TRUYỆN ĐƯỢC DỊCH HOÀN TOÀN MIỄN PHÍ, NHẰM THỎA MÃN NHU CÂU ĐỌC TRUYỆN CÁ NHÂN.


XIN VUI LÒNG KHÔNG MANG BẢN DỊCH ĐI NƠI KHÁC HAY SỬ DỤNG CHO MỤC ĐÍCH THƯƠNG MẠI KHI CHƯA CÓ SỰ ĐỒNG Ý CỦA CHỦ TRANG.



CÁM ƠN!!!

HT 1.7

 Chương 7: TRƯƠNG MÙ ĐI ÂM


1.


Từ xưa đến nay mấy ngàn năm,

Long tranh hổ đấu mãi chẳng ngừng.

Vẫn nói số trời không đoán được,

Yêu thắng người thua, họa có dừng.


Phần trước có nói, 25 tháng 5 - Phân Long Hội, trời giáng mưa to, sấm sét ầm ầm, bảy ngọn đèn dầu Lý Lão Đạo bày trong Đồn cảnh sát Hỏa Thần Miếu đều bị tắt, đám người Lão Bánh Quẩy sợ hãi quá mức, tay chân luống cuống, không biết làm sao cho phải. Tạm thời không đề cập tới bốn vị tuần cảnh bên ngoài, lại nói Lưu Hoành Thuận ở buồng trong, cả ngày mơ mơ màng màng, uống xong mấy chén rượu, cảm thấy mí mắt ngày càng nặng trĩu, kiểu gì cũng không mở ra được, qua canh năm mới tỉnh, nghe tiếng mưa rơi bên ngoài đã ngớt, trời vẫn chưa sáng, ra phòng ngoài xem xét, cả Đồn cảnh sát Hỏa Thần Miếu không có ai trực ban. Lưu Hoành Thuận lại tới trước cổng, Đồn cảnh sát Hỏa Thần Miếu vẫn chưa có đường điện, trước cửa vốn treo đèn lồng đỏ, lúc này biến thành đèn lồng trắng, là loại khung tre, bên ngoài bồi giấy trắng, phảng phất ánh sáng mờ nhạt, lạ lùng thay ánh nến cũng là màu trắng, Trương Sí, Lý Xán, Đỗ Đại Bưu, Lão Bánh Quẩy đi đâu rồi? Lưu Hoành Thuận cầm đèn lồng trắng ra ngoài tìm, một đường đi về phía trước, trên đường không thấy ai. Ngày thường lẽ ra lúc này trên đường phố, người đưa nước, gom rác, xay sữa đậu nành, làm óc đậu phụ… cũng đã đốt đèn làm việc, vậy mà nay căng mắt nhìn quanh, phố lớn ngõ nhỏ không một bóng người, các nhà các hộ tắt đèn tối om, không có lấy một tia sáng, mọi người đi đâu hết cả rồi? Đừng nói người, trên đường đến một con chó cũng không có, xung quanh không thấy nhà cửa phòng ốc, dưới chân chỉ có một con đường để đi.


Góc Tây Bắc - một phần bản đồ thành Thiên Tân thời xưa.


