TRUYỆN ĐƯỢC DỊCH HOÀN TOÀN MIỄN PHÍ, NHẰM THỎA MÃN NHU CÂU ĐỌC TRUYỆN CÁ NHÂN.


XIN VUI LÒNG KHÔNG MANG BẢN DỊCH ĐI NƠI KHÁC HAY SỬ DỤNG CHO MỤC ĐÍCH THƯƠNG MẠI KHI CHƯA CÓ SỰ ĐỒNG Ý CỦA CHỦ TRANG.



CÁM ƠN!!!

1.2 ĐCL: Cửu Tử Thập Tam Tai

Chương 1

KHƯƠNG TIỂU  MẠT GÂY HỌA (thượng)


 2.


Lại nói, kể từ khi Minh Thành Tổ kiến lập Thiên Tân Vệ tới nay, giao thông đường thuỷ tại vùng đất cuối Cửu Hà vô cùng phát triển, các ngành các nghề ở kinh đô và các vùng lân cận làm ăn phát đạt, trên bến tàu nhộn nhịp bậc nhất này, có rất nhiều nghệ nhân/nghệ sĩ tụ tập kiếm cơm ăn. Vào thời nhà Thanh, trong thành Thiên Tân có nghệ nhân họ Khương, xuất thân nghèo khổ, vì miếng cơm mà bị người nhà tống ra ngoài học nghề. Chắp vá lung tung mượn tạm mấy đồng, bày một bàn thức ăn trong quán cơm nhỏ, trước mặt mọi người làm chứng, dập đầu lạy sư phụ ba cái, từ đây coi như có môn có hộ, cuộc sống ổn định. Người thế nào ăn cơm thế đó, từ nhỏ hắn đã thông minh hiếu học, dạy một lần là biết, nghĩ một chút là thông, đặc biệt am hiểu ca khúc cổ Uyên Ương Điều*, hát “Mười đóa hoa” vô cùng nhuần nhuyễn, luyến láy uyển chuyển, ngọt ngào quyến rũ. Mười lăm tuổi lên đài biểu diễn, một lần là nổi tiếng, lấy nghệ danh kêu “Khương Thập Ngũ”, luận tài năng tuyệt đối là hạng nhất, hơn nữa còn kết giao bằng hữu rộng rãi, mặc dù xuất thân không cao, nhưng luận phẩm vị, đám nghệ sĩ biểu diễn tạp kỹ cùng các tiền bối đều phải nể mặt hắn. Thời xưa, nghệ sĩ không thể quanh năm trú tại một nơi, tránh việc khán giả xem đến nhàm chán, cho nên phải thường xuyên di chuyển. Cõng đàn ba dây đến những vùng xung quanh thành Thiên Tân, một mình tự đàn tự hát cũng có thể sống qua ngày. Nếu đi xa, thông thường sẽ lập gánh hát, chuẩn bị từ kịch bản đến diễn viên, trang phục, đạo cụ .v.v…, trước tiên nói rõ phân chia thế nào, cái này kêu trước tiểu nhân sau quân tử, miễn sau này nổi lên tranh chấp. Mọi người đi thuyền ngồi xe, rong ruổi khắp nơi khoảng hai ba tháng. Kiếm được tiền đương nhiên vui mừng hớn hở, nhưng cũng có lúc thất bại trở về, trong túi không còn một xu, đành tự nhận mình xui xẻo.


*Uyên Ương Điều: điệu hát độc đáo chỉ có tại Thiên Tân, mang đậm nét đặc sắc của văn hoá dân gian địa phương.


Do cuộc sống bức bách, Khương Thập Ngũ cũng phải lăn lộn giang hồ, tuy nhiên muốn diễn Uyên Ương Điều trên phố, phải dùng ngôn ngữ địa phương để hát. Âm điệu không phù hợp sẽ không hát ra phong vị đó, người nghe cũng không biết thưởng thức. Không kiếm được tiền, đương nhiên bị khinh bỉ. Ngươi tức giận không phục, hát hay mấy cũng vô dụng, cho nên phải tìm cách. Thời điểm mãi nghệ ngoài phố, hắn thường hát mấy đoạn ngắn trước tiên. Vì sao không hát cả bài? Ví như “Tần Hương Liên”, “Áo trân châu”… ca từ nhiều, tiết tấu chậm, chưa hát được một nửa liền không ai nghe, nhất thiết phải là mấy trích đoạn như “Mong nhớ tình lang”, “Hận năm canh”, “Mẹ ghẻ đánh con chồng”… nội dung dễ hiểu, ca từ thông tục, còn cảm thấy vui tai. Chờ đến khi đông người qua đây xem, hắn sẽ bắt đầu bán “Thiên Kim Hoàn”. Đó là một loại thuốc viên bao gồm bạc hà/mật ong/cam thảo/sơn tra, cách làm vô cùng đơn giản, phí tổn cực rẻ, trên giang hồ gọi cái này là “Thiêu hán nhi” (tiếng lóng chỉ người bán thuốc). Người ngoài nghe không hiểu Uyên Ương Điều, chỉ tò mò muốn xem náo nhiệt, không có khả năng cho tiền, Khương Thập Ngũ chỉ có thể thông qua việc bán Thiên Kim Hoàn kiếm cơm ăn, tuy nhiên, bất luận thế nào cũng không thể nói từ “Bán”, nhất định phải kêu là tặng, bằng không người ta bỏ đi hết.


