Chương 1
KHƯƠNG TIỂU MẠT GÂY HỌA (thượng)
1.
Nhớ năm đó, tại cổng thành phía nam Thiên Tân có Thôi Lão Đạo bày quán xem bói, còn kể seri truyện dài kỳ “Tứ Thần Đấu Tam Yêu”, một bộ trong đó tên “Đậu Chiêm Long Tầm Bảo”, gồm có hai phần. Hôm trước đã kể xong một đoạn, coi như khép lại phần “Thất Can Bát Kim Cương”, theo phất trần trong tay Thôi Lão Đạo vung lên, quyển tiếp theo tên “Cửu Tử Thập Tam Tai” cũng bắt đầu: “Thời xưa có một người kêu Hàn Tín, muốn thoát cảnh nghèo túng nên đầu quân cho Bá Vương. Bá Vương ghét hắn xuất thân thấp hèn, chỉ cho hắn làm Chấp kích lang (lính hầu). Khi ấy Hàn Tín chê chức quan nhỏ, quẳng ấn chạy trốn đến nơi đất khách quê người. Trương Lương - Trần Bình mến tài, tiến cử Hàn Tín với Lưu Bang. Đăng đàn bái tướng trảm Ân Cái, Hán Cao Tổ phong hắn làm Tề Vương. Phá tan mười vạn quân Sở tại Cửu Lý Sơn, buộc Bá Vương tự sát bên bờ Ô Giang. Có thể nói trong số 3 vị có công sáng lập nhà Hán, hắn chiếm thứ nhất. Thế nên, khi người đời sau đề cập đến Tây Sở Bá Vương, đều than thở lắc đầu tiếc nuối, anh hùng bạt núi khiêng đỉnh, nhưng lại ‘có mắt không tròng’! Vì sao lại nhắc đến điển cố này? Ở đây ta muốn nói đến ‘nhãn lực’, đánh giá con người bằng nhãn lực, nhận biết bảo vật cũng bằng nhãn lực. Dạo chợ đồ cũ mò hàng, cũng có thể coi là ‘tầm bảo’ hay ‘nhặt của hời’, tuy nhiên ‘tầm bảo’ rõ ràng ở mức độ cao hơn, bởi sự chênh lệch có lớn có nhỏ, ví như đồ vật giá trị hai đồng, mua với giá một đồng thì kêu ‘nhặt của hời’. Trong khi tầm bảo đồng nghĩa với việc phát tài lớn. Làm nghề này, ai chẳng muốn mọc ra một đôi mắt có thể nhìn thấy bách bảo, vừa qua tay liền thu lời gấp trăm gấp ngàn lần? Thế nhưng trong 360 nghề lại không có tầm bảo, mà chỉ có trong 36 bàng môn 72 tả đạo. Cuối Thanh đầu Dân Quốc, trong Tứ Đại Kỳ Nhân-Thiên Tân Vệ có một vị tên Đậu Chiêm Long, không bảo vật nào hắn không nhận ra. Vị này đi tới đâu, mây gió vờn quanh, hào quang lấp lánh, vàng bạc phỉ thúy dát đầy thân, có người xem tiền là vật trao đổi, có người yêu tiền hơn mạng, có người biến tiền thành tổ tông, riêng hắn coi tiền như bùn đất. Không phải thiên linh địa bảo, tuyệt đối không lọt vào pháp nhãn của Đậu gia. Lần trước ta đã kể xong “Đậu Chiêm Long Tầm Bảo: Thất Can Bát Kim Cương”, nên mật mí đã bật mí, nút thắt cũng đã buộc, tiếp theo sẽ kể “Đậu Chiêm Long Tầm Bảo: Cửu Tử Thập Tam Tai”, phần mở đầu có tên ‘Khương Tiểu Mạt gây hoạ’!”
Thôi Lão Đạo nói vài câu dẫn đề, liên kết hai phần trước sau, mọi người nghe xong cảm thấy mờ mịt: “Không đúng a Thôi đạo gia, là bọn ta nghe nhầm, hay do ngài lỡ miệng? Quyển trước lưu lại nút thắt, chẳng phải nói Đậu Chiêm Long gây hoạ sao? Thế nào lại biến thành Khương Tiểu Mạt gây hoạ? Trời vừa sáng, một đám người chạy đến cổng thành phía Nam, tất cả đều hướng về “Đậu Chiêm Long Tầm Bảo”, cuối phần trước đã nói: hắn cưỡi lừa đen đi Khẩu Bắc báo thù, thế nào lại nhảy ra cái tên Khương Tiểu Mạt? Hai người này có liên quan gì với nhau?! Còn nữa, Thôi Lão Đạo không lấy “Nhạc Phi Truyện” đối phó mọi người, lại đổi thành Khương Tiểu Mạt… Vậy Khương Tiểu Mạt là ai ? Trong “Tứ Thần Tam Yêu” có vị này chăng?”
