TRUYỆN ĐƯỢC DỊCH HOÀN TOÀN MIỄN PHÍ, NHẰM THỎA MÃN NHU CÂU ĐỌC TRUYỆN CÁ NHÂN.


XIN VUI LÒNG KHÔNG MANG BẢN DỊCH ĐI NƠI KHÁC HAY SỬ DỤNG CHO MỤC ĐÍCH THƯƠNG MẠI KHI CHƯA CÓ SỰ ĐỒNG Ý CỦA CHỦ TRANG.



CÁM ƠN!!!

HT 2.7

 Chương 7: TRƯƠNG MÙ ĐI ÂM


2.

Lại nói ngày 25 tháng 5 - Phân Long Hội, Lưu Hoành Thuận rời Đồn cảnh sát Hỏa Thần Miếu ra ngoài, giữa đường gặp Trương Mù, không khỏi giật mình kinh hoảng, Trương Lập Tam đui mù mấy chục năm, thế nào lại có thể mở mắt?

Trương Mù thấy Lưu Hoành Thuận cũng vô cùng kinh ngạc, người qua lại nơi này đều mặc áo liệm/đội mũ thọ, Lưu Hoành Thuận một thân cảnh phục, tới đây làm gì? Lão hỏi rõ sự việc, sau đó nói với Lưu Hoành Thuận: trước miếu Thành Hoàng chính là Âm Dương Lộ, lui tới toàn là cô hồn dã quỷ, cậu không nên đến đây. Dân gian đồn đãi không sai, Trương Mù đúng là Âm sai vùng đất cuối Cửu Hà. Theo cách giải thích của người xưa, Âm sai không giống với Quỷ sai, Quỷ sai là quỷ, Âm sai lại là người sống. Bởi cách xa trần thế, rất nhiều nơi Quỷ sai không vào được, cần có người sống làm Âm sai đi câu hồn, mang đến Âm Dương Lộ giao cho Quỷ sai. Âm sai đời trước tại thành Thiên Tân chính là vợ chồng Bì Nhị Cẩu *, sống bằng nghề làm vàng mã bên ngoài pháp trường Tây Môn, cũng vì nhất thời tham tài, thả một âm hồn chạy thoát, bị trời giáng sét đánh chết, trong thành không thể không có người làm công việc này, từ đó về sau, Trương Mù trở thành Âm sai trong miếu Thành Hoàng. 


(*Vợ chồng Bì Nhị Cẩu trong phần Kim Đao Lý Tứ Hải của Thôi Lão Đạo Tróc Yêu, vì tham tiền thả hồn phách Bàng Nguyên Khánh, ai không nhớ thì đọc lại nhé :)

Trương Mù biết Lưu Hoành Thuận không phải âm hồn, mà là sinh hồn (tức hồn phách người sống), bất quá nếu cứ tiến về phía trước, có thể sẽ bị Quỷ sai bắt đi, vì thế đẩy người Lưu Hoành Thuận, thúc giục anh ta mau quay về: “Vẫn có câu: người chết như đèn tắt, đèn lồng trên tay cậu không tắt, cậu vẫn là sinh hồn, đèn lồng tắt sẽ biến thành vong hồn, đến lúc đó nói gì cũng vô dụng, dọc đường bất luận gặp ai, xảy ra chuyện gì, nhớ phải bảo vệ đèn lồng cho tốt, tuyệt đối không thể phân tâm!”

