TRUYỆN ĐƯỢC DỊCH HOÀN TOÀN MIỄN PHÍ, NHẰM THỎA MÃN NHU CÂU ĐỌC TRUYỆN CÁ NHÂN.


XIN VUI LÒNG KHÔNG MANG BẢN DỊCH ĐI NƠI KHÁC HAY SỬ DỤNG CHO MỤC ĐÍCH THƯƠNG MẠI KHI CHƯA CÓ SỰ ĐỒNG Ý CỦA CHỦ TRANG.



CÁM ƠN!!!

HT 2.4

 Chương 4: ĐỖ ĐẠI BƯU BẮT YÊU


2.

Năm đó, khu chợ phía Nam Thiên Tân Vệ là náo nhiệt nhất, có thể so với khu Thiên Kiều - Bắc Kinh, không chỉ có mãi nghệ ngoài phố chợ, nhà tắm, quán thuốc phiện, sân khấu tạp kỹ… mà khắp nơi đều là thanh lâu kỹ viện, kể chuyện xem kịch, ăn nhậu đàng điếm… muốn cái gì có cái đó, chơi cả đời cũng không hết. Trước kia, thành Thiên Tân chỉ có khu chợ phía Bắc và khu chợ phía Tây, khu phía Nam vẫn là một vùng nước tù đọng, cỏ lau mọc đầy, khắp nơi đều là đầm lầy hôi thối, xưa nay không có người ở. Tất cả rác thải trong thành đều được đổ về đây, lâu ngày san bằng đất trũng. Dựa vào địa thế tốt, lại gần nội thành, các tiểu thương lần lượt kéo đến bày hàng dựng quán, lâu ngày hình thành khu chợ phía Nam. Trong biến cố Canh Tý năm 1900, liên quân tám nước đánh vào thành Thiên Tân, đốt giết cướp phá, khu chợ phía Bắc và phía Tây đã bị hủy bởi chiến hỏa, cho nên người đến khu chợ phía Nam ngày càng đông. Khu vực này không ai quản lý, rồng rắn lẫn lộn, đám du côn/lưu manh tụ tập đánh bạc chơi gái, lũng đoạn thị trường, dụ dỗ lừa gạt, bức hại dân lành, giết người không kiêng kỵ… tạo nên môi trường vô cùng phức tạp.


Mỳ sợi kéo tay


Cao Liên Khởi ra khỏi nhà, tinh thần phấn chấn, bộ dáng chỉn chu, giữ nguyên phong thái, đầu đội mũ Mã Tụ Nguyên*, chân xỏ giày Nội Liên Thăng*, thân mặc trang phục Bát Đại Tường*, eo dắt lủng lẳng đồng hồ quả quýt, ngẩng đầu cất bước, đi tới khu chợ phía Nam, thẳng đến tiệm mỳ Đồng Hợp Xuân, ổn định chỗ ngồi, chẳng ăn gì khác, chỉ gọi một bát mỳ Đầu Thang Miến (hay Mỳ Nước Đầu). Vậy cái gì gọi là Đầu Thang Miến? Tiệm ăn vừa mở cửa, dùng nước lèo nấu bát mì sợi đầu tiên, khi nấu cần chú ý, bột làm mỳ phải được chuẩn bị từ đêm hôm trước, người phụ việc cứ mười lăm phút lại nhào một lần, thường chia làm hai ca, mỗi ca một tiếng, sáng hôm sau trước khi cán bột, nhào kỹ lại một lần nữa, nhìn thì đơn giản, nhưng không có tay nghề ba bốn năm không thể làm được, nhất định phải biết dùng sức đúng cách, lúc cương lúc nhu, tốc độ đều đặn, như vậy sợi mỳ nấu ra không bị đục, vừa dai lại vừa giòn. Chưa hết, bát mỳ ngon hay không còn phụ thuộc vào nồi nước lèo, bát mỳ đầu tiên dùng nước lèo để nấu, hương vị đậm đà nhất, tiếp theo là nấu kỹ sợi mỳ, sao cho thấm đẫm mùi vị thơm ngọt từ nước lèo. Sau khi vớt ra cho thêm rau thịt, bỏ chút dầu mè cùng hành thái nhỏ, nước lèo nóng hổi chan đều lên bề mặt, hương thơm nức mũi, mỗi ngày chỉ có duy nhất một bát như vậy, qua bát thứ hai không còn mùi vị này. Không phải ai đến sớm cũng ăn được Đầu Thang Miến, người dân bình thường chỉ sợ xếp hàng từ tờ mờ sáng cũng không đến lượt, phục vụ sẽ bảo mỳ làm chưa xong, ngài đợi một chút, hay là ăn tạm món khác, dù sao cũng có rất nhiều cớ để thoái thác, nhất định chờ đến khi có khách lắm tiền vào ăn, đầu bếp mới bằng lòng nấu bát Đầu Thang Miến, tiếp theo tùy ý bán, người nào muốn ăn cũng có. 


