặng ngắt như tờ. Qua nửa ngày mới có người sực tỉnh, cắn răng hỏi vị bên cạnh: “Nhị ca, lão đạo này kể… chính là “Đậu Chiêm Long Tầm Bảo” sao? Thế nào ta lại nghe giống “Nhạc Phi Truyện” vậy chứ?” Vị kia cũng vò đầu bứt tai: “Ta cũng không hiểu nổi, lúc đầu đúng là kể về Đậu Chiêm Long, nhưng sau đó lại kéo sang Kim Sí Đại Bàng?” Có kẻ ù ù cạc cạc nhưng giả bộ thông hiểu: “Các ngươi thì biết cái gì? Tiên sinh người ta cao tay… chính là ở đây, cái này kêu buộc nút thắt *, nút càng chặt thì chuyện càng hay, khiến người nghe ba phần nghĩ bảy phần, không theo đến cuối sẽ không hiểu được đâu!
Nói vậy, Thôi Lão Đạo thật sự buộc nút thắt sao? Ông ta buộc giẻ lau thì có! Hết thảy chỉ là lòng vòng, đối phó cho qua một ngày mà thôi. Nhưng nếu nói trong bụng Thôi Lão Đạo không có “Đậu Chiêm Long Tầm Bảo”, vậy cũng là oan uổng ông ta, trong lòng thầm nghĩ: trên dưới hai phần “Đậu Chiêm Long Tầm Bảo”, nếu kể tại Thư tràng, mỗi ngày một canh giờ, nhiều nhất có thể kể được nửa năm, vậy sau đó ông ta biết lấy gì ăn đây? Huống hồ Thôi Lão Đạo chưa từng bái sư học nghệ, cũng không có môn hộ chống lưng, bộ truyện này của ông ta chưa từng được kể, tất cả đều là tự biên soạn, không qua mài giũa, vậy nội dung nhất định phải hấp dẫn, thu hút người nghe, vừa nói vừa liếc mắt xem phản ứng, khi nào cau mày, khi nào thở dài, khi nào há miệng cười lớn, khi nào đập bàn tán thưởng… Trong lòng người kể chuyện nắm chắc, mới biết được khi nào cần tạo điểm nhấn. Chuyện chưa kể ra khỏi miệng, coi như không có, nhưng một khi nói ra rồi chỉ sợ bị người cùng nghề “moi” mất. Dưới đài có nhiều người nghe như vậy, khẳng định có kẻ đến trộm nghề. Theo cách nói trên giang hồ chính là “Hữu tương tại tràng hạt hồ khản, vô tương tại tràng nhập chính bản”, thế nên ông ta lại quanh co lòng vòng, dùng “Nhạc Phi Truyện” đối phó cho qua một ngày!”
Đám người nghe xong đầu óc mờ mịt, ai nấy về nhà, trằn trọc suy nghĩ cả đêm, hôm sau lại vội vã chạy tới Thư tràng, túm năm tụm ba bàn luận sôi nổi, thầm nhủ hôm nay thế nào cũng phải nghe ra chút manh mối?
Người nghe hôm nay thậm chí còn nhiều hơn so với hôm qua, chật đầy một phòng, ngoài kia vẫn còn người tiếp tục đi vào, tiểu nhị đứng ở cửa chắp tay hành lễ: “Chư vị quý khách, thực lòng xin lỗi, bên trong đã quá nhiều người, các ngài chịu khó qua Thư tràng khác một hồi, lát nữa lại đến!”
Trước giờ lên đài kể chuyện, Thôi Lão Đạo vén rèm nhìn xuống dưới hồi lâu, quay đầu đắc ý nói với Ông chủ Thái: “Ngài thấy sao, nút thắt này của ta buộc có đủ chắc hay không? Khắp phòng chen chúc người nghe, một chỗ cũng không thừa, ta thấy còn đông gấp mấy lần hôm trước!” Ông chủ Thái không nói lời nào, nếu tuân theo quy tắc kể chuyện, hôm qua Thôi Lão Đạo nói nhăng nói cuội như vậy, cũng đủ để tống cổ đi rồi, nhưng nhìn dưới đài ngồi đầy khách nghe chuyện, vậy thì xem hôm nay ông ta làm thế nào.
Thôi Lão Đạo trước lạ sau quen, nghiễm nhiên biến Thư tràng trở thành cổng thành phía Nam, nghênh ngang bước lên sân khấu, lại gõ Pháp Xích “cộp” một cái: “Các vị, câu chuyện hôm qua nói về “Đậu Chiêm Long Tầm Bảo”, có người thắc mắc, chuyện “Đậu Chiêm Long Tầm Bảo” sao lại liên quan đến Kim Sí Đại Bàng chuyển thế đầu thai? Đoạn này đến người bán kẹo trên phố cũng thuộc lòng, còn cần Thôi Lão Đạo ta kể sao? Ái chà, ngài hỏi đúng điểm mấu chốt rồi đó! Không phải bần đạo không chịu kể, mà vì các vị ngồi đây đều là người sành sỏi, có loại sách gì mà chưa từng nghe qua? Nếu vừa lên đài đã kể một lèo, ba ngày liền kết thúc bộ truyện… vậy ngài còn nghe cái gì đây? Huống chi người kể chuyện từ xưa đến nay, chưa ai từng so sánh Đậu Chiêm Long với Nhạc Phi, làm thế nào để biết rõ năng lực của hắn? Được rồi, ta sẽ không đề cập tới Nhạc Phi, quay lại Đậu Chiêm Long! Các vị đều biết, mỗi người một mệnh, cả đời Đậu gia phải tránh né chín lần chết mười ba lần gặp tai ương, thử hỏi hắn có bao nhiêu thủ đoạn? Lại chọc mầm họa lớn thế nào? Mới dẫn ra một phen kỳ ngộ?”
Còn tiếp…