Lưu Hoành Thuận có thể không nghe Lý Lão Đạo nói, nhưng không thể không tin lời Trương Mù, từ biệt sư thúc, quay đầu trở về, xung quanh vẫn đen sì một mảng, chỉ có một con đường dưới chân. Anh ta là người nóng nảy, trước giờ bước đi đều rất nhanh, thẳng đến Đồn cảnh sát Hỏa Thần Miếu, đúng như câu “Tiền đồ chưa chắc đều như ý, nhanh chóng rời xa chốn thị phi”. Đi được nửa đường, bỗng nghe một tràng tiếng chuông, thời xưa chuông được sử dụng rất nhiều trong buôn bán: gom rác rung chuông, tránh người đi đường đụng chất thải bẩn thỉu; bán quẻ rung chuông đi khắp hang cùng ngõ hẻm, là vì chào mời người ra xem bói; trên cổ la-ngựa cũng buộc chuông đồng, muốn nhắc nhở người qua đường né tránh; trẻ nhỏ đeo chuông Bách Tuế, cao tuổi đeo chuông Trường Thọ, trên lầu cao/bảo tháp có chuông Kinh điểu (xua đuổi chim chóc), trước cổng các hộ gia đình cũng gắn chuông cửa… Tóm lại, ngày thường nghe được tiếng chuông cũng không thấy kỳ lạ, tuy nhiên trên Âm Dương Lộ làm gì có ai buôn bán, hơn nữa âm thanh Lưu Hoành Thuận nghe được vô cùng quỷ dị, vừa chát chúa vừa sắc bén, vang vọng khắp nơi, đập vào tai tựa kim châm, khiến người sởn gai ốc, lông tóc dựng ngược.

Thập Tam Đao

Bất quá, Lưu Hoành Thuận không phải người thường, lá gan đủ lớn, muốn nhìn xem kẻ tới là người hay quỷ, vì thế giơ cao đèn lồng, theo tiếng chuông nhìn qua, phát hiện trên đường có một thợ cạo, chừng bốn/năm mươi tuổi, mặc một chiếc áo dài màu xanh lá, do lâu ngày nên đã phai màu, cổ và tay áo bạc trắng, nhưng lại vô cùng sạch sẽ, vạt áo kéo lên dắt ở eo, chân đi giày mũi ngắn. Trên vai vác quang gánh cạo đầu *, một đầu là ngăn tủ nhỏ có ba ngăn kéo, mặt trên ngăn tủ gắn một băng ghế, đầu còn lại chính là bếp lò, trên đặt một cái chậu đồng. Vẫn nói quang gánh cạo đầu - một đầu nóng, chính là thứ này. 


Ảnh tư liệu 

quang gánh cạo đầu


Phi Mao Thối Lưu Hoành Thuận làm quan tuần tại Đồn cảnh sát Hỏa Thần Miếu, đã quá quen thuộc với quang gánh cạo đầu, bởi toàn bộ gia sản của người thợ cạo đều nằm trên quang gánh, khó tránh khỏi trộm cắp nhòm ngó, thời xưa có loại đạo tặc chuyên trộm cắp quang gánh cạo đầu, đơn độc một mình không xong, cần có hai người tạo thành một cặp, trong nghề gọi là “Hộ thác nhi”. Trước tiên, một tên trộm giả thành người muốn cạo đầu, trước khi cạo thì phải gội, vị này không ngồi yên trên ghế, nhấc mông kề đầu vào chậu đồng. Lúc này một tên trộm khác đi tới, nhẹ nhàng rút băng ghế, lại còn nháy mắt ra hiệu với thợ cạo, ý nói bọn ta quen nhau, nhân lúc hắn gội đầu lấy mất ghế, lát hắn ngồi hụt, chọc cười một phen, ngươi đừng nói gì hết. Thợ cạo không tiện lên tiếng, mặc cho vị kia mang ghế đi. Chờ đến khi gội đầu xong, tên trộm này làm bộ muốn ngồi, phát hiện ghế đã không còn, liền hỏi thợ cạo sao lại thế này? Thợ cạo nói: bạn của ngài trêu chọc, đã lấy ghế đi rồi. Tên trộm gội đầu liền sa sầm mặt mày, nói ta là người bên ngoài mới tới, làm gì có bạn bè ở đây? Tên kia chắc chắn là kẻ trộm, ngươi mắc lừa rồi, còn không mau đuổi theo, đứng ngây ra đó làm gì? Thợ cạo nghe xong đương nhiên nổi giận, nhanh chân truy bắt tên trộm ghế, tên trộm gội đầu nhân cơ hội này nẫng luôn quang gánh còn lại, toàn bộ của nả coi như mất trắng. Lưu Hoành Thuận không ít lần bắt được đám trộm này trên phố, đa số thợ cạo ở thành Thiên Tân là đồng hương, chín phần mười quen biết anh ta, thợ cạo đi trên Âm Dương Lộ này treo chuông đồng trên quang gánh, lưỡi chuông buộc một đoạn dây thừng, thả xuống nắm chặt trong tay, thỉnh thoảng lại giật kêu “leng ca leng keng”. Lưu Hoành Thuận nhận ra hắn - chính là Thập Tam Đao cạo đầu dạo khắp các hang cùng ngõ hẻm!