Có mấy người biết được chút ít, hùa theo đám đông nghị luận: “Vùng đất cuối Cửu Hà từng xuất hiện một tên đại lưu manh kêu Khương Tiểu Mạt, nghe đồn làm mưa làm gió một phương, nhưng là vào thời đại nào? Lúc ấy Thiên Tân Vệ chúng ta vẫn còn tường thành, ngài không kể Đậu Chiêm Long tầm bảo phát tài, muốn đổi chủ đề, nói “Lưu manh luận” sao?”
Thôi đạo gia cố ra vẻ thần bí: “À há! Nghe ý tứ này, thật sự có người biết đến. Xem ra ngài cũng là kẻ có kiến thức, đáng tiếc chỉ biết một mà không biết hai, lại càng không rõ ba tư, đại lưu manh Khương Tiểu Mạt là người phương nào nào? Hắn chính là nhân vật chính của “Đậu Chiêm Long Tầm Bảo: Cửu Tử Thập Tam Tai”! Kể chuyện không thể thiếu cốt truyện, nhân vật, tình tiết, diễn biến. Không có Khương Tiểu Mạt, cũng sẽ không có bộ truyện này. Các vị cũng biết, bộ “Tứ Thần Đấu Tam Yêu” của bần đạo chuyên kể về Tứ Đại Kỳ Nhân-Thiên Tân Vệ, vậy thế nào là kỳ nhân? Đương nhiên khác với thông thường mới đạt được một chữ ‘kỳ’! Ta chưa mở miệng, ngài đã biết ta muốn nói cái gì, vậy còn đứng đây nghe làm chi? Ngài cho rằng, câu chuyện của ta nối tiếp phần trước, nhân vật chính xuất hiện nhất định vẫn là Đậu Chiêm Long, thế nhưng hôm nay ta lại kể về Khương Tiểu Mạt, không phải Đậu Chiêm Long! Phần sau của bộ truyện, đương nhiên liên kết chặt chẽ với phần trước, thế nào cũng giúp ngài giải đáp thắc mắc trong lòng, bằng không làm sao thể hiện được năng lực của bần đạo, càng có lỗi với các vị đến đây cổ vũ. Nào nào, có tiền ngài cho một xâu, không có tiền ngài cho mấy xu, ta mua hai lượng bột ngô, già trẻ trong nhà hôm nay không chịu đói, lão đạo cũng thấy yên tâm, cố gắng dốc lòng hầu hạ ngài một đoạn ‘Khương Tiểu Mạt gây hoạ’!”
Mọi người nghe xong thấy cũng đúng, vì sao “Tứ Thần Đấu Tam Yêu” hấp dẫn người nghe? Chính là vì lối kể chuyện của Thôi Lão Đạo, hô mưa gọi gió, xuất quỷ nhập thần, tuyệt xử phùng sinh, ai cũng không đoán được tiếp theo xảy ra điều gì. Hy vọng sau mỗi lần vấp ngã ông ta sẽ khôn hơn một chút, ăn trận đòn đau ở thư tràng Thái Ký sẽ cải tà quy chính, thay đổi triệt để, không làm Ăn mày kéo nhị hồ - kể nghèo kể khổ/bán thảm ở cổng thành phía Nam nữa là được. Kết quả, người có tiền dư trong túi sôi nổi quyên góp, ngươi ném ba/ta ném hai. Trên người không mang tiền thì đứng một bên cổ vũ, khoanh tay rướn cổ chờ nghe kể chuyện.
Nào biết Thôi đạo gia nói xong dẫn đề, kiếm đủ tiền ăn trong ngày, kế tiếp lại bắt đầu lòng vòng, ngoại trừ mấy chuyện vụn vặt linh tinh, cũng chưa có nửa câu hữu dụng, cuối cùng còn không quên buộc nút thắt: “Các vị già trẻ lớn bé, kể chuyện không chi tiết rõ ràng, có khác gì lừa bịp. Bần đạo hành nghề lâu năm ở cổng thành phía Nam, lời nói tựa ngàn vàng, luôn biết giữ chữ tín, tuyệt đối không trộn lẫn nước lã vào nồi canh, mở đầu ngài nghe có vẻ vô nghĩa, nhưng tới phần sau đều hữu dụng. Xưa có câu: ‘trà ngon không sợ bình phẩm, sách hay không sợ bàn luận’. Tóm tắt xong khúc dạo đầu, liền giống như mở nắp lồng hấp, rốt cuộc là bánh ngô hay bánh bao nhân thịt? Ngày mai chúng ta kể tiếp!”
