TRUYỆN ĐƯỢC DỊCH HOÀN TOÀN MIỄN PHÍ, NHẰM THỎA MÃN NHU CÂU ĐỌC TRUYỆN CÁ NHÂN.


XIN VUI LÒNG KHÔNG MANG BẢN DỊCH ĐI NƠI KHÁC HAY SỬ DỤNG CHO MỤC ĐÍCH THƯƠNG MẠI KHI CHƯA CÓ SỰ ĐỒNG Ý CỦA CHỦ TRANG.



CÁM ƠN!!!

HT 2.5

 Chương 5: LẠP THÁP LÝ TẦM BẢO


2.

Vẫn có câu “Tai vách mạch dừng”, hai vị kia nói một chặp bên bờ sông, không ngờ có người nghe trộm, chính là Lạp Tháp Lý trong túp lều tranh rách nát gần đó.

Một trong hai “người” lên tiếng: “Bát gia, đợi khi Quang Hoa Thiên Vương ngang qua đây, sao chúng ta không nhân cơ hội quỳ xuống xin ban thưởng?”

Bát gia lắc đầu: “Hắc gia, thân thể chúng ta vừa có vảy lại có vỏ, há có thể lọt mắt Thiên Vương nơi thượng giới?”

Hắc gia nói: “Chúng ta nói nhiều lời hay, thành khẩn cầu xin, tất nhiên tôn thần sẽ khai ân.”

Bát gia thở dài: “Không có thứ gì hiếu kính, chỉ nói mấy lời hay ho là được sao?”

Hắc gia cười nói: “Quang Hoa Thiên Vương là Mã Vương Gia, Mã Vương Gia có ba con mắt, trước giờ ngài vẫn luôn tự hào về điều này, chỉ cần chúng ta nịnh đúng chỗ, khẳng định ngài sẽ ban thưởng. Chỉ là… Quang Hoa Thiên Vương đến nhanh mà đi cũng nhanh, cái này phải xem tạo hoá của hai ta...”

Bát gia nói: “Chân cẳng ta tuy chậm chạp, nhưng đầu óc vẫn dùng được, để ta nói ngươi nghe: có vị lạt ma đến từ phía Nam, tay xách năm cân Tháp Mục, có người câm đến từ phía Bắc, eo buộc lủng lẳng một cái kèn…”

Lạp Tháp Lý nghe xong liền biết, hai vị nửa đêm nói chuyện bên bờ sông kia không phải là người, một có vẩy - một có vỏ, một tên Hắc gia - một tên Bát gia, chẳng lẽ là cá chuối và con rùa thành tinh? Nghĩ đến đây, Lạp Tháp Lý giật mình cả kinh, túp lều của hắn lụp sụp rách nát, cúi đầu khom lưng mới chui vào được, kiếm cánh cửa người ta vứt đi, lót rơm rạ làm giường, chỉ là nơi trú thân tạm bợ, lúc này hắn đột nhiên bật dậy, đầu liền đâm thủng nóc lều một lỗ lớn, ngó ra bên ngoài, chỉ thấy trăng sáng sao thưa, nước chảy rì rầm, chẳng còn động tĩnh nào khác. Có lẽ hai thứ kia đã bị hắn dọa chạy mất, cũng có thể do hắn quá đói, đầu óc mơ hồ, không phân biệt được là thật hay ảo. Lạp Tháp Lý nghèo rớt mồng tơi, vốn chỉ sợ đói/sợ nghèo không sợ chết, đánh liều đi qua bên đó xem xét, bờ sông chẳng có gì hết. Hắn thầm kêu may mắn, nghĩ bụng: “Cây táo có quả hay không, đập ba gậy rồi mới biết *, vạn nhất là sự thật, ta dập đầu lạy Quang Hoa Thiên Vương mấy cái, không cầu đại phú đại quý, chỉ xin ngài chỉ cho con đường sống, để ta không phải đi ăn xin là được.”


Chú thích:

*Hữu táo một táo tiên lai thượng tam can tử - Cây táo có quả hay không, đập ba gậy rồi mới biết: câu thành ngữ của người Bắc Kinh xưa, ý nói có một số việc bất kể mình có tin hay không, nhất định phải thử một lần, như vậy mới có cơ hội thành công.


