Chương 1
THÔI LÃO ĐẠO NGHE KỂ CHUYỆN
1.
Nghe nói vào những năm Dân Quốc, Thiên Tân Vệ có mấy khu vực tương đối phát triển, thứ nhất là Khu chợ phía Nam không ai quản lý, tiếp theo là Chợ chim Hà Bắc, còn có một nơi không thể không đề cập chính là khu vực Ngoài Địa Đạo - Hà Đông, khu đường sắt rộng lớn đằng sau Nhà ga Lão Long Đầu. Phía Đông trải dài đến tận Đường gia khẩu, phía Tây đến mộ phần nhà họ Chu, phía Nam giáp sông/giáp biển, phía Bắc đến hố Tường Phát.
Thời đó chỉ có đường sắt, không có đường hầm, khắp nơi đều là đầm lầy, bãi tha ma, còn có một vùng cỏ lau mọc um tùm, mấy thôn xóm nhỏ nằm rải rác, dân cư cũng không nhiều, thôn dân tự trồng lương thực, đến vụ nông nhàn thì tới nhà ga, bến tàu, kho hàng làm chút việc vặt, kiếm thêm thu nhập. Bởi thiên tai nhân họa không ngừng, nạn dân tại Hà Bắc/Sơn Đông không có cơm ăn, nghe nói vùng đất cuối Cửu Hà tập trung dân tứ xứ, có thể nuôi sống người nghèo, già trẻ lớn bé liền dìu dắt nhau chạy đến đây. Người nghèo không xây nổi căn nhà tử tế, chỉ có thể kết rơm dựng lều, phạt cỏ khai hoang, san đất đào kênh… lâu ngày hình thành thôn xóm xung quanh khu vực đường sắt. Thời đó, quản lý đường sắt còn sơ sài, dân chạy nạn cũng chưa thấy xe lửa bao giờ, qua đường sắt không biết né tránh, xe lửa đang chạy muốn phanh cũng không kịp, cho nên thường xuyên xảy ra sự cố, dân chúng nhiều lần tụ tập bắt đền, dẫn đến xung đột không nhỏ. Cuối cùng quan phủ phải ra tiền, đào một đường hầm bán lộ thiên bên dưới đường sắt, phía trên xe chạy, phía dưới người đi, lúc này mới có biệt danh “khu vực Ngoài Địa Đạo”.
Có người hiểu phong thuỷ từng nói, từ khi khai thông đường hầm, thôn xóm quây quần, hình dạng như một cái bếp lớn, đường hầm ứng với miệng lò. Từng đợt gió to tràn vào, thổi bùng ngọn lửa cháy trong lòng bếp, tương lai các ngành các nghề đều làm ăn phát đạt, tạo thành lửa gì đó. Sau này quả nhiên đúng như lời nói kia, người chạy nạn từ khắp nơi đổ dồn về nơi này, dân cư khu vực Ngoài Địa Đạo tăng mạnh, ngày càng trở nên đông đúc náo nhiệt. Nói đến người nghèo, bình thường kiếm sống bằng nghề bán sức lao động, ví như kéo xe bánh cao su, chạy việc vặt, culi khuân vác.v.v… đi sớm về khuya, kiếm ngày nào ăn ngày đó, miễn cưỡng không bị chết đói. Lâu ngày trở nên phức tạp, có người cấu kết thế lực, kéo bè kéo cánh, bắt đầu thành lập hội nhóm, bóc lột nhân công, nuôi du côn/bảo kê, lũng đoạn thị trường, làm giàu bất chính. Xuất hiện càng nhiều kẻ lắm tiền, sẽ càng có nhiều nơi để họ tiêu tiền. Đến thời Dân Quốc, khu vực Ngoài Địa Đạo có rất nhiều chỗ ăn uống vui chơi, phố lớn ngõ nhỏ, từ sáng đến tối dòng người qua lại tấp nập, nối liền không dứt, quán cơm quán rượu, sân khấu biểu diễn, trà lâu kỹ viện mọc lên san sát…
Trong số các hình thức giải trí tại vùng đất cuối Cửu Hà, không thể thiếu tiết mục “Kể chuyện”. Khu vực Ngoài Địa Đạo tập trung đủ các hạng người, Thư tràng* như nấm mọc lên khắp nơi. Người kể chuyện được chia thành dăm bảy loại, dựa vào năng lực cao thấp, sẽ đến biểu diễn tại những địa điểm khác nhau. Dân chúng cũng căn cứ theo sở thích bản thân, cùng với túi tiền căng phồng hay xẹp lép, lựa chọn một nơi nghe kể chuyện, cái này gọi là “Mười tám loại tàu thuyền, tất có khách phù hợp”.
