Chương 3: KIM MẶT RỖ BÁN DƯỢC
3.
Ngũ Đấu Thánh Cô đăng đàn tác pháp trước cửa Thiết Sát Am khu vực Hầu Gia Hậu, dâng hương tế bái, bấm quyết niệm chú, bảo kiếm hóa thành một đạo hàn quang bay đi, chớp mắt đã quay lại, Thánh cô thu kiếm vào tay áo, từ trên không trung rơi xuống một cái đầu hồ ly, màu lông nhợt nhạt, chết không nhắm mắt, miệng sùi bọt máu, xem ra vừa mới bị cắt xuống, đám đông xung quanh trợn mắt há mồm, chẳng ai nói được câu nào. Ngũ Đấu Thánh Cô lấy ra một mảnh vải trắng, phủ lên đầu hồ ly, nói Yêu Hồ đã bị diệt trừ, không cần lo lắng. Thời đó vẫn còn nhiều người mê tín, thấy Yêu Hồ đã chết, thiện nam tín nữ dưới đài thi nhau quỳ sụp xuống, dập đầu bái lạy Thánh cô.
Hôm sau, tin Ngũ Đấu Thánh Cô dùng bảo kiếm chém Yêu Hồ trước cửa Thiết Sát Am đã lan truyền khắp thành Thiên Tân, vẫn nói trên đời có thần tiên, nhưng xưa nay ai đã từng gặp qua? Nay tận mắt chứng kiến, đây quả thực chính là thần tiên! Sau chuyện này, Ngũ Đấu Thánh Cô cũng không rời đi, ở lại Thiết Sát Am, tâm nguyện xây dựng một tòa bảo tháp, cung phụng bảo kiếm trừ yêu, theo lời Thánh cô, thanh kiếm này có tên “Tinh Đình Kiếm”, chính là cổ kiếm có từ cuối thời nhà Đường, chỉ cần hương khói liên tục, sẽ vĩnh viễn bảo hộ một phương bình an.
Thiên Tân Vệ rồng rắn lẫn lộn, phường hội bang phái phức tạp, tin đồn gì cũng có, chuyện về Ngũ Đấu Thánh Cô, có người tin cũng có người không tin. Không tin nói cô ta giả thần giả quỷ, gạt tiền người khác; tin thì dập đầu bái lạy, cung phụng cô ta như Bồ Tát sống. chính quyền không tiện nhúng tay, chỉ có thể mắt nhắm mắt mở cho qua, thiện nam tín nữ có tiền xuất tiền, có lực xuất lực, xây sửa lại Thiết Sát Am, người kéo đến thắp hương liên miên không dứt. Thánh cô chỉ ngồi thiền trong hậu đường, không để ý mọi việc diễn ra xung quanh, ai đến cũng không gặp.
Vẫn có câu “Tai nghe là giả, mắt thấy là thật”. Lưu Hoành Thuận nghe lời đồn, cảm thấy không thể tin nổi, tiên sinh kể chuyện từng nói, cuối thời nhà Đường có nhiều kiếm tiên, bay xa ngàn dặm lấy đầu người, nói là thế nhưng ai đã tận mắt chứng kiến? Chỉ biết, từ khi Ngũ Đấu Thánh Cô dùng bảo kiếm trừ yêu đến nay, trong thành đích thực không còn thứ gì quấy phá.
Một thời gian sau, hôm đó Lưu Hoành Thuận cùng Đỗ Đại Bưu đi ăn sáng ở cửa sông Tam Xóa, thấy bên bờ có người bán cá ươn tôm thối. Khu vực này đông dân nghèo, bán cá ươn tôm thối cũng không có gì lạ, tất cả đều được vớt từ dưới sông lên, cá nhỏ tôm tép thứ gì cũng có, chẳng cần chọn lựa, cứ đổ thẳng vào thùng gỗ mà bán, mua bao nhiêu cân sẽ được báo giá, gọi là cá ươn tôm thối, vừa nhỏ lại vừa vụn, nhưng cũng không phải đồ bỏ đi, nấu lên ăn không chết người, bởi giá rẻ nên trước giờ không thiếu người mua. Bên cạnh người bán cá có một đứa nhỏ, trông bộ dáng chừng năm sáu tuổi, quần áo trên người vừa bẩn lại vá chằng vá đụp. Thời điểm Lưu Hoành Thuận đi ngang qua, liếc mắt nhìn một cái, chợt phát hiện có điều không thích hợp, đứa nhỏ quần áo rách rưới, con nhà nghèo có đồ mặc đã là không tồi, bất quá chân trái nó đi giày vải cũ sờn, chân phải lại xỏ chiếc giày đầu hổ, hoa văn thêu chỉ vàng rất bắt mắt, bên trên còn đính nút bạc, giày như vậy ít nhất cũng hai ba đồng bạc một đôi, dân nghèo xưa nay đâu dám mua. Lưu Hoành Thuận thấy không vừa mắt, lập tức tiến lên tra hỏi: một người bán cá ươn tôm thối bên bờ sông, ngày có thể kiếm được mấy đồng? Sao có thể mua cho con giày tốt như vậy? Huống chi giày chỉ có một chiếc, rốt cuộc là bắt cóc trẻ con hay ăn trộm giày?
