TRUYỆN ĐƯỢC DỊCH HOÀN TOÀN MIỄN PHÍ, NHẰM THỎA MÃN NHU CÂU ĐỌC TRUYỆN CÁ NHÂN.


XIN VUI LÒNG KHÔNG MANG BẢN DỊCH ĐI NƠI KHÁC HAY SỬ DỤNG CHO MỤC ĐÍCH THƯƠNG MẠI KHI CHƯA CÓ SỰ ĐỒNG Ý CỦA CHỦ TRANG.



CÁM ƠN!!!

HT 2.6

Chương 6: ĐẤU PHÁP PHÂN LONG HỘI


2.

Lưu Hoành Thuận quá hiểu tính tình Lão Bánh Quẩy, hai người làm việc cùng nhau nhiều năm, chẳng lẽ không nhìn ra ý tứ ông ta sao? Tuy cùng là tuần cảnh, nhưng thái độ làm việc lại không giống nhau, trước giờ đều nhát gan sợ phiền phức, miệng lưỡi giảo hoạt, suốt ngày ngồi lê đôi mách, mới nghe gió thổi đã tưởng mưa rơi, lấy chày gỗ làm châm - chẳng phân biệt bản chất vấn đề, không chừng một nửa lời đồn ở Thiên Tân Vệ đều xuất phát từ miệng ông ta, mở mồm ra là nói tiểu quỷ phóng hỏa, thế này chẳng phải chó đeo rọ sắt (ý nói chó cắn càn) - ăn nói lung tung sao?

Lão Bánh Quẩy nói việc này tuyệt đối chính xác, có câu “Tai nghe là giả, mắt thấy là thật”, lần này chính mắt ông ta nhìn thấy, cho nên thêm mắm dặm muối kể lại một lần. Năm nay ông hơn năm mươi tuổi, biệt hiệu Lão Bánh Quẩy đã mang không dưới ba mươi năm, chỉ vì con người này ham chiếm lợi nhỏ, ra khỏi nhà mà quay về tay không coi như chịu thiệt, đi đường chưa bao giờ ngẩng đầu, chỉ vì có thể lượm tiền, mất một đồng sẽ đuổi theo hai dặm đòi lại. Dựa vào bộ cảnh phục trên người, tiện tay lấy người này cây hành/vặt người kia củ tỏi, ông ta cũng không giống Trương Sí, Lý Xán, hai tiểu tử kia ra ngoài vòi tiền, vẫn còn biết phân biệt người tốt kẻ xấu, chuyên tìm đám du côn vô lại, lưu manh càn quấy ra tay, ngươi ngang ta còn ngang hơn, ngươi tệ ta còn tệ hơn, chưa bao giờ khiến Lưu Hoành Thuận mất mặt. Lão Bánh Quẩy thì khác, một không ngang ngược, hai không cứng đầu, chỉ biết mặt dày mày dạn, kẻ mạnh ông ta không dám chọc, chuyên ra tay với người hiền lành thật thà. Xưa có câu “Không sợ người chán sống, chỉ sợ kẻ vô liêm sỉ”, độ dày da mặt ông ta thực có thể nói là vô địch thiên hạ. Chỉ cần có thể chiếm tiện nghi, chuyện xấu hổ nào cũng làm được, nếu cho cái bánh rán rồi bảo ông ta kêu tiếng “cha”, ông ta sẽ há mồm kêu liền, còn cảm thấy mình không bị thiệt thòi.


* Mau lột tỏi 

Trong truyện, Lão Bánh Quẩy có nói với vợ “Mau lột tỏi!”, đây là thói quen ăn uống của người Hoa. Bình thường họ hay ăn Sủi Cảo với tỏi ngâm dấm đen hoặc với nước tương.