*Thư tràng: nơi biểu diễn khúc nghệ - nghệ thuật hát nói dân gian mang màu sắc địa phương.
Toàn bộ khu vực Ngoài Địa Đạo, nói đến Thư tràng sớm nhất và lớn nhất, không đâu khác ngoài Thư tràng Thái Ký. Vị trí nằm tại phía Nam đường Nghĩa Lợi, ba gian nhà mặt tiền liền kề, bên trong cũng khá sâu, dựng một đài gỗ cao thước rưỡi, trên bày thư án, xung quanh quây vải nhung đỏ, chính giữa thêu hai chữ “Thái Ký”, mặt bàn để một ngọn đèn. Dãy đầu là ba bàn gỗ sơn đỏ, mỗi bàn có ba chiếc ghế bành, mùa đông trời lạnh, sẽ để thêm đệm lót bằng bông, phía sau có hơn chục băng ghế dài, trong quán bán đủ loại hạt dưa đen/hạt dưa trắng, củ cải xanh, trà bát lớn.v.v… ông chủ Thái Cửu Gia là “con sâu” ở nơi này, từ nhỏ đến lớn đều vùi đầu trong thư quán, mặc dù không đến trường học, nhưng mở miệng ra là sách sử, ngậm miệng lại là điển cố, có thể sử dụng nhuần nhuyễn 13 Đại Triệt*, nằm mơ nói mớ cũng thành thơ, sau này tiếp quản công việc kinh doanh của cha mình, làm ăn càng như cá gặp nước. Trước giờ ông ta chỉ mời mấy tiên sinh kể chuyện lợi hại nhất, có danh có tiếng, năng lực cũng hơn người. Mỗi ngày đều ngồi xe kéo, bớt chút thời gian ghé qua Thư tràng, chẳng quan tâm dưới đài có bao nhiêu người nghe, chờ đến sốt ruột như thế nào, tiên sinh vẫn đủng đỉnh ra sau hậu trường, để tiểu đồ đệ hầu hạ, thong thả mặc áo dài, phẳng phiu không nếp gấp, nút thắt ngay ngắn, áo lót bên trong phải lộ viền trắng, lại bưng ấm trà uống mấy hớp cho thấm giọng, lúc này mới hài lòng, ung dung thả bước lên đài, nghiêm chỉnh ngồi xuống phía sau thư án, lấy ra vật dụng cần thiết như quạt giấy/khăn tay, còn đặt chiếc đồng hồ quả quýt lên mặt bàn, ra vẻ tính thời gian, nhưng thực chất là muốn khoe khoang - lớp vỏ mạ vàng khảm ngọc trai, điêu khắc hoa văn tinh tế, bóng loáng chói mắt, người trong nghề vừa nhìn đã biết, rõ ràng được mang ra từ trong cung, thị trưởng chưa chắc đã có thứ này! Lại xem mặt tiên sinh, phải nói là một người nghiêm túc, thấy chuyện vui cũng không mỉm cười. Bên dưới hai ba trăm người ngồi chật kín, chỉ cần một vị không nhìn ông ta, thước gỗ trong tay sẽ không hạ xuống, ý là tất cả phải tập trung nghe mình nói. Những gì họ kể đều là danh tác, chú ý “Quan môn lạc tỏa, tích thủy bất lậu” (ý nói kết cấu chặt chẽ, tinh tế chọn lọc), nếu không giảng giải đạo đức, thì cũng khuyên người hướng thiện, từ ngữ không nhiều, quý ở chỗ vẽ rồng điểm mắt (nói đúng trọng tâm, khiến câu chuyện càng thêm hấp dẫn/sinh động). Yêu cầu đối với nghe chuyện cũng cao, vừa thưởng thức vừa bình phẩm, so sánh từng li từng tí, kém một chút cũng không được.