Chú thích:

*Bát Đại Tường: 8 cửa hàng kinh doanh tơ lụa nổi tiếng nhất thời bấy giờ.


Thương hiệu mũ Mã Tụ Nguyên lâu đời


Cao Liên Khởi thích nhất là món này, ba ngày không ăn trong lòng bứt rứt. Trong mắt các tiểu nhị đều chỉ có tiền, vừa thấy Cao Nhị Gia tới, vội vàng mời vào bên trong, há miệng hét lớn “Mỳ cho Cao Nhị Gia, như cũ…”, nhà bếp nghe thế đồng loạt bận rộn, tích cực hầu hạ không chút chậm trễ, bằng không sao lấy được tiền thưởng của người ta. Cao Nhị Gia ăn xong bát mỳ Đầu Thang Miến nóng hôi hổi, vô cùng ưng bụng, tiền thưởng gấp bội, theo thói quen cũ, tiếp theo hắn sẽ ghé quán thuốc phiện, mười ngày ở nhà khiến Cao Nhị Gia đứng ngồi không yên, khó khăn lắm mới ra ngoài một chuyến, thực đúng là cơ hội tốt để thoả mãn cơn nghiện. Thời ấy, hút thuốc phiện phần lớn đều là kẻ có tiền, trong nhà luôn có sẵn tẩu thuốc, cao thuốc phiện cũng tích trữ không ít, vì sao vẫn nguyện ý đến quán hút thuốc? Bởi hút nha phiến không chỉ chú ý mỗi cao thuốc phiện, tẩu thuốc cũng rất quan trọng, phải dùng loại đã được sử dụng lâu ngày, mới cảm nhận được hương vị tuyệt diệu. Khách ra vào quán thuốc rất nhiều, kẻ này vừa ra người kia lại tới, tẩu thuốc không ngừng được châm lửa, toàn thân ám khói, tẩu ở nhà làm sao so sánh được, hơn nữa đa số khách hút thuốc đều quen biết nhau, trong phòng khói bay mờ mịt, vừa lim dim hút thuốc vừa tán gẫu, ở nhà một mình lạnh lẽo, chẳng có gì thú vị. 


Thương hiệu giày Nội Liên Thăng ra đời từ năm 1853 tại Bắc Kinh, chuyên chế tác triều ủng cho hoàng thân quốc thích/văn võ bá quan thời nhà Thanh. 