Mấy hôm trước, Lão Bánh Quẩy ở nhà không đi làm, ông ta sống tại Đại Tạp Viện trong một ngõ nhỏ khu Nam Tiểu Đạo Tử, nhà chỉ có hai vợ chồng. Thấy sắp đến giờ cơm, vợ ông ta hỏi tối nay ăn gì? Lão Bánh Quẩy bảo không cần vội, tự mình ra ngoài đảo một vòng, quay về liền nói: “Mau lột tỏi *, hôm nay ăn sủi cảo!” Hai vợ chồng chung sống nhiều năm, vừa nhấc mông đã biết muốn phóng cái gì, Lão Bánh Quẩy nói vậy, vợ ông ta liền hiểu, thì ra Lão Bánh Quẩy có thói quen, cứ sắp đến giờ cơm là ra ngoài đi dạo, xem hàng xóm hôm nấu món gì, bánh ngô dưa muối thì bỏ qua, nhưng nếu nhà ai làm bánh nướng áp chảo, thịt hầm nồi lớn, ông ta sẽ tìm mọi cách ăn ké một bữa. 


Thịt hầm nồi lớn - 大锅炖 (Đại oa đôn)


Vậy đúng lúc làm sủi cảo thì sao? Vẫn có câu: “Ăn ngon không bằng sủi cảo, thoải mái không bằng nằm ườn”, nếu không ăn sẽ cảm thấy có lỗi với tổ tông. Ăn chực uống chầu cũng có nhiều cách, ví như thấy nhà này hôm nay làm sủi cảo, băm nhân/nhào bột không thể vào, cán vỏ/gói sủi cảo cũng không thể vào, cho sủi cảo vào nồi vẫn chưa thể vào, kiểu gì cũng phải căn đúng thời điểm mấu chốt, chính là lúc vớt sủi cảo ra khỏi nồi, đặt lên bàn còn bốc khói nghi ngút, Lão Bánh Quẩy sẽ đẩy cửa bước vào. Gia đình dân thường không thể so với nhà cao cửa rộng, chẳng có đồ vật gì đáng giá, bà con lối xóm qua nhà nhau chơi, chỉ cần chào hỏi một câu liền có thể vào, không chú ý nhiều quy củ, nếu đã quá thân quen, không chào hỏi cũng chẳng ai trách móc. Không phải Lão Bánh Quẩy biết bói toán, mà vì ông ta ngửi được mùi thơm của sủi cảo chín, đến đúng lúc sủi cảo được vớt ra khỏi nồi, nếu không ngửi thấy mùi thì sao, ông ta còn biết nhìn ống khói, ống khói nhà ai bốc khói đen, đó là vừa mới nhóm lửa, một lúc sau bốc khói trắng, đây là đang nấu, thời điểm khói ít dần, chứng tỏ lò đã tắt lửa, là lúc vớt sủi cảo ra khỏi nồi, liền đẩy cửa bước vào, mở miệng kêu: “Ui chao, thật là đúng lúc!” Vậy cái gì kêu “đúng lúc”? Đó chính là ta chưa ăn cơm, vừa lúc hàng xóm nấu xong sủi cảo, nhưng thực chất đã đợi bên ngoài nhà người ta cả mấy canh giờ. Người ta thấy là hàng xóm sát vách, hàng ngày ra vào chạm mặt, sao có thể đuổi đi, đành phải khách khí hai câu, giữ ông ta lại cùng ăn sủi cảo. Lão Bánh Quẩy không hề ngại ngùng, còn mở miệng đưa đẩy một câu: “Không dám phiền hà, trong nhà chật chội, ta mang về ăn là được.” Dứt lời liền múc đầy một bát lớn sủi cảo nóng hổi, mang về ăn với vợ, vừa tiết kiệm tiền lại vừa đã cơn thèm.


Sủi Cảo - 饺子 (giảo tử) hay còn gọi là Bánh Chẻo


Thời ấy, dân chúng không dễ dàng ăn được một bữa sủi cảo, đặc biệt là ngõ nhỏ khu Nam Tiểu Đạo Tử - nơi Lão Bánh Quẩy sinh sống, trong đại tạp viện đều là người nghèo, nói hôm nay cải thiện bữa ăn, xào chút thịt vụn với cải trắng đã là không tồi, ra hàng thịt mua hai đồng, có thể được bao nhiêu chứ? Vậy mà còn luyến tiếc, xào chín xong bớt lại một nửa để dành, một nửa kia xào chung với cải trắng thành một đĩa lớn, tính ra chẳng khác gì ăn chay. Không thì mua thêm chút lòng dê nấu canh, bỏ thêm miến khoai sợi to*, đậu hũ, cải trắng nấu thành một nồi. 