*Chú thích:
13 Đại Triệt: thuật ngữ chỉ 13 loại Âm Tiết sử dụng trong khúc nghệ phương Bắc.
Cùng với sự phồn vinh của khu vực Ngoài Địa Đạo, các loại Thư tràng, thư xã (tương tự câu lạc bộ đọc sách), thư bằng (gác sách), quán trà… rõ ràng ngày càng nhiều, cạnh tranh cũng càng thêm khốc liệt, tình trạng các Thư tràng đoạt người giành khách diễn ra khắp nơi, đăng báo giấy, phát radio, rải truyền đơn, dán quảng cáo, công khai không được thì ngấm ngầm, văn không xong thì dùng võ, chỉ thiếu việc tìm mấy cô “đào tân thời” đứng ở cửa ngoáy mông mời chào mà thôi. Cũng có Thư tràng đi đường tắt, chuyên chọn nghệ nhân gặp khó khăn, lưu lạc giang hồ, đám người này khi biểu diễn sẽ càng dốc sức, đây chính là đạo kinh doanh. Người trong giới kể chuyện lại càng xem thường nghệ nhân, nếu có kẻ xấu bụng chơi khăm, cố tình bôi nhọ, nửa đời sau ngươi đừng hòng kể chuyện. Còn có kẻ ỷ vào thế lực độc bá một phương, trong nghề gọi là “Thư bá”, cấu kết lưu manh côn đồ, làm không ít chuyện chèn ép quấy rối nghệ nhân, một đám bộ dáng hung tợn, chân què mắt chột, phanh áo lộ ngực, hở ra là đánh, chuyên bắt nạt người lương thiện, chiếm cứ “điểm nóng”, lại sử dụng thủ đoạn kết bái huynh đệ, nhận cha đỡ đầu… để hoành hành lũng đoạn, nếu ngươi không có hội nhóm/bè phái chống lưng, cũng đừng nghĩ đến chuyện ăn chén cơm này.
Bất kể người trong nghề cạnh tranh thế nào, dân chúng chỉ biết truyện nhà ai hay thì đi nghe nhà đó, tiên sinh nhà nào có kỹ năng kể chuyện hớp hồn người nghe, việc làm ăn mới trở nên phát đạt. Vì thế ông chủ Thái vắt óc suy nghĩ, hận không thể tìm được câu chuyện độc nhất vô nhị, chưa ai kể, không ai biết, từ hồi hộp giật gân, đến nhẹ nhàng hài hước. Nửa năm gần đây, cách vài bữa ông ta lại đi bộ đến cổng thành phía Nam một chuyến, hết thảy là vì bên đó có Thôi Lão Đạo bày quán xem bói kiêm kể chuyện, giỏi nhất là bộ “Tứ Thần Đấu Tam Yêu”, nghĩ đến đâu nói đến đấy, chắp vá lung tung, lời thật thì ít, ngụy biện thì nhiều, khiến người nghe đầu óc choáng váng, tóm lại, truyện của ông ta trên đời này chẳng ai biết kể, tuyệt đối là của hiếm, vừa độc lại vừa lạ!
