TRUYỆN ĐƯỢC DỊCH HOÀN TOÀN MIỄN PHÍ, NHẰM THỎA MÃN NHU CÂU ĐỌC TRUYỆN CÁ NHÂN.


XIN VUI LÒNG KHÔNG MANG BẢN DỊCH ĐI NƠI KHÁC HAY SỬ DỤNG CHO MỤC ĐÍCH THƯƠNG MẠI KHI CHƯA CÓ SỰ ĐỒNG Ý CỦA CHỦ TRANG.



CÁM ƠN!!!

1.3 ĐCL: Cửu Tử Thập Tam Tai

 Chương 1

KHƯƠNG TIỂU  MẠT GÂY HỌA (thượng)


3.


Khương Thập Ngũ chọn tới chọn lui, nhìn trúng một căn nhà biệt lập ở góc Đông Nam, nằm tại đầu ngõ lại có ba gian phòng, giá cả cũng hợp lý. Sát chân tường mọc một cây hương xuân (hay còn gọi là xoan hôi), có thể che mát, trời ấm còn có hương xuân để ăn. Ngâm mầm hương xuân trong nước muối, luộc qua một lần, làm rau trộn vừa thơm vừa giòn, chỉ riêng điều này, ngôi nhà cũng có đủ giá trị! Hai bên mua bán làm thủ tục xong xuôi, một tay giao tiền một tay giao giấy tờ. Khương Thập Ngũ dọn dẹp sạch sẽ từ trong ra ngoài, xem lịch chọn ngày lành, cả nhà vui mừng chuyển đến ở. Nào ngờ ngôi nhà ngày chỗ nào cũng tốt, chỉ là không vượng nhân khẩu, mấy năm nay hai vợ chồng chăm chỉ làm ăn, liên tiếp sinh ba đứa con, nhưng không nuôi lớn được đứa nào, sau này Đại Áp Lê cũng không thể mang thai. Khương Thập Ngũ trong lòng sầu muộn: “Bất hiếu hữu tam vô hậu vi đại (trong ba điều bất hiếu thì tội không có con nối dõi là lớn nhất), nhà họ Khương truyền đến đời ta thực không dễ dàng, chẳng lẽ cứ thế mà chặt đứt hương khói?” Đại Áp Lê cũng sốt ruột, gà mái không đẻ trứng, thời xưa không con cái đứng đầu trong “Thất xuất” *, chủ nhà đưa giấy bỏ vợ đuổi ra ngoài, kiện cáo cũng không chiếm lý, hơn nữa hàng xóm xung quanh lời ra tiếng vào, thực sự không dễ nghe. Vì thế đành theo tập tục cũ tại Thiên Tân Vệ, đi miếu Phân Thủy Nương Nương “trói con”. “Trói con”, còn gọi là “Bắt con” hay “Ẵm con”. Miếu Nương Nương tại địa phương hương khói cực vượng, dân gian tương truyền, mùng 3 tháng 3 chảy hội, “trói con” là linh nghiệm nhất.


*Thất xuất: bảy lý do bỏ vợ thời phong kiến, bao gồm: không con cái, dâm đãng, không hiếu kính cha mẹ chồng, lắm điều, trộm cắp, ghen tuông, mắc bệnh khó chữa.


Sớm hôm đó, trời mới tờ mờ sáng, Đại Áp Lê chải đầu rửa mặt, thay một thân quần áo sạch sẽ, mang theo lễ vật đã chuẩn bị từ trước, vội vàng ra cửa, mong thắp được nén nhang đầu tiên. Vào miếu “trói con” đều là nữ nhân, nhưng trước cửa miếu luôn có không ít du côn lưu manh, túm năm tụm ba, thừa lúc đông người dâng hương, nghêu ngao mấy bài hát tục tĩu, đụng chạm va quẹt, sàm sỡ các cô các chị. Sáng sớm thưa người, Khương Thập Ngũ càng không yên tâm, vạn nhất gặp phải bọn vô lại, thừa lúc trên đường không có ai, không chừng sẽ xảy ra chuyện. Cho nên hắn cũng dậy thật sớm, đưa Đại Áp Lê đi miếu Nương Nương.


