Chương 5: LẠP THÁP LÝ TẦM BẢO
4.
Lúc trước, Lạp Tháp Lý chạy nạn đến Thiên Tân Vệ, vác nửa cái bát vỡ đi khắp phố xin cơm, sau này nhặt được đòn gánh, vất vả lấy nước dưới sông, đưa cho từng nhà từng hộ kiếm miếng ăn, gánh nặng lệch vai oằn lưng vẫn phải toét miệng cười, đừng thấy thân thể mạnh khoẻ mà nghĩ hắn không chịu ấm ức, thỉnh thoảng bị đám du côn vô lại bắt nạt, cũng không dám ho he nửa lời. Nói câu không dễ nghe, làm chết làm sống cả đời cũng không tích đủ tiền mua cỗ quan tài, chết chỉ có nước ném xác ra bãi đất hoang cho chó ăn. Thế nhưng vận khí thay đổi, nay cùng Đậu Chiêm Long tầm bảo phát tài, Lạp Tháp Lý là kẻ ruột để ngoài da, trong lòng vui sướng quá độ, xe cũng không đẩy cho ngay ngắn, vừa đi vừa lắc lư, bạn thử nghĩ coi, hắn chỉ là một tên nhà quê gánh nước thuê, quần áo tồi tàn rách nát như ăn mày, lại nghênh ngang giả bộ đại gia, trông chẳng khác gì đang diễn vai hề trên sân khấu, không khỏi thu hút sự chú ý của khách qua đường.
葱烧海参
Thông Thiêu Hải Sâm - Hải Sâm om hành
Đậu Chiêm Long thấy vậy chỉ biết lắc đầu, lão không muốn người khác để mắt, tránh vì việc nhỏ mà phá hỏng việc lớn, đành dẫn Lạp Tháp Lý đi cắt tóc cạo râu, mua cho hắn một bộ quần áo mới, tuy không phải tơ lụa đắt tiền, nhưng ít ra cũng gọn gàng sạch sẽ. Vẫn có câu: “Người xứng xiêm y-ngựa hợp yên, chó đeo lục lạc chạy loạn khắp nơi”, Lạp Tháp Lý vốn là người Sơn Đông, eo thon vai rộng, mấy năm nay gánh nước thuê, thân thể càng thêm cường tráng, cơ bắp cuồn cuộn, bộ dáng trông cũng không đến nỗi nào, quả thực khiến người động lòng. Có điều hắn lại tham tiền, rốt cuộc cũng không thoát khỏi tâm tư của kẻ nghèo hèn, không nỡ vứt bỏ bộ quần áo cũ, gói lại thành một bọc đeo sau lưng, thầm nghĩ sau này còn có cái thay đổi. Xong xuôi, hai người đến Dụ Hưng Lâu gần đó ăn cơm. Đậu Chiêm Long bảo tiểu nhị tìm một bàn trên lầu, trước tiên kêu ấm trà ngon, sau đó gọi mấy món sở trường của đầu bếp trong tiệm: Cá lát hương rượu, dạ dày Cửu chuyển, hải sâm om hành, chân giò thủy tinh *.v.v… toàn những thứ khiến người rỏ dãi, thêm một cân sủi cảo chiên, đây chính là món chiêu bài của Dụ Hưng Lâu, còn cả một bầu rượu hâm nóng, lại bảo Lạp Tháp Lý uống ít thôi, tránh làm lỡ đại sự. Lạp Tháp Lý nhìn một bàn đầy rượu thịt, thực sự cầm lòng không nổi, bỗng dưng rơi nước mắt, tại sao vậy chứ? Trước giờ hắn chưa từng thấy qua món ngon thế này, tự tát lên mặt mình một cái, rất đau, hoá ra không phải nằm mơ, ngày xưa nghĩ cũng không dám nghĩ, thế này chẳng phải phô trương xa xỉ hơn cả tổ tiên sao? Hắn lau nước mắt, nới lỏng đai lưng, bắt đầu đánh chén.