Lạp Tháp Lý chờ mãi bên bờ sông, cho đến khi trời sáng mới thấy một vị. Cách ăn mặc trông như lão nông, đẩy một xe rau, vội đi vào thành bán hàng. Lạp Tháp Lý một mực cho rằng, đây chính là Quang Hoa Thiên Vương giáng thế, lập tức xông lên phía trước, quỳ rạp xuống đất, dập đầu bái lạy lia lịa.

Người bán rau vô cùng sửng sốt, không biết đây là ăn xin hay lừa tiền, đến khi hiểu được sự tình, chỉ cảm thấy dở khóc dở cười, nói Lạp Tháp Lý đã nhận lầm người: “Ta chỉ là một lão nhà quê bán rau củ, đâu phải Quang Hoa Thiên Vương?” Lạp Tháp Lý nhất định không buông tha, ôm chân người ta không cho đi, dập đầu giống như giã gạo, xổ ra một tràng lời hay ý đẹp, tổ tông gia gia cũng kêu loạn, nói mình họ Lý từ Sơn Đông chạy nạn đến đây, chỉ thạo bơi lội, không biết gì hết, đám lưu manh địa phương không cho xuống sông bắt cá, bất đắc dĩ phải xin cơm sống qua ngày, ăn bữa nay lo bữa mai, không chừng ngày nào đó sẽ chết đói ven đường, kính mong tôn thần ban cho bát cơm, chỉ điểm con đường sống, không cầu phát tài lớn, chỉ cần có một nghề kiếm cơm, không đói chết là được. Bán rau chính là phải bắt kịp thời gian, trời chưa sáng đã đốt đèn lồng, mang ra chợ bán, khi ấy chợ rau lớn nhất Thành Thiên Tân nằm ở khu vực cầu nổi phía Đông, cách thành không xa, giao thông cả đường sông lẫn đường bộ đều tiện lợi, người Thiên Tân thích ăn “Tiên ngư thuỷ thái” (ý nói đồ tươi), rau củ vừa thu hoạch dưới ruộng, bề mặt còn đọng sương sớm mới dễ bán, Lạp Tháp Lý ở đây năn nỉ ỉ ôi làm chậm trễ thời gian, rau củ sẽ héo hết, bán ra mất giá, ông lão nóng lòng vào thành, muốn nhanh chóng thoát thân, chẳng còn cách nào, đành tùy tiện nhặt một vật bên bờ sông đưa cho Lạp Tháp Lý, cuối cùng cũng đuổi được hắn. Lạp Tháp Lý dập đầu tạ ơn, vội vàng chạy về lều cỏ, châm nến lên cẩn thận xem xét vật trong tay. Vừa nhìn liền trợn tròn mắt, không phải vàng cũng chẳng phải bạc, đồng/sắt cũng không, chỉ là một thanh gỗ bỏ đi. Hắn lôi ra một miếng vải rách, cẩn thận lau đến bảy tám lần, vẫn là một thanh gỗ tầm thường, không phải tử đàn cũng chẳng phải hoa lê, nói chung là vật không đáng giá, thông cống thì quá ngắn, chặn cửa lại quá dài, ném ra đường không ai thèm nhặt, rốt cuộc có ích lợi gì đây? Lạp Tháp Lý lật qua lật lại, cho đến khi trời sáng vẫn không nhìn ra manh mối gì, gấp đến độ nghiến răng trợn mắt, vô tình ngẩng đầu lên, thấy con sông lớn ngay trước mặt, lại nhìn thanh gỗ trong tay mình, chợt giống như tỉnh ngộ: “Đúng rồi, ta có thể gánh nước, dốc sức kiếm miếng cơm ăn, Quang Hoa Thiên Vương chỉ điểm cho ta nghề này, không chừng ngày nào đó sẽ vớt được vật báu dưới sông!” Nghĩ vậy, hắn đục lỗ hai đầu thanh gỗ, biến nó thành đòn gánh, lại tìm hai cái thùng cũ, gánh nước sông đưa đến từng nhà từng hộ.

