TRUYỆN ĐƯỢC DỊCH HOÀN TOÀN MIỄN PHÍ, NHẰM THỎA MÃN NHU CÂU ĐỌC TRUYỆN CÁ NHÂN.


XIN VUI LÒNG KHÔNG MANG BẢN DỊCH ĐI NƠI KHÁC HAY SỬ DỤNG CHO MỤC ĐÍCH THƯƠNG MẠI KHI CHƯA CÓ SỰ ĐỒNG Ý CỦA CHỦ TRANG.



CÁM ƠN!!!

HT 1.1




Chương 1: SÚNG BẮN MỸ NHÂN ĐÀI


1.

Cửa sông Tam Xóa có kỳ nhân,
Trời sinh tính nóng lửa phừng phừng;
Cửu Hà xưa nay nhiều dị sĩ,
Kẻ hèn sao lại dám xưng thần?


Vài câu dẫn đề của bộ truyện “Hỏa Thần: Cửu Hà long xà”. 


Trong sách có nói, địa phương này Đông giáp Bột Hải, thời xưa gọi là Trần Đường Quan. Sau này, Minh Thành Tổ Chu Lệ lập Thiết Vệ tại đây, đóng quân tồn lương, đổi tên thành Thiên Tân Vệ. Cách thành Bắc Kinh 240 dặm, nơi tập trung kênh đào Bắc - Nam, hai bên bến tàu, trăm nghề hội tụ, chính là đầu mối lưu thông tiền bạc lương thực bậc nhất, bất kể giàu nghèo đều có thể kiếm miếng ăn ở đây. Có bản lĩnh thì ăn thịt, không bản lĩnh thì húp cháo, chỉ cần bỏ công bỏ sức, khẳng định không bị chết đói. Nếu muốn kiếm cái danh hiệu để được cơm ngon rượu say, không có năng lực không làm được, hay như dân chúng thường nói “phải có tài hoa hơn người”. Từ cuối triều Thanh đến nay, người tài ba ở Thiên Tân Vệ được gọi là “Thất Tuyệt Bát Quái”, ví như Khiêng đỉnh - Đỗ Đại Bưu, Súng vàng - Trần Mặt Sẹo, Bán nước sôi - Vương Bảo Nhi, Lưu manh côn đồ - Thiếu Gia Ngốc, Đào mồ quật mả - Tôn Tiểu Xú Nhi, Làm trò ảo thuật - Dương Già Thiên, Phá tang lễ - Lưu Đại Chủy, Đi Âm - Trương Mù, Canh cửa thành - Thường Đại Biện Tử, Kể chuyện lề đường - Tịnh Nhai Vương, Cờ bạc bịp - Phùng Qua Tử, Cướp đường - Bạch Tứ Hổ, Nạo sông - Lạp Tháp Lý, Cạo đầu - Thập Tam Đao, Kỹ nữ - Dạ Lý Hoan, Dạy khỉ làm xiếc - Liên Hóa Thanh, Bán thuốc rong - Kim Mặt Rỗ, Khóc tang thuê - Thạch Quả Phụ.v.v... ai chẳng có bản lĩnh riêng, trong đó có chính có tà, có thiện có ác, có người sinh ra lớn lên tại địa phương, cũng có người đến từ bến tàu Thiên Tân Vệ, cuối cùng thành danh tại Cửu Hà. Tuổi tác bất đồng, người cũng không giống nhau, nếu kể hết, xem chừng cũng đến hơn trăm vị.

Thế mới nói “Thịt có chỗ nạc chỗ mỡ, người cũng có dăm bảy loại”, nhân thượng hữu nhân, thiên ngoại hữu thiên, kỳ nhân dị sĩ Thiên Tân Vệ nhiều vô số kể, trên “Thất Tuyệt Bát Quái” còn có “Tứ Thần Tam Yêu”, đây cũng không phải tự phong, mà là được dân chúng bá tánh đặt tên. “Tứ Thần” chính là Tứ Đại Kỳ Nhân cuối thời nhà Thanh đến những năm 50-60 thế kỷ 20, sự tích về bốn người bọn họ rắc rối chằng chịt, thường được người xưa gom lại mà kể, người này truyền người kia, bởi vậy mới gọi chung là “Tứ Thần”, bao gồm: Biệt tài tầm bảo - Đậu Chiêm Long, Hàng yêu bắt quái Thôi Lão Đạo, Phá án vô số Quách Đắc Hữu, Truy hung nã tặc Lưu Hoành Thuận. Trong đó tuỳ tay lấy ra bất kỳ vị nào, cũng có thể kể được một bộ truyện. “Tam Yêu” sẽ lần lượt xuất hiện trong sách, nói đầy đủ hơn, sẽ là “Tứ Thần đấu Tam Yêu“. “Hỏa Thần” là một trong số đó, nói về Trưởng đồn cảnh sát Hỏa Thần Miếu - Lưu Hoành Thuận.