Lời vừa nói ra, người ở đây đều bị Thôi Lão Đạo chọc giận, bỏ một hai đồng tiền nghe kể chuyện, còn không bằng ra bãi đất hoang nghe côn trùng kêu! Cái miệng của Thôi đạo gia tung hoành thiên hạ, điều này thực sự không ngoa, thế nhưng bụng dạ ông ta quanh co lắt léo, chứa đủ loại linh tinh thập cẩm, đào thế nào cũng không ra, hơn nữa nội dung “Tứ Thần Đấu Tam Yêu” quá hấp dẫn người nghe, Tứ Đại Kỳ Nhân trong truyện, trông thì có mệnh số khác nhau, nhưng thật ra đều liên quan chặt chẽ, khiến người càng nghe càng nghiện. Đám đông hoàn toàn bị cắn câu, mắng thì mắng giận thì giận, ngày mai vẫn phải nhanh chân đến đây, xếp hàng nghe cho hết, bằng không hôm nay coi như mất tiền oan!
Thật ra, Thôi Lão Đạo cũng định mau chóng kể bộ “Đậu Chiêm Long Tầm Bảo: Cửu Tử Thập Tam Tai”, thế nhưng dù sao ông ta cũng phải “Đáp cương” (mời chào/chèo kéo khách), nói dài mới nhiều tiền, ai chẳng muốn kiếm thêm mấy đồng, ăn chút gì đó cho đỡ thèm? Đáng tiếc ông ta không có trong tay những cuốn sách kinh điển, cũng không được truyền thụ từ các bậc tiền bối, hết thảy đều là tự biên tự diễn, chắp vá lung tung. Cho nên trước khi bắt đầu kể tiếp bộ truyện, cần giống như bài binh bố trận, đảo qua đảo lại từ đầu tới đuôi, cân nhắc trong lòng mấy lần, suy nghĩ cẩn thận nói cái gì trước nói cái gì sau, thế nào thắt nút khi nào đòi tiền, tránh rối loạn trùng lặp. Quan trọng nhất chính là khiến người nghe truyện lọt hố, hố quá nhỏ thì không hấp dẫn, hố quá to ngày mai không ai tới… suy nghĩ thấu đáo, ông ta liền nói đông nói tây, dùng mấy chuyện tào lao đối phó qua bảy tám ngày, vẫn chưa chịu đi vào chính truyện.
Thời đó, vùng đất cuối Cửu Hà là nơi tập trung của rất nhiều nghệ nhân kể chuyện tài giỏi trong giang hồ. Lớn thì trà lâu thư tràng, nhỏ thì kê ghế dựng lều ven đường, không thì biểu diễn ngoài phố chợ… tính ra tiên sinh kể chuyện nổi danh có không dưới mấy trăm vị, trong đó tuyệt đối là ngọa hổ tàng long. Tuy nhiên chẳng cần biết tên tuổi lớn bao nhiêu, bối phận cao thế nào, tuyệt không ai có thể so sánh với kẻ nửa mùa như Thôi Lão Đạo. Đặc biệt tại khu vực cổng thành phía Nam, há chỉ có mình ông ta kể chuyện? Tiệm trà quán cóc không dưới mười mấy cái, người ta hành nghề còn có sai vặt chạy xung quanh hỗ trợ, ông ta một mình đẩy xe bán quẻ, cứ có người là bắt đầu mở hàng, ấy vậy mà đám mê truyện lại đổ xô đến chỗ ông ta, ông ta chưa kiếm đầy túi, tiên sinh kể chuyện khác đừng hòng khai trương. Giữa các nghệ nhân giang hồ vốn đã khinh thường lẫn nhau, bằng mặt không bằng lòng, thấy ông ta bịa đặt vô căn cứ, nước lã trộn canh vẫn có thể kiếm tiền, người cùng nghề có thể không đỏ mắt sao? Đều là kẻ bái lạy danh sư học nghề, trải qua nhiều năm rèn luyện khổ cực, ai nuốt nổi cục tức này? Có người cố tình đến cổng thành phía Nam phá bĩnh việc làm ăn của Thôi Lão Đạo, đáng tiếc “Tứ Thần Đấu Tam Yêu” của ông ta độc nhất vô nhị, chưa ai từng nghe qua, muốn kể trước cũng không được, chẳng sợ đối thủ chen ngang, ngày mai ông ta lại thay đổi tình tiết câu chuyện theo hướng khác, mất mặt chẳng phải vị kia sao?