Thôi Lão Đạo tên thật là Thôi Đạo Thành, tự xưng Thiết Chủy Bá Vương - Khương Tử Nha tái thế, từng lên Ngũ Lôi Điện - Long Hổ Sơn xem lén hai hàng rưỡi Thiên Thư, đáng tiếc không có số thành tiên, năng lực lớn đến đâu cũng không dám dùng, chỉ dựa vào kỹ xảo giang hồ xem bói bấm quẻ, miễn cưỡng nuôi sống gia đình. Từ khi chuyển sang thời Dân Quốc, ngày càng ít người tin mấy chuyện mê tín dị đoan, Thôi Lão Đạo đến gió Tây Bắc cũng hớp không nổi. Bị dồn vào đường cùng, ông ta liền nghĩ ra một chiêu, dựa vào miệng lưỡi sắc bén, chuyển từ xem bói sang kể chuyện, có điều ông ta chẳng biết gì khác ngoài bộ “Nhạc Phi Truyện”, lại còn không được truyền thụ bài bản, đích thực là một Hải Thanh Thối* (Thối ở đây là chân), những kiến thức cơ bản của người kể chuyện như lấy hơi, chuyển giọng, vũ đạo, phục trang… ông ta chẳng biết tí gì, càng không chú ý cái gì là cốt truyện/sườn truyện, chín phần mười đều do ông ta tự biên tự diễn, nhồi nhét rất nhiều nội dung thần ma đấu pháp, Phật đạo nhân quả, bịa không được cũng không sợ bị người ta hỏi, danh hiệu “Thiết Chủy Bá Vương - Khương Tử Nha tái thế” không phải nói chơi, bằng “Hai hàm răng lợi hại, ba tấc lưỡi không xương” của mình, cùng người ta cãi chày cãi cối, không đối phó được cùng lắm thì bỏ đi. Mới đầu làm ăn cũng không tồi, chuyện giống nhau nhưng cách kể khác nhau, bởi ông có trí tưởng tượng phong phú, thêm thắt rất nhiều thứ linh tinh, mồm miệng lại trơn tru, khiến người nghe cảm thấy mới mẻ, chắp vá cũng kiếm đủ miếng ăn. Nhưng xào đi xào lại chỉ có mỗi bộ “Nhạc Phi Truyện”, truyện hay kể ba lần, gà chó cũng mất hứng, sau này chẳng ai đến chỗ ông ta nghe nữa. Đúng lúc cơ duyên xảo hợp, ngẫu nhiên gặp được một vị cao nhân đến từ bên ngoài, chỉ dựa vào nửa tờ báo cũ nhặt lề đường, khua môi múa mép liên hồi, kiếm được không ít tiền. Thôi Lão Đạo trông thấy mà thèm, khiêm tốn thỉnh giáo một phen, rốt cuộc coi như thông suốt! Ông ta đem những gì mình biết thêm mắm dặm muối, chắp vá thành một bộ “Tứ Thần Đấu Tam Yêu”, kết quả bước đầu đúng là đã thành công, hàng ngày có không ít người đến nghe ông ta kể chuyện. Lăn lộn lâu ngày, Thôi Lão Đạo cũng học được một vài mánh khoé, không tiết lộ hết những gì trong bụng, bởi “có của không biết giữ, ai thèm giữ hộ mình”, một khi kể ra toàn bộ câu chuyện, ông ta chẳng còn gì níu chân người nghe, có khi còn bị những tiên sinh kể chuyện khác “hớt tay trên”! Cho nên ngày thường Thôi Lão Đạo vẫn kể bộ “Nhạc Phi Truyện” là chính, thế nào cũng phải chờ người nghe cho kha khá tiền, hoặc vớ bở tóm được một vị coi tiền như rác đến xem bói, để ông ta kiếm đủ tiền cơm một ngày, sáng sớm mai còn được húp bát canh đậu hũ* nóng hổi, ông ta mới qua loa kể một đoạn ngắn trong bộ “Tứ Thần Đấu Tam Yêu”, thường cứ đến đoạn cao trào, ông ta lại hô câu “Lần sau phân giải”. Khiến người nghe tức đến uất nghẹn, ai nấy thầm mắng sau lưng, thế nhưng truyện của Thôi Lão Đạo quá hấp dẫn, trên đời này không ai biết kể, cho nên dù ông ta có làm trò câu kéo, mọi người cũng đành nhẫn nhịn nghe Thôi Lão Đạo kể “Nhạc Phi Truyện”, từ đầu đến đuôi, rồi lộn từ đuôi lên đầu, giữa chừng đan xen một vài đoạn ngắn trong “Tứ Thần Đấu Tam Yêu”, cũng đủ đối phó ba tháng trời. Nếu là ngày thường, trên phố nhiều người qua lại, nhưng mắt thấy ngày Tết cận kề, nhà ai chẳng bận rộn chuẩn bị? Còn ở đây nghe ông ta lấy truyện cũ lừa gạt chắc? Một khi người nghe nổi giận, muốn giữ chân cũng không nổi, tất cả đều bỏ đi. Thôi Lão Đạo kể đến rát cổ nửa ngày, một xu cũng không kiếm được.