Thời xưa, người làm nghề cạo đầu ở thành Thiên Tân phần lớn đến từ huyện Bảo Trì, bởi nơi đó thường xuyên xảy ra lũ lụt, thời điểm mất mùa, nông dân liền đến Bắc Kinh hoặc quan ngoại học cạo đầu, sau đó vào thành Thiên Tân hành nghề, kiếm tiền sống qua ngày, lâu dần hình thành tập quán, tuy nhiên không phải thợ cạo nào cũng là người Bảo Trì, Thập Tam Đao chính là như vậy, giọng nói lơ lớ, nghe không ra quê quán ở đâu. Trước kia, hành nghề cạo đầu không có biển hiệu cũng như cửa hàng, hoặc là dựng tạm túp lều ven đường, hoặc là gánh rong, len lỏi khắp nơi trong ngõ hẻm, cạo đầu/cạo mặt/lấy ráy tai, chỉ cần một bộ quang gánh là đủ. Ngoài ra, làm nghề này không thể uống rượu hay ăn hành tỏi, lại còn không được phép gào thét, dù sao cũng là sử dụng dao kéo, không thể hét lớn “Dao sắc nước sôi, khoan khoái một phen!”, nghe không lọt tai chút nào, có phải không? Hết thảy đều treo phía trước đòn gánh một cái kẹp lớn bằng sắt, gọi là “Hoán đầu”, thợ cạo dùng một thanh sắt nhỏ đánh vào cái kẹp, phát ra tiếng “tằng tằng”, thanh âm vang xa, kéo dài không dứt, coi như thay lời mời chào khách hàng, người có nhu cầu cạo đầu/cạo mặt nghe được tiếng này sẽ ra khỏi nhà. Thập Tam Đao không dùng “Hoán đầu”, mà buộc một cái chuông đồng ở đầu quang gánh, luận về tay nghề, hắn nhận thứ hai, vùng đất cuối Cửu Hà không ai dám nhận thứ nhất.