Mấy hôm nay gió rét tràn về, khí lạnh bức người, khiến hai vợ chồng tê cứng. Đi được nửa đường, thấy một quán nhỏ bán trà, ấm đồng lớn cao thước tám đặt trên bếp than đỏ hồng, hơi nước bốc lên nghi ngút từ vòi ấm. Khương Thập Ngũ ra ngoài quá sớm, còn chưa ăn gì, định mua hai bát trà nóng làm ấm thân thể, nhân tiện trò chuyện đôi ba câu, mong nhận được mấy lời cát tường từ chủ quán trà. Đa số người dâng hương hứa nguyện đều để ý việc này. Nào biết người bán hàng vụng về, không biết nói chuyện, chỉ lo cúi đầu pha trà, múc nửa bát nước sôi cho vào ấm, rắc thêm đường bột, hoa quế, nho khô, sợi thanh hồng (làm bằng vỏ quýt), vậy là xong. Trà ngấm nước trở nên đặc quánh, thìa sắt cắm vào trong cũng không đảo được, thì ra quán mới mở, nước trong ấm đồng còn chưa sôi kỹ, người bán hàng thấy vậy không nói gì, luống cuống tay chân xẻ thành hai bát. Đại Áp Lê chờ đến sốt ruột, trách Khương Thập Ngũ không nên mua nước trà, thế này chẳng phải tự khiến mình ngột ngạt sao? Nói cái gì cũng không chịu uống, hậm hực bỏ đi, trong lúc vô tình quệt vào ấm đồng, hơn phân nửa nước trong đó đổ ra ngoài, may mà không bị bỏng. Người bán hàng lập tức túm lấy Khương Thập Ngũ, không cho đi. Khương Thập Ngũ cắn răng đền tiền. Ra khỏi nhà gặp chuyện không thuận, trên đường đi hai vợ chồng bực bội cãi vã, cuối cùng cũng đến miếu Nương Nương.


Khương Thập Ngũ đứng chờ trước cửa, Đại Áp Lê một mình vào miếu. Thời gian còn sớm, trong đại điện không có ai, Thiên Hậu Thánh Mẫu Nương Nương khuôn mặt hiền từ/dáng vẻ đoan trang ngồi chính giữa, bên trái là Thiên Hoa Tiên Nữ, bên phải là Thiêu Thuỷ Ca Ca, các vị nương nương khác chia thành hai dãy. Vừa rồi Đại Áp Lê quở trách Khương Thập Ngũ, quả thực đầu lưỡi cũng nở hoa, thấy Nương Nương nàng liền thu liễm, không dám nói nửa câu bất kính, lẳng lặng đặt đồ cúng lên bệ thờ, thắp nén nhang cắm vào trong lư, quỳ gối dập đầu trước tượng thần, khẩn cầu Nương Nương ban cho một đứa con, để nhà họ Khương tiếp tục hương khói. Theo thông lệ từ xưa, “trói con” không mất tiền, nhưng phải mua hương nến cùng sợi dây ngũ sắc từ đạo nhân, tùy tâm ý mỗi người, có thể quyên thêm vài đồng hoặc nén vàng nén bạc, tâm thành tất linh. Đại Áp Lê quyết tâm, cắn chặt răng, móc một lượng bạc mua sợi dây ngũ sắc. Đạo nhân nhận bạc, nhỏ giọng nhắc nhở: “Thiên Hậu nương nương linh nghiệm, cầu phúc được phúc, cầu thọ được thọ……”


Lại nói, trong miếu thờ phụng mười hai vị nương nương, có bệnh về mắt bái Nhãn Quang Nương Nương, con cái nhiễm bệnh đậu mùa bái Đậu Chẩn Nương Nương, xin đứa con bái Tử Tôn Nương Nương… Đại Áp Lê thành tâm thành ý thắp hương cầu khấn, lần lượt từ Hanh Cáp Nhị Tướng, Tứ Đại Kim Cương trước điện, cho đến Bạch Lão Thái Thái, Vương Tam Nãi Nãi sau điện, gặp một cái bái một lần, đầu cũng dập đến choáng váng. Xưa nay mọi người chú ý tập trung khi thắp hương, có điều quy trình “trói con” khá phức tạp, Đại Áp Lê có chút hoa mắt. Tượng đất xung quanh Tử Tôn Nương Nương, Đại Áp Lê đều nhìn rất kỹ: trên vai, cổ, tay áo, lòng bàn tay, dưới chân, còn cả bệ thờ, ghế ngồi.v.v… hết thảy đủ mọi kiểu dáng, chồng chất như ngọn núi, đứa nào đứa nấy thần thái khác nhau: tay cầm hồ lô ngào đường, tay ôm chong chóng, tay kéo hồ cầm, xoay mình nhào lộn, có gặm dưa gang, có đọc sách viết chữ… Nàng thấy cái nào cũng tốt, cái nào cũng đúng tâm tư của mình, nhất thời lưỡng lự, đi tới đi lui trong đại điện. Đến trước điện thờ Thiên Hậu Nương Nương, bỗng dưng trước mắt sáng ngời, góc điện có một pho tượng trẻ con ngây thơ đáng yêu, to gấp đôi mấy pho tượng còn lại, đầu đội mũ đầu hổ, chân xỏ giày đầu hổ, trang phục trên người màu tím, khuôn mặt trắng trẻo hồng hào, tay nâng kim nguyên bảo, trên người còn đeo ná. Đại Áp Lê liếc mắt liền nhìn trúng, trong miệng lẩm bẩm: “Đây là con của ta! Đây là con của ta!” Vội vàng tròng sợi dây ngũ sắc lên cổ pho tượng, ôm vào lòng ngực, vừa muốn đi lại bị lão đạo ngăn cản.