Cao Liên Khởi nằm ngả trên giường, phì phèo hút thuốc, phun mây nhả khói cho đã cơn thèm, qua vài lượt liền thấy tinh thần sảng khoái, hưng phấn hơn nhiều so với lúc bước ra khỏi cửa, xong việc thấy trời vẫn còn sớm, chưa đến giờ cơm trưa, cổ họng lại khô rát, liền tản bộ đến một quán trà, trực tiếp lên phòng khách quý trên lầu hai. Tiểu nhị vô cùng nhanh nhẹn, lập tức phủi ghế lau bàn, mang khăn nóng tới, cung kính hỏi: “Cao Nhị Gia, mấy hôm nay không thấy ngài ghé qua, vẫn quy tắc cũ chứ ạ?” Cao Liên Khởi khẽ gật đầu: “Mang thêm cả hoa quả tươi!”  Vậy cái gì gọi là quy tắc cũ? Kẻ có tiền như Cao Liên Khởi đến quán trà, khẩu vị đều không thấp, sợ lá trà trong quán không ngon, thường mua loại trà thượng đẳng, lưu giữ tại quán, khi nào tới sẽ uống trà của mình. Người nghèo đến quán trà là để tìm việc làm, một xu một bình trà nấu từ lá vụn, có thể uống cả ngày. Cao Nhị Gia thì không giống như vậy, mọi thứ đều phải chọn lọc, nước phải là nước mưa hứng thẳng từ trên trời, lá trà phải là lá trà hái vào mùa xuân của Động Đình, pha trà phải dùng ấm sành cổ trong chùa mấy trăm năm, củi đun là cành tùng ngàn năm trong núi sâu rừng già, như vậy mới thưởng thức được hương vị đặc sắc. Chỉ chốc lát sau, trà nóng, trái cây, điểm tâm được bê lên, ung dung ăn một miếng, lại nhấp ngụm trà. Đồ ăn không nhiều, nhưng được chế biến vô cùng tinh xảo, mấy thứ bán rong trên đường làm sao so sánh nổi. Cao Liên Khởi lim dim thường trà, lại nghe mấy người dưới lầu tán gẫu, tiệm ăn nhà ai mới mời thêm đầu bếp nổi tiếng, món ăn sở trường nào ngon... Cao Nhị Gia gật gù, thầm nhủ có dịp phải đến ăn xem sao.


Canh Toàn Dương: sử dụng tất cả các bộ phận của con dê để nấu canh (ngoại trừ da và lông), thông qua phương pháp chế biến đặc thù hoặc truyền thống, nấu thành canh thịt dê.

Hiện có hai loại là canh thịt dê Sơn Tây và canh thịt dê Nội Mông.


Uống xong mấy tuần trà, đã tới giờ cơm trưa, vậy Cao Liên Khởi muốn ăn cái gì đây? Hắn thèm canh thịt dê, ở Thiên Tân Vệ có rất nhiều chỗ bán canh Toàn Dương, nhưng nếu muốn ăn món chính tông thì không thể bỏ qua một tiệm, nhà này không có bảng hiệu cũng chẳng có tên cửa hàng, chỉ là một căn lều nhỏ, trên bếp lò đặt một cái nồi lớn, mở nắp ra thì thấy bên trong là một bào thai dê hoàn chỉnh, chú ý nấu liên tục mười ngày, đến thời điểm nhất định sẽ bỏ thêm một bào thai mới vào nồi, nấu tiếp ba ngày ba đêm rồi lại bỏ một bào thai khác, cứ thế lặp đi lặp lại theo chu kỳ, khiến canh trong nồi trở nên đậm đặc, mùi vị lại nồng, rắc chút hành trắng khử mùi tanh, hương thơm có thể bay xa năm dặm. Quán nhỏ không thuê nổi tiểu nhị, lại càng không có chưởng quầy, trước sau chỉ có hai vợ chồng chủ quán, ban ngày bận đến thở không ra hơi, buổi tối vẫn không thể nghỉ ngơi, phải canh chừng bếp lò, cho thêm củi, hết thảy chỉ trông vào nồi canh này nuôi sống gia đình.

Người Thiên Tân xưa gọi canh thịt dê là Tràng Tử Thang (tức Canh lòng dê), thật ra trong canh không chỉ có mỗi lòng, mà còn đủ loại lục phủ ngũ tạng, tất cả đều là những thứ không đáng tiền, sau khi nấu chín vớt ra cắt nhỏ, lúc bán sẽ cho vào bát, chan nước canh nóng, bề mặt liền nổi lên một lớp váng bọt màu xanh đen, ruồi bọ lớn nhỏ bay loạn xung quanh, ngẫu nhiên có một hai con rơi vào bát là chuyện bình thường. Canh ruột dê hai xu một bát, nhân ít canh nhiều, thích ăn gì có thể gọi riêng, thêm một phần trả một xu, cạnh bếp bày các loại gia vị: rau hẹ/hành hoa, đậu hũ, sa tế, rau thơm thái nhỏ, mặn nhạt tự mình điều chỉnh, mấy thứ này chẳng có gì mới mẻ, nhưng hương vị đích thực không giống nhau, ví như sa tế dùng mỡ dê để chiên, cho vào canh có thể khiến mùi vị nồng hơn, kẹp bánh nướng ăn cũng ngon miệng.