*Hải Thanh Thối: thuật ngữ trong Tướng Thanh, chỉ nghệ sĩ không chính thức bái sư nhập môn, độc lai độc vãng, còn được gọi là “kẻ nghiệp dư” hay “tay ngang”.
Canh đậu hũ - Lão Đậu Hũ
Món ăn có nguồn gốc từ Sơn Đông (TQ), đậu hũ trắng nõn, vị thanh mát, gần giống tào phớ.
Đúng lúc này, Ông chủ Thái của Thư tràng Thái Ký khu vực Ngoài Địa Đạo đi tới, ôm quyền chắp tay hô một tiếng: “Thôi đạo gia!” Thôi Lão Đạo liếc mắt, lén đánh giá Ông chủ Thái, người này hơn bốn mươi tuổi, mày rậm mắt to, dáng hình bệ vệ, trông rất phúc hậu, là gương mặt quen thuộc thường đến đây nghe chuyện, chỉ là chưa từng chào hỏi. Lại nhìn phục trang trên người, thân mặc áo dài bông đỏ tía, áo khoác ngoài màu xanh biển, trên thêu hoa nổi, đầu đội mũ viền lông, dưới chân là đôi giày bông mới tinh, một thân có thể gọi là xa hoa phú quý, cởi ra cũng đổi được mấy bao bột mì trắng. Thôi Lão Đạo thầm biết miếng ăn đã tới, vội vàng đáp lễ. Ông chủ Thái tự giới thiệu, lại nói rõ ý đồ đến đây, thỉnh Thôi đạo gia hạ mình, đến Thư tràng Thái Ký kể chuyện một thời gian.
Khu chợ phía Nam (tự phát) còn được gọi là Tam Bất Quản - Ảnh tư liệu.
Thời đó tại Thiên Tân Vệ, khu vực Ngoài Địa Đạo ở Hà Đông, khu chợ tự phát “Tam Bất Quản” ở phía Nam, Khiêm Đức Trang, khu Đông Bắc Giác, khu Tam Giác Địa ngoài Tây Môn, chợ Lục Hợp, Bắc Khai, chợ tạm ở bến xe phía Bắc.v.v… khắp nơi đều là Thư tràng, người nào cũng là cao nhân. Tiên sinh kể chuyện trong Thư tràng, gió không thổi, mưa không tạt, chẳng những được chia hoa hồng, hàng tháng còn có tiền thù lao, cho dù hạn hán lũ lụt cũng đảm bảo thu nhập, hơn nữa còn được người ta tôn trọng, gọi là “Bình thư đại tướng”, đi đến đâu cũng được đón chào. Thôi Lão Đạo cầu còn không được, liền mở miệng nói một câu nhẹ tênh: “Vô Lượng Thiên Tôn, từ khi bần đạo rời Long Hổ Sơn tới nay, vẫn luôn kể chuyện ở cổng thành phía Nam, đơn giản là vì khuyên người hướng thiện, truyền bá Phật - Đạo, làm ở đâu mà chả như nhau?” Ông chủ Thái ôm quyền cười nói: “Thôi đạo gia, vậy thì một lời đã định. Nhưng Thư tràng có quy củ của Thư tràng, tôi cũng nên nói rõ với ngài. Không bằng vậy đi, tối nay tôi làm chủ, mời ngài đến Thư tràng dùng bữa, nhân tiện bàn chuyện làm ăn.” Thôi Lão Đạo khấp khởi mừng thầm, sau khi tiễn Ông chủ Thái, chẳng buồn tiếp tục xem quẻ, về đến nhà cơm trưa cũng không ăn, một mực để dành bụng cho bữa tối. Khó khăn lắm mới chờ tới giờ hẹn, lê chân què khập khiễng đến thẳng Thư tràng Thái Ký khu vực Ngoài Địa Đạo.