* Miến khoai sợi to: nguyên văn là Khoan Phấn Điều 宽粉条. Bề ngoài trông giống Bánh đa đỏ của VN nhưng được làm từ khoai lang.


Trong nhà có trẻ con cũng không cho ăn trước, phải chờ đàn ông trụ cột gia đình về mới được bê ra, để hắn ăn no, lúc này tụi nhỏ mới ngồi vào bàn trên giường đất, xì xụp ăn một chặp, ngoài ra còn làm thêm chút mỳ/cháo linh tinh, mùa hè trời nóng thì nấu chè đậu xanh giải nhiệt. Vậy thức ăn chính là món gì? Bình thường là bánh ngô hấp, bánh kếp bột ngô. Thỉnh thoảng hấp mấy cái màn thầu cũng không nỡ dùng bột mỳ trắng, mà toàn bằng bột mỳ pha bột ngô, không thì nướng ít bánh Kim khoả ngân *, bên trong là bột bắp, bên ngoài là bột mỳ trắng, hay bỏ chút hành thái nhỏ vào bát mỳ trộn (ngũ hương) *, ăn cùng cải trắng thái sợi coi như lấp đầy dạ dày. 



Mỳ trộn (Ngũ hương miến - 五香面)

Trộn mỳ với 5 loại gia vị như tương, dấm, dầu mè, ớt, rau củ.


Nhiều nhà có đàn ông ra ngoài làm việc, vất vả mệt nhọc cả ngày, sẽ chuẩn bị thêm chút đồ nhắm rượu, thứ nào rẻ là được. Không có tiền mua cả bình rượu thì đến tiệm tạp hoá mua lẻ tầm hai lượng (khoảng 100ml), về chuẩn bị thêm đĩa lạc rang húng lìu, Thiên Tân Vệ gọi là Quả nhân nhi (nhân của loại củ/quả có vỏ cứng), để cả vỏ cho vào rang, trước khi chồng về mới tách vỏ, viên nào nguyên vẹn thì cho vào một cái hũ nhỏ, lúc uống rượu lấy ra nhắm cùng, viên nào lép hay vụn thì cho trẻ con ăn, cuộc sống như vậy cũng coi như tạm ổn. Cho nên ngoại trừ dịp Tết, trong nhà phải có chuyện mừng, hoặc trụ cột gia đình kiếm thêm thu nhập, mới dám bỏ tiền nấu một bữa sủi cảo, già trẻ trong nhà ăn cho đỡ thèm. Hàng xóm láng giềng ngẫu nhiên bắt gặp, mời nhau một hai lần còn được, đằng này Lão Bánh Quẩy luôn tìm cách chiếm tiện nghi, vác mặt dày đi ăn chực, các hộ gia đình xung quanh đã biết tỏng con người ông ta, một hai lần còn chấp nhận chứ lần nào cũng vậy ai chịu nổi, cho dù Lão Bánh Quẩy đến cũng không cho ông ta, nếu là người khác thì không làm như vậy, có điều da mặt Lão Bánh Quẩy dày bao nhiêu nào? Chỉ cần có thể ăn không một bữa, cái gì ông ta cũng không quan tâm, người ta tỏ vẻ khó chịu cũng chẳng sao, đặt mông ngồi xuống, hai mắt nhìn chằm chằm cái đĩa trên bàn, trước tiên mở miệng khen: “Ui chao! Trông ngon quá, xem vỏ sủi cảo này này, có phải làm bằng bột mỳ trắng loại một hay không? Gói ra vừa mỏng vừa mềm, không bàn đến vỏ, ăn sủi cảo quan trọng nhất là nhân, ta có thể ngửi thấy mùi thịt dê Tây hồ, còn cho thêm không ít dầu mè, mới vớt khỏi nồi chớ vội ăn ngay, chờ chút cho nguội bớt, vì sao ư? Bỏng miệng đó mà!”