Hoán đầu


Thập Tam Đao hành nghề cạo đầu ở Thiên Tân Vệ vào những năm cuối triều Thanh, thời xưa nữ nhân không cạo đầu, mà chỉ có đàn ông, lưu lại khoanh tròn đằng sau, phần trán thường xuyên cạo đến nhẵn bóng. Thiên Tân Vệ có rất nhiều thợ cạo, thầy trò truyền nghề/tổ tông tương truyền, tay nghề tốt cũng không ít, thế nhưng chẳng ai dám xưng Nhất tuyệt, duy nhất chỉ có vị này, nghe danh là biết, bất luận cạo đầu cho ai, bất kể đầu to/đầu nhỏ, bất kỳ kiểu dáng thế nào, chắc chắn mười ba nhát là cạo xong. Thời điểm cạo đầu, tay trái cầm miếng lót da hình bầu dục dùng để đỡ dao, cạo một nhát đỡ một cái, luôn giữ cho dao sắc bén, lưỡi dao lướt trên da đầu như nước chảy mây trôi, cứ thế hoàn thành trong mười ba nhát, không thiếu không thừa. Cạo đầu trẻ sơ sinh cũng dùng mười ba nhát dao, đây chính là một cách kiểm tra tay nghề, sư phụ lâu năm chưa chắc đã làm tốt, ngày xưa Thiên Tân Vệ có tập tục “Cạo đầu trẻ ngày thứ 12”, trẻ con thời đó thực dễ dàng chết yểu, tuy nhiên cũng có câu: trẻ sơ sinh qua mười hai ngày sẽ càng dễ nuôi sống, cho nên mời thợ cạo về nhà, giúp em bé cạo tóc. Thời điểm cạo thao tác phải vững, da đầu trẻ nhỏ vốn mỏng manh, không chú ý chút thôi sẽ bị rách, đến lúc đó nhà người ta nhất định không buông tha, có hai cái miệng cũng không dễ giải thích, vì sao lại như vậy? Chưa bàn đến chuyện xui xẻo, vạn nhất đứa trẻ vì thế mà nhiễm bệnh, không chừng sẽ mất mạng. Lúc cạo đầu, thợ cạo sẽ bảo bà nội ôm cháu, thợ cạo đưa một rổ mây cho cô hoặc nữ quyến trong nhà đứa trẻ, mặt trên phủ lớp vải đỏ hoặc là giấy đỏ, đứng bên cạnh hứng đỡ, bởi tóc máu của trẻ sơ sinh không thể rơi xuống đất, sau khi cạo xuống sẽ gói lại thật kỹ, đặt dưới gối đứa trẻ, như vậy em bé có thể sống lâu trăm tuổi. thợ cạo xong việc còn phải chúc mừng gia chủ, gia chủ cũng đưa tiền thưởng hậu hĩnh, bình thường cạo đầu trẻ sơ sinh đắt gấp mười lần cạo đầu người lớn. Thập Tam Đao không chỉ đặt dao chuẩn, kỹ năng cũng rất tốt, thuần thục nhuần nhuyễn như rồng bay phượng múa, đứa trẻ chưa kịp hiểu xảy ra chuyện gì, chớp mắt đã bị cạo sạch sẽ, cho nên không ít người thà chi nhiều tiền hơn, cũng phải tìm hắn cạo đầu cho con cháu.

Đến thời Dân Quốc, Thập Tam Đao vẫn không đổi tay nghề, tóc húi cua, vuốt keo, chẻ ngôi… hắn đều không nhận, chỉ cạo trọc, theo ngôn ngữ trong nghề, cái này kêu “Đả lão mạt”, tuy việc làm ăn bị thu hẹp, nhưng những thợ cạo khác vẫn không sao bì kịp, một là do Thập Tam Đao có tay nghề cao siêu, hai là vì hắn biết cách làm ăn buôn bán, mỗi nhát dao đều kể cho người ta một điển cố. Ví như: nhát đầu tiên kêu “Khai thiên tích địa”, khi hạ đao phải niệm “Bàn Cổ sơ khai không nhớ năm, Nữ Oa luyện đá vá trời xanh, bốn góc đã sửa được ba, chỉ có Đông Bắc chưa làm xong. Góc Đông Bắc tường đá lạnh buốt, gió nổi lên toàn thân phát run, nếu nói gió lạnh tựa dao cắt, luận đao pháp không ai bằng ta. Một đao hạ xuống cắt sạch đắng cay mặn chát, từ nay về sau hưởng ngọt bùi, phiền não cũng theo đó ra đi, vui vẻ trường thọ vạn vạn năm”, ai nghe xong mà chẳng cao hứng? Nhát thứ hai có tên “Vũ Vương trị thủy”, hắn lại niệm “Có đất, có trời, có người trồng trọt, Thiên hoàng chín trăm năm, Địa hoàng một ngàn năm, Nhân hoàng một ngàn hai trăm năm, tổng cộng ba ngàn một trăm năm. Toại nhân dùng lửa sưởi ấm nhân gian, Vũ Vương trị thủy toàn đi thuyền, không rảnh vào nhà quá ba lần, tóc xoã tung bay ra bờ sông, đến khi Hoàng Hà hết lũ lụt, mới nhớ cạo đầu thay quần áo. Nhát dao này mượn lòng can đảm của Vũ Vương, dù có giao long cũng không ngại, đi trên mặt nước không sợ ướt chân, giương buồm ra biển không bị chìm thuyền”. Tiếp theo là nhát thứ ba/thứ tư/thứ năm, nào là “Đát Kỷ gieo họa”, nào là “Hán - Sở tranh hùng”, rồi “Thiên hạ chia ba”, cho đến nhát dao thứ mười ba, vừa lúc nói đến đương kim “Mười hai vị Hoàng đế Mãn Thanh, các nơi không ngừng khởi nghĩa, giang sơn vững trãi mấy trăm năm, đến đời Tuyên Thống đành từ bỏ, cạo bím tóc thân thể nhẹ nhàng, mười ba nhát dao từ đây thái bình”. Lời lẽ hắn kể không cố định, ba hoa bốc phét, tùy hứng phát huy, lúc thế này lúc thế nọ, bỏ qua vần điệu, thực chẳng khác gì giang hồ mãi nghệ ven đường, nói liên tục luyện thành kỹ năng, hơn nữa đao pháp xuất chúng, làm nên tên tuổi tại vùng đất cuối Cửu Hà, có điều cao siêu thế nào, chẳng qua cũng chỉ là kẻ làm ăn buôn bán nhỏ mà thôi.