Thời xưa nghệ sĩ đúng là có bản lĩnh, ngoài miệng nói tặng nhưng thực chất lại khiến người móc hầu bao, mở miệng đều là mấy câu: “Các vị các vị, tại hạ mới đến quý bảo địa, xin múa rìu qua mắt thợ, hát một đoạn ngắn “Chàng rể ngốc”, nội dung kể về một thằng khờ đi bốc thuốc cho mẹ vợ, trong phương thuốc này có mấy thứ thật sự khó tìm. Là cái gì nào? Sừng cóc, bốn quả trứng vuông, bánh gạo làm bằng nước đái chim sẻ, phấn đắp mặt của Vương Mẫu nương nương, long bào của Ngọc Hoàng Đại Đế, còn thêm ba cây linh chi, năm quả đào tiên... Thầy thuốc giang hồ nói rằng: tìm được mấy vị thuốc này, mẹ vợ hắn mới giữ mạng, tìm không ra sẽ lập tức về chầu Diêm Vương…” Nói đến đây, người vây xem càng lúc càng đông, Khương Thập Ngũ lại khéo léo chuyển giọng, “Bài hát địa phương ca từ không dễ hiểu, ngài có thể kiên nhẫn nghe ta hát một đoạn, đó chính là ủng hộ ta, ta nên cảm ơn các ngài. Thế nhưng… cũng không thể cảm ơn suông, bằng không chính là chó xốc rèm cửa, toàn dựa vào mõm*, cho nên ta phải đưa ngài chút gì đó. Người ăn ngũ cốc tạp lương, không tránh khỏi đau ốm bệnh tật, đúng lúc ta mới từ Thiên Tân Vệ đến, mang theo mấy viên Thiên Kim Hoàn, xin được tặng không các vị! Thiên Kim Hoàn này của ta, dựa trên đơn thuốc cổ truyền của Gia Cát Lượng dùng lúc hành quân, dùng linh dược hóa giải độc tố trong cơ thể, mát gan bổ phổi. Có vị hỏi: Thiên Kim Hoàn này bán thế nào? Vừa rồi ta đã nói, một xu cũng không cần, xin được tặng không cho các vị! Mọi người đều biết, ba hoa khoác lác không thể tin, ngựa vẽ trên tường không thể cưỡi, củ tỏi không thể biến thành hoa thủy tiên, củ cải mọng nước cũng không thay thế được tuyết lê. Lăn lộn khắp nơi trên giang hồ, châu nào huyện nào ta chẳng quen thuộc? Ta không phải đồ ngốc, vì sao lại tặng không? Thứ nhất các vị đến ủng hộ ta, ta nhận ân tình này; thứ hai các vị dùng có hiệu quả, có thể thay ta truyền bá tên tuổi. Xưa có câu ‘cái nhỏ không đi, cái lớn không tới’, xin mượn lời vàng lời bạc từ các vị, để thuốc của ta được nhiều người biết, đến lúc đó bán cũng chưa muộn. Tới tới tới, ai muốn cứ việc dơ tay!” Ăn màn thầu không trả tiền đâu ngại xấu hổ? Đừng nói đến linh đan diệu dược, không mất tiền chính là của hời, già trẻ trai gái tranh nhau vươn tay lấy. Khương Thập Ngũ thấy mọi người đều chờ tặng Thiên Kim Hoàn miễn phí, lập tức móc ra một xấp giấy nhỏ, đặt lên tay mỗi người một tờ, sau đó nói: “Tuy nói tặng không, nhưng còn có ba điều kiện: trẻ con không thể, quá nhỏ không dùng được; câm điếc không thể, vì không giúp danh tiếng của ta la truyền; tăng đạo không thể, ta không có cái duyên này. Ngài xem, vị đại ca này hỏi, ngoại trừ “ba không thể”, mọi người ở đây đều có phần sao? Thật lòng mà nói, cũng không thể tính như vậy, bởi vì người quá đông, e thuốc không đủ. Nếu ngài có lòng, xin cầm tờ giấy này của ta, không nhiều không ít tròn 30 tấm. Ta chỉ đưa quân tử biết nhìn hàng, tiểu nhân vô tri hãy tránh xa, giá một viên Thiên Kim Hoàn vốn là mười xu, nếu có giấy thì một xu một viên, ai muốn mua mau đưa giấy cho ta!”