Lời nói này chính là cố ý, làm gì có ai ăn sủi cảo nguội, đặc biệt là sủi cảo thịt dê, một khi để nguội mỡ sẽ kết tủa, mùi vị không còn thơm ngon, biết thì biết vậy, nhưng tuyệt đối đừng đáp trả ông ta, bởi một lời nói ra lập tức bị sập bẫy, hàng xóm chỉ thắc mắc một câu: “Sủi cảo không phải bánh hấp, nguội lạnh thì ăn kiểu gì? Đã ăn phải ăn khi còn nóng...” Lão Bánh Quẩy chẳng nói chẳng rằng, lập tức bốc một cái sủi cảo nhét vào mồm, nóng đến xuýt xoa, nói: “Hừ, ăn sủi cảo cũng phải biết cách, đúng rồi… Nhị tẩu tử, cho ta thêm mấy tép tỏi!” Sủi cảo cũng đã nhai, ai còn không biết xấu hổ bắt ông ta nhè ra? Miệng Lão Bánh Quẩy đúng là đã luyện thành, bất kể nóng-lạnh/cứng-mềm, đều có thể nhét hết vào bên trong, ăn rồi còn húp “soàn soạt” một bát lớn nước lèo, xong xuôi vừa xỉa răng vừa gật gù: “Tay nghề làm sủi cảo của Nhị tẩu tử quá tuyệt, vừa ngon lại đẹp mắt, mụ vợ vụng về nhà ta không biết làm, đáng đời hôm nay ở nhà chịu đói.” Hàng xóm nghĩ bụng, dù sao Lão Bánh Quẩy đã ăn không ít, thêm mấy cái sủi cảo cũng chẳng đáng là bao,  định múc một bát cho ông ta mang về. Lão Bánh Quẩy vội nói: “Ui da, xem ta này, vừa được ăn vừa được uống, lại còn mang về… Mọi người đừng ngại, mau ngồi xuống ăn cơm, để ta tự mình lấy, để ta tự mình lấy…” Nói rồi cầm cái bát to, múc đầy sủi cảo chừng bảy tám chục cái, bê về nhà vợ ăn không hết, ông ta sẽ làm thức ăn khuya. Bạn nghĩ coi, nhà hàng xóm gói được tổng cộng bao nhiêu cái sủi cảo? Ông ta làm vậy, bọn họ đành cắn răng bấm bụng chia nhau chỗ thừa, ai nấy chỉ được lưng lửng dạ, còn lại nhai bánh ngô cho đỡ đói. Lão Bánh Quẩy ăn đến no căng, miệng bóng mỡ cũng không nỡ lau, nằm trên giường thỉnh thoảng liếm mép, ngâm nga hưởng thụ.