Thời xưa, nghề gánh nước đúng là cực nhọc vất vả, không phải ai muốn cũng làm được, bởi nước lấy lên từ dưới sông, không phải cứ thế trực tiếp đưa đến từng nhà, nước sẽ được đổ vào trong thùng xe, xe chở nước có lớn có bé, thường là loại một bánh, không thì hai bánh, bên trên đều có thùng nước, đẩy đến đầu hẻm, lại múc vào thùng, sau đó gánh cho từng hộ gia đình, ai đưa nước ngõ hẻm nào đều được phân chia rõ ràng, không thể đoạt bát cơm của nhau. Lạp Tháp Lý ôm đòn gánh đi khắp nơi cầu xin, nói đủ lời hay ho với người trong hội, mới được phép làm nghề này kiếm ăn.

Nói cho cùng, Thiên Tân Vệ là nơi phong thuỷ bảo địa, kẻ ngồi kiệu ít, người khiêng kiệu nhiều, dân nghèo vì miếng ăn, quanh năm thức khuya dậy sớm, đầu tắt mặt tối. Ai cũng nghĩ ra cửa là vấp phải cục vàng, nhưng người có thể phất lên chỉ sau một đêm lại có mấy ai? Lạp Tháp Lý vất vả kiếm tiền, tiêu gì cũng tính toán chi ly, chỉ có ngày mùng 2 Tết mới dễ thở hơn một chút, bởi theo phong tục ở Thiên Tân Vệ, đây sẽ là ngày “Đón Thần Tài”, ngoại trừ gánh nước, còn đưa thêm một bó củi, gọi là củi, thực ra chính là thân cây đay hoặc gốc cây cao lương, bên trên còn dán một tấm giấy đỏ, viết năm chữ lớn “Chân chính đại kim điều”, “Sài” đồng âm với “Tài”, có ý may mắn phát tài, trước khi vào cửa phải hô một tiếng “Mang cho ngài tài thủy”, tiếp theo lại hát mấy câu hỷ ca, gia chủ cao hứng liền thưởng cho dăm ba xu, nếu gặp nhà phú hộ, không chừng còn thưởng một hai đồng đại dương, dân nghèo gánh nước như bọn họ đều trông chờ vào ngày này để phát tài.

Lạp Tháp Lý lặn lội đến Thiên Tân Vệ kiếm ăn, đưa nước sôi cũng như gánh nước, bao năm qua chưa từng coi chiếc đòn gánh này là vật quý, tuỳ tay dựng ngay trước cửa lều, mặc cho mưa nắng dãi dầm, hắn đâu biết cây gỗ bỏ đi này thực ra có lai lịch không nhỏ. Vùng đất cuối Cửu Hà thuyền bè qua lại tấp nập, năm đó trên sông một cây cột lớn, trên đỉnh treo Cửu Long Kỳ, là lá cờ trấn hà do triều đình ngự tứ, sau này cột cờ bị gãy do chiến loạn, một phần rơi xuống sông, lại bị dòng nước đánh dạt vào bờ, trời xui đất khiến trở thành đòn gánh của Lạp Tháp Lý.

Lạp Tháp Lý lớn lên ở nông thôn, ít có cơ hội trải việc đời, đâu biết đây là cột cờ, càng không rõ thứ này dùng để làm gì, chỉ có thể biến nó thành đòn gánh, thế nhưng có một người đã nhận ra, là ai đây? Chính là một trong Tứ Đại Kỳ Nhân - Thiên Tân Vệ, biệt tài tầm bảo Đậu Chiêm Long!