Vị Lưu gia này tính nóng như lửa, ghét cái ác như kẻ thù, trời sinh đôi chân chạy cực nhanh, cả đời phá rất nhiều đại án, bắt vô số kẻ hung ác, dân gian tương truyền người này là Hỏa Thần hạ giới. Anh ta công tác tại Đồn cảnh sát Hỏa Thần Miếu - cửa sông Tam Xóa, Lộ thủy - Vệ thủy hợp dòng tại đây, đổ ra biển, hai con sông màu sắc không pha tạp, có trong có đục. Trong sách ghi rõ rành rành, không thể nói là đồn bậy, vậy cửa sông Tam Xóa sao lại có Hỏa Thần Miếu? Bởi trước kia bên bờ sông có thôn “Hỏa Thần Miếu”, trong thôn không có người khác họ, ai cũng mang họ Lưu, phần lớn đều có quan hệ họ hàng, dựa vào tay nghề làm pháo mà kiếm sống. Phải nói, pháo đốt được sử dụng vô cùng rộng rãi, ngày lễ ngày tết, tang sự cưới hỏi, mua bán khai trương, cúng tế nhập trạch, đến hòa thượng lão đạo khai đường tác pháp cũng đều dùng tới, hôn sự dùng Hỷ Pháo, tang lễ dùng Tố Pháo. Trong thôn nhà nào cũng là xưởng pháo, có to có nhỏ, pháo làm ra có ngắn có dài, phóng cao, bắn xa… tóm lại, muốn cái gì có cái nấy, làm ăn vô cùng phát đạt. Sở dĩ người làm pháo tập trung sống tại đây, cũng vì vùng này đất mặn tính kiềm, chẳng thể trồng được hoa màu, chỉ có mỗi Tiêu thạch (hay còn gọi là đá Tiêu), làm hỏa dược chú ý: nhất lưu nhị tiêu tam mộc thán (Lưu ở đây chính là lưu huỳnh, Tiêu là đá Tiêu, Mộc Thán là than củi), đá Tiêu địa phương phối ra hỏa dược, làm thành pháo đốt đặc biệt giòn vang, hơn nữa nơi này gần sông nước, dễ dàng cho việc phòng cháy chữa cháy. 


Thôn Hỏa Thần Miếu ngoại trừ nổi tiếng với nghề làm pháo, còn có không ít người biết võ, thời xưa luyện võ phải có môn có phái, được sư phụ truyền thụ, chia làm 5 Tông - 13 Phái - 81 Môn hộ, Nam quyền Bắc cước, đao thương côn bổng đều được kế thừa, tuy nhiên người dân nơi này chẳng thuộc về bất kỳ môn phái nào cả, càng không nằm trong 81 ban võ nghệ, nói dễ nghe một chút thì gọi là tự lập môn hộ, nói thẳng ra thì chính là kỹ năng biểu diễn, không môn không phái, ấy vậy công phu lại không hề thua kém. Bình thường các thôn dân đều tập trung làm việc, không có việc liền luyện võ, mới đầu chỉ vì chống lại cường đạo, sau này áp dụng năng lực vào việc chế tạo pháo đốt, thao tác chân tay càng thêm nhanh nhẹn, chú trọng lực đạo, mỗi chiêu mỗi thức đều được vận dụng hiệu quả. Bởi thế, pháo của thôn Hỏa Thần Miếu được nhồi rất đều, vỏ pháo quấn chặt, bắt lửa rất nhanh, vừa giòn lại vang, không quả nào bị xịt. Dựa vào hệ thống kênh đào chằng chịt, vận chuyển đường thuỷ tiện lợi, từ Bắc Kinh cho đến Giang Nam, tiêu thụ khắp nơi, có thể nói lừng danh xa gần. Vì thế có câu đối, vế trên là “Nam Thông Châu - Bắc Thông Châu, Nam Bắc Thông Châu thông Nam Bắc” *, đây chính là nói về Đại Vận Hà, Bắc Thông Châu ở Bắc Kinh, Nam Thông Châu ở Giang Tô, hai Thông Châu kết nối bằng mậu dịch kênh đào, có thể nói là được trời ưu ái. Bởi làm nghề buôn bán pháo đốt, liên quan đến Lửa, người trong thôn góp tiền, xây một ngôi Miếu cạnh cửa sông Tam Xóa gọi là Hỏa Thần Miếu, trong Miếu cung phụng thần tượng của Hỏa Đức Chân Quân, cầu cho buôn bán thuận lợi, bảo hộ một phương bình an.


