Chương 5: LẠP THÁP LÝ TẦM BẢO
1.
Sao sáng quây quần quanh Bắc Đẩu,
Thế gian dòng nước chảy về Đông;
Xưa nay nghèo đói ai chủ định,
Thành bại trên đời cũng như không.
Phần trước có nói, Lưu Hoành Thuận đi hỏi Lý Lão Đạo, vì sao liên tiếp thu liệm thi thể “Toản Thiên Báo, Ngũ Đấu Thánh Cô, Hồ Ly Đồng Tử cùng Tên mặt trắng”? Mấy kẻ này chẳng ai tốt lành, dùng yêu thuật tà pháp hại người vô số, lại liên quan đến Ma Cổ Đạo, rốt cuộc ngươi có mưu đồ gì?
Lý Lão Đạo tỏ vẻ bí hiểm, ý nói Lưu Hoành Thuận nên sớm tới hỏi mình. Vụ án liên tiếp xảy ra tại Thành Thiên Tân, lão đã suy đoán là việc làm của Ma Cổ Đạo, trăm năm qua quan phủ liên tiếp tiêu diệt Ma Cổ Đạo, có điều tro tàn lại cháy, đến nay vẫn có dư đảng tác loạn. Bàng môn tả đạo độc hại vạn dân, bại hoại xã tắc, ai cũng có quyền giết, Lý Lão Đạo là chân truyền của Ngũ Lôi Chính Pháp-Long Hổ Sơn, có bổn phận đối phó Ma Cổ Đạo, tuy nhiên bọn chúng ẩn mình quá sâu, trà trộn trong đủ mọi ngành nghề, phường hội bang phái, số lượng nhiều không đếm xuể, thực khó lòng phòng bị, cũng không dễ phân biệt, chỉ có thể âm thầm theo dõi/điều tra. Lão liên tiếp thu liệm thi thể Toản Thiên Báo, Ngũ Đấu Thánh cô, Hồ Ly Đồng Tử, Tên mặt trắng về Bạch Cốt Tháp, chỉ vì kẻ gia nhập Ma Cổ Đạo phần lớn biết tà pháp, cho nên Lý Lão Đạo chôn xương dưới chân tháp, tránh hình thành mầm họa về sau.
Lưu Hoành Thuận không cho là đúng, người chết như đèn tắt, đèn tắt có thể thắp lại, nhưng người chết đâu thể tái sinh, mặc trang phục cảnh sát còn sợ ma quỷ sao? Lại hỏi Lý Lão Đạo: liệu trong thành Thiên Tân còn tàn dư của Ma Cổ Đạo hay không?
Lý Lão Đạo nói: Ma Cổ Đạo mưu đồ mượn long khí tại cửa sông Tam Xóa làm loạn, sao có thể dễ dàng dừng tay? Hình thế nơi này ứng với chín con rồng hợp lại thành một, còn Giao Long thật ra là một thanh kiếm cổ chìm dưới đáy sông, có tên “Phân Thủy Kiếm”, là bảo vật trấn yểm, một khi bị người lấy đi hoặc dựa thế hóa rồng, Thành Thiên Tân sẽ bị nhấn chìm trong lũ lụt!
Tuy Lưu Hoành Thuận không tin mấy chuyện quỷ thần, nhưng người dân vùng đất cuối Cửu Hà cơ hồ đều nghe nói về “Phân Thủy Kiếm”. Thấy bảo, nước tại cửa sông Tam Xóa sâu không thấy đáy, bên dưới nối thẳng với Hải nhãn, mạch nước ngầm rất nhiều, thường xuyên có người chết đuối. Rất nhiều bô lão cao tuổi kể rằng, sở dĩ Thiên Tân Vệ phồn vinh, nuôi sống cư dân đủ loại nghề nghiệp như vậy, hoàn toàn nhờ vào Phân Thủy Kiếm chìm dưới đáy sông, khiến cửa sông Tam Xóa biến thành một khối bảo địa, bất quá trước giờ chưa ai trông thấy thanh kiếm này, ngoại trừ một người duy nhất, chính là một trong Thất Tuyệt Bát Quái - Lạp Tháp Lý quanh năm kiếm ăn bên bờ sông.
Chuyện Lạp Tháp Lý bắt được báu vật tại cửa sông Tam Xóa, ở địa phương ai ai cũng biết, Lưu Hoành Thuận cũng từng nghe nói qua, tuy nhiên đây đơn giản chỉ là tin đồn thất thiệt, ai sẽ tin là thật?
