TRUYỆN ĐƯỢC DỊCH HOÀN TOÀN MIỄN PHÍ, NHẰM THỎA MÃN NHU CÂU ĐỌC TRUYỆN CÁ NHÂN.


XIN VUI LÒNG KHÔNG MANG BẢN DỊCH ĐI NƠI KHÁC HAY SỬ DỤNG CHO MỤC ĐÍCH THƯƠNG MẠI KHI CHƯA CÓ SỰ ĐỒNG Ý CỦA CHỦ TRANG.



CÁM ƠN!!!

*Lời Dẫn




LỜI DẪN

Thời xưa, Thiên Tân Vệ xuất hiện bốn kỳ nhân. Một vị là cảnh sát đường sông - “Hà Thần” Quách Đắc Hữu, phá vô số kỳ án; Thứ hai là trưởng đồn cảnh sát Hỏa Thần Miếu - Lưu Hoành Thuận, có đôi chân dẻo dai chạy cực nhanh (hay còn gọi là Phi Mao Thối); Thứ ba là biệt tài tầm bảo Đậu Chiêm Long; Vị thứ tư là người viết Ương Bảng - Thôi Lão Đạo, giỏi việc hàng yêu bắt quái.

Mở đầu “Vô Chung Tiên Cảnh” nói về Thôi Lão Đạo, sau này bày quán ở cổng thành phía Nam chuyên xem bói cho người ta, trước biến cố Canh Tý*, ông ta làm người trông nom hương hỏa tại một ngôi miếu rách nát trong mộ phần nhà họ Dư, kiếm sống bằng nghề viết Ương Bảng.

(*Biến cố Canh Tý(1900-1901): cuối thời nhà Thanh, triều đình hủ bại, các cường quốc phương Tây chèn ép khi dễ, bá tánh căm phẫn nổi dậy tạo thành phong trào Nghĩa Hoà Đoàn. Liên quân tám nước gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Đức, Nhật, Ý, Áo mở rộng xâm lược Trung Quốc, đàn áp khởi nghĩa, bắt đầu từ tô giới Thiên Tân, sau đó tấn công thẳng vào thành Bắc Kinh)

Có người sẽ hỏi: “Ương Bảng là gì?”

Ương Bảng còn gọi là “Ương Chỉ”, ngày nay nếu nói Ương Bảng hoặc Ương Chỉ, không những không ai biết, mà nghe qua e cũng không nhiều lắm. Cách đây lâu lắm rồi, có một dạng Âm Dương tiên sinh chuyên viết Ương Bảng cho người chết, thường sẽ do người trong đạo môn làm, đến tận những năm cuối triều nhà Thanh, vẫn còn có người kiếm cơm bằng nghề này. Thời xưa “Hội, Môn, Đạo” có rất nhiều, các bang hội, môn phái, tông giáo trên giang hồ đều được gọi chung là “Hội, Môn, Đạo”. Người Thiên Tân Vệ thời đó dù không nhập hội giáo, cũng không có nghĩa không tin vào giáo lý, lâu ngày quen miệng thành câu: “Tại giáo, tại lý, tại đạo môn”, tại lý chính là chỉ nhập lý giáo Bạch Y Đạo. Mà người trong đạo môn, phần lớn là Hoả Cư Đạo hoặc Thiên Sư Đạo, Ương Chỉ thông thường đều do bọn họ viết.

Hiện giờ nói đến việc viết Ương Bảng, mọi người đều cho rằng hết thảy chỉ là mê tín, cũng do bị thất truyền quá nhiều năm, số người tin vào thứ này chẳng còn lại là bao. Trước tiên chúng ta nói, cái gì là Ương Chỉ. Ương ở đây chính là tai ương, nói trắng ra thì có ý chỉ sự xui xẻo, xuất phát từ Kinh Dịch, trong đó có ghi: “Người làm việc thiện, tất có phúc báo; kẻ làm điều ác, tất gặp tai ương.”

Theo truyền thuyết, con người sau khi chết, trong tử thi sẽ có một luồng oán khí, oán khí này gọi là “Ương”, cần phải chờ đến khi oán khí tan hết mới có thể nhập thổ vi an, ngôn ngữ trong nghề gọi là “Xuất ương”. Sau khi chết mấy ngày mới Xuất ương, tùy thuộc vào từng người mà dài ngắn khác nhau, có khi dăm ba ngày, cũng có khi bảy tám ngày. Người sống kiêng đụng chạm với oán khí của người chết, nhẹ thì xui xẻo, nặng thì bỏ mạng. Trong xã hội cũ, phàm là nhà có tang sự, đều phải bỏ tiền mới Âm Dương tiên sinh viết “Ương Bảng”. Ương Bảng này không phải Âm Dương tiên sinh nào cũng có thể viết, cũng phải để quan phủ chấp nhận mới được. Âm Dương tiên sinh sẽ viết rõ trên Ương Chỉ: người này chết vào giờ nào, chết như thế nào, khi nào Xuất ương, hạ táng vào ngày tháng năm nào, coi như một tờ biên nhận, tương đương với giấy “Chứng nhận tử vong”. Người không được Âm Dương tiên sinh viết Ương Chỉ, có nghĩa chết không rõ nguyên nhân, nhất định phải báo quan.

Thời đó, đưa quan tài ra khỏi thành chôn cất, đều phải đi qua cổng thành, các cổng thành đều có quân lính canh gác, kiểm tra người sống cũng như người chết. Không xuất trình được Ương Bảng, đừng hòng mang quan tài ra khỏi thành. Lấy ví dụ: trên Ương Bảng ghi rõ chết đuối bỏ mạng, nhưng mở quan tài lại thấy là bị đao đâm chết, hai bên kiểm tra đối chiếu không ăn khớp, coi như không xong, kẻ nào viết Ương Bảng, kẻ đó sẽ bị kiện. Có thể thấy, viết Ương Bảng cũng được coi là một nghề, được pháp luật công nhận, chứ không chỉ là phong tục mê tín dị đoan.

Thôi Lão Đạo viết Ương Bảng tại ngôi miếu nát trong mộ phần nhà họ Dư, trước cửa miếu thường để chiếu cỏ, cuộn bên trong đều là “Lộ đảo”, cũng chính là thi thể của người chết ven đường, không ai thừa nhận, được người dân đưa đến ngôi miếu này, nhờ Thôi Lão Đạo viết một tờ Ương Bảng, chết nhiều nhất vẫn là chết đói, cần phải lưu lại hồ sơ, sau đó mới để Hội Từ Thiện mang đi chôn cất. Cho nên mới nói, viết Ương Bảng cũng phải biết xem người chết, nhìn ra người ta chết như thế nào, mới có thể viết được một tờ chứng nhận thật chuẩn.

Thôi Lão Đạo chỉ là một lão đạo nghèo, tuy bản lĩnh không nhỏ, nhưng lại thường xuyên gặp xui xẻo, còn liên lụy không ít người. Mọi người đều cho rằng, đó là do ông ta viết quá nhiều Ương Bảng, vì thế sau lưng vẫn gọi là “Ương Thần”.


Thiên Tân 2014

Total Pageviews

This Blog is protected by DMCA.com