Lưu Hoành Thuận lòng đầy nghi vấn, tiếp tục đi về phía trước, ngang qua một hố nước thối, anh ta nhận ra nơi này, đây chính là Hố Quỷ ở góc Tây Bắc thành Thiên Tân. Trong quá khứ, tục ngữ dân gian mô tả bốn hố nước thành Thiên Tân như sau: “Một hố mũ quan một hố quỷ, một hố bạc một hố nước”, bốn hố nước lớn chiếm bốn góc, Hố Quỷ nằm ở miếu Thành Hoàng góc Tây Bắc, xung quanh hoang vắng, cỏ dại mọc um tùm, khắp nơi đều là lau sậy cao ngang đầu người, rải rác vài túp lều ẩm thấp lụp sụp, là nơi ở của những người làm phu kéo xe, gom chất thải, bới rác, nhặt ve chai… tóm lại tất cả đều là người nghèo. Nếu vậy, mấy hố nước này có nguồn gốc từ đâu? Nghe nói vào năm Quang Tự, có một người Đức dẫn hơn ngàn dân phu đến vùng này dựng lều, đào hố. Vì sao lại làm như vậy? Bán đất, đây chính là một mối làm ăn béo bở. Sau khi đào xong, lại xây ở hai đầu Nam-Bắc của hố nước hai cái cống, vùng này có địa thế trũng, mỗi lần mưa to, nước bẩn từ nơi cao chảy xuống đầy hố, hắn liền đóng hai cái cống này lại, chẳng mấy chốc nước bẩn sẽ ngập đến mép giường người dân khu vực lân cận, muốn nước rút, mọi người phải gom đủ tiền giao cho hắn, lúc này hắn mới chịu mở miệng cống. Sau này, tên người Đức bỗng nhiên không rõ tung tích, có người nói hắn gặp báo ứng, thời điểm xả lũ đã bị rơi xuống hố, cũng có người nói là nghĩa sĩ trên giang hồ vì dân trừ hại, cho dù chân tướng thế nào, hố nước này cũng không lấp lại được, trở thành một trong mấy nơi tập trung nước bẩn của toàn bộ Thiên Tân Vệ, nước thải/nước mưa đều đổ dồn về đây, bao năm tích tụ hình thành một cái hố lớn, sâu đến năm mét, dơ dáy bẩn thỉu, bốc mùi hôi thối ngút trời.

Các hộ gia đình ở đây có ba cái sợ: một sợ trời nắng, hai sợ ngày mưa, ba sợ ôn dịch. Vậy sao lại sợ trời nắng? Nắng làm nước trong Hố Quỷ bốc hơi, kèm theo mùi khó ngửi, khắp nơi dòi bọ bò lổm ngổm, ruồi nhặng bay loạn xạ đầy trời, tiếng vo ve ầm ầm vang lên, sáng sớm chẳng cần gà gáy đã có thể khiến người thức giấc. Giữa trưa ăn cơm trộn lẫn ruồi bọ, ban đêm ruồi đen nhặng xanh đậu kín nóc nhà, đen sì một mảng, vất vả lắm mới xua đuổi được, muỗi lại bắt đầu tấn công, kết bè kết đàn, che trời lấp đất, đốt hương hun ngải đều không có tác dụng, chẳng cần biết người gầy gò thế nào, chỉ cần ngủ ở đây một đêm, hôm sau chắc chắn biến thành tên mập. Ngày mưa mọi người càng lo lắng hãi hùng, nước mưa từ các nơi đổ dồn về mang theo xác chó xác mèo, chất thải rác rưởi, dòi bọ nhung nhúc, bẩn thỉu hôi thối không chịu được, rơm rạ/củi khô trong nhà cũng đều bị ướt, không thể nhóm bếp, mọi người đành ăn cơm nguội qua bữa, mưa gió lớn một chút có thể sập nhà, già trẻ lớn bé chỉ biết ở lì bên trong. Đáng sợ hơn nữa chính là ôn dịch, thời xưa không chú trọng vệ sinh, cũng không biết cách giữ gìn sạch sẽ, ôn dịch xảy ra là chuyện bình thường, mỗi lần như vậy liền chết mấy mươi người, hàng ngày đều ném xác ra bãi tha ma, phơi thành xương trắng.

Từ năm đầu Dân Quốc đến nay, đây vẫn là nơi cư ngụ của tầng lớp dân nghèo dưới đáy xã hội, trước giờ người dọn vệ sinh trong thành đều đem rác rưởi ra đây vứt, cho nên diện tích Hố Quỷ ngày càng bị thu hẹp, nhưng mùi thối thì càng ngày càng nặng, sinh ra vô số cóc nhái, bình thường kêu vang “ồm ộp”, hôm nay lại im lặng như tờ. Lưu Hoành Thuận đi đến đây, nhìn thấy cách đó không xa có chút ánh sáng, nhanh chóng tiến lại gần, phát hiện không phải đèn đuốc, dưới đất có chậu hoá vàng mã, phía sau là một đội nhân mã sắp hàng chỉnh tề, đủ mọi màu sắc, chỉ là không có lấy một người sống, tất cả đều là giấy bồi hàng mã!