Một lần sắp đến giờ cơm, Lão Bánh Quẩy lại ra ngoài đi dạo, nhìn thấy hàng xóm băm nhân làm sủi cảo, lòng khấp khởi mừng thầm, tất tả chạy về nhà, kêu vợ mau pha nước chấm, sủi cảo phải ăn lúc còn nóng, chờ mang về mới bóc tỏi, sủi cảo sẽ nguội mất. Vợ ông ta ở nhà chuẩn bị, ông ta ra ngoài lấy sủi cảo, vốn tưởng có thể ăn một bữa ngon, nào ngờ nhà hàng xóm bị hớ một lần, giờ đã khôn hơn trước, biết chắc ông ta lại sắp mò tới, gói xong sủi cảo nhưng không nấu, đến bữa vẫn ăn bánh ngô dưa muối, bấm bụng chờ ngày mai khi Lão Bánh Quẩy đến Đồn cảnh sát trực ban mới bắc nồi, thà nhịn ăn hôm nay cũng nhất định không chịu thua thiệt. Lão Bánh Quẩy chờ trước cửa nhà hàng xóm đến nửa đêm, đói tới mức da bụng dính lưng, lúc này mới ỉu xìu về nhà, kể lại chuyện xảy ra với vợ, còn luôn miệng oán trách: “Người nhà này không có đạo nghĩa, gói xong sủi cảo mà không chịu nấu, già trẻ cùng nhau gặm bánh ngô, không sợ mắc nghẹn hử?” Vợ ông ta chờ ở nhà đã lâu, bụng đói cồn cào, liền nói Lão Bánh Quẩy đừng ở đó oán giận, mau cầm tiền ra ngoài mua bánh nướng về ăn. Lão Bánh Quẩy vừa nghe phải bỏ tiền, ruột gan đau quặn, nước mắt tuôn trào, vội vàng khuyên vợ: “Bà nó à, tiền không phải từ trên trời rơi xuống, lý nào lại tự mình bỏ tiền mua bánh nướng? Bằng không thế này, hôm nay bà chịu khó ăn mấy củ tỏi, sáng mai tôi đi tuần tra bờ sông, kiếm hai bát bánh tráng Oa Ba Thái * về ăn, thứ đó rất ngon, bánh tráng đậu xanh cắt nhỏ, chan nước sốt, bỏ thêm hành hoa, đậu phụ, rau mùi, có xanh có đỏ, cho chút sa tế, tục ngữ nói thế nào nhỉ? Muốn bớt cơn thèm, ăn cay với mặn. Bên này ăn, bên kia ép chết cha ngươi cũng không đau lòng. Vợ ông ta nghe xong vẫn không chịu bỏ qua, bánh tráng nước sốt tuy ngon, nhưng nước xa khó cứu khát gần, làm thế nào qua được đêm nay? Lão Bánh Quẩy lại nói: “Vậy bà muốn sao đây? Trời cũng đã muộn, ăn no bụng sẽ ấm ách, phải không nào? Hơn nữa, ăn xong nằm lăn ra ngủ, mấy thứ trong bụng không thể tiêu hoá, sáng mai làm gì còn chỗ chứa bánh tráng nước sốt? Bà nghe tôi, trên bàn có ấm trà, tôi đã uống hết ba lượt, đúng là không tồi, bà ăn thêm mấy tép tỏi, hương vị trong miệng càng thêm rõ rệt, nhắm mắt tưởng tượng một hồi, tuyệt đối có thể nếm ra mùi vị sủi cảo!”


Bánh tráng Oa Ba Thái


Lão Bánh Quẩy ngại nhóm lửa, múc nước nguội đổ thẳng vào ấm trà, đậy thật chặt, bảo ngâm một lúc mới uống được, khiến vợ ông ta nổi giận: “Nước lạnh pha trà còn phải đợi sao? Ông định gạt ma hử?” Dứt lời, giận dỗi giật lấy ấm trà, đưa lên miệng tu “ừng ực”. Lão Bánh Quẩy bụng đói cồn cào, thấy vợ đã no nước, cũng uống hết hai ấm trà, còn ăn sạch chỗ tỏi đã lột vỏ, no đến nỗi không thể bước đi, động chút là bụng lại rung rinh.

Hai vợ chồng uống đầy bụng nước, rúc ổ chăn nằm trên giường đất, cơm ăn no thì ấm ách khó tiêu, nước uống nhiều thì cả đêm không ngủ yên giấc, vì sao lại như vậy? Bởi uống nhiều nước nên phải tiểu đêm. Thời xưa, các hộ dân sống trong đại tạp viện không có nhà xí riêng, phải để một thùng đựng nước tiểu trong phòng, nhà ai cũng vậy. Hai vợ chồng Lão Bánh Quẩy uống đầy bụng nước, thay nhau kẻ dậy người nằm, chưa quá nửa đêm thùng nước tiểu đã đầy phè. Lão Bánh Quẩy bất đắc dĩ đứng dậy, xách thùng đi đổ. Bên ngoài trăng sáng sao thưa, ông ta còn đang ngái ngủ, bụng lại đói meo, lười không muốn ra bên ngoài tạp viện, đang nghĩ thuận tay hất sang trước cửa nhà hàng xóm gói sủi cảo nhưng không nấu, khiến nhà kia bốc mùi ô uế, có điều mới đi chưa quá hai bước, chợt thấy trước mắt có ánh sáng, phát hiện một đoàn ma trơi xuyên cửa tiến vào trong sân!


Còn tiếp…

Total Pageviews

This Blog is protected by DMCA.com