糟溜鱼片
Tao Lưu Ngư Phiến - Cá Lát Hương Rượu
Đậu Chiêm Long không hề đụng đũa, vừa hút thuốc vừa nhìn Lạp Tháp Lý ăn ngấu ăn nghiến. Lạp Tháp Lý không rảnh để ý Đậu Chiêm Long, một đôi đũa không đủ thoả mãn, trực tiếp thò tay bốc thức ăn nhét vào miệng, bộ dáng tham ăn tục uống bày hết cả ra. Chẳng bao lâu sau, phục vụ lại bê lên một đĩa thức ăn, trong suốt xanh biếc, trông thật bắt mắt. Lạp Tháp Lý phô bày bản lĩnh “Ăn một-ngóng hai-mắt nhìn ba”, mồm đầy thức ăn vẫn hau háu ngó nghiêng, trợn mắt nghển cổ nhòm vào đĩa, trong đĩa bày một lõi cải trắng, để nguyên cây, không cắt không thái, lòng nghĩ chẳng có gì thú vị, cải trắng bọn ta ăn không ít, sao ngon bằng một bàn đầy thịt cá? Lại thấy Đậu Chiêm Long đặt tẩu thuốc xuống bàn, không chút do dự cầm lấy đũa, gắp lên một miếng cải trắng, đặt vào cái đĩa trước mặt, bắt đầu chậm rãi thưởng thức. Lạp Tháp Lý cảm thấy khó hiểu, tầm bảo Đậu Chiêm Long thật sự quá cổ quái, bao nhiêu món ngon không đụng đũa, chỉ ăn mỗi đĩa cải trắng tầm thường kia là sao?
水晶肘子
Thuỷ Tinh Trửu Tử - Chân giò Thuỷ Tinh
(Gần giống món Chân Giò Bó hay Thịt Đông ở VN)
Ăn uống xong xuôi, Lạp Tháp Lý dùng tay quẹt miệng, ợ một cái thật to, hỏi: “Đậu gia, nghe nói người tầm bảo các ngài không thể ăn mặn, ngài chỉ dùng mỗi đĩa cải trắng, liệu có đói bụng hay không?”
Sủi cảo chiên
Đậu Chiêm Long thấy trên đĩa vẫn còn cải trắng, liền đẩy đến trước mặt Lạp Tháp Lý, bảo hắn nếm thử “Cải trắng lột”. Lạp Tháp Lý thấy cải trắng rất tươi, trong trắng có xanh, chẳng khác gì phỉ thuý, trông rất đẹp mắt, nhưng đẹp thì sao chứ? Nói ngược nói xuôi chẳng phải cũng chỉ là cải trắng thôi sao? Thế nào so được với giò heo? Hắn gắp một miếng bỏ vào mồm, lập tức trợn tròn mắt, cải trắng vào miệng là tan, mùi vị thơm ngon vô cùng, hơn cả thịt cá, hối hận vừa rồi bản thân vụng về, không gắp nhiều thêm mấy miếng. Hắn đâu biết, “Cải trắng lột” chính là chiêu bài đặc biệt của Dụ Hưng Lâu, một món này có thể so với cả bàn tiệc xa hoa toàn tổ yến-vây cá. Nhìn thì đơn giản, nhưng chế biến lại vô cùng phức tạp, trước tiên dùng gà vịt thịt cá, tôm nõn sò khô ninh một nồi nước hầm, lại rán một chảo mỡ vịt, chọn loại cải trắng Giao Châu thượng hạng, chỉ lấy phần lõi tươi non nhất, còn lại bỏ hết, đặt lên vợt, trụng nước sôi, sau đó vớt ra cho ráo, tiếp theo lăn qua chảo mỡ vịt, còn phải nhanh tay, không thể quá lửa, cuối cùng cho vào om trong nước hầm, cứ thế om rồi lại lăn, lăn rồi lại om, lặp đi lặp lại nhiều lần, đến khi hương vị của nước hầm hoàn toàn ngấm vào lõi cải, mới bày vào một cái đĩa thật trang nhã, bê lên bàn cho khách. “Cải trắng lột” Dụ Hưng Lâu cũng giống như con người Đậu Chiêm Long, nhìn qua chỉ là lão nhà quê cưỡi lừa ngậm tẩu hút thuốc, nhưng thực chất thì chân nhân bất lộ tướng, bản lĩnh có thể lên trời xuống đất, rời non lấp biển. Bất quá Đậu Chiêm Long không muốn giải thích nhiều với Lạp Tháp Lý, nói với loại người đàn gảy tai trâu chỉ làm chậm trễ thời gian, bảo hắn nếm thử một miếng là được, bởi Lạp Tháp Lý nằm mơ cũng không ngờ, cải trắng có thể ăn như vậy, nói nữa hắn cũng không hiểu.
Bạch Thái 白菜 - Cải trắng
Việt Nam mình gọi là Cải Thảo
Lạp Tháp Lý nói: “Đậu gia, tóc ta đã cắt, râu ta đã cạo, quần áo cũng thay đổi, rượu thịt ăn tới no căng, ngài lại dẫn ta đi tầm bảo phát tài, nói thật, cha ta khi còn sống cũng không đối tốt với ta như vậy, xin hãy nhận của ta một lạy.”