Đúng lúc này, một lão già gầy gò xanh xao đi tới, động tác vô cùng nhanh nhẹn, thân mặc áo xanh, mũi ưng miệng mỏng, hai mắt loé hàn quang. Lưu Hoành Thuận vừa thấy người này, lập tức giật mình kinh hãi, anh ta nhận ra lão, chẳng phải ai khác, chính là Trương Mù - Trương Lập Tam, chuyên bồi người giấy ở miếu Thành Hoàng. Vẻ ngoài của Trương Mù không đáng sợ, nhưng hai mắt lão đã hỏng mấy chục năm, trong khi người trước mặt hai mắt sáng quắc, đây mà là Trương Mù sao?

Lưu Hoành Thuận chăm chú nhìn kỹ, quả thực đúng là Trương Mù, vội tiến lên chào hỏi, cung kính kêu một tiếng: “Sư thúc!”

Trương Mù bồi người giấy ở miếu Thành Hoàng, sao lại là sư thúc của Lưu Hoành Thuận? Đôi mắt của lão bị mù như thế nào? Phần trước tôi đã nói, trước kia Trương Mù không bị mù, tên thật là Trương Lập Tam, người dân Thiên Tân Vệ vẫn gọi “Lập gia”, là Nhất tuyệt trong “Thất tuyệt Bát quái” vùng đất cuối Cửu Hà, nhiều người cho rằng, tay nghề bồi người giấy của lão chính là tuyệt kỹ, cũng có người nói do lão đi âm. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, tên tuổi của Lập gia đã nổi lên từ lâu, năm đó khi vẫn còn triều Đại Thanh, Lập gia chính là phi tặc số một trong giới lục lâm, một thân bản lĩnh vượt nóc băng tường, đột nhập ngàn nhà vạn hộ, đánh cắp tiền của. Nói vậy thì lão là người xấu sao? Cũng không hẳn, người này nguyên quán tại huyện Võ Thanh, từ nhỏ mất cha, cùng mẹ sống nương tựa lẫn nhau, nhà chỉ có bốn bức tường, nghèo túng bần hàn, sau này gặp được cao nhân ở Tề Vân Sơn, học nghệ mười bảy năm, luyện thành một thân tuyệt kỹ, cái gì kêu “Nhảy cao đạp thấp, vượt nóc băng tường”, thế nào là “Lướt bèo qua sông, đi trên ngọn cỏ”, nhún chân một cái là có thể nhảy từ dưới đất lên nóc nhà, mọi người chưa kịp nhìn rõ đã lộn nhào, vững vàng đáp trên mặt đất. Trước khi xuống núi, sư phụ nói với Trương Lập Tam, tuy ta truyền thụ tuyệt kỹ cho con, nhưng lại không có danh nghĩa thầy trò, bao năm nay con cũng không biết họ tên thầy là gì, không phải ta cố ý giấu giếm, mà là không muốn con mượn danh sư phụ hành tẩu giang hồ, giới lục lâm có câu tiếng lóng: “Không cho ngươi mượn dây leo, muốn dùng thì tự mình trồng.” (Dây leo ở đây ám chỉ các mối quan hệ có sẵn của sư phụ, chằng chịt đan xen phức tạp, tự mình trồng có nghĩa tự mình đi móc nối/gây dựng)