*Chó xốc rèm cửa, toàn dựa vào mõm: ý châm chọc kẻ chỉ biết khua môi múa mép, không có bản lĩnh thật sự, không có hành động thực tiễn.


Theo cách nói trên giang hồ, bán Thiên Kim Hoàn chính là làm ăn “tiền bằng”, nói trắng ra là tập hợp mọi người, dựa vào miệng lưỡi, khiến người ta cam tâm tình nguyện bỏ tiền mua; một cái khác là làm ăn “hậu bằng”, im lặng chờ đợi, nhìn trúng người trung thực, trước tiên dẫn tới nơi hẻo lánh, thi triển thủ đoạn “phiên cương điệp xử”, bằng mọi cách bòn rút tiền của đối phương. Còn có kẻ tâm địa xấu xa, khua môi múa mép, thao thao bất tuyệt, giải thích rõ ràng tình trạng bệnh lý, dụ dỗ người ta vào tròng, không khiến vị này táng gia bại sản quyết không bỏ cuộc. Khương Thập Ngũ vốn là nghệ nhân ca xướng, luôn giữ thân trong sạch, không làm chuyện phạm pháp, biểu diễn ngoài phố chợ/bán Thiên Kim Hoàn đã cảm thấy thẹn với sư môn, đói chết cũng không chịu lừa đảo, cho nên ngày thường kiếm được mấy đồng, miễn cưỡng mới đủ sống.


Nghệ nhân giang hồ coi bốn biển là nhà, dựa vào đôi chân, không địa phương nào không đến. Có lần, Khương Thập Ngũ đến chùa Đại Tướng Quốc phủ Khai Phong biểu diễn. Mấy năm trước Hoàng Hà vỡ đê, chùa Đại Tướng Quốc biến thành biển nước, sau khi lũ rút, đại điện sụp, tường viện đổ, hương khói cũng cắt đứt, trở thành nơi kiếm ăn của các nghệ nhân giang hồ. Tập trung đủ mọi thành phần từ Bắc xuống Nam, qua lại làm ăn buôn bán, hối hả ngược xuôi như đèn kéo quân, chen chúc xô đẩy, nghề nào cũng có.


Khương Thập Ngũ dừng chân tại một cửa hàng xe ngựa gần đó, nơi này tập trung không ít kẻ lưu lạc giang hồ, trong đó có một cô gái đánh đàn mãi nghệ. Quê quán thuộc Tam Hà - Trực Lệ, tuổi khoảng mười tám mười chín, thân hình mảnh mai, trắng trẻo sạch sẽ, khuôn mặt trái xoan, miệng như anh đào, đôi mắt hạnh long lanh ngấn nước, hai bím tóc dày đen nhánh, trên buộc hai sợi dây đỏ, trông giống như hai đốm lửa, vừa xuất hiện đã thu hút Khương Thập Ngũ. Cô gái này vốn theo cha mãi nghệ, nàng hát đại cổ thư (vừa hát vừa đánh trống), cha nàng gảy tam huyền cầm (đàn ba dây). Mấy ngày trước cha nàng bệnh nặng qua đời, không có người đánh đàn, nàng cũng không thể hát đại cổ thư. Trong lúc Khương Thập Ngũ nói chuyện với bạn, trông thấy cô gái mặc đồ tang trắng, bận rộn trong tiệm xe ngựa, không tránh khỏi hỏi thăm vài câu. Con gái giang hồ không giống như tiểu thư khuê các, hai người lại hợp tính, trao đổi qua lại, dần trở nên quen thuộc. Trò chuyện mới hay, nàng biết khá nhiều sách, kể cả mấy bộ lớn như “Dương gia tướng”, “Tiết gia tướng”, “Hô gia tướng”, cái này gọi là “Tam uyển tướng”, giang hồ kêu “Vạn tử hoạt”, không trải qua mấy năm khổ công tôi luyện tuyệt đối không hát được, ngoài ra còn thuộc làu làu những trích đoạn ngắn như “Quả phụ viếng mộ”, “Chuột cáo trạng mèo”, “Quách Cự chôn con”. Khương Thập Ngũ là kẻ đa tài, chơi đàn ba dây không hề thua kém, hai người liền kết nhóm biểu diễn trên con phố bên ngoài chùa Đại Tướng Quốc. Tuy cô gái này không biết chữ, nhưng đầu óc nhanh nhạy, không câu nệ quy tắc lề thói, gặp cái gì hát cái đó, còn rất hóm hỉnh nghịch ngợm, bất kể trên đài hay dưới đài, giọng nói ngọt ngào, câu chữ rõ ràng, vẻ ngoài tươi tắn, lấy nghệ danh là “Đại Áp Lê”, chẳng mấy chốc trở nên nổi tiếng. Đại Áp Lê hát đại cổ kiếm tiền, ngoài kỹ năng còn có chút mánh khoé, ví như hát “Dương gia tướng”, Dương Thất Lang đấu võ ở Miếu Thiên Tề, đánh chết Phan Báo, Phan Nhân Mỹ cáo trạng lên Điện Kim Loan, lão lệnh công Dương Kế Nghiệp trói Thất Lang, rút bảo kiếm muốn giết hắn… đang lúc gay cấn bỗng dừng lại không hát, cầm bát  dạo quanh một vòng xin tiền, cái này kêu “truyện càng giật gân càng dễ kiếm”, mọi người muốn nghe tiếp liền sôi nổi bỏ tiền, không ai rời đi. Hai người hợp tác kiếm được không ít, lâu ngày còn nảy sinh tình cảm, nam có tình nữ có ý, từ kết nhóm biến thành vợ chồng.