Đậu Chiêm Long xua tay: “Cơm ăn áo mặc bình thường, không đáng nhắc tới, chờ lấy được Phân Thủy Kiếm dưới cửa sông Tam Xóa, ngươi tha hồ ăn uống thoải mái đến tám đời.” Dứt lời lại móc ra một thỏi bạc, bảo Lạp Tháp Lý đi một chuyến đến chỗ thợ rèn, mua một cái móc sắt có kích thước theo yêu cầu của lão, giờ đặt làm sợ không kịp, nhớ phải mua cho đúng. Lạp Tháp Lý gật đầu đồng ý, mang theo bạc cùng đòn gánh chạy xuống lầu, hắn cũng không ngốc, Đậu Chiêm Long hành tẩu giang hồ, trên giang hồ người tốt không nhiều, kẻ xấu không ít, ai biết có phải Đậu Chiêm Long cố tình bảo hắn rời đi hay không, vạn nhất nhân cơ hội hắn ra ngoài mua móc sắt, lão cầm đòn gánh chuồn mất, đến lúc đó chưa phát được tài đã hại chén cơm, cái này gọi là “Cùng sinh gian kế, phú trường lương tâm” *.
Chú thích:
“Cùng sinh gian kế, phú trường lương tâm” : ý nói bần cùng/nghèo khó khiến con người nảy sinh ý niệm gian tà. Con người không cần lo lắng về cái ăn cái mặc sẽ sống lương thiện/làm nhiều việc tốt hơn.
Trong sách có nói, Lạp Tháp Lý chạy đi mua một cái móc sắt, mang về Dụ Hưng Lâu giao cho Đậu Chiêm Long. Đậu Chiêm Long cũng không nhàn rỗi, sai tiểu nhị chuẩn bị một bọc lớn gà nướng, vịt hấp tương, chân giò, một gói bánh rán hành to bự, một vò rượu lâu năm. Hai người vẫn là một cưỡi lừa-một đẩy xe, đi thẳng đến Cổ lâu*.
Chú thích:
*Cổ lâu - 鼓楼: Cổ là trống, Lâu là lầu/gác. Cổ lâu nôm na hiểu là Lầu để trống.
Cổ lâu ở Thành Thiên Tân không có trống, mà treo một chiếc chuông đồng, chuông ngân xa, một ngày vang lên 108 lần, 54 vào buổi sáng, 54 vào buổi tối, có nhịp có phách rõ ràng, trong đó “18 nhanh, 18 chậm, 18 không nhanh không chậm”. Cả tòa Thành lâu chia ra làm ba tầng, tầng một là trụ thành hình vuông xây bằng gạch xanh, bốn phía đều có cổng vòm, đối diện với bốn cổng thành của Thành Thiên Tân, bên dưới ngựa xe dân chúng qua lại tấp nập; tầng hai thờ Quan Âm Bồ Tát, Thiên Hậu Thánh Mẫu, Quan Thánh Đế Quân cùng rất nhiều thần linh khác; tầng ba là phần mái, treo một chiếc chuông đồng. Lính canh Cổ lâu gọi là “Lão bì áo” (hay Áo da cũ), vậy cách xưng hô này xuất phát từ đâu? Trước kia trông coi Cổ lâu toàn là lính già, công việc cũng chẳng có gì nặng nhọc, một ngày đánh chuông hai lần, ban đêm gõ mõ báo canh, trợ cấp không được mấy tiền. Theo thông lệ, bọn họ sẽ được quan phủ phát cho một chiếc áo da, cho nên người dân Thiên Tân Vệ mới gọi lính canh Cổ lâu là “Lão bì áo”.
Đậu Chiêm Long dẫn Lạp Tháp Lý tới Cổ lâu, nói lên lầu hai thắp hương tạ thần, bày rượu thịt mời mấy lính tuần đêm ăn uống no say, còn cho mỗi người một thỏi bạc lớn, bảo đây là khen thưởng bọn họ. Bình thường, lính tuần tra chẳng có lợi lộc gì, thấy vừa có rượu thịt lại có bạc, vui sướng như điên, cúi đầu khom lưng, luôn mồm cảm tạ. Đậu Chiêm Long lại nói mình có một tâm nguyện, dây thừng móc sắt treo chuông đã dùng nhiều năm, không chừng ngày nào đó sẽ bị đứt, vì thế lão nhờ người chế tạo một móc sắt chất lượng cực tốt, muốn thay thế cho cái móc cũ kia, đây cũng là một việc công đức, ngàn vạn lần mong được châm chước, để lão được thỏa mãn tâm nguyện. Mấy lính tuần canh uống đến trời đất u ám, còn được tặng rất nhiều bạc, ăn của người phải giúp người làm việc, sao lại không đồng ý, huống hồ đây là chuyện tốt, không cảm thấy có gì bất ổn, mọi người cùng nhau ra tay, thay dây thừng móc câu giúp Đậu Chiêm Long.