Bonus:

2 vế hoàn chỉnh của câu đối:


Nam Thông Châu, Bắc Thông Châu, Nam Bắc Thông Châu thông Nam Bắc


Đông vận hà, Tây vận hà, Đông Tây vận hà vận Đông Tây


Hỏa Đức Chân Quân cai quản việc chế tạo & sản xuất Lửa trong thiên hạ, dân gian gọi là Hỏa Thần. Có người nói Hỏa Thần là hóa thân của Toại Nhân - một trong Tam Hoàng (Tam Hoàng trong Tam Hoàng Ngũ Đế), Toại Nhân là người sáng tạo ra Lửa, nhờ đó mà con người không phải ăn thịt sống như các loài cầm thú, đời sau xưng là “Hỏa Tổ”; có người nói Hỏa Thần là Chúc Dung, Chúc Dung không phải tên người mà là danh hiệu, còn được gọi là Hỏa Chính - chức quan trông coi việc Lửa thời thượng cổ; cũng có người nói đó là Giới Tử Thôi trung quân ái quốc, xưa kia vì cứu mẹ trong biển lửa mà thiệt mạng; còn có người quả quyết nói Hỏa Thần chính là Na Tra Tam Thái Tử, bởi tượng trong miếu mặc kim khôi kim giáp, ba đầu sáu tay, dưới lòng bàn chân đạp một đôi Phong Hỏa Luân.

Cho dù thế nào, cũng đều nói được căn nguyên, có đạo lý riêng, không biết được đâu là nguồn gốc chính. Bất quá, trong nhà dân chúng bình thường, chẳng ai dám cung phụng Hỏa Thần Gia, bởi đa số phòng ốc ngày xưa đều được làm bằng gỗ, sợ nhất gặp phải hoả hoạn, tục ngữ có câu “Hỏa thiêu đương nhật cùng” - Lửa cháy coi như tàn đời, cho dù là kẻ có tiền, cũng không chịu nổi lửa cháy một phen, chớp mắt hết thảy tan thành tro bụi. Trước giờ đa số người dân vẫn thờ cúng Táo Quân, Thần Tài, còn Thần Lửa thì chỉ biết cung kính từ xa, vạn nhất xảy ra chuyện, tránh không kịp, trốn không xong, sao dám rước vào trong nhà?

Thực ra trong dân gian, các ngành nghề cung phụng Hỏa Thần cũng không ít, làm pháo chính là một trong số đó, còn lại có thể kể đến: nung gạch, rèn đúc, bán than, ủ rượu.v.v... phàm những nhà dùng lửa kiếm cơm, đều thuộc chữ Hoả, phải cầu Hỏa Thần Gia phù hộ. Hỏa Thần Miếu mỗi nơi một khác, có lớn có nhỏ, phong tục khác biệt, thần tượng cung phụng trong miếu cũng không giống nhau. Chúng ta không đề cập tới nơi khác, chỉ nói đến ngôi miếu Hỏa Thần tại cửa sông Tam Xóa, miếu thờ không lớn, nhưng cũng không kém phần trang nghiêm, gạch đỏ ngói đỏ, xà lim cột trụ cũng màu đỏ, thoạt nhìn chẳng khác gì biển lửa. Trên bệ thờ chính giữa đại điện là một tượng thần ba đầu sáu tay, khuôn mặt đỏ au, đầu báo mắt rực lửa, mỗi tay nâng một ngọn âm dương hỏa, anh minh thần võ, oai phong lẫm liệt. Bên dưới là bốn tượng Hỏa Thú, một là Phún Hỏa Long, toàn thân vảy vàng lấp lánh, mặt có màu trắng; hai là Tị Hoả Trư, mặt heo bằng đất nung màu xanh, thân mặc áo choàng đen, đầu đội mũ hình heo; ba là Thực Hỏa Hầu, mõm chu tai vểnh, trông giống như khỉ, thân mặc hoàng bào; bốn là Vi Hỏa Hổ, mặc áo bào võ tướng màu trắng, đầu đội mũ Lão Hổ. Dưới toà hai vị Hỏa Đồng Tử, một trái một phải, chia nhau cầm Hoả Kiếm - Hỏa Xà, trước cửa có Tướng Quân canh điện, phía sau là Lão Quân trông đèn.

Tương truyền trưởng đồn cảnh sát Hỏa Thần Miếu - Lưu Hoành Thuận, chính là vị thần trong ngôi Miếu này hạ giới, đơn giản cũng chỉ có hai tay hai chân, hai bả vai một cái đầu, là hạng phàm phu tục tử ăn ngũ cốc hoa màu, một trưởng đồn cảnh sát có tài đức gì, dựa vào đâu mà dám xưng Hỏa Thần?


(Còn tiếp)

Total Pageviews

This Blog is protected by DMCA.com