Trương Lập Tam là người chí hiếu, không có ý định mượn danh gây dựng tên tuổi, cũng bởi lòng người hiểm ác, không muốn lăn lộn chốn giang hồ, bái biệt ân sư trở về quê nhà, dựa vào một thân bản lĩnh, tìm việc trông coi trạch viện cho nhà giàu địa phương, không cầu đại phú đại quý, chỉ mong cuộc sống an ổn, có thể báo hiếu mẹ già là được. Ai ngờ “Người ngồi trong nhà, họa từ trên trời rơi xuống”, thực đúng là tai bay vạ gió! Hôm đó Trương Lập Tam làm xong công việc, mua về cho mẹ rất nhiều đồ ăn yêu thích, hai mẹ con đang ngồi nói chuyện trên giường đất, chợt nghe bên ngoài có người lớn giọng kêu gọi, kèm theo tiếng đập “rầm rầm rầm”, cánh cửa thiếu chút nữa bật tung, biết thì kêu đây là gõ cửa, không biết còn tưởng muốn phá sập nhà, vừa mở liền trông thấy bốn vị quan sai, vậy sao lão lại biết đây là quan sai? Vẫn nói: đội mũ lớn, mặc áo xanh, không phải nha dịch thì chính là binh lính! Bốn vị quan sai vừa thấy Trương Lập Tam, xiềng xích  trong tay vung lên, nhanh chóng tròng lên cổ ông ta, không cho phân trần, lập tức tóm lại.

Chúng ta đều biết Trương Lập Tam thân mang tuyệt kỹ, bản lĩnh đầy mình, vì sao lại dễ dàng bị quan sai bắt giữ như vậy? Có hai nguyên nhân: trước tiên, đám bộ khoái này bản lĩnh khác không có, nhưng sử dụng xiềng xích tử lại vô cùng thành thục, hành động vừa nhanh vừa chuẩn, đối tượng chưa kịp nhìn rõ, xích sắt đã nằm trên cổ, cái này kêu không sợ biết ngàn chiêu, chỉ sợ giỏi một chiêu; thứ hai: xiềng xích ở huyện nha tuy chỉ nhỏ như ngón tay út, dùng sức một chút là có thể giật đứt, tuy nhiên thứ tròng lên cổ không phải xích mà là pháp luật, oan hay không oan cứ lên công đường nói với đại lão gia, nếu dám bỏ trốn thì chính là chống lại lệnh bắt giữ, coi thường quốc pháp, đợi khi bị bắt giải lên công đường, chẳng cần nhiều lời, ăn bốn mươi đại bản rồi tính. Trương Lập Tam sợ kinh động mẹ già, lại cảm thấy không thẹn với lương tâm, mặc cho bốn quan sai bắt giữ, giải đến huyện nha huyện Võ Thanh, trên đường đi, trong lòng không khỏi suy nghĩ lung tung, ngày thường đi thẳng ngồi ngay, giờ bị công sai trói gô mang về huyện nha, để hàng xóm xung quanh nhìn thấy, biết giải thích thế nào đây? Bất kể có vi phạm vương pháp hay không, cho dù sáng bắt chiều thả, cũng không tránh khỏi miệng đời thêu dệt, bàn ra tán vào, mặt mũi ta biết để đâu? Hiện giờ công việc trông coi trạch viện đã mất, chưa bàn chuyện kiếm miếng ăn từ đâu, sau này hai mẹ con làm sao ngẩng đầu nhìn người ta? Càng nghĩ, Trương Lập Tam càng cảm thấy phiền muộn. Lên tới công đường, trải qua một lượt thẩm vấn lão mới hiểu, thì ra mấy hôm trước, Lập gia đánh lui vài tên đạo tặc ban đêm đột nhập nhà dân, hái hoa trộm liễu, bọn chúng ghi hận trong lòng, đóng giả Lập gia gây án. Quan huyện khi ấy ngu ngốc vô năng, nghe nói Trương Lập Tam có thể vượt nóc băng tường, liền một mực cho rằng chính là ông ta, không chờ làm sáng tỏ vụ án, liền sai thuộc hạ cắt gân chân của phi tặc.