Buổi tối, Ông chủ Thái bày tiệc rượu tại Thư tràng, rượu là Cao lương, đồ ăn thì bốn phụ bốn chính, mỳ xào mỳ trộn, mỳ đả lỗ cũng không thiếu, cộng thêm mấy đĩa rau củ ăn kèm, không quá phô trương nhưng cũng đủ sắc hương vị, đã vậy còn rất thực tế, bốn món phụ chính là: thịt đông đậu phộng, cá tẩm bột rán giòn, tôm chiên xù, rau trộn thập cẩm, bốn món chính bao gồm: trứng chiên rau hẹ, chân giò hầm xì dầu, khâu nhục, cá om rượu, một âu mỳ Tam Tiên Đả Lỗ, một bát lớn thịt xào mỡ hành, nước chấm các loại… bày lên đầy ắp một bàn, màu sắc phong phú. Thôi Lão Đạo cùng Ông chủ Thái hàn huyên vài câu, nuốt nước miếng ngồi xuống, vừa muốn động đũa, lại bị Ông chủ Thái cản lại: “Thôi đạo gia chậm đã, còn có hai vị tiên sinh, chúng ta nói chuyện chờ họ đến.”
Thôi Lão Đạo nóng lòng thèm ăn, tuy không thể hiện ra mặt, nhưng đầu óc cũng không nhàn rỗi, thầm tính lát nữa gắp chân giò hầm xì dầu hay khâu nhục trước. Món khác thì sao? Đương nhiên không thể ăn quá nhiều mỳ trộn, thứ này chiếm dạ dày, có điều thịt xào sốt mỡ hành quá hấp dẫn, chưa kể món mỳ Tam tiên đả lỗ* kia nữa…
Mỳ Tam Tiên Đả Lỗ
Quả nhiên, chưa uống hết một chén trà, liền có hai vị gõ cửa tiến vào, trong đó một người hơn 50 tuổi, phía sau là tiểu tử chừng 17-18. Ông chủ Thái mời cả hai ngồi xuống, giới thiệu từng người với Thôi Lão Đạo. Bọn họ là thầy trò, sư phụ họ Chu, tên Chu Thành Thụy, cũng là tiên sinh Kể chuyện, hơn nữa còn là cao nhân theo nghề tổ truyền, đã sớm thành danh ở khu Đông Bắc Giác, vị trí không nhỏ trong giới kể chuyện. Chu tiên sinh được coi như bậc tiền bối, có văn có võ, có nhu có cương, trong nhánh của ông ta có mười ba bộ truyện lớn dắt đáy hòm, được người gọi là “Thập Tam Bảo”, Chu tiên sinh hiểu rộng biết nhiều, một mình có thể kể được tám bộ, không bộ nào không gây tiếng vang, các Thư tràng tại Thiên Tân Vệ tranh nhau mời ông ta. Lúc trước Thư tràng Thái Ký mở một ngày hai suất diễn: một là sau giờ cơm trưa, trong nghề kêu “Thuyết Tảo Nhi”, kể chuyện thường là những người năng lực có hạn, hoặc đệ tử được sư phụ cho lên sân khấu rèn luyện. Người sành sỏi sẽ không nghe suất này, đến sớm cũng không vào trong, kiểu gì cũng chờ đến khi kết thúc mới vào nghe suất chính, ngôn ngữ trong nghề kêu “Chính địa”. Tiên sinh kể chuyện một suất thế này thường dài một canh giờ, dốc sức có thể nói đến 1,5 canh giờ (tương đương 3 tiếng đồng hồ). Hiện tại thị trường ngày càng nhiều cạnh tranh, Ông chủ Thái vì giành mối làm ăn, chi số tiền lớn mời Chu tiên sinh đến kể chuyện vào suất chính (giờ vàng), ngoài ra còn quyết định mở thêm một suất vào buổi tối, chính là khoảng thời gian sau bữa chiều cho đến khi đi ngủ, ngôn ngữ trong nghề kêu “Đăng vãn nhi” (gần giống chương trình đọc truyện đêm khuya đó mọi người). Đằng nào Thư tràng cũng để không, buổi tối mở thêm một suất, ông chủ đương nhiên có thể kiếm thêm tiền. Mấy tiên sinh có năng lực sẽ không kể chuyện vào khoảng thời gian này, học đồ lại sợ chống không nổi, cho nên muốn mời Thôi Lão Đạo đến đây, kể một vài trích đoạn!
Khu Đông Bắc Giác từng được coi là “hũ tiền” của Thiên Tân Vệ
Ảnh tư liệu
Còn tiếp…