Vậy là, Đậu Chiêm Long lại lấy được một bộ dây thừng móc câu. Lạp Tháp Lý chẳng hiểu ra làm sao, vừa tốn rượu thịt lại tốn bạc, chỉ đổi lấy một sợi dây thừng móc câu treo chuông. Phải nói, chiếc chuông đồng trên Cổ lâu rất lớn, trên đúc thụy thú vân long (hoa văn mây rồng cùng với các con thú may mắn), đáo phúc liên hoa (hoa sen đảo ngược mang ý nghĩa may mắn sẽ quay lại), có điều dây thừng móc câu treo chuông lại quá cũ kỹ, mặc dù vừa to vừa chắc, nhưng do trải qua nhiều năm, nay đã mốc sờn, chẳng khác gì dây cỏ bện hai xu một bó, thứ này thì có tác dụng gì?
*Thuỵ thú vân long
Đậu Chiêm Long đi khắp Bắc-Nam tầm bảo, sao lại làm mấy chuyện thua thiệt? Sợi dây thừng móc câu trên Cổ lâu Thành Thiên Tân không phải vật tầm thường, nghe nói ngày xưa trên Cổ lâu có một chiếc trống lớn, có điều tiếng trống không vang xa, tới cổng thành vẫn không nghe được, quan phủ quyết định đổi thành một chiếc chuông đồng. Tà môn ở chỗ, làm thế nào cũng không đúc được chuông, cứ đến giữa chừng lại bị nứt. Lúc đó Huyện thái gia chuẩn bị đại lễ, tới cửa thỉnh giáo một Đỉnh tiên bà tử (tức bà đồng) thờ phụng Hôi Đại Cô, Hôi Đại Cô nói: cách thì có nhưng quá thiếu đạo đức, đó là chọn một đôi đồng nam đồng nữ, ném vào dung dịch đồng nung chảy, chắc chắn sẽ đúc thành chuông đồng. Huyện thái gia nghe xong, trong lòng không khỏi khẩn trương, lại sợ dân chúng đồn đãi, nói kẻ làm quan tham lam hủ bại/vô tài vô đức, chọc giận ông trời, cho nên chuông đồng cũng đúc không xong, nếu chuyện này truyền ra ngoài, chức quan của lão còn làm được nữa hay không? Vì thế ra lệnh cho thủ hạ đến Niêm Ngư Oa mua hai đứa trẻ, ném vào trong lò nung đồng, chớp mắt đã biến mất, cảnh tượng vô cùng bi thảm, thực không nỡ nhìn. Tạm gác lại chuyện này, chỉ biết đúng như lời Hôi Đại Cô nói, sau khi áp dụng tà pháp, chuông đồng liền đúc thành. Cha mẹ hai đứa trẻ nghe được tiếng chuông, giống như từng lưỡi dao cứa vào trong tim, hôm sau liền thắt cổ chết tại cổng vòm ở Cổ lâu. Từ đây Cổ lâu bị ma quỷ quấy phá, mỗi lần chuông vang lên, người dân gần xa đều nghe được âm “hài” quanh quẩn trong không khí (hài ở đây là giày), bởi thời điểm ném hai đứa trẻ vào lò nung, bé gái bị rơi một chiếc giày, cho nên âm hồn bất tán, muốn đi tìm chiếc giày của mình. Huyện thái gia biết có tin đồn, đứng ngồi không yên, tự đến bên dưới Cổ lâu nghe ngóng, tuy nhiên thứ lão nghe được không phải chữ “hài”, mà là chữ “sát” ai oán thê lương, lập tức bị doạ cho kinh hãi không thôi, hơi thở đứt đoạn, về chầu Diêm Vương. Vị quan kế nhiệm được cao nhân chỉ điểm, thay dây xích treo chuông bằng dây thừng, nơi này mới yên bình trở laim. Sợi dây thừng này không phải vật thường, mà là một con Thảo Long, vi phạm luật trời, bị đày xuống hạ giới làm vật treo chuông, cho nên mới trấn được âm hồn. Phân Thủy Kiếm là bảo vật trấn sông, kiếm khí vô cùng sắc bén, thân thể phàm nhân không thể lại gần, phải dùng dây thừng móc câu mới lấy được.
Nay đã gom đủ “Đòn gánh, dây thừng móc câu, dưa hấu, cờ lệnh”, Đậu Chiêm Long vẫn không vội tới cửa sông Tam Xóa lấy bảo vật, theo lời lão, Phân Thủy Kiếm có long binh dưới Thuỷ phủ canh gác, cần phải chuẩn bị âm binh quỷ tướng trợ trận, mới đảm bảo mọi việc đều thuận lợi.
Lạp Tháp Lý nghe Đậu Chiêm Long nói xong, không thể tưởng tượng nổi, mấy thứ “Đòn gánh, dây thừng móc câu, dưa hấu, cờ lệnh” đều là vật trên dương gian, sao có thể dâng cho âm binh quỷ tướng?
Còn tiếp…