Cao Liên Khởi ở nhà lâu ngày, sớm đã thèm ăn Canh thịt dê, liền gọi cho mình một bát lớn, nào là pín dê, cật, lòng.v.v.. thứ gì ngon cũng muốn, tất cả cho vào một bát to, hì hục ăn một chặp, trán vã đầy mồ hôi. Gần đó có một nhà tắm tên Thiên Thanh Trì, ngâm mình trong nước nóng, tìm một sư phụ Dương Châu chuyên việc kỳ cọ, xoa bóp/chà lưng, cạo râu/se lông mặt… xong xuôi, phải nói với sư phụ một tiếng “Hồi thủ” (tức quay đầu), không thể nói chữhoàn” (tức xong/hết), vì người ta kiêng kỵ. Vừa bước ra khỏi bể tắm, đã có tiểu nhị mang y phục được giặt sạch, xông hương thơm nức tới, hầu hạ Cao Liên Khởi mặc quần áo, cúi đầu khom lưng tiễn ra tận cửa. Cao Liên Khởi rời khỏi Thiên Thanh Trì, đi dạo một vòng quanh khu chợ phía Nam, bởi nơi đây vô cùng náo nhiệt, giàu nghèo đều có thể tới, có tiền đều giống Cao Liên Khởi, hút thuốc phiện/tắm xông hơi, ăn no uống đủ, chiều lại đi dạo. Còn cu li phụ thuyền thì từ sáng sớm đã ra ngoài làm việc, buổi chiều nhận tiền công mới quay về đây. 


Bánh bao Tiểu Long - Xiao Long Pao 小笼包


Lại nói vị Cao Nhị Gia - Cao Liên Khởi của chúng ta, dạo chơi một hồi thấm mệt, liền ghé vào Đồng Khánh Viên, đây là nơi uống trà xem biểu diễn, trên đài có tấu nhạc, ca xướng, dưới đài có phục vụ bê khay bán thuốc lá cùng đồ ăn vặt, thuốc lá là Cáp Đức Môn, Lão Đao, Hồng Song Hỷ, đồ ăn vặt có Tiểu Long Bao, bánh đậu bột nếp Lư Đả Cổn, bánh củ cải, lạc rang/hạt dưa, điểm tâm/mứt hoa quả.v.v… muốn thứ gì có thứ đó. Cao Liên Khởi chọn một chỗ ngồi xuống, tiếp nhận khăn nóng từ tay tiểu nhị, lau sạch mặt mũi, lại gọi mấy đĩa điểm tâm, một ấm trà Long Tĩnh, hỏi tiểu nhị hôm nay có tiết mục gì. Tiểu nhị nói: “Ngài đến thật đúng lúc, hôm nay có món mới, vừa mời được từ Giang Nam, chính là xướng Bình đàn”. Thời xưa, ông chủ lớn đến xem ngồi dưới đài, thường tặng lẵng hoa, để đầy hai bên lối đi, đa phần đều có động cơ thầm kín. Đến đoạn hay còn thi nhau ném tiền Tây, ném trang sức, ngân phiếu… lên sân khấu, một là để phô bày sự giàu sang trước mặt mọi người, hai là để đón con hát về nhà. Có câu “Một con hát nửa kỹ nữ”, trên đài hát kịch dưới đài hầu ngủ, việc ông chủ có tiền bao nuôi con hát làm thú vui, trong xã hội cũ chẳng có gì là lạ, thường xuyên đi xem biểu diễn, quá nửa là vì cái này. Nếu muốn mổ xẻ chi tiết, e nói cả ngày cũng không hết.