Thời xưa, nghệ sĩ thực không dễ kiếm sống, khắp nơi đều có bảo kê lũng đoạn thị trường, nào là Cổn địa long, Tọa địa hổ, Thô đại vương, Tế hắc thủ… toàn kẻ vô lại không biết xấu hổ, nghe truyện xem kịch không trả tiền, còn nhìn chằm chằm/quấy rối các nữ nghệ sĩ. Đại Áp Lê có vài phần tư sắc, thường bị du côn lưu manh đùa bỡn, sau khi lập gia đình, Khương Thập Ngũ không cho nàng xuất đầu lộ diện hát đại cổ. Cha mẹ Khương Thập Ngũ đều đã qua đời, nhưng tổ phụ Khương lão thái gia vẫn còn đó, bây giờ hắn lấy vợ, chỉ dựa vào chút thu nhập này không thể nuôi sống gia đình. Cũng vì nhiều năm lăn lộn giang hồ, hắn nhìn ra trong đó một số đường ngang ngõ tắt. Thời ấy, tại mấy phủ thành như Bảo Định - Trực Lệ, Thái Nguyên - Sơn Tây, Tế Nam - Sơn Đông, có thể đến những rạp hát, trà lâu lớn biểu diễn tiết mục, đều là nghệ sĩ có chút danh tiếng, nghệ nhân bình thường không được vào trong. Có điều, Thiên Tân Vệ là nơi ngọa hổ tàng long, có thể vững vàng dừng chân tại đây kiếm miếng ăn, trên người ai chẳng mang tuyệt kỹ? Nếu tìm mấy nghệ nhân giang hồ biểu diễn ngoài phố chợ, ví như lăn chum lớn, biến ảo thuật, hát đại cổ.v.v… hợp lại thành một chương trình tạp kỹ hoàn chỉnh, đến một số địa phương nhỏ biểu diễn, gánh hát ở nông thôn có thể so bì sao? Khương Thập Ngũ cảm thấy đây là cơ hội phát tài, tận dụng các mối quan hệ tích cóp được sau bao năm hành nghề, tổ chức một nhóm nghệ nhân kể dã thư, hát cổ khúc ra ngoài biểu diễn... Cho dù quanh năm vất vả ngược xuôi, hàng ngày chịu cực chịu khổ, bị người khinh thường, không có bất kỳ thứ gì bảo đảm, cũng hơn ở nhà làm nông, ít nhất còn để dành được chút tiền.


Lúc trước nhà họ Khương sống ở Nam môn, một gian phòng nhỏ rách nát, tám hướng lọt gió. Hiện giờ trong nhà thêm người, lại tích cóp được mấy đồng, vì thế muốn đổi chỗ ở. Thời xưa thành Thiên Tân chính là: “Bắc môn phú, Đông môn quý, Nam môn bần, Tây môn tiện”, khu vực phía Bắc thương nhân tụ tập, phần lớn toàn nhà cao cửa rộng, giá quá cao không thể với tới. Phía Tây còn không bằng phía Nam, vì là nơi tập trung nhà thổ kỹ viện, bên ngoài Tây môn lại là pháp trường với bãi tha ma, cô hồn chạy loạn, dã quỷ khắp nơi. Con người thường hướng đến chỗ cao, nếu dọn từ Nam môn qua Tây môn, thế chẳng phải càng sống càng tụt lùi sao?


Còn tiếp…

Total Pageviews

This Blog is protected by DMCA.com