Lại nói sáng hôm đó, Lạp Tháp Lý đang đưa nước cho các hộ gia đình, Đậu Chiêm Long cưỡi lừa đi lướt qua bên cạnh. Lạp Tháp Lý không biết Đậu Chiêm Long, chỉ thấy người này bơ phờ mệt mỏi, tướng mạo quỷ dị, không khỏi liếc mắt nhìn thêm một cái. Sở dĩ Lạp Tháp Lý cảm thấy kỳ lạ, là vì Đậu Chiêm Long không giống với người thường, trông bộ dáng chừng hơn bốn mươi tuổi, mũi khoằm như ưng, miệng rộng như ếch, mắt cú tinh tường, con ngươi tỏa sáng, từ trong ra ngoài lộ vẻ khôn khéo lõi đời. Tuy khoác trên người áo vải quần thô, nhưng ngón tay cái lại đeo nhẫn bạch ngọc, nút áo bằng ngà voi, hông lủng lẳng một đồng tiền cổ toả ánh vàng rực rỡ, vừa trông đã biết là kẻ có tiền. Tay cầm tẩu thuốc không dài không ngắn, thân bằng gỗ mun, nồi tẩu bằng đồng trắng, miệng tẩu là phỉ thúy. Chưa nói tới những thứ khác, chỉ riêng khối phỉ thúy này thôi cũng có giá trị không nhỏ, xanh biếc trong suốt, không pha lẫn nửa điểm tạp sắc, khi đưa lên miệng hút sẽ phản chiếu ánh xanh trên trán, bán rẻ cũng mua được hai tòa nhà. Con lừa đen lão cưỡi cũng không phải vật phàm tục, bộ lông đen bóng mượt như sa tanh, mũi hồng mắt hồng, bốn móng màu trắng, tuyệt đối không phải loại hay dùng để kéo hàng.

Đậu Chiêm Long đi đến bên cạnh Lạp Tháp Lý, từ trên thân lừa nghiêng người, nói nhỏ một câu: “Ta là người đi đường, trời nóng hanh khô, vô cùng khát nước, muốn xin ngươi nước uống.”

Lạp Tháp Lý không có chén, vì thế đặt hai thùng nước xuống đất, bảo Đậu Chiêm Long tự mình dùng tay uống. Đậu Chiêm Long uống xong vẫn không đi, quệt miệng nói với Lạp Tháp Lý: “Thực không dám giấu diếm, ta đang muốn tìm một cây đòn gánh, trông cái này của ngươi rất thích hợp, không bằng ta cho ngươi tiền, ngươi nhường nó lại cho ta.”

Lạp Tháp Lý liên tục lắc đầu, đòn gánh tuy không đáng giá, nhưng lại là công cụ kiếm ăn của hắn, kích thước trọng lượng phù hợp, sử dụng vô cùng thuận tay, nếu vì mấy đồng tiền mà bán cho người ta, làm cái khác chưa chắc đã dùng được, thế chẳng phải sẽ chậm trễ công việc sao? Hơn nữa ngươi là kẻ có tiền, mua đòn gánh chỗ nào chẳng được, sao cứ đòi cái này của ta? Cố tình kiếm chuyện phải không?

Đậu Chiêm Long khăng khăng muốn mua, vừa nói vừa lôi từ trong người ra một khối bạc vụn, “bạc vụn” này cũng không phải ngẫu nhiên đập vụn nén bạc ra thành mảnh nhỏ, mà phải mang đến cửa hàng bạc để cắt, ở đó có dụng cụ chuyên dụng, cắt thế nào cũng phải tuân theo quy củ, cắt xong trừ đi hao tổn, cân lại bằng cân tiểu ly, mới biết giá trị bao nhiêu. Đậu Chiêm Long lôi ra một khối bạc, xem chừng hơn hai lượng. Lạp Tháp Lý trợn tròn mắt, hắn cho rằng người tới mua đòn gánh, cùng lắm trả bảy tám xu, không ngờ lại lôi ra hai lượng bạc, đòn gánh đáng giá nhiều tiền vậy ư? Nghe người này nói chuyện rõ ràng rành mạch, chắc không phải kẻ ngốc, vì sao ra nhiều tiền mua một cây đòn gánh cũ nát?

Đậu Chiêm Long thấy Lạp Tháp Lý trợn mắt không nói lời nào, cho rằng hắn chê ít, lại lôi từ trong người ra một khối bạc còn lớn hơn vừa rồi, tính ra không dưới bảy tám lượng. Lạp Tháp Lý người nghèo chí đoản, nhưng cũng không ngốc, ai sẽ đổi nhiều bạc lấy một cây đòn gánh như vậy? Hắn thầm nghĩ: “Vị cưỡi lừa này lai lịch không rõ ràng, hành tung bí ẩn, không biết sao lại nhìn trúng cây đòn gánh của ta, chẳng lẽ là kẻ biết nhìn bảo vật, nhận ra vật này do Quang Hoa Thiên Vương ban thưởng?”

Còn tiếp…

Total Pageviews

This Blog is protected by DMCA.com