Bánh đậu bột nếp - Lư Đả Cổn 驴打滚


Cao Liên Khởi là hạng con buôn, chơi gái cũng phải trả giá rõ ràng, không bao giờ vung tiền vào mấy thứ phù phiếm, nghe ca xướng chỉ để tiêu khiển, phân biệt làn điệu hay dở mà thôi. Ngồi cạnh hắn là một tên mặt trắng, chừng ba mươi mấy tuổi, vóc người cao lớn, mày râu nhẵn nhụi, trắng bóc như vừa được lôi ra từ trong lu bột, không chỉ vậy, khuôn mặt vừa dài lại vừa lớn, cơ hồ giống như mặt lừa. Thời xưa thầy bói thường nói “Người có tướng mạo này lật lọng tráo trở, không nên kết giao bằng hữu”. Tên mặt trắng buôn bán từ Nam ra Bắc, kiến thức rộng rãi, thông hiểu ca từ, vừa nghe vừa giảng giải cho Cao Nhị Gia, trên đài đang biểu diễn “Trân Châu Tháp”, trích đoạn tài tử gặp nạn, giai nhân đến tương trợ, cuối cùng đỗ Trạng Nguyên, áo gấm về làng, nghênh đón giai nhân. Hai người càng nói chuyện càng cảm thấy hợp tính, chỉ hận gặp nhau quá muộn. Cao Liên Khởi vốn định nghe xong sẽ đi chơi nhà thổ, nhưng hiếm khi kết giao được bằng hữu như đối phương, xem chừng tán gẫu vẫn chưa đủ, vì thế nói với Tên mặt trắng: “Hồi sáng nghe nói tiệm ăn gần đây mời được đầu bếp trứ danh, có mấy món sở trường ngon tuyệt, muốn mời huynh đài đến đó thưởng thức!”. Tên mặt trắng không hề khách khí, hai người cùng nhau đến tiệm ăn, ngồi vào bàn lại say sưa trò chuyện, trong hương rượu nồng, kết nghĩa thành huynh đệ. Cao Liên Khởi nhất thời hưng phấn uống quá nhiều, có bao nhiêu ruột gan liền lôi ra, chuyện lớn chuyện nhỏ trong nhà đều kể hết với Tên mặt trắng, ví như: nhà ở đâu, gia đình tổng cộng có mấy người, tính tình vợ thế nào, con trai bao nhiêu tuổi, sinh ngày tháng năm nào, tên thường gọi là gì, hàng xóm có những ai, nhà ai chăm gà/nhà ai nuôi chó, ai là quả phụ, ai bị tuyệt hậu… tóm lại nhớ cái gì nói cái đó, vậy mà vẫn thấy chưa đủ, còn muốn kéo Tên mặt trắng về nhà ngủ, nằm chung giường trò chuyện sáng đêm. Tên mặt trắng cũng không từ chối, dìu Cao Liên Khởi khật khưỡng ra khỏi tiệm ăn, trên đường về đi ngang qua mương nước thối, nơi này nằm trong thành, trước năm 1900 là kênh nước lộ thiên, nối thẳng với Xích Long Hà, sau khi tường thành bị phá bỏ, lâu ngày trở nên bằng phẳng, thời ấy vẫn còn nước, đầm lầy rất sâu, lau sậy um tùm, vừa bẩn lại vừa bốc mùi. Tên mặt trắng đi đến đây, đảo mắt nhìn bốn phía, thấy xung quanh vắng lặng, cố ý chậm lại vài bước, nhặt cục đá lớn, kêu: “Huynh trưởng dừng bước!” Cao Liên Khởi nghe vậy liền quay đầu lại hỏi: “Người anh em, sao không đi tiếp?” Tên mặt trắng cười nói: “Số ta gặp may, giữa đường nhặt được thỏi vàng!” Nếu là người tinh ý, vừa nghe liền biết Tên mặt trắng là kẻ xấu, thế nhưng Cao Liên Khởi lại không hiểu. Bỗng Tên mặt trắng duỗi tay chỉ về phía trước: “Huynh trưởng, xem đó là ai kìa?” Đợi Cao Liên Khởi vừa xoay đầu, Tên mặt trắng dồn hết sức nện cục đá vào đầu hắn, chỉ nghe “bộp” một cái, đâu óc vỡ toang, sau đó lôi xác Cao Liên Khởi vào trong bụi rậm, lột bỏ quần áo giày vớ, buộc thi thể vào tảng đá, đẩy xuống mương nước thối, sau khi thay y phục của Cao Liên Khởi, lại dùng tay vuốt mặt vài cái, chớp mắt đã biến thành bộ dáng của hắn, mở miệng nói chuyện chẳng khác gì Cao Nhị Gia, một đường đi vào dinh thự nhà họ Cao, vừa gặp liền hỏi Cao Nhị Nãi Nãi: “Con đâu rồi?”


Còn tiếp…

Total Pageviews

This Blog is protected by DMCA.com