Trương Lập Tam thấy vậy, giận dữ bất bình, không cam lòng ngậm oan chịu khuất, cắn răng giậm chân, thoát khỏi xiềng xích trói buộc ngay trên công đường, tung người phóng lên nóc nhà như một con diều hâu, men theo bờ tường hậu viện trốn mất. Trương Lập Tam chạy suốt đêm về nhà, vẫn nói “Chuyện gấp tìm người thân, lâm nguy dựa người quen”, trước tiên đưa mẹ đến nhà cậu Hai ở vùng khác, còn mình tự thân ra ngoài tránh sóng gió, hiện giờ cùng đường, lâm vào tuyệt cảnh, suy đi nghĩ lại, thở dài một hơi: “Nếu quan phủ vu oan ta, giang hồ cũng có người nhìn ta không thuận mắt, ta đành quay lại làm phi tặc, xong việc cũng sẽ để lại danh hiệu, cho các ngươi biết ta bản lĩnh thế nào, chẳng cần đi xa cho mệt, cứ ở thành Thiên Tân, phô bày thủ đoạn chính tông!”

Nghĩ vậy, Trương Lập Tam đi suốt đêm vào thành Thiên Tân. Từ đó về sau, đám nhà giàu bất nhân kia như ngồi trên đống lửa, vàng bạc cất giấu trong nhà đều không cánh mà bay, cũng không biết kẻ trộm vào bằng cách nào, thuê bao nhiêu người trông coi cũng vô dụng, đến chó cũng không sủa, tới vô tung đi vô ảnh, gây án xong chỉ lưu lại trên tường ba chữ “Trương Lập Tam”, mặc kệ quan phủ huy động bao nhiêu bộ khoái, cũng không bắt được tên phi tặc này, ngay cái bóng cũng chẳng thấy. Lập gia trộm đồ cũng tuân theo quy tắc, bất kể nhà này bị thù ghét bao nhiêu, trước giờ lão chỉ lấy đi mấy thứ như tiền xu/vàng bạc/lương thực/quần áo… tuyệt đối không động đến khế nhà khế đất, biên lai cầm đồ, sổ sách.v.v… càng không quấy nhiễu nữ quyến, vào bằng cách nào thì đi ra như thế, đến dấu chân cũng không lưu, moi gạch/lật ngói, xong việc lại để vào như cũ cho người ta. Dân nghèo tại thành Thiên Tân cũng coi như có đường sống, bất kể ăn mày tụ tập ở miếu hoang, hay là người nghèo có chỗ cư ngụ, cứ vài ba bữa lại có người ném tiền cho, khi ít khi nhiều, khi là đồng bạc, khi là bạc vụn, đặc biệt vào dịp cuối năm, Trương Lập Tam sẽ dốc hết tiền tích cóp trong năm, chia cho mọi người, rất nhiều nhà nghèo buổi sáng thức dậy, phát hiện trước cửa để ba chồng tiền xu, liền biết ngụ ý đây là “Lập Tam”, cho nên năm mới gặp mặt, cùng nhau thăm hỏi: “Năm qua sống thế nào?” Đối phương đáp: “Nhờ phúc quý nhân, LẬP lai quá đắc bất thác (ý nói: ngày qua sống cũng không không tồi. Dùng chữ LẬP ở đây ám chỉ được Lập Tam giúp đỡ).” Ai nấy đều hiểu ý nhau, giữ trong lòng không nói ra miệng, thầm coi Trương Lập Tam là Bồ Tát sống cứu khổ cứu nạn.

Trương Lập Tam nhiều lần gây án, chưa bao giờ thất thủ, đám nhà giàu xấu xa kia thẳng tay mắng mỏ chính quyền, khiến nha môn mất hết mặt mũi, hận đến nghiến răng nghiến lợi, có điều kẻ này hành tung bất định, tới không thấy hình, đi không thấy bóng, đành dán hình vẽ toàn thành, treo giải tróc nã, tiền thưởng càng lúc càng nhiều, lên đến tám trăm lượng bạc trắng, giang dương đại đạo giết người cướp của cũng không đáng giá như vậy, chỉ là dân chúng thành Thiên Tân không tham chút tiền này, đều nói Trương Lập Tam là hiệp đạo, nhún chân có thể bay lên trời, cưỡi mây đạp gió, cướp phú tế bần, cứu vây giúp nguy, có thần phật phù hộ, quan phủ muốn bắt cũng không được, người dân biết lão ở đâu cũng không nói.