Miếu Nương Nương có quy tắc bất thành văn: “trói con” phải lén lấy đi tượng đất, không thể để lão đạo nhìn thấy. Thực ra lão đạo trông coi hương khói trong miếu, ngày thường nhắm một con mắt mở một con mắt, có thấy cũng vờ như không thấy, bởi ông ta còn trông cậy vào ngươi mua dây ngũ sắc của mình “trói con”!


Lão đạo vươn tay ngăn cản, Đại Áp Lê cũng ngơ ngác: “Chẳng phải tôi đã mua dây ngũ sắc của ông, còn quyên tiền nhang đèn sao, thế nào lại không để tôi ‘trói con’ ?” Lão đạo cũng là dân lăn lộn giang hồ nhiều năm, nhận ra đây là Đại Áp Lê - vợ của Khương Thập Ngũ, vì thế nói với nàng: “ Muốn ‘trói con’ thì tìm xung quanh Tử Tôn Nương Nương, nhìn trúng cái nào cứ việc lấy, riêng cái này không thể động vào.” Đại Áp Lê rất thích pho tượng này, luyến tiếc không muốn bỏ, bất chấp cãi lại: “Không cho “trói con” ở miếu Nương Nương, vậy ngươi bán dây ngũ sắc làm cái gì? Ta đã đưa ngươi cả lượng bạc, đứa bé này cũng ở trong đại điện, dựa vào đâu mà không cho ta lấy?” Lão đạo không khỏi nổi giận: “Ngươi nhìn ngươi xem, cái gì cũng không biết, lại còn cãi cùn! Đây là Hộ Pháp Linh Quan theo hầu Nương Nương, làm sao có thể để ngươi ‘trói’ đi?” Trong lúc nói chuyện, người đến thắp hương bái thần ngày càng nhiều, đại điện chen chúc không còn chỗ trống. Đại Áp Lê không thể ngang nhiên mang tượng đi, tâm không cam lòng không nguyện đặt pho tượng về chỗ cũ, chỉ là đã nhìn trúng cái này, mấy cái khác đều chướng mắt. Nhân lúc lão đạo bận rộn thu tiền nhang đèn, Đại Áp Lê lại lén tròng dây ngũ sắc vào cổ tượng đất, dùng vải đỏ bao bọc, thầm nhủ: “Trẻ không phúc ngồi trong miếu thờ, trẻ có phúc đầu thai bụng mẹ, con với ta có duyên, không cần đi đâu hết, mau theo mẹ về nhà!”


Lại nói Đại Áp Lê ôm chặt pho tượng, vội vàng rời khỏi miếu, về đến nhà đặt tượng trên bàn bát tiên, hai vợ chồng càng ngắm càng thích. Đêm hôm đó, Đại Áp Lê  đặt một bát cháo cao lương, một đĩa sủi cảo trước mặt tượng đất, tay cầm muôi gõ vào cạnh bàn, miệng lẩm bẩm: “Tượng đất đen, con trắng trẻo, theo cha mẹ ăn sủi cảo nhé!” Nhắc đi nhắc lại bảy tám lần, mới đặt muỗng xuống về phòng ngủ.