Người bán cá thấy là Lưu Hoành Thuận, nào dám giấu giếm, vội vàng kể lại hết thảy sự tình. Trước giờ anh ta luôn an phận làm ăn buôn bán, cách đây mấy hôm xuống sông thả lưới, trông thấy một vật lập lờ dưới nước, trăng trắng giống hệt củ sen, trong lòng liền cảm thấy kỳ quái, từ khi nào cửa sông Tam Xóa lại mọc ra thứ này? Anh ta dùng gậy khều lại xem, thì ra là một cái đùi người, ngâm dưới nước đến trắng bệch trương phình, cơ hồ đã bị cá rỉa nham nhở, bàn chân còn xỏ chiếc giày đầu hổ, có thể thấy đây là xác của một đứa trẻ. Người bán cá không để tâm chuyện này, thời đó người ta thường ném xác trẻ con xuống sông, cho nên anh ta không hề kinh hãi, cảm thấy chiếc giày này khá đẹp, chỉ là không đủ đôi, chẳng bán được, ném đi lại tiếc, con anh ta trước giờ chưa từng dùng đồ tốt như vậy, vì thế lấy giày cho con đi.
Lưu Hoành Thuận hỏi rõ ngọn nguồn, bảo người bán cá đưa mình chiếc giày, mang về Đồn cảnh sát Hỏa Thần Miếu, đặt lên bàn xem xét nửa ngày, chỉ thấy chiếc giày màu đỏ đế trắng viền chỉ vàng, mặt trên thêu một cái đầu hổ, há miệng khoe răng nanh sắc nhọn, hai mắt đính hai cái khuy bạc, không phải sư phụ tay nghề lâu năm trong thành sẽ không làm được, đứa trẻ đi đôi giày này chắc chắn sinh ra trong một gia đình khá giả. Theo phong tục thời xưa, trẻ con chết yểu không được chôn trong phần mộ tổ tiên, tuy nhiên nếu đứa trẻ là con nhà giàu, thông thường họ sẽ tìm nơi khác an táng, hay đưa vào chùa miếu cung phụng, sao có thể ném xuống sông thế này? Lưu Hoành Thuận càng nghĩ càng thấy bất hợp lý, không tra được manh mối gì, trong lòng bứt rứt khó chịu, dứt khoát mang giày đầu hổ vào thành, tìm hiểu nguồn gốc, xem đây là con cái nhà ai.
Việc này cũng không khó điều tra, phàm những nơi làm ăn buôn bán tại Thiên Tân Vệ, đều có các phường hội bang phái nắm giữ, muốn biết chiếc giày này xuất xứ từ đâu, có thể trực tiếp tìm người của hiệp hội làm giày. Bọn họ xem chiếc giày đầu hổ, nói với Lưu Hoành Thuận rằng: chỉ có sư phụ ở “Đồng Thăng Hoà” mới làm được. Lưu Hoành Thuận lại đến “Đồng Thăng Hoà” hỏi thăm, được biết cửa tiệm đã làm tổng cộng hai đôi giày đầu hổ, sau đó được ông chủ Chu mua hết. Lưu Hoành Thuận cẩn thận suy xét, thấy cũng không đúng, ông chủ Chu là người có tiền, thuộc hạ cũng không ít, hiềm nỗi hai vợ chồng già không có con cái, mua hai đôi giày lão hổ cho ai đi đây?
Đồng Thăng Hoà - thương hiệu lâu đời nổi tiếng tại Thiên Tân, chuyên kinh doanh mũ và giày từ năm 1902 cho đến tận ngày nay.
Lưu Hoành Thuận thầm nghĩ, nếu cứ mang giày đầu hổ đến tận nơi tra hỏi, không chừng sẽ gặp phiền phức, bởi “Giày” đồng nghĩa với “Tà”, nhà giàu kiêng kị nhất thứ này, mặt khác ông chủ Chu không con không cái, lại mua hai đôi giày đầu hổ của trẻ con, trong đó tất có ẩn tình, hỏi cũng sẽ không nói, ngược lại rút dây động rừng, vì thế sai “Liễu Cao Nhi” ra ngoài dò tin. Nào hay tra tới tra lui, kẻ trên người dưới nhà họ Chu đều kêu không biết. Lưu Hoành Thuận tuy sốt ruột, nhưng cũng không thể làm gì được. Có điều “Nếu muốn người không biết, trừ phi mình đừng làm”, trên đời này không có ngọn gió nào không lọt qua khe tường, giấy rốt cuộc cũng không gói được lửa. Nhà họ Chu có tên kéo xe, do thiếu nợ cho nên nhân lúc đêm khuya thanh vắng, chui vào nhà chủ ăn trộm, vô tình nghe được câu chuyện giữa vợ chồng bọn họ. Mấy ngày sau, trong lúc mang tang vật ra ngoài tẩu tán, bị “Liễu Cao Nhi” nhìn ra manh mối, liền lân la dò hỏi. Phu xe vì muốn xin Lưu Hoành Thuận tha cho mình con đường sống, đành ngoan ngoãn kể lại mọi chuyện. Lúc này Lưu Hoành Thuận mới biết, thì ra ông chủ Chu mua tới hai đôi giày đầu hổ, đưa đến Thiết Sát Am! Cái này ứng với câu “tai vách mạch dừng”. Muốn biết chuyện tiếp theo thế nào, xem phần sau sẽ rõ.
Còn tiếp…