Nhắc đến các vụ án do Trương Lập Tam làm tại thành Thiên Tân, có kể ba ngày ba đêm cũng không xong, thủ đoạn cực cao, lại có tuyệt kỹ: thiên nga hạ đản, hải để lao nguyệt, hạt tử ba thành, ngô công quá sơn… không có gì lão không biết, hơn nữa còn túc trí đa mưu, thông minh linh hoạt hơn người, mặc cho tường viện nhà giàu cao cỡ nào, thủ vệ nhiều bao nhiêu, cũng ngăn không được Trương Lập Tam vào nhà hành nghề.

Thoáng chốc qua chục năm, trên giang hồ không ai không biết danh hiệu phi thiên đại đạo Trương Lập Tam, không ai không ủng hộ. Quan phủ năm lần bảy lượt treo thưởng truy bắt nhưng không có kết quả, hễ nghe ba chữ Trương Lập Tam liền cảm thấy đau đầu, nếu ép buộc quá mức, lão cũng dám để lại vết đao trên bàn làm việc của Huyện thái gia coi như cảnh cáo, ý nói ngươi không bắt được ta, nhưng ta có thể lấy đầu ngươi dễ như trở bàn tay. Sau này, tri huyện Thiên Tân kế nhiệm lắm mưu nhiều kế, không gióng trống khua chiêng tróc nã phi tặc, chỉ sai người âm thầm điều tra tung tích, biết được mẹ Trương Lập Tam đang sống ở nông thôn, cảm thấy đây là cơ hội lập công, vì thế bố trí thuộc hạ mai phục, rồi sai người thả tin đồn, nói quan phủ đã tìm được nơi ẩn thân của mẹ Trương Lập Tam, chuẩn bị đi bắt người.

Trương Lập Tam là người hiếu thuận, nghe lời đồn lập tức chạy về quê, vào nhà không nói hai lời, cõng mẹ bỏ chạy, ai ngờ vừa ra khỏi cửa đã thấy quan sai bao vây. Nếu Trương Lập Tam bỏ lại mẹ già, một mình chạy trốn, sẽ chẳng ai đuổi kịp, đó cũng không phải Trương Lập Tam. Vì an toàn của mẹ, phi thiên đại đạo tung hoành giang hồ Trương Lập Tam giơ tay chịu trói, bị giải lên đại đường huyện nha Thiên Tân. Huyện lệnh đại nhân thấy Trương Lập Tam vẻ mặt chính khí, không giống đám trộm cắp gian ngoan xảo quyệt, liền đích thân thẩm vấn, mở rộng điều tra vụ án, biết Trương Lập Tam từng bị vu oan, cùng đường mới phải làm phi tặc, tuy gây ra vô số vụ án tại thành Thiên Tân, nhưng lại có ba điểm đáng quý: thứ nhất - không hại mạng người, thứ hai - không vi phạm pháp lệnh, thứ ba - của cải đoạt được đều mang đi cứu giúp người nghèo. Huyện thái gia bội phục tinh thần hiệp đạo, lại thưởng thức tài năng của Lập gia, liền nói xưa nay không ít người trong giới lục lâm bỏ tà theo chính, còn góp sức bảo vệ người dân, hỏi Trương Lập Tam có nguyện ý lập công chuộc tội, làm quan sai bắt trộm đuổi cướp, phụng dưỡng mẹ già.