Trưa hôm sau, có người bên ngoài gọi cửa. Khương Thập Ngũ mở ra thì thấy, là lão đạo trong miếu Nương Nương tìm đến tận cửa. Lão đạo xông vào trong nhà, chỉ vào pho tượng trên bàn, nói: “Không cho ngươi lấy ngươi ngang nhiên chiếm đoạt, nói thật cho mà biết, mấy năm trước trong lúc ta quét dọn bảo điện, đã trông thấy một đạo kim quang giáng xuống pho tượng này, đó là Hộ Pháp Linh Quan hiển thánh, gia đình bình dân như các ngươi gánh không nổi, còn không mau trả lại?”


Khương Thập Ngũ không cho là đúng, lăn lộn giang hồ nhiều năm còn không rõ mánh khoé này sao, đơn giản chỉ là dùng lời nói gạt người, muốn kiếm thêm chút tiền mà thôi. Đôi bên tranh cãi, giọng càng lúc càng cao, chẳng ai chịu nhường ai, cuối cùng còn động chân động tay, ngươi xô ta đẩy, đấm đá cào cấu, trong lúc hỗn loạn làm đổ cái bàn, tượng đất rơi xuống vỡ tan. Lão đạo tức giận phất tay áo bỏ đi, Khương Thập Ngũ - Đại Áp Lê cũng ngây người, không biết làm sao cho phải.


Thế nhưng chẳng bao lâu sau, Đại Áp Lê lại có thai, đầu xuân sang năm sinh một thằng nhóc mập mạp, tay chân giống củ sen, nhũ danh kêu Tiểu Mạt. Hai vợ chồng lo đứa bé không thể nuôi lớn, cho nên không đặt tên, hàng ngày chỉ dùng nhũ danh để gọi, lại một bước đi một bước dập đầu đến miếu Nương Nương bái tạ thần linh, mua mười mấy pho tượng đất trẻ con, lén đặt xung quanh Nương Nương, cầu khẩn lão nhân gia đừng thu hồi đứa trẻ.


Mắt thấy con trai ngày một khôn lớn, càng lúc càng giống mẹ: trán rộng, gò má cao, cằm nhọn, một đôi mắt to đen trắng rõ ràng, cha mẹ cùng ông nội cưng chiều hết mực, không nỡ đánh cũng chẳng nỡ mắng. Đặc biệt là Đại Áp Lê, bốn đứa con thì chết mất ba, đứa nào cũng là dứt ruột đẻ ra, chỉ mỗi Khương Tiểu Mạt có thể nuôi lớn, có thể không bao che sao?


Thời xưa, nghệ nhân giang hồ chịu khổ rất nhiều, đi đến đâu cũng bị người xem thường. Khương Tiểu Mạt từ khi sinh ra đã được cha mẹ truyền thụ, đàn hát thông thạo, tiếng lóng giang hồ hắn cũng nhuần nhuyễn. Bất quá, nói thế nào Khương Thập Ngũ cũng không muốn con trai theo nghề này, tằn tiện chắt chiu, để dành tiền cho con trai đi học, mong hắn thi đỗ công danh, thay đổi địa vị xã hội. Chẳng sợ thi không đậu, đọc qua mấy sách thánh hiền, há miệng ngậm miệng đều là “Chi, hồ, giả, dã”, nghe thôi cũng thấy không tầm thường.


Tục ngữ có câu “Bảy tám tuổi vạn người ghét”, Khương Tiểu Mạt đang ở độ tuổi này, chẳng những không chịu đọc sách, mà còn trở thành thủ lĩnh đám trẻ con trong vùng, dẫn đầu hơn chục đứa đi phá làng phá xóm: ném bùn, đào hố, đá cửa, dẫm mộ… sáng ra sông té nước, tối trèo mái nhà bịt ống khói, đêm trộm gà/hút thuốc, còn thường xuyên dẫn đàn em sang địa phương khác, kéo bè kéo lũ đánh nhau, ba ngày hai bữa lại có người tìm đến tận cửa. Đại Áp Lê bênh con cãi liều, chống không được liền lôi Khương lão thái gia hơn 80 tuổi ra làm lá chắn. Mọi người thấy cụ già gần đất xa trời đứng đó, chẳng còn cách nào, đành hậm hực bỏ về. Có thể nói đứa trẻ này của nhà họ Khương, mới tí tuổi đầu đã làm hại một phương, là tiểu lưu manh ai thấy cũng ngại. Hàng xóm xung quanh hận đến nghiến răng nghiến lợi, thường mắng sau lưng: “Cái đồ có người sinh mà không có người quản, trưởng thành khẳng định là kẻ gây họa!”


Hết chương


Total Pageviews

This Blog is protected by DMCA.com