Lưu Hoành Thuận thấy người đến là thợ cạo Thập Tam Đao, thầm nhủ: “Sao Thập Tam Đao lại ở đây? Chẳng lẽ đã chết? Chết rồi vẫn còn hành nghề?”

Thập Tam Đao cũng nhìn thấy Lưu Hoành Thuận, tiến lên cất giọng đùa bỡn: “Đây không phải Lưu gia của Đội Truy Nã sao? Hay để ta hầu hạ ngài một phen?”

Lưu Hoành Thuận nói: “Thập Tam Đao, đã bao giờ ngươi thấy ta cạo trọc đầu hay chưa?”

Sắc mặt Thập Tam Đao bỗng trở nên nặng nề: “Ai nói cạo đầu Lưu gia, ta muốn cạo đèn nến trong tay ngài kìa!” Dứt lời, hắn đặt quang gánh cạo đầu xuống đất, một tay tháo chuông đồng, chầm chậm rung lắc, tay còn lại rút ra một con dao cạo sáng bóng sắc lạnh.

Lưu Hoành Thuận không khỏi giật mình, kẻ làm ăn buôn bán nhỏ gặp phải quan sai khác gì chuột thấy mèo, một tên thợ cạo như Thập Tam Đao sao dám làm càn như vậy? Lại nghe tiếng chuông đồng trên tay Thập Tam Đao càng lắc càng nhanh, thanh âm ập vào màng nhĩ, cảm giác lục phủ ngũ tạng đồng thời đảo lộn, không biết đây là loại chuông quái quỷ gì? Sao có tác động lớn như vậy? Vắt óc suy nghĩ, chợt nhớ đến lời nói lúc trước của Lý đạo trưởng: đệ tử Ma Cổ Đạo làm đủ mọi ngành nghề, len lỏi khắp hang cùng ngõ hẻm, bốn pháp bảo trong tay Tứ Đại Hộ Pháp, có một thứ gọi là “Câu hồn linh”, nói vậy… chẳng lẽ thợ cạo Thập Tam Đao đã gia nhập Ma Cổ Đạo?