Không thiếu kẻ gièm pha nói xấu sau lưng Thôi Lão Đạo, kêu chuyện ông ta kể không chính thống, toàn là bịa đặt, cao trao chẳng ra cao trào, nút thắt chẳng ra nút thắt, càng không biết cái gì là lịch sử, cái gì là điển cố, mồm mép lươn lẹo, chắp vá lung tung chẳng khác gì đũng quần vải thô, đầu óc cũng không linh hoạt, tuỳ miệng tuỳ hứng, vậy mà dám vác mặt ra kể chuyện? Hai chữ “Tiên sinh” ông ta gánh nổi sao? Chưa hết, luyện võ chú trọng “Nội ngoại tam hợp”, nội hợp gồm “Tâm, khí, gan”, ngoại hợp gồm “Tay, chân, mắt”, kể chuyện cũng vậy, mắt phải hợp với tâm, khí hợp phải hợp với lực, lời nói ra “có ngừng có nghỉ, có cương có nhu”, thế mới gọi là kể chuyện. Ai mà mù quáng, cả ngày chạy đến đây ủng hộ ông ta?
Còn có người nói: “Tứ Thần Đấu Tam Yêu” căn bản không phải do Thôi Lão Đạo biên soạn, hồi ta còn đang học nghề, từng nghe sư phụ nhắc qua, từ xưa đã có câu chuyện như vậy, đáng tiếc hiện giờ chuyện thần tiên ma quái không thịnh hành, hơn nữa bên trong còn ẩn chứa nhiều bí mật xấu xa, người xuất thân từ môn hộ chính quy không thèm kể, chẳng biết thế nào lại để ông ta chiếm được, thay hình đổi dạng, thêm thắt một số chi tiết vụn vặt, biến của người thành của mình, ta thấy ngứa mắt nên mới lên tiếng, hành vi “đạo văn” này của ông, trói đến trước bài vị Tổ sư gia đánh chết tươi cũng không quá!”
Lại có người nói: “Thôi Lão Đạo không phải Hỏa Cư Đạo, chuyên rung chuông bán quẻ sao? Ông ta không an phận hành nghề cho tử tế, kiểu gì cũng phải thò mặt ra ngoài phố chợ kể chuyện, còn toàn chọn mấy chuyện ly kỳ ma quái, thế này chẳng phải trắng trợn cướp miếng ăn từ miệng chúng ta à? Theo ngôn ngữ trên giang hồ, hành động của ông ta chính là ‘chiếm đất bịt đường’, tại sao không ai quản?”
Còn một số tiên sinh kể chuyện khác chỉ muốn làm tốt bổn phận, không thích tranh giành, rốt cuộc Thôi Lão Đạo một không cướp, hai không đoạt, người ta cũng chả hơi đâu ganh tị so đo với ông ta. Ngươi vì miếng cơm, ta cũng vì no bụng, có bản lĩnh thì ăn nhiều, không bản lĩnh thì ăn ít, không có mệnh đừng uổng phí tâm cơ. Nếu thật sự không kiếm được tiền, mượn danh tiếng của ngươi dùng một chút, tùy tiện bịa ra ba hồi năm đoạn, dính dáng đến “Tứ Thần Đấu Tam Yêu”, cái gì mà bà ngoại của Lưu Hoành Thuận, dì hai của Đậu Chiêm Long, thím ba của Quách Đắc Hữu… chỉ cần không động chạm tới cốt truyện, cũng có thể kiếm mấy đồng nuôi sống gia đình.