Kể đến đây, tôi xin dừng lại một chút để nói cho rõ: Lạp Tháp Lý nguyên quán Sơn Đông, do quê nhà vướng nạn binh hoả, một đường chạy nạn đến Thiên Tân Vệ. Hai mươi năm như một ngày, trời chưa sáng đã vác đòn gánh ra sông gánh nước, đưa đến từng nhà từng hộ, miễn cưỡng kiếm miếng cơm ăn. Nghề gánh nước vất vả cực nhọc, nếu không nghèo đến không lối thoát, chẳng ai nguyện ý làm, nắng mưa sương gió đều ra cửa, gánh nước từ ngoài thành vào trong thành, mệt đến gãy chân còng lưng không kiếm nổi mấy đồng, chỉ đủ lay lắt sống qua ngày, không bị chết đói mà thôi.
Thành ngữ có câu “Thà nhìn nhà cháy, cũng không nhảy xuống mương nước thối”, vừa lúc có thể hình dung con người Lạp Tháp Lý, tại sao lại nói vậy? Lạp Tháp Lý nghèo rớt mồng tơi, dựng tạm túp lều cỏ bên bờ sông ngoài Bắc môn, miễn cưỡng chắn gió che mưa, lều rách nát đến nỗi chẳng ma nào thèm, cũng không sợ hoả hoạn, bởi cỏ tranh lẫn công sức đều không mất tiền, cùng lắm thì làm một cái khác. Rơi xuống mương nước thối thì lại khác, bởi hắn chỉ có độc một bộ quần áo này. Áo có hai lớp, mùa đông khắc nghiệt có thể nhồi rơm bên trong giữ ấm, mùa hè nóng bức lại moi ra, ban ngày làm trang phục, ban đêm làm chăn, chết làm đồ liệm, bề mặt chi chít miếng vá, chồng chất lên nhau, gặp khi trời mưa coi như giặt một lần, còn phải mặc khư khư trên người, không dám phơi trên cành cây, chỉ sợ có cơn gió thổi qua liền bay mất, đến lúc đó muốn khóc cũng không ra nước mắt. Không phải hắn không sợ bẩn, mà thật sự không có đồ để thay. Hắn cả ngày đầu tắt mặt tối, quần áo rách rưới, vì vậy mới có biệt hiệu là “Lạp Tháp Lý” hay Lý Lôi Thôi.
Lạp Tháp Lý có thể được xưng Nhất Tuyệt tại vùng đất cuối Cửu Hà, hoàn toàn vì hắn bơi cực giỏi, không biết là thủy quái nơi nào đầu thai, xuống sông liền giống như một con cá chạch, có thể ngủ trên mặt nước, đi dưới đáy sông. Thời điểm Lạp Tháp Lý đến Thiên Tân Vệ vẫn còn là nước Đại Thanh, những tưởng bằng tài nghệ bơi lội, sẽ có thể xuống sông bắt mấy con cá, kiếm tiền nuôi thân. Nào biết ở Thiên Tân Vệ, bất cứ ngành nghề gì cũng có Oa Hoả bảo kê, bờ sông có đám lưu manh chuyên quản việc đánh bắt, cho dù là cá tôm hay cua ốc, hễ cứ vớt được từ dưới sông lên, đều phải nộp cho bọn chúng, dám cả gan nói chữ “không”, sẽ bị chúng đánh cho bầm dập, giá cả cũng phải do “Trại chủ” hay “Quân sư” trong Oa Hoả quyết định rồi mới được đưa ra ngoài thị trường, chuyển đến các sạp hàng lớn bé trong thành. Oa Hoả khác nhau cai quản địa phương khác nhau, phân chia ranh giới rõ ràng, quy củ nghiêm ngặt, há có thể để người ngoài chen chân vào? Lạp Tháp Lý một không hiểu quy củ, hai không có quan hệ, chịu không ít thiệt thòi mới nhận ra chén cơm này không hề dễ ăn, uổng cho một thân bản lĩnh, lại không có đất dụng võ. Hắn vì mạng sống, đành lang thang khắp nơi, ban ngày vào thành làm ăn mày, trời tối quay lại bờ sông, qua đêm trong túp lều rách nát.
Một đêm, Lạp Tháp Lý đang cắn răng chịu đói trong lều, loáng thoáng nghe được phía bờ sông có hai người nói chuyện, hắn cảm thấy rất kỳ quái, đêm hôm khuya khoắt, ai sẽ đến đây? Chẳng lẽ là kẻ cắp chia của? Lạp Tháp Lý không dám hé răng, vểnh tai nghe ngóng, hoá ra hai vị đang nói chuyện… không phải con người!
Còn tiếp…