Lưu Hoành Thuận vốn muốn hỏi Thập Tam Đao rõ ngọn ngành, nhưng nghĩ một hồi lại thấy: “Người sống không thể đi trên Âm Dương Lộ, Thập Tam Đao không ngu đến mức tự tử để tìm mình, cái giá này quá lớn, có thể thấy Thập Tam Đao cũng là sinh hồn, có hình mà không có thực thể, làm sao bắt được? Chi bằng ta nghe lời sư thúc, về Đồn cảnh sát Hỏa Thần Miếu trước, nhập xác rồi mới đi bắt người!” Trong lòng đã quyết, không để ý tới Thập Tam Đao, Lưu Hoành Thuận cất bước đi về phía trước, đôi chân Phi Mao Thối của anh ta đi nhanh như gió, chớp mắt đã bỏ lại Thập Tam Đao tít đằng sau, đi thêm một đoạn chợt nghe được tiếng chuông “leng ca leng keng”. Lưu Hoành Thuận ngẩng đầu nhìn, phát hiện Thập Tam Đao ở phía trước, cách đó không xa, quang gánh cạo đầu đặt dưới đất, vẫn là một tay rung chuông một tay cầm dao, ngay sau đó làm động tác chém vào trong không khí, đèn lồng trong tay Lưu Hoành Thuận bỗng tối sầm, thân nến đã bị cắt mất một đoạn. Lưu Hoành Thuận thầm giật mình, Thập Tam Đao thế nào lại ở đằng trước? Nếu để hắn chém thêm vài nhát, chẳng phải đèn lồng sẽ bị tắt sao? Lưu Hoành Thuận không tin mấy việc tà ám, bảo vệ đèn lồng, vội bước về phía trước, bàn chân chuyển động còn nhanh hơn dẫm trên Phong Hỏa Luân, đi thêm được một đoạn, lại nghe một tràng tiếng chuông vang lên, ngẩng đầu thấy Thập Tam Đao đang ở đằng trước, vung tay chém một cái, ngọn nến trong đèn lồng lại mất đi một đoạn.

Cứ thế, Lưu Hoành Thuận đi đến lần thứ mười hai, đèn lồng cũng bị đối phương chém mười hai dao, mỗi nhát thân nến lại ngắn đi một đoạn, mắt thấy ngọn lửa chỉ còn leo lét như hạt đậu nành, chém dao nữa chắc chắn tắt ngấm. Lưu Hoành Thuận thầm nghĩ: “Có Câu Hồn Linh trong tay Thập Tam Đao tác quái, mình đi nhanh nữa cũng vô dụng, đã vậy, cứ thẳng thắn đối mặt, là phúc không phải họa, là họa tránh không khỏi, xem mệnh Thập Tam Đao ngươi cứng, hay mệnh Lưu Hoành Thuận ta cứng!”

Trước giờ Lưu Hoành Thuận là người nhạy bén, đang lúc sinh tử cận kề, liền nảy ra một ý niệm: “Đèn lồng trước cửa Đồn cảnh sát vốn có màu đỏ, trên đường đi lại biến thành đèn trắng, sư thúc Trương Mù từng nói, người chết như đèn tắt, Thập Tam Đao muốn dồn ta vào chỗ chết, vì vậy mới ra tay huỷ đèn lồng. Nếu kẻ này cũng là sinh hồn trên Âm Dương Lộ, vì sao trên người không mang theo đèn?” Lúc trước tôi có nói, Lưu Hoành Thuận chân nhanh mắt cũng tinh, liếc nhìn lò than trên quang gánh cạo đầu, chập chờn tỏa ra ánh sáng trắng, không đợi đối phương ra tay lần nữa, lập tức xông lên phía trước.

Thập Tam Đao trong lòng buồn bực: “Chẳng lẽ Lưu Hoành Thuận muốn liều mạng? Ta đây không sợ hắn, mặc kệ Phi Mao Thối ngươi bản lĩnh cao thế nào, có thể làm khó ta trên Âm Dương Lộ sao?” Nào ngờ Lưu Hoành Thuận lắc mình lao tới, nhằm thẳng quang gánh cạo đầu đằng sau hắn, Thập Tam Đao giật mình tỉnh ngộ, thầm kêu một tiếng không xong, muốn ngăn cũng không kịp, Lưu Hoành Thuận giống như mũi tên bật khỏi dây cung, một cước đá văng quang gánh, dập tắt lò lửa. Một trận âm phong chợt nổi lên, cạo đầu Thập Tam Đao liền không rõ tung tích.

Còn tiếp…

Total Pageviews

This Blog is protected by DMCA.com