Trong số người cùng nghề, vị thống hận Thôi Lão Đạo nhất đương nhiên chính là ông chủ thư tràng Thái Ký khu vực Ngoài Địa Đạo - Thái Cửu Gia, đây có thể coi là “Kiếp trước oan gia, kiếp sau đối đầu”. Lúc trước hắn nhìn trúng năng lực của Thôi Lão Đạo, không tiếc bỏ ra số tiền lớn, mời ông ta đến thư tràng của mình kể suất “Đăng Vãn Nhi”. Theo lý mà nói, với “ơn tri ngộ” như vậy, đáng ra nên đầu rơi máu chảy mà báo đáp người ta, nào biết Thôi Lão Đạo ăn cơm của người lại không chịu làm việc, lên đài toàn nói hươu nói vượn, lấy cớ “Phô bình điếm ổn” *, ngang nhiên dùng “Nhạc Phi Truyện” thay thế “Đậu Chiêm Long Tầm Bảo”, suýt nữa đập vỡ chiêu bài của thư tràng, còn huỷ hoại cây đèn tổ truyền nhà Thái Cửu Gia. Từ đó về sau, phong thuỷ thư tràng Thái Ký bị phá vỡ, việc làm ăn cũng vì vậy mà tuột dốc không phanh, đến nỗi có thể giăng lưới bắt chim trước cửa. Trái lại, Thôi Lão Đạo hô mưa gọi gió ở cổng thành phía Nam, còn đoạt đi không ít khách nghe truyện. Ông chủ Thái càng nghĩ càng căm giận, thư tràng ngày nào cũng vắng tanh, tiền công cùng chi phí không thể thiếu một phân, hắc bạch lưỡng đạo cũng phải đút đủ số, lại không mời được tiên sinh có danh tiếng, biết làm thế nào đây? Đơn giản chính là tự mình ra tay, viết lên bảng thông báo mấy chữ “Chuyện có thật ở Thiên Tân”, kể trích đoạn “Chôn sống Thôi Lão Đạo”. Tổ tiên Thái Cửu Gia truyền lại không ít sách, không biết kể thì ngồi đọc, trông cũng ra dáng ra hình. Dù chưa từng chính thức lên đài, nhưng phong thái đúng là thú vị, không nhanh không chậm, ung dung nhàn nhã như thủ thỉ tâm tình. Thời điểm mấu chốt còn đập bàn loạn mắng, đôi khi còn nói giỡn vài câu khuấy động không khí, nên khen thì khen, nên chê thì chê, đến khúc cao trào liền khua chân múa tay, không lạm dụng yếu tố thần yêu ma quỷ, hết thảy đều có căn có quả, khiến người nghe tin phục, kiếm tiền hay không tạm gác qua một bên, ít nhất cũng giải được mối hận trong lòng!
*Phô bình điếm ổn: còn gọi nôm na là “trải chăn lót đường”, một kỹ xảo trong Tướng Thanh/vè Sơn Đông.
Trên đời này không có bức tường nào không lọt gió, huống chi Thôi Lão Đạo lăn lộn giang hồ nhiều năm, lỗ tai thính hơn người thường, bên ngoài có gió thổi cỏ lay, ông ta đều biết rõ. “Thiết Chủy Bá Vương-Khương Tử Nha tái thế” vốn lòng dạ hẹp hòi, bụng chuột ruột gà, khí lượng không đủ, trước giờ đều là có thù tất báo, tuy không dám ngang nhiên trắng trợn đến thư tràng quấy rối, nhưng sau lưng không thiếu mắng mỏ chửi bới. Trước mặt đám đông nghe kể chuyện, Thôi đạo gia còn ra vẻ bình tĩnh: “Theo ta thấy, đâu phải ông chủ Thái phá hoại ta, rõ ràng hắn đang thay ta truyền bá rộng rãi đấy chứ, cái này gọi là ‘tranh cãi rèn năng lực, đánh phá tạo tên tuổi”, trên đài không phân biệt lớn nhỏ, dưới đài lập quy củ, đây mới là đạo làm ăn trong giang hồ. Chờ kể xong bộ truyện “Đậu Chiêm Long Tầm Bảo: Cửu Tử Thập Tam Tai”, thế nào ta cũng phải xách mấy bao điểm tâm Quế Thuận Trai đi thăm hắn. Trước mắt không thể để mọi người mất công chờ đợi, phải không nào? Ngài xem có người hỏi, ‘Đậu gia chỉ là khách từ nơi khác tới, cưỡi lừa đen vào Nam ra Bắc, không phải nhân sĩ vùng đất cuối Cửu Hà, thế nào lại trở thành một trong Tứ Đại Kỳ Nhân-Thiên Tân Vệ?’ Chuyện này trong sách cũng đề cập, ngài đừng sốt ruột, bần đạo nhất định sẽ nói hết. Có điều, truyện phải kể lần lượt, cũng cần người lắng nghe cặn kẽ, cho nên người nghe kể chuyện chân chính đều biết: ‘trước chặt chẽ sau lỏng lẻo, có đầu không có đuôi; trước lỏng lẻo sau chặt chẽ, càng kể càng hấp dẫn’. Muốn biết Đậu Chiêm Long đi Khẩu Bắc, thu thập Tỏa Gia Môn cùng Bát Đại Hoàng Thương như thế nào, làm sao lấy được thiên linh địa bảo, kinh động Ngoại Đạo Thiên Ma, phải bắt đầu kể từ ‘Khương Tiểu Mạt gây hoạ’!”
Còn tiếp…