Trương Lập Tam vội vàng quỳ xuống: “Đa tạ đại nhân khai ân, có điều Trương Lập Tam ta không có phúc phận, ăn không nổi chén cơm quan sai này.” Vì sao Trương Mù lại nói như vậy? Không phải lão coi thường quan sai, tuy thay trời hành đạo, cướp phú tế bần, trừng trị kẻ bất nghĩa, nhưng đó là nói cho dễ nghe, dù sao lão cũng là kẻ trộm, hành tẩu giang hồ nhiều năm, kết giao bằng hữu toàn là người trong giới lục lâm, đạo tặc với quan sai vốn như nước với lửa không thể hòa nhập. Tuy Trương Lập Tam chưa từng hại mạng người, nhưng bao năm trộm cắp tiền của bất nghĩa, gộp tội cũng đủ chém đầu, không ngờ Huyện thái gia pháp ngoại thi ân, chừa cho lão một con đường sống. Không làm thì cảm thấy có lỗi với Huyện thái gia; làm thì chẳng mặt mũi nào đi gặp bằng hữu giang hồ, việc này đúng là tiến thoái lưỡng nan. Trương Lập Tam cúi đầu suy nghĩ hồi lâu, sau đó xin Huyện thái gia ban cho mình một chậu vôi. Huyện thái gia muốn xem lão làm gì, liền sai thuộc hạ đặt chậu vôi trước mặt Trương Lập Tam. Trương Lập Tam không giải thích nhiều, lập tức bốc một nắm vôi, chà xát vào hai mắt, con ngươi bỏng rát, dịch vàng không ngừng chảy ra, lão không hề hé răng nửa lời, hơi thở trầm ổn, mặt không đổi sắc. Đám người trong nha môn nhìn đến choáng váng, từ trên xuống dưới không ai không phục, dùng vôi sống trực tiếp làm mù hai mắt, không than vãn kêu ca, đây là loại người gì?

Huyện thái gia cảm thán thở dài một hơi, tiếc thương Trương Lập Tam thân mang tuyệt kỹ, kết quả lại trở thành kẻ mù loà, vì thế dốc lòng thu xếp, giúp Trương Lập Tam chấm dứt kiện tụng, thả lão về phụng dưỡng mẹ già. Trương Lập Tam xin được công việc gác đêm tại miếu Thành Hoàng góc Tây Bắc, cưới một bà goá làm vợ, kiếm sống bằng nghề bồi người giấy. Hai vợ chồng cùng mẹ già thuê một căn phòng ngay cạnh miếu để ở, từ đây Lập gia nổi tiếng giang hồ biến thành Trương Mù bồi người giấy.

Huyện thái gia cùng các quan sai trong nha môn chiếu cố Trương Mù không ít, thỉnh thoảng lại cho tiền/tặng quà, có vụ án nào không phá được, quan phủ liền đến chỗ lão xin ý kiến/tìm kế sách, lòng dạ Trương Lập Tam cũng không phải sắt đá, dựa vào kinh nghiệm bao năm lăn lộn giang hồ, không ít lần hỗ trợ bọn họ. Lão vốn là phi tặc, hơn nữa còn được tôn làm nhân tài kiệt xuất trong giới lục lâm, được lão ra tay chỉ điểm, chín phần mười là có thể phá án. Bất quá, không phải vụ án nào lão cũng nhúng tay, chỉ giúp đối phó đám đạo tặc xấu xa, làm loạn quy củ. Sư phụ ở Đội Truy Nã của Lưu Hoành Thuận, từng là quan sai trong nha môn thời nhà Thanh, có giao tình với Trương Mù, bởi vậy Lưu Hoành Thuận mới gọi Trương Mù một tiếng “sư thúc”, lúc trước cũng không ít lần theo Trương Mù học hỏi. Dân gian đồn rằng, Trương Mù không chỉ biết bồi người giấy, mà còn là người đi âm, chuyên thu thập đám cô hồn dã quỷ miếu lớn không thu/miếu nhỏ không nhận tại vùng đất cuối Cửu Hà!


Còn tiếp…

Total Pageviews

